Nền ẩm thực Trung Quốc vô cùng đa dạng, phong phú. Đặc biệt, vùng đất này có những món lẩu tuyệt ngon khiến người ta phải luôn xuýt xoa khen ngợi.
LẨU SHABU BẮC KINH (LẨU NHÚNG)
Lẩu Shabu Bắc Kinh hay còn có tên gọi là “lẩu nhúng Bắc Kinh”. Món lẩu này có nguyên liệu chính là thịt dê. Đặc điểm của lẩu nhúng chính là nước dùng của nó. Nước dùng của món Lẩu Shabu Bắc Kinh được chế biến rất cầu kỳ với 10 loại nguyên liệu khác nhau như dầu ớt, bột ngọt, dầu mè, giấm, nước tương, rau hẹ, hạt tiêu, gừng, hành… và nhiều nguyên liệu khác. Nồi nước dùng phải luôn sôi sùng sục để người ăn thoải mái nhúng thịt dê, hải sản, xách bò và nhiều loại rau ăn kèm.

Với người dân phương Bắc Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Kinh rất ưa chuộng món này, nhất là khi trời chuyển sang đông. Món ăn kèm khoái khẩu nhất cho lẩu nhúng này chính là những đĩa tỏi ngâm. Vị chua của giấm, nồng của tỏi sẽ tăng thêm vị ngon miệng cho người ăn.
LẨU CỪU BẮC KINH
Vốn là món ăn của người Mãn Châu, lẩu cừu thành danh kể từ “Thiên tẩu yến” – đại tiệc với hơn 1500 món lẩu – được tổ chức dưới thời hai vị hoàng đế Khang Hy và Càn Long rồi dần dần phổ biến trong cả nước.

Nước dùng được ninh từ xương cừu với tỏi, cần tây, hạt tiêu, ớt xanh, hành tây thái lát, đủ cả chua cay mặn ngọt nhưng nổi bật nhất vẫn là vị ngậy béo. Những lát thịt cừu mỡ nạc đầy đủ được thái to bản mà mỏng dính, đều tăm tắp mười miếng như một, nhúng qua vào nước lẩu sao cho chỉ vừa chín tới, ăn kèm với các loại rau, trứng bắc thảo, hải sản, chan thêm một muỗng nước xốt đậu, chỉ một gắp thôi cũng đủ tỉnh cả người.
Lẩu cừu rất được ưa chuộng vào mùa đông, đặc biệt là trong dịp năm mới, gần như trên bàn tiệc của gia đình nào ở Bắc Kinh cũng đều xuất hiện món ăn này.
LẨU CAY TỨ XUYÊN
Tứ Xuyên là quê nhà của món lẩu cùng tên rất được lòng thực khách. Món ăn dân gian này bắt nguồn tại các bến cảng vùng Trường Giang vào đầu triều Thanh. Nó nhanh chóng được các thuyền viên yêu thích bởi sự tiện lợi, dễ làm và khả năng làm ấm cơ thể hiệu quả.

Nồi lẩu Tứ Xuyên thường được phục vụ trong loại nồi hai ngăn. Một ngăn có chứa nhiều gia vị cay nóng, ngăn còn lại thì không cay để phù hợp với khẩu vị của khách và trung hòa bớt vị cay. Tuy nhiên cũng có những nồi lẩu có đến 9 ngăn.
Tuy lẩu Tứ Xuyên cay là thế nhưng lại không hề gây nhiệt cơ thể bởi được chế biến với 89 nguyên liệu khác nhau, giúp người ăn cảm thấy vị cay nhưng không gây ảnh hưởng tới sức khỏe dạ dày.
LẨU BAO TỬ CAY TRÙNG KHÁNH
Trùng Khánh được phong tặng là “thủ đô lẩu” của Trung Quốc, bởi trong Tam Đô Phú của văn nhân Tả Tư thời Tây Tấn đã thấy ghi chép về lẩu Trùng Khánh, đây cũng là văn bản cổ xưa nhất còn lại tới ngày nay có nhắc tới món ăn này.

Thuở ban đầu, lẩu bao tử chỉ phổ biến trong giới thợ thuyền công nhân bến tàu, nước lẩu mặn mòi cay xè sóng sánh đựng trong nồi sắt, đồ nhúng chỉ có nội tạng bò là thứ rẻ tiền nhất thời bấy giờ. Đến những năm 30 của thế kỷ trước, món lẩu mới bắt đầu xâm nhập vào các nhà hàng trong nội thành Trùng Khánh. Phục vụ cho tầng lớp trung lưu trở lên nên nồi sắt được đổi thành nồi đồng, thực khách được tự mình gia giảm hương vị cho nước lẩu và tự chọn đồ nhúng ăn kèm.
Dù đối tượng thực khách là ai, điểm nhấn quan trọng nhất của món lẩu Trùng Khánh vẫn là nước dùng ninh từ xương bò hoặc xương gà, mỡ bò, gia vị là rất nhiều dầu ớt và hạt tiêu Tứ Xuyên. Nước chấm dùng kèm được pha chế rất độc đáo từ dầu vừng, giấm, nước dùng từ nồi lẩu, tỏi, rau mùi, dầu hào, nước tương, bột ngọt và muối theo một tỉ lệ thích hợp.
LẨU HOA CÚC TÔ HÀNG
Món lẩu hoa cúc nổi tiếng của Tổ Hàng là món ăn do đích thân Từ Hy thái hậu nghĩ ra. Món lẩu này được làm từ hoa cúc đã rửa sạch, phơi ráo rồi hầm với nước dùng gà hoặc xương heo. Các nguyên liệu ăn kèm cũng rất đa dạng với các loại cá thái lát, thịt gà và rau.

Trong Đông y, hoa cúc có tác dụng bổ khí huyết, tăng tuổi thọ, chống lão hóa, thải độc, giải nhiệt, giảm huyết áp… nên món lẩu này rất tốt cho sức khỏe.
LẨU HẢI SẢN QUẢNG ĐÔNG
Với các thực khách thích hải sản, có thể thử qua món Lẩu hải sản Quảng Đông nổi tiếng một vùng. Món lẩu hải sản của người Quảng Đông rất chăm chút phần nguyên liệu, nồi lẩu bắt buộc phải có nhiều loại hải sản đa dạng như thịt bò, mực, bạch tuộc, xách bò, hải sâm…

Khi ăn, các loại hải sản sẽ được nhúng chín trong phần nước dùng thanh ngọt, sau đó để riêng vào chén của mỗi người rồi mới tiếp tục bỏ các phần nguyên liệu thịt gà, thịt bò vào nồi lẩu. Sau khi dùng xong phần thịt mới thêm vào các loại rau cải, nấm để ăn sau cùng. Món lẩu này rất được yêu thích mỗi khi mùa đông về. Đây là lựa chọn tuyệt vời cho các thực khách.
LẨU CHÁO QUẢNG CHÂU
Người Trung Quốc có câu: “Sinh ở Tô Châu, sống ở Hàng Châu, ăn ở Quảng Châu, chết ở Liễu Châu”, cho thấy vị thế của phong cách Quảng Châu trong nền ẩm thực Trung Quốc. Và nếu du khách ghé thăm Quảng Châu mà chưa ăn lẩu cháo thì coi như du khách chưa thật sự đặt chân đến vùng đất này.

Món ăn này không cầu kỳ như lẩu nhưng cũng không quá đơn giản như cháo. Nước dùng được ninh từ xương gà, gừng tươi phối hợp cùng nhiều loại gia vị, điểm đặc sắc nằm ở thứ gạo thơm được cho thêm vào, tạo nên màu trắng đục và vị sánh ngọt cho nước lẩu. Chưa cần đụng đũa, chỉ hít hà mùi hương thôi bạn cũng có thể nhận ra đây là món ăn Trung Quốc 100%, bởi lẩu cháo được gia giảm bằng những nguyên liệu nấu ăn đặc trưng của xứ sở này như nấm đông cô, táo tàu, ý dĩ, thảo quả, hải sâm, ngân nhĩ, sâm non… Đồ nhúng thường có thịt gà, hải sản và các loại rau. Lẩu cháo không bao giờ có vị cay, độ mặn ở mức vừa phải nên hương vị khá tinh tế.
LẨU KHÔ HỒ NAM

Lẩu cũng có thể ăn khô, không cần nước dùng? Nghe dù lạ nhưng đây lại là một món ăn cực bổ dưỡng và ngon miệng, lại rất dễ thực hiện. Nguyên liệu làm lẩu khô có thể là vịt, cá, thỏ… Những món này sau khi sơ chế được ướp thêm các loại phụ liệu như gừng lát, rau mùi… rồi dùng rượu trắng xào sơ qua, sau đó bỏ vào chút dầu ớt, đun khoảng 15 phút là trở thành nồi lẩu khô có mùi vị đặc biệt. Đây là món ăn độc đáo của vùng Hồ Nam.
LẨU BÒ BÉO SƠN ĐÔNG
Sơn Đông là 1 trong 8 trường phái ẩm thực lớn nhất Trung Quốc, được ví như một chàng trai khỏe mạnh, với đặc trưng là hương vị nồng nàn, nặng mùi hành tỏi, màu sắc tươi và đậm. Lẩu bò béo Sơn Đông hội tụ đủ tất cả những yếu tố trên. Thịt được lấy từ những con bò thảo nguyên Mông Cổ béo mập, vừa mềm vừa mịn, đưa vào miệng như tan luôn trên đầu lưỡi. Nước dùng được ninh từ xương bò với hơn 30 loại gia vị đặc sắc, nếm thử rồi sẽ thấy vị ngọt từ xương ngon từ thịt đọng mãi trong khoang miệng.

Gọi là lẩu bò béo nhưng món ăn này lại không gây ra cảm giác ngán ngấy, thực khách càng ăn càng thấy ngon rồi no nê lúc nào không biết.
LẨU VỊT NẤU BIA
Đây là món lẩu mới và rất được ưa chuộng những năm gần đây tại Trung Quốc. Món ăn được bắt nguồn do một vị khách trong một lần bất cẩn đã trót đổ bia vào trong nổi lẩu, nhưng sự tình cờ đó lại khiến mùi vị nước dùng thơm ngon hơn. Cũng từ đó đã có khá nhiều nhà hàng thử nghiệm chế biến nước dùng lẩu từ bia.

Món vịt nấu lẩu bỏ hết phần nội tạng, chỉ lấy phần thịt, đầu, chân rồi nấu chín với các loại gia vị gừng, ớt, tiêu… Phần bia chỉ bỏ vào sau khi nước lẩu đã sôi, đun riu riu khoảng 10 phút là có thể dùng.
LẨU RAU NẤM VÂN NAM
Lẩu rau nấm là điển hình của phong vị Vân Nam, miền đất cận nhiệt đới xanh tươi dồi dào rau củ hoa nấm. “Ngôi sao” của món ăn này là các loại rau và nấm, nào là cải ngọt, cải cúc, cải thảo, mộc nhĩ, nấm hương, nấm kim châm, nấm matsutake, nấm gan bò, nấm măng… nhúng cùng với thịt bò thái mỏng, thịt lợn, thịt gà, fillet cá và đậu phụ.

Hương vị rất gần gũi với các món lẩu ở Việt Nam, vậy nên không có gì khó hiểu khi các nhà hàng lẩu nấm Côn Minh (tên thủ phủ tỉnh Vân Nam) liên tục mọc lên ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thu hút đông đảo thực khách.
Những món lẩu của Trung Quốc thật chất phải không các du khách? Hãy đồng hành cùng chúng tôi trong tour du lịch Trung Quốc để có cơ hội thưởng thức những món lẩu trứ danh này nhé! Chắc chắn hương vị của chúng sẽ khiến du khách phải “ngây ngất”!