Du lịch Nhật Bản đang sôi động trở lại sau khi chính phủ nước này nới lỏng các hạn chế nhập cảnh do Covid-19 đối với du khách Trung Quốc.
Du khách Trung Quốc là một nguồn thu khổng lồ của du lịch Nhật Bản
1. Nhật Bản dỡ bỏ lệnh xét nghiệm Covid-19 với riêng du khách Trung Quốc
Mới đây, chính phủ Nhật Bản cho biết đất nước này đang nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với khách du lịch từ Trung Quốc. Lệnh nới lỏng này được áp dụng vào 1/3 và khi đó, Nhật Bản chỉ kiểm tra ngẫu nhiên du khách Trung Quốc nhập cảnh vào nước này.
Du khách Trung Quốc chờ xét nghiệm Covid-19 sau khi đến sân bay quốc tế Kansai.
Tuy nhiên, chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay vẫn được yêu cầu. Ngoài ra, các chuyến bay thẳng từ Trung Quốc – hiện chỉ được phép hạ cánh tại Narita (Tokyo), Haneda (Tokyo), Chubu (Nagoya) và Kansai (Osaka) – sẽ được mở rộng sang các sân bay khác ở Nhật Bản. Các hãng hàng không cũng được phép cung cấp dịch vụ thường xuyên hơn.
Trung Quốc, quốc gia đã dỡ bỏ chính sách “không Covid-19” vào tháng 12, trước đó đã trả đũa các biện pháp biên giới chặt chẽ hơn do Nhật Bản và Hàn Quốc áp đặt bằng cách tạm thời đình chỉ thị thực ngắn hạn cho công dân của hai nước. Hiện tại, Trung Quốc đã nối lại việc cấp thị thực đối với du khách Nhật Bản.
Hàn Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh đối với khách du lịch ngắn hạn từ Trung Quốc kể từ đầu tháng 1, khi các quan chức nhận thấy đại dịch ở Trung Quốc đã ổn định.
Nhật Bản có kế hoạch nới lỏng phần lớn các yêu cầu đeo khẩu trang vào ngày 13/3 và để các cá nhân tự quyết định. Nước này cũng sẽ hạ cấp Covid-19 xuống mức tương đương với bệnh cúm theo mùa vào tháng Năm.
Việc nới lỏng nhập cảnh nhằm thúc đầy nhu cầu du lịch quốc tế trong đó có Trung Quốc, theo thông tin Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết khoảng 9,6 triệu người Trung Quốc đã đến thăm Nhật Bản vào năm 2019, chi tiêu tổng cộng 1,7 nghìn tỷ yên (12,5 tỷ USD). Các hạn chế nới lỏng dự kiến sẽ đẩy nhanh sự trở lại của những khách du lịch chi tiêu lớn.
2. Thiếu hụt lao động diện rộng
Làn sóng du khách từ Trung Quốc có thể gây thêm áp lực cho ngành du lịch Nhật Bản vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt lao động trên diện rộng. Các doanh nghiệp Nhật đang phải nỗ lực để theo kịp tốc độ tăng trưởng du lịch sau khi chính phủ lần đầu tiên loại bỏ hầu hết hạn chế nhập cảnh liên quan đến Covid-19.
Các khách sạn và nhà hàng của Nhật Bản đã phải vật lộn để thuê nhân công để đáp ứng sự phục hồi của ngành du lịch.
Nhiều nhân viên tại các khách sạn và các doanh nghiệp tập trung vào du lịch trước đó đã chuyển nghề do đại dịch. Trong số hơn 10.000 nhà nghỉ và khách sạn được khảo sát bởi công ty nghiên cứu Teikoku Databank vào tháng 1, 77,8% cho biết họ không có đủ nhân viên toàn thời gian, trong khi 81,1% nói rằng họ không có đủ nhân viên bán thời gian và làm việc theo giờ không thường xuyên.
“Có sự thiếu hụt nhân sự kỷ lục, thậm chí so với năm 2019 trở về trước trong thời kỳ bùng nổ du lịch của Nhật Bản”, Teikoku Databank cho biết.
Chuỗi nhà hàng nổi tiếng Kiwamiya tại Fukuoka đã phục vụ khoảng 400 thực khách chỉ trong một ngày. Hơn 80% khách quen là du khách đến từ Hàn Quốc. Đại diện nhà hàng cho biết: “Lượng khách đã tăng lên kể từ khi Nhật Bản nới lỏng các hạn chế nhập cảnh. Chúng tôi không thể theo kịp với đội ngũ nhân viên hiện tại của mình”.
Khu nghỉ dưỡng Kanucha Bay Resort đã không thể phục vụ du khách nước ngoài do thiếu nhân viên. Takehiro Shiraishi, chủ tịch của công ty điều hành khách sạn có trụ sở tại Okinawa, cho biết: “Chúng tôi buộc phải tập trung vào khách nội địa vì không có đủ nhân lực”.
3. Giải pháp tình thế
Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, khoảng 1,5 triệu người đã đến thăm đất nước mặt trời mọc vào tháng 1, bằng 55,7% so với lượng khách cùng kỳ năm 2019, gấp 84 lần so với tháng 1/2022. Đất nước này tiến gần đến mốc đón 20 triệu lượt khách năm nay, một con số chưa từng thấy kể từ năm 2019. Du lịch nội địa dự kiến cũng sẽ tăng trong kỳ nghỉ Tuần lễ vàng của Nhật Bản vào tháng 5.
Làng Ouchi-juku ở Fukushima.
Yuzawa, một thị trấn ở tỉnh Niigata, đang hợp tác với một công ty startup để kết nối những người lao động. Hơn 700 lao động đã đăng ký và nhận được việc làm.
“Ngày càng có nhiều người đến làm việc cho chúng tôi thường xuyên”, một khách sạn địa phương cho biết. Chính quyền Hokkaido vào tháng 1 cũng đã bắt đầu cung cấp 100.000 yen cho các khách sạn và doanh nghiệp khác đang thiếu lao động nghiêm trọng, cũng như cho những lao động mới.
Nhằm thu hút du khách quốc tế và thúc đẩy nền kinh tế, Đài Loan đang có kế hoạch tặng cho khách du lịch 165 USD mỗi lần đến đảo nhằm kích cầu du lịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hòn đảo này.
Mở cửa du lịch là cú nổ lớn cho nền kinh tế toàn thế giới. Nhưng giá vé máy bay tăng khiến du khách quốc tế dè chừng với những chuyến đi xa. Do vậy, các điểm đến trên thế giới đang triển khai nhiều chương trình thu hút du khách.
Tham gia mùa lễ hội vào tháng 3 khi đến Đài Loan
Lãnh đạo Đài Loan, ông Chen Chien-jen, đã đưa ra công bố vào ngày 23/2 rằng quốc gia này đặt mục tiêu thu hút 6 triệu khách du lịch vào năm nay, tăng gấp đôi con số đó vào năm 2024 và hướng tới 10 triệu du khách vào năm 2025. Trước đại dịch, du lịch chiếm khoảng 4% GDP của Đài Loan, theo cơ quan du lịch Đài Loan.
Nhằm thúc đẩy mục tiêu du lịch, Đài Loan sẽ tặng 5.000 Đài tệ (khoảng 165 USD) cho 500.000 khách du lịch cá nhân. Các khoản trợ cấp lên tới 20.000 Đài tệ (658 USD) cũng sẽ được cung cấp cho 90.000 nhóm du lịch.
Ngày 22/2, Bộ trưởng Giao thông vận tải, ông Wang Kuo-tsai, đưa tuyên bố rằng tiền trợ cấp sẽ được chuyển giao qua các phương tiện kỹ thuật số. Khách du lịch có thể sử dụng số tiền đó để trang trải chi phí của họ ở Đài Loan, bao gồm cả chỗ ở.
Theo ông Wang, sáng kiến trên nhằm thu hút thêm du khách tới hòn đảo từ những thị trường then chốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Hong Kong và Macau (Trung Quốc) cũng như châu Âu và châu Mỹ.
Theo thống kê của Cục Du lịch Đài Loan, Đài Loan chỉ đón dưới 900.000 du khách năm 2022. Trong đó, du khách đến từ Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản và Mỹ là những nhóm đông nhất.
Những con số này chỉ là một phần nhỏ so với năm 2019, khi Đài Loan thu hút kỷ lục 11,8 triệu khách du lịch quốc tế, tăng hơn 7% so với năm trước đó. Chiến dịch của Đài Loan diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực cũng đưa ra các sáng kiến để thu hút khách.
Hòn đảo đã dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh vào tháng 10/2022, sau một trong những đợt đóng cửa biên giới dài nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, Chính quyền đảo Đài Loan vẫn chưa công bố khi nào chương trình tặng tiền sẽ bắt đầu hoặc cách để nhận tiền từ địa điểm du lịch.
Ở nhiều quốc gia, chính sách thu phí du lịch với người nước ngoài được áp dụng nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và bảo tồn văn hóa. Trong đó, tùy thuộc vào nơi du khách đến sẽ có mức lệ phí khác nhau.Tham khảo ngay một số nước dưới đây nếu bạn đang chuẩn bị du lịch nước ngoài.
Thái Lan sẽ thu lệ phí vào tháng 6/2023
1. Thái Lan
Theo ông Phiphat Ratchakitprakarn – Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, nội các nước này vào hôm 14/2 đã thông qua chính sách thu phí nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế lần lượt là 150 baht (khoảng 100.000 đồng) và 300 baht (khoảng 200.000 đồng), bắt đầu từ tháng 6, ngoại trừ với khách du lịch một ngày.
Cụ thể, ông Phiphat Ratchakitprakarn cho biết mức phí áp dụng với khách đến Thái Lan bằng đường hàng không là 300 baht và 150 baht với khách đi bằng đường thủy, đường bộ.
Vào hôm 16/2, bà Traisuree Taisaranakul – Phó phát ngôn viên Chính phủ cũng cho biết Thái Lan sẽ cung cấp bảo hiểm cho khách du lịch nước ngoài khi chính sách thu phí du lịch có hiệu lực vào tháng 6.
Các khoản phí sẽ không áp dụng cho những người nắm giữ hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ, người nước ngoài có giấy phép làm việc tại Thái Lan, trẻ em dưới hai tuổi, khách du lịch một ngày, hành khách quá cảnh, hoặc nằm trong những trường hợp khác được phân loại bởi Ủy ban Du lịch Quốc gia.
Ông Phiphat cho biết các nhà chức trách nước này từ lâu đã đề xuất phí nhập cảnh đối với du khách nước ngoài, nhưng việc áp dụng bị trì hoãn do đại dịch Covid-19. Một phần chi phí sẽ được tài trợ cho việc phát triển các điểm tham quan du lịch địa phương.
Năm 2022, chính phủ nước này cho biết khoản phí này sẽ được cộng vào giá vé máy bay, trong khi phương thức nhập cảnh bằng đường bộ vẫn chưa được ấn định.
2. Tây Ban Nha
Một góc thành phố Barcelona của Tây Ban Nha
Kể từ năm 2012, du khách đến Barcelona – thành phố lớn thứ hai của Tây Ban Nha phải trả cả thuế du lịch khu vực và phụ phí toàn thành phố.
Tuy nhiên, Barcelona vừa chính thức thông báo tăng thuế du lịch. Kể từ ngày 1/4 tới đây, du khách đến thành phố phải trả phụ phí 2,75 euro, phí này tiếp tục tăng lên 3,25 euro kể từ ngày 1/4 năm sau. Thuế áp dụng đối với du khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú chính thức.
Hội đồng thành phố Barcelona cho biết số tiền thu được để tài trợ cho cơ sở hạ tầng của thành phố như đường sá, dịch vụ xe buýt và thang cuốn.
Cũng tại Tây Ban Nha, giới chức thành phố Valencia thông báo rằng sẽ áp dụng thuế du lịch đối với du khách lưu trú tại tất cả các hình thức lưu trú bao gồm: Khách sạn, nhà nghỉ, căn hộ và khu cắm trại. Chính sách này sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Khách du lịch sẽ phải trả từ 50 cents đến 2 euro cho mỗi đêm phụ thuộc vào loại hình lưu trú mà họ đã chọn, trong tối đa là 7 đêm.
Các nhà chức trách cho biết khoản phí này sẽ giúp ngành du lịch trong khu vực phát triển theo hướng bền vững. Tiền thuế thu được cũng sẽ dùng để xây dựng nhà ở với giá cả phải chăng cho người dân địa phương tại những địa điểm du lịch nổi tiếng.
3. Bỉ
Thuế du lịch ở Bỉ cũng được áp dụng với chỗ ở, dựa trên số đêm bạn ở đó. Lệ phí đôi khi được tính kèm trong giá phòng của khách sạn, nhưng trong một số trường hợp khác chi phí này được tách biệt, nó được coi là khoản phí bổ sung. Vì vậy bạn cần kiểm tra hóa đơn của mình một cách cẩn thận.
Ở Antwerp và Bruges, bạn sẽ được tính thuế theo mỗi phòng. Trong khi đó ở Brussels thay đổi tùy thuộc vào quy mô và xếp hạng của khách sạn. Mức phí này khoảng 7.50 euro.
4. Đức
Nước Đức áp dụng thu “thuế văn hóa” và “thuế giường” ở các thành phố như: Frankfurt, Hamburg và Berlin. Lệ phí là khoảng 5% hóa đơn khách sạn.
5. Nhật Bản
Ở Nhật Bản, thuế du lịch được tính dưới dạng thuế khởi hành. Du khách đến Nhật Bản phải trả 1.000 yên (khoảng 8 euro) khi họ rời khỏi đất nước.
Venice
Bắt đầu từ mùa hè năm 2023, du khách sẽ trả phí du lịch khi đến thăm Venice. Báo La Stampa cho biết các nhà chức trách đã đề xuất một số biện pháp nhằm kiểm soát số lượng khách du lịch, chẳng hạn như xây dựng một hệ thống đặt phòng trực tuyến. Tuy nhiên cần có nhiều biện pháp hơn để hạn chế số lượng khách du lịch, bao gồm cả việc tính phí vào thành phố.
Khoản thuế du lịch sẽ dao động từ 3 euro đến 10 euro, phụ thuộc vào mùa du lịch thấp điểm hay cao điểm.
6. Khối Liên minh châu Âu (EU)
Bắt đầu từ tháng 11/2023, những công dân không thuộc khối Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Mỹ, Úc, Anh và những quốc gia ngoài khu vực Schengen cần phải điền vào đơn đăng ký thị thực với giá 7 euro để vào khu vực này.
Những người dưới 18 tuổi và trên 70 tuổi sẽ không phải trả khoản phí này. Theo các quan chức du lịch EU, tiền từ loại thuế này được dùng để duy trì các cơ sở du lịch và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên…
7. Áo
Ở Áo du khách phải trả thuế chỗ ở qua đêm, mức phí sẽ phụ thuộc vào tỉnh bạn đang lưu trú. Nếu ở Vienna hoặc Salzburg, bạn sẽ phải trả thêm 3.02% khoản phí trên hóa đơn khách sạn cho mỗi người.
Thuế du lịch ở Áo còn được biết với tên gọi Tourismusgesetz and Berherbergungsbeiträge.
8. Bhutan
Bhutan – một trong những đất nước hạnh phúc nhất thế giới vẫn đặt lên hàng đầu yêu cầu bảo vệ môi trường tự nhiên, tính bền vững trong phát triển du lịch.
Trước đại dịch, khách du lịch đến Bhutan được yêu cầu trả mức giá trọn gói hằng ngày tối thiểu từ 200-250 USD, tùy thuộc vào thời điểm trong năm, bao gồm chi phí khách sạn, thực phẩm, vận chuyển và hướng dẫn viên du lịch, đặc biệt phí phát triển bền vững bắt buộc là 65 USD.
Bhutan thu hút du khách quốc tế du lịch hằng năm
Nhưng Bhutan thông qua dự luật thu phí du lịch từ tháng 9 năm ngoái bao gồm tăng phí phát triển bền vững từ 65 USD lên 250 dollar (khoảng 228 euro)/người/ngày trong mùa cao điểm và ít hơn một chút trong mùa thấp điểm. Tuy nhiên khoản thuế này bao gồm nhiều dịch vụ như: Chỗ ở, di chuyển trong nước, hướng dẫn viên, thực phẩm và phí vào cửa. Trẻ từ 6-12 tuổi chỉ trả 50% phí trên trong khi trẻ em từ 5 tuổi trở xuống được miễn phí.
Bhutan cho biết các khoản phí sẽ được dùng để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo lao động ngành du lịch, bảo tồn truyền thống văn hóa, bảo vệ môi trường, cải thiện trải nghiệm của du khách, hỗ trợ y tế và giáo dục miễn phí cho tất cả người dân Bhutan.
9. Bulgaria
Bulgaria áp dụng phí du lịch với những lần lưu trú qua đêm. Mức phí này thường thấp, thay đổi tùy thuộc vào khu vực và khách sạn. Mức phí này khoảng 1.5 euro.
10. Các đảo Caribbean
Hầu hết các đảo Caribbean đều có thuế du lịch, được thêm vào chi phí khách sạn hoặc phí khởi hành. Antigua và Barbuda, Aruba, Bahamas, Barbados, Bermuda, Bonaire, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Quần đảo Cayman, Dominica, Cộng hòa Dominican, Grenada, Haiti, Jamaica, Montserrat, St. Kitts và Nevis, St. Lucia, St. Maarten, St. Vincent và Grenadines, Trinidad và Tobago, và Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ đều có một số hình thức thu phí du lịch. Phí dao động từ 13 euro ở Bahamas là 45 euro ở Antigua và Barbuda.
11. Croatia
Croatia đã tăng thuế du lịch vào năm 2019. Tuy nhiên, khoản thuế chỉ được áp dụng trong mùa cao điểm vào mùa hè. Khách du lịch cần trả khoảng 10 kuna (1.33 euro) người/đêm.
12. Cộng hòa Séc
Bạn chỉ cần trả phí du lịch tại Cộng hòa Séc khi đến thăm thủ đô Prague. Phí này chỉ dưới 1 euro người/đêm, tối đa là 60 đêm. Phí không áp dụng cho trẻ em dưới 18 tuổi.
13. Hy Lạp
Thuế du lịch ở Hy Lạp được tính phụ thuộc vào số sao khách sạn hoặc số phòng bạn thuê. Ước tính mỗi phòng có phí khoảng 4 euro. Bộ Du lịch Hy Lạp đề xuất khoản phí này để giúp cắt giảm nợ công quốc gia.
14. Hungary
Phí du lịch ở Hungary chỉ áp dụng khi du khách ở thủ đô Budapest. Khách du lịch phải trả thêm 4% mỗi đêm dựa trên giá phòng của họ.
15. Indonesia
Thuế du lịch ở Indonesia chỉ áp dụng đối với du khách ghé thăm Bali. Vào năm 2019, luật mới quy định rằng du khách nước ngoài đến đảo này phải trả một khoản phí là 9 euro. Doanh thu từ thuế được phân bổ cho các chương trình giúp bảo tồn môi trường và văn hóa Bali.
16. Malaysia
Thuế du lịch của Malaysia có mức giá cố định và được tính cho mỗi đêm bạn lưu trú. Khoản phí này không vượt quá 4 euro/đêm.
17. Italia
Điểm đến nổi tiếng Venice của Italia thông báo sẽ giới thiệu phí du lịch vào năm 2023 với khoản thuế đề xuất dao động 3-10 euro tùy thuộc vào mùa du lịch cao điểm hay không.
Chính quyền Venice cho biết việc áp dụng thuế du lịch trên nhằm kiểm soát chặt hơn lượng khách đến thành phố, tránh Venice bị quá tải du khách, đối mặt nguy cơ gây rối, tai nạn, mất trật tự an ninh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thành phố.
Đến nay, hầu hết nhiều quốc gia trên thế giới như: Áo, Bỉ, Bulgari, Croatia, Pháp, Mỹ, Ai Cập, Séc, Hungary, Nhật Bản, Italia, Thụy Sĩ…đều áp dụng thuế du lịch.
Quy định thu lệ phí du lịch đối với du khách nước ngoài nhập cảnh Thái Lan vừa được Chính phủ Thái Lan phê chuẩn.
Thái Lan bắt đầu thu phí du lịch đối với du khách quốc tế từ tháng 6
Từ tháng 6/2023 du khách nhập cảnh bằng đường hàng không sẽ phải đóng 300 baht (tương đương 8,9 USD) và 150 baht nếu nhập cảnh bằng đường thủy hoặc đường bộ. Trong khi đó, những du khách đến Thái Lan trong ngày, không lưu trú qua đêm sẽ được miễn khoản phí này.
Ngành du lịch vốn là động lực tăng trưởng của quốc gia Đông Nam Á này, nên hiện tại giới chức đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động thu thuế vốn sau khi lượng khách hồi phục tốt hơn dự kiến. Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ thu khoảng 3,9 tỷ baht từ khoản phí này trong năm nay. Một phần trong số đó sẽ được sử dụng để cung cấp bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn cho khách du lịch trong thời gian lưu trú tại Thái Lan.
Phí nhập cảnh được áp dụng trong bối cảnh quốc gia du lịch nổi tiếng đang đón lượng du khách khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới, sau khi các lệnh hạn chế di chuyển trong đại dịch được dỡ bỏ và Trung Quốc mở cửa trở lại. Theo một số ước tính, lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan có thể đạt 30 triệu người trong năm nay, gần gấp 3 lần so với 11,2 triệu vào năm ngoái.
Du khách nhập cảnh vào Thái Lan bằng đường hàng không sẽ trả phí qua giá vé máy bay
Trước đây, Thái Lan đã đề xuất về việc thu phí nhập cảnh với du khách nước ngoài, nhưng việc triển khai bị trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch. Ông Phiphat cho biết, một phần trong khoản phí này sẽ giúp tài trợ cho việc phát triển các điểm du lịch của quốc gia. Năm ngoái, chính phủ Thái Lan cho biết khoản phí này sẽ được tính vào giá vé máy bay, trong khi hình thức thu thuế với người nhập cảnh bằng được bộ vẫn chưa rõ ràng.
Wuthichai Luangamornlert – giám đốc điều hành của Siam Park City, nhà điều hành của một công viên giải trí ở Bangkok, ủng hộ động thái này nhưng nói thêm rằng “việc thu phí và kiểm soát chặt chẽ về mục đích sử dụng khoản phí này phải được đảm bảo để tránh bất kỳ vấn đề nào có thể phát sinh trong tương lai.”
Sau thông tin này, cổ phiếu của một số công ty du lịch và lữ hành tại Bangkok đã giảm điểm. Cổ phiếu của các sân bay Thái Lan cũng mất 1,7% và chỉ số theo dõi các công ty du lịch, giải trí giảm 1,6%, chuẩn bị ghi nhận mức thấp nhất trong 1 tuần.
Thái Lan thu hút nhiều du khách quốc tế mỗi năm
Kết thúc 2022, du lịch Thái Lan ghi nhận mức độ hồi phục ấn tượng khi xuất sắc đón 11,8 triệu khách quốc tế, vượt mục tiêu 8 triệu khách ban đầu. Sau khi thị trường Trung Quốc mở cửa, Thái Lan đã nhanh chóng đón 1,38 triệu khách Trung chỉ trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Trước đó, chính phủ Thái Lan dự kiến đón ít nhất 5 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc trong năm nay, với khoảng 300.000 lượt khách trong quý đầu tiên. Vậy mà chỉ chưa đầy 1 tháng dịp tết, lượng khách đã vượt mục tiêu gần 5 lần.
Singapore gỡ bỏ những hạn chế trong quy định nhập cảnh dành cho du khách giữa bối cảnh thế giới nỗ lực phục hồi ngành du lịch.
Singapore đang nỗ lực phục hồi ngành du lịch
Từ nay, du khách đến Singapore không cần phải xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành.
Bộ Y tế Singapore thông báo từ ngày 13/2, các biện pháp phòng ngừa Covid-19 đối với khách du lịch bao gồm xét nghiệm trước khi khởi hành và đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng sẽ được gỡ bỏ.
Du khách không cần mang khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng
Du khách quốc tịch Mỹ khi đến Singapore sẽ không phải áp dụng biện pháp phòng ngừa Covid-19 nào, bất kể lý lịch và tình trạng tiêm chủng. Tuy nhiên, họ phải đảm bảo đáp ứng tất cả các yêu cầu nhập cảnh khác.
Trước đây, Chính phủ Singapore yêu cầu du khách chưa tiêm phòng phải hoàn thành xét nghiệm Covid -19 tối thiểu 48 giờ trước khi khởi hành. Trước tình hình số lượng ca nhiễm giảm và các biến thể mới xuất hiện không đáng lo ngại, Bộ Y tế nước này quyết định nới lỏng quy định nhập cảnh nhằm thu hút thêm du khách.
Đây là một trong những bước tiến lớn của Singapore trong việc giảm thiểu các quy định về Covid-19, sau khi chính phủ đảo quốc loại bỏ yêu cầu cách ly từ tháng 8/2022.
Trong năm nay, dự kiến ngành du lịch Singapore sẽ đón 12-14 triệu lượt du khách, gấp đôi con số 6,3 triệu năm ngoái. Chính phủ nước này đã và đang hợp tác với National Geographic, Warner Brothers Discovery và nam ca sĩ – nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất được đề cử giải Grammy, Charlie Puth, nhằm thu hút số lượng lớn khách du lịch.
Bên cạnh đó, kể từ tháng 4/2022, Singapore đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế chống COVID-19, triển khai nhiều hoạt động nhằm thu hút khách du lịch và các doanh nghiệp. Trung tâm tài chính châu Á này đang kỳ vọng, lĩnh vực du lịch sẽ phục hồi về mức trước đại dịch vào năm 2024.
Sau khi thử nghiệm vào cuối năm 2020 trên chuyến bay qua đêm từ Bangkok đến Tokyo Haneda, “Lựa chọn bỏ bữa theo nguyên tắc nhân đạo của Japan Airlines” hiện đã có trên tất cả các chuyến bay quốc tế do Japan Airlines khai thác, với một số loại trừ cụ thể.
Một khách hàng đã chia sẻ email mà họ nhận được từ hãng hàng không, mời họ hủy bữa ăn để có thể tận hưởng giấc ngủ không bị gián đoạn trong suốt chuyến bay.
“Chúng tôi muốn giới thiệu với bạn một dịch vụ mới “Lựa chọn bỏ bữa theo nguyên tắc nhân đạo của Japan Airlines”, nơi bạn có thể hủy các bữa ăn của mình trong khi đặt chỗ để tận hưởng giấc ngủ trong suốt chuyến bay”, thông báo này viết.
Email được liên kết với một trang web của Japan Airlines, trong đó đề xuất hành khách chọn trước “Không có bữa ăn” nếu muốn nghỉ ngơi thoải mái trên máy bay hoặc muốn giảm thiểu lãng phí thực phẩm.
Bỏ bữa ăn trên máy bay được cho là giúp giảm thiểu lãng phí thực phẩm
Đối với mỗi khách hàng chọn dịch vụ này, Japan Airlines sẽ quyên góp một số tiền nhất định cho Table For Two, tổ chức thực hiện các dự án bữa trưa ở trường cho trẻ em ở các nước đang phát triển.
Cũng giống như bất kỳ yêu cầu bữa ăn đặc biệt nào, tùy chọn này phải được chọn 25 giờ trước giờ khởi hành. Nếu bạn hủy bữa ăn chính nhưng vẫn cảm thấy đói, các loại đồ uống và đồ ăn nhẹ khác sẽ vẫn được cung cấp theo yêu cầu.
Bữa ăn trên một chuyến bay của hãng hàng không
Trên mạng xã hội, một số người tin rằng dịch vụ mới của Japan Airlines chủ yếu không phải để giảm lãng phí thực phẩm mà để tăng lợi nhuận.
Một người nhận xét: “Điều này có vẻ như để tiết kiệm tiền cho hãng hàng không”.
“Thêm lợi nhuận”, một bình luận khác nói.
Bất kể động lực là lợi nhuận, tính bền vững hay sự kết hợp của cả hai, không thể phủ nhận rằng dịch vụ này sẽ giảm lãng phí thực phẩm ở một mức độ nào đó. Vì không thể giữ hoặc bán lại các bữa ăn chính như đồ ăn nhẹ hoặc đồ uống đóng gói, những bữa ăn thừa thường bị bỏ đi.
Mặc dù một số hành khách sẽ không biết liệu họ sẽ cảm thấy muốn ăn hay ngủ, dịch vụ này cung cấp tùy chọn từ chối cho những người biết rằng họ sẽ ngủ trên những chuyến bay qua đêm, mang theo thức ăn của mình hoặc đã ăn no tại phòng chờ trước khi lên máy bay.
Thiếu bãi tạm, taxi phải chạy lòng vòng, đậu kín đường dẫn tới ùn tắc khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khi đó, cạnh sân bay có mảnh đất rộng 3.500m2 đang bỏ trống nhiều năm, không tận dụng để chống ùn tắc dịp Tết thì rất lãng phí.
Cảng vụ hàng không miền Nam vừa có công văn gửi Sở Giao thông vận tải TP.HCM trình phương án tạm bàn giao mặt bằng bãi đệm taxi đầu đường Bạch Đằng và nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất để tổ chức khai thác phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 từ ngày 5-1 đến ngày 6-2-2023, dự kiến trung bình mỗi ngày có khoảng 820 chuyến bay đi/đến. Lượng khách tại cảng trung bình ngày khoảng 130.000 khách.
Mảnh đất rộng khoảng 3.500m2 bỏ trống nhiều năm qua
1. Bãi đậu tạm dành cho taxi
Phương án bãi tạm được đánh giá là “rất cấp bách” trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang cận kề, lượng khách đi lại rất đông. Sân bay Tân Sơn Nhất hiện không có bãi đệm, bãi tạm để taxi tiếp nối vào nhà ga đón khách, các tài xế taxi phải chạy lòng vòng hoặc đậu chờ ở tuyến đường xung quanh dẫn tới tắc từ trong ra ngoài sân bay.
Có bãi tạm sẽ giúp điều tiết, thu hút được taxi tham gia giải tỏa khách, hạn chế thiếu xe, ngăn ngừa việc chèo kéo, ép giá dịp cao điểm Tết.
2. Thêm 14 tuyến buýt đón khách
Sở GTVT TP.HCM mới đây đã thống nhất triển khai đề án thí điểm cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về các vùng đô thị ở TP.HCM. Theo đó, 14 tuyến xe buýt sẽ được tổ chức kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến TP.Thủ Đức cùng các quận: 1, 3, 4, 5, 10, 11, 7, 8, 12, Bình Tân, Tân Phú, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh và huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh.
Thời gian thực hiện từ 1.2.2023 cho đến khi kết thúc thí điểm theo quy định của Bộ GTVT hoặc khi Sở GTVT thông báo chấm dứt.
Mã QR-Code thông tin chuyến bay và giao thông được bố trí khắp nơi tại nhà ga
Công ty liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn đối với hành khách trong quá trình khai thác và vận hành tuyến. Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải thực hiện việc niêm yết các thông tin bên ngoài thân xe theo quy định định hiện hành; đảm bảo thực hiện việc dừng đón, trả khách tại các vị trí theo danh sách được công bố.
Theo chủ đầu tư, vị trí bố trí các điểm dừng, đón trả khách sẽ sử dụng các trạm dừng xe buýt dọc tuyến đã có sẵn. Nhiều điểm cuối tuyến là các khu đô thị, khu dân cư, điểm tham quan du lịch, trung tâm mua sắm, chung cư… dễ dàng để người dân tiếp cận.
3. Dịch vụ đi chung xe
Công ty CP Đầu tư AVIGO (chủ hãng xe AVIGO) vừa thông tin ngày mai 10.1 sẽ ra mắt dịch vụ đi chung xe nhằm hỗ trợ đưa khách đến/đi từ sân bay Tân Sơn Nhất thuận tiện trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2023. Mô hình này đã có ở các sân bay tại nhiều nước phát triển.
Theo đó, AVIGO sẽ phát triển phần mềm để kết nối những khách hàng có điểm đến gần nhau đi chung 1 xe. Khách hàng vẫn được chuyên chở bằng xe 4 – 7 – 11 chỗ như taxi nhưng có thể tiết kiệm đến 40% chi phí. Đặc biệt, trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất quá tải như hiện nay, nhiều người chỉ đi 1 mình nhưng vẫn sử dụng nguyên chiếc xe sẽ đòi hỏi nhiều xe phục vụ hơn, càng gia tăng mức độ ùn ứ, tắc nghẽn.
Tăng cường taxi phục vụ đưa/đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất
Để sử dụng dịch vụ, hành khách chỉ cần đến các quầy của AVIGO ở ga đến quốc nội và quốc tế, hoặc các quầy AVIGO trong nhà giữ xe TCP, khách hàng cung cấp điểm đến, AVIGO tiến hành báo giá rõ ràng cho khách hàng chọn lựa.
Được biết, đơn vị này sẽ tiến hành mở rộng ứng dụng để khách hàng có thể đặt từ sớm qua ứng dụng, giúp tiết giảm thời gian chờ đợi.
Đại diện các hãng hàng không Việt Nam nhận xét việc nhờ sát ngày Tết để săn giá rẻ mang lại nhiều rủi ro mà ít người biết.
Một số du khách chủ quan khi nghĩ giá vé có thể sẽ giảm như những lần săn trước đó. Tuy nhiên, sau dịch bệnh Covid – 19 nhiều hành khách đổ xô về quê khiến giá vé máy bay dịp cuối năm tăng cao. Do đó, bạn có thể sẽ phải bỏ mức giá cao phút chót thay vì được về sớm hơn.
1. Những rủi ro khi ”đánh cược” vào may rủi
Giá vé máy bay dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh ở nhiều chặng chính.
Những trường hợp nêu trên được nhiều đại diện nhận định rằng không phải hiếm gặp vào dịp Tết Nguyên Đán. Đa số các chặng từ những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội đi những tỉnh, thành khác đều tăng giá chóng mặt. Một số người may mắn chờ tới cùng lại có thể mua được vé máy bay giá rẻ – thậm chí chỉ ngang ngày thường.
Dù vậy, đó đơn thuần là sự may mắn. Thị trường vé máy bay Tết không có quy luật càng cận ngày, càng rẻ.
‘’Giá vé các chặng bay cao điểm dịp Tết vẫn đang tăng mỗi ngày. Một số trường hợp hiếm khi khách hàng “săn” được vé rẻ cận ngày có thể do khách khác đã đặt vé nhưng hủy cận ngày/giờ khởi hành’’ ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Ban Tiếp thị và Truyền thông Vietravel Airlines cho biết.
Việc săn vé này được các hãng hàng không khuyến khích không nên thực hiện, điều này có thể mang lại rủi ro khi giá vé vào thời điểm cuối năm bất ngờ tăng cao để đáp ứng nhu cầu đi lại do dự an toàn và thuận tiện của máy bay. Các hãng hàng không khác như Bamboo Airways cũng có câu trả lời tương tự. Người này khẳng định Tết Nguyên đán là dịp cao điểm, nhu cầu đi lại rất cao nên hầu như không có tình trạng giảm giá sát ngày. Du khách nên lựa chọn vé máy bay có giá, thời gian bay phù hợp để chủ động lịch trình sớm, tránh trường hợp làm gián đoạn đến lịch trình trước đó.
“Bên cạnh đó, hành khách cần lựa chọn mua vé tại các địa điểm được công bố bởi hãng hàng không. Trước chuyến bay, khách hàng nên truy cập trang thương mại điện tử của hãng để kiểm tra lại hành trình bay, tránh trình trạng bị lừa đảo”, đại diện Bamboo Airways khuyến cáo thêm.
2. Giá vé tời điểm cuối năm tăng mạnh
Theo khảo sát từ các đơn vị bán vé máy bay, các giai đoạn kể từ ngày 10/1 đến 21/1 sẽ có mức giá tăng mạnh so nhu cầu đi lại tăng cao vào thời điểm các dịp Têt, lễ hội diễn ra.
Các hãng bay cũng dự kiến khác thác đường bay tại các khu vực có nhu cầu đi lại lớn với tần suất 15 chuyến mỗi ngày, tăng khoảng 35% so với giai đoạn bình thường.
Giá vé dịp Tết tăng mạnh
“Năm nay, Tết Dương lịch và Tết Âm lịch khá sát nhau nên nhu cầu đi lại sẽ dồn mạnh vào Tết Âm lịch. Điều này khiến giá vé máy bay dịp Tết Âm lịch tăng cao, gấp khoảng 1,5-2 lần so với giai đoạn bình thường”, đại diện Bamboo Airways nhận xét.
Phía Vietravel Airlines cũng xác nhận các chặng bay từ TP.HCM đi các tỉnh, thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn được quan tâm nhiều nhất. Rất khó để kiếm được vé máy bay giá tốt các chặng này do dải vé này đều đã hết sớm. Tuy nhiên, các chặng còn lại vẫn có nhiều ưu đãi với mức giá tốt.
Sau khoảng 2 năm im ắng vì dịch Covid-19, hoạt động du lịch đang dần sôi động trở lại. Bên cạnh nhu cầu thăm thân, trở về bên gia đình, người Việt cũng có xu hướng du lịch dịp Tết. Thời gian du lịch chủ yếu là từ sau mùng 2 Tết (23/1).
Thống kê từ Bamboo Airways cho thấy các điểm đến như Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) được nhiều du khách lựa chọn. Giá vé máy bay sẽ ổn định dần sau dịp nghỉ Tết, từ khoảng rằm tháng Giêng (năm nay là 5/2).
Nhiều hành khách từ đại lục tới Đài Loan có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Nhiều khách từ Trung Quốc đến Đài Loan mắc Covid-19.
Theo Forbes, 27,8% trong số 524 hành khách đến sân bay quốc tế Đào Viên (Đài Loan) từ Trung Quốc đại lục có kết quả dương tính với Covid-19. Do đó, ngày 1/1 hành khách Trung Quốc sẽ phải xét nghiệm PCR (dựa trên nước bot) khi du lịch Đài Loan.
Hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính được yêu cầu cách ly 5 ngày nếu họ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Những người có triệu chứng nặng hơn sẽ phải gọi đến đường dây nóng 1922 để được chuyển tới bệnh viện. Chính sách này được áp dụng cho du khách từ 4 thành phố ở Trung Quốc là Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô và Hạ Môn.
Chuang Jen-hsiang, phát ngôn viên của Trung tâm Chỉ huy Dịch bệnh Trung ương Đài Loan (CECC), cho biết khách từ đại lục cần hiểu rõ chính sách này khi quyết định bước lên máy bay.
CECC có kế hoạch phân tích bộ gen trên các mẫu được lấy từ khoảng 20 khách đến từ Trung Quốc dương tính với Covid-19 mỗi ngày. Qua đó, họ có thể hiểu rõ hơn về những biến thể Covid-19 đang “hoành hành” ở 4 thành phố này.
Chính sách kiểm dịch mới ở Đài Loan chủ yếu nhắm vào đối tượng người ở Đài Loan trở về và người Trung Quốc đến Đài Loan công tác, học tập hoặc thăm gia đình. Hiện tại, khách du lịch Trung Quốc vẫn bị cấm đến Đài Loan. Chính sách này có thể kết thúc vào 31/1 tùy theo tình hình.
Từ tuần trước, Trung Quốc đã thông báo tiếp tục duyệt hồ sơ xin cấp hộ chiếu phổ thông để công dân nước này có thể du lịch từ 8/1. Cũng từ 8/1, Trung Quốc sẽ dỡ bỏ nhiều hạn chế và cho khách nước ngoài nhập cảnh.
Trước dịch, khách Trung Quốc đóng vai trò quan trọng cho du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, lúc này, việc nới lỏng chính sách kiểm dịch của Trung Quốc khiến nhiều nước lo lắng. Mỹ, Pháp, Ấn Độ là 3 trong số các quốc gia đã đưa ra yêu cầu xét nghiệm Covid-19 với du khách Trung Quốc ngay khi nước này tuyên bố mở cửa.
Ngày 26/12, Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch COVID-19 của Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định mới về việc tối ưu hóa công tác quản lý đối với người nhập cảnh Trung Quốc.
Những người nhập cảnh Trung Quốc có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành có thể đến Trung Quốc và điền kết quả vào phiếu khai báo sức khỏe hải quan, không cần xin mã sức khỏe tại Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán của Trung Quốc tại các nước.
Những trường hợp nếu có kết quả dương tính cần đợi đến khi có kết quả âm tính mới đến Trung Quốc.
Người dân Thượng Hải đi chợ Giáng sinh, ngày 24-12. Có không ít người không đeo khẩu trang
Nhà chức trách cũng hủy bỏ yêu cầu xét nghiệm axit nucleic và cách ly tập trung đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Trung Quốc từ ngày 8/1/2023.
Chính phủ nước này cho biết chính sách mới này là một phần trong kế hoạch kiểm soát bệnh dịch mới của Trung Quốc. Trong đó, Covid-19 được hạ xuống “bệnh dịch Cấp độ B”, cùng mức với các bệnh ít nghiêm trọng hơn, như bệnh sốt Dengue. Sự thay đổi này “phù hợp với đặc tính và mức độ nguy hiểm hiện tại của bệnh này”, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết.
Cũng theo NHC, “chủng Omicron ít nguy hiểm chết người hơn đã trở thành chủng SARS-Cov-2 phổ biến, và chỉ một lượng nhỏ phát triển thành viêm phổi”.
Chính sách cách ly đối với hành khách quốc tế đến Trung Quốc được áp dụng từ 2020 và thay đổi trong suốt hai năm qua. Chính sách gần nhất – sẽ kết thúc vào ngày 8/1/2023 – Yêu cầu người đến từ khu vực ngoài nội địa Trung Quốc và Macao cách ly 5 ngày tại khách sạn và 3 ngày tự cách ly tại nhà.
Theo Hãng tin Reuters, điều kiện cách ly ở khách sạn không đồng đều, hạn chế thị thực và giá chuyến bay cao do các tuyến quốc tế giảm mạnh dẫn đến làn sóng di cư ồ ạt của người nước ngoài khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây.
Nhưng đầu năm nay, Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế về thị thực, cho phép người thân trực tiếp của công dân Trung Quốc xin thị thực đoàn tụ gia đình. Trung Quốc cũng ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo thế giới đến thăm kể từ Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2.
Hành khách nhập cảnh Trung Quốc từ 8/1/2023 sẽ không cần cách ly.
Du khách vẫn sẽ phải xét nghiệm Covid-19 trước khi đến Trung Quốc, nhưng không cần nộp kết quả cho đại sứ quán Trung Quốc hay lãnh sự để lấy mã. Từ 8/1/2023, du khách có thể xét nghiệm và trình kết quả khi lên máy bay.
NHC cũng cam kết sẽ mở cửa cho du lịch quốc tế đối với công dân Trung Quốc một cách trật tự, tùy thuộc vào tình hình Covid-19 trên toàn cầu cũng như khả năng đáp ứng của các dịch vụ trong nước.
Trung Quốc đã dần nới lỏng các hạn chế sau khi đóng cửa biên giới với gần như toàn bộ hành khách từ tháng 3/2020, khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng trên toàn thế giới.
Sau gần ba năm phong tỏa, cách ly và xét nghiệm diện rộng, Trung Quốc đã đột ngột từ bỏ chính sách “zero Covid” trước ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và xã hội.
Cùng lúc, quốc gia này đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm vô tiền khoáng hậu, khiến các bệnh viện quá tải và dược phẩm trở nên khan hiếm. Từ khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nới lỏng các hạn chế Covid-19, không có số liệu rõ ràng về mức độ lây nhiễm ở cấp quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều thành phố và tỉnh cho biết đã có hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Sự thay đổi đột ngột trong chính sách đã khiến nhiều người tích trữ thuốc hạ sốt và trị cảm cúm, cũng như các hàng dài xuất hiện ở các bệnh viện tại Bắc Kinh.
Có vẻ các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ chuyển hướng chú ý đến tăng trưởng vào năm sau, và nới lỏng hạn chế để có thể thúc đẩy kinh tế.
Hiện tại, Trung Quốc tập trung vào việc chuẩn bị các nguồn lực y tế phù hợp, theo thông cáo của NHC. Các thành phố lớn và vừa cần chuyển các trung tâm cách ly thành bệnh viện với đủ lực lượng y tế. NHC cũng không loại trừ trường hợp cần các biện pháp giới hạn tạm thời và cục bộ trong thời gian tới.