Hiện nay, tâm lý tại một số điểm du lịch ở Thái Lan nói riêng và ở các quốc gia khác nói chung là cứ thấy khách du lịch thì nâng giá, thậm chí “chặt chém”. Vậy làm thế nào để mua được sản phẩm, dịch vụ có chất lượng mà giá cả lại hợp lý? Mời du khách tham khảo bài viết này.

Khi đi du lịch Thái Lan, nhiều người còn bỡ ngỡ khi không biết phải mặc cả thế nào để có giá tốt. Ở Thái Lan, việc mặc cả được chấp nhận nên nếu du khách là một người đàm phán tốt, chắc chắn bạn sẽ có được món hàng đó với mức giá tốt. Từ giá xe Tuk Tuk, đến quà lưu niệm hay gia hạn ngày lưu trú,… tất cả đều có thể được mặc cả.

Nếu du khách chưa biết phải làm thế nào, hãy sử dụng những cách mặc cả khi mua hàng sau đây để đàm phán nhằm có được giá tốt nhất:

1. Quyết định những thứ đáng để mua

Trước khi mua một món hàng, du khách hãy cân nhắc nó có đáng để bỏ tiền ra mua hay không. Du khách có thực sự muốn mang nó theo trong suốt cuộc hành trình của mình hay không? Nó có đáng để trả thêm phí vận chuyển về nhà hay không? Ví dụ một tác phẩm nghệ thuật có thể là một món hời, nhưng hãy cân nhắc xem du khách phải mất thêm bao nhiêu tiền nữa để đóng khung nó sau khi mua về.

2. Đừng tỏ thái độ quá thích

Nếu du khách đang đi mua sắm và chạy ngay đến một sản phẩm, cầm lên và reo vui rằng: “Tôi thích nó quá! Bao nhiêu vậy?”, thì đừng ngạc nhiên nếu chủ hàng sẽ đòi một cái giá gấp đôi, gấp ba giá trị thực. Mẹo nhỏ là “nén” niềm vui lại và tỏ ra bình thường khi mặc cả. Khi du khách thấy món hàng mà mình thích, thay vì hỏi đến nó ngay, cứ nhìn xung quanh một chút và hỏi giá của một vài món khác trước. Lúc người bán thấy du khách không quá chú ý đến món đồ đó, họ sẽ chào giá thấp hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, tỏ vẻ thờ ơ không có nghĩa là hành xử kiểu thô lỗ. Khi du khách cố tỏ ra tiêu cực về món hàng du khách đang thương lượng thì rất bất lịch sự và khiến người bán không muốn giảm giá cho du khách đâu. 

3. Tham khảo giá

Món đồ muốn mua nếu không phải là duy nhất và tại các khu du lịch chúng thường sẽ được bán ở các cửa hàng khác nhau. Thay vì mua ngay lần đầu tiên nhìn thấy, hãy dành thời gian đi một vòng các cửa hàng bên cạnh và hỏi giá. Điều này không những giúp có thể biết gần chính xác nhất giá tiền thực của món hàng đó để mặc cả và có thể tìm được thứ ưng ý hơn.

Với thời đại công nghệ như hiện nay, có thể nên tra cứu giá trên mạng để biết được giá phù hợp nhất, nhất là tại một số diễn đàn du lịch. Nếu mua ở chợ trời, chợ dân sinh có thể kiểm tra, so sánh giá với giá siêu thị. Tuy nhiên cần kiểm tra kỹ về chất lượng trước khi mua.

4. Quan sát dân địa phương trả giá

Với cùng một loại hàng hóa và dịch vụ, khách du lịch hầu như luôn trả giá cao hơn so với dân địa phương. Người bán hàng sẽ nhận ra du khách là một người từ nơi khác đến bởi sự giàu có của mình so với dân địa phương. Nó có thể đúng hoặc sai nhưng dù sao đi nữa thì du khách cũng sẽ học được cách mặc cả bằng việc quan sát xem người dân địa phương họ trả giá bao nhiêu. Mặc dù du khách có thể sẽ không mặc cả được mức giá như của họ nhưng đó cũng là sự khởi đầu tót cho những lần tiếp theo.

5. Mua sắm cùng người địa phương

Nếu có người quen, thân hoặc bạn bè tại nơi du lịch, hãy nhờ họ đi mua cùng du khách. Với sự am hiểu của mình, họ sẽ giúp du khách mua đồ đúng nơi và không bị chặt chém. Nếu không thể có ai đi cùng, hãy bỏ túi những câu nói thông dụng khi mua sắm bằng tiếng địa phương, để người bán thấy du khách có kinh nghiệm mua hàng mà không đội giá quá cao.

6. Luôn tỉnh táo

Điều này không chỉ được vận dụng khi kiểm tra chất lượng của món hàng định mua, mà còn giúp du khách cảnh giác với những chiêu trò của người bán. Họ có thể sắp đặt rất nhiều người mua cùng lúc du khách đến để thể hiện cửa hàng rất uy tín và đắt khách, tuy nhiên du khách hãy nhìn thẳng vào thực tế chất lượng hàng hóa và giá cả ở đây.

Thậm chí, những người bán hàng, đặc biệt là những người bán rong ở khu du lịch thường đem hoàn cảnh thương tâm của bản thân, gia đình ra kể lể. Đừng để họ đánh lừa du khách. Đây là chiêu trò phổ biến họ tung ra để du khách dễ dàng mua hàng với giá cao.

7. Sử dụng ngôn ngữ địa phương

Biết được từ “xin chào” bằng tiếng Thái Lan đã giúp du khách có hình ảnh khác đi so với những vị khách du lịch còn lại, những người chỉ quan tâm đến giá tốt mà ít khi bận tâm đến văn hóa.

Những du khách biết cách đàm phán giá bằng ngôn ngữ địa phương hoặc ít ra cũng nói được từ “giảm giá”, “đắt quá” sẽ có được lợi thế lớn khi mua sắm tại “xứ sở chùa Vàng”. Cố gắng sử dụng ngôn ngữ của họ để thể hiện sự kính trọng, yêu thích món hàng lúc nào cũng giúp du khách có được giá tốt. Có thể sử dụng máy tính bỏ túi để kiểm tra lại tránh hiểu sai giá.

8. Đưa ra mức giá phù hợp

Mặc cả bao nhiêu phụ thuộc phần lớn vào sự nhạy cảm về món đồ mà du khách định mua cũng như văn hóa bán hàng tại nơi du khách đến. Tuy nhiên, việc tìm hiểu mức trả giá từ kinh nghiệm của những người đi trước hoặc trên các diễn đàn du lịch sẽ giúp du khách nắm bắt được điều này. Thông thường, giá du khách mua sẽ thấp hơn giá người bán nói 10% – 30%, thậm chí là 50%. Du khách hãy đưa ra mức giá phù hợp cho mỗi món đồ tại mỗi điểm đến.

9. Đừng bao giờ khoe tiền mệnh giá lớn

Không có ai đi mặc cả chi li từng ngàn hay thậm chí vài trăm ngàn với lý do túi tiền chỉ cho phép chi tiêu đến thế mà lại cho người khác thấy điều ngược lại cả. Khi du khách (dù vô tình) để người khác thấy sự giàu có hay điều kiện tài chính tốt của mình thì rõ ràng việc du khách cứ kì kèo mặc cả sẽ bị cho là keo kiệt, bùn xỉn và rất có thể vụ mặc cả của du khách sẽ thất bại.

10. Hãy mỉm cười

Dù khách hàng là thượng đế nhưng với bộ mặt cau có, đăm chiêu du khách sẽ khó mặc cả thành công. Nói năng từ tốn, lịch thiệp kèm theo nụ cười luôn thường trực trên môi sẽ giúp du khách gây được thiện cảm với người bán, và khiến cho mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn. Thậm chí nếu việc mặc cả thất bại, du khách cũng sẽ không cảm thấy bực tức mà thoải mái chọn mua ở hàng khác.

11. Đừng sợ hãi và lúng túng

Nếu du khách có chút kinh nghiệm mặc cả, đừng để mình rơi vào sự ngai ngùng, sợ hãi vì du khách là thượng đế cơ mà. Du khách không phải một kẻ nghèo mạt và người bán không hề căm ghét du khách. Đừng bị bối rối khi có những khoảng im lặng và đừng sợ hãi khi dừng lại suy nghĩ. Sự thật là sự im lặng có thể là một công cụ để mặc cả đắc lực.

12. Tận dụng lợi thế đám đông

Hãy đi ít nhất 2 người trở lên và cùng nhau trả giá, mỗi người “xuống giá” hộ một câu đảm bảo sẽ có hiệu quả. Nếu đi một mình, du khách sẽ không nói lại được người bán hàng. Đây là chiêu áp đảo tâm lý người bán.

13. Chọn thời điểm mặc cả

Trả giá ngay khi họ mở hàng hay lúc mới sờ vào đồ đôi khi chỉ làm du khách nhận được những cái lắc đầu lạnh nhạt. Bởi họ nghĩ du khách chỉ đang khảo giá mà không thiện chí mua đồ, khiến “dông” cả buổi. Do đó, hãy lựa chọn thật kỹ trước khi đưa ra một mức giá nào đó để người bán thấy du khách đã cân nhắc và thiện chí lấy hàng.

Ngoài ra, tại thời điểm chuẩn bị đóng cửa hàng, thời kỳ mặt hàng đó “không được lòng khách du lịch”, khi kết thúc mùa du lịch hoặc thị trường ế ẩm cũng là lúc rất thích hợp để du khách mặc cả để được giá tốt hơn.

14. Biệt ngữ cho mặc cả

Khi mua hàng du khách nên sử dụng những câu nói sau để đàm phán thành công: “Tôi có thể được ưu đãi gì không nếu thanh toán bằng tiền mặt?”, “Bạn có thể đưa ra được mức giá tốt hơn không?”, “Tôi tìm thấy vết ghi dấu trên sản phẩm định mua, bạn có thể giảm đi ít tiền không?”, “Tôi thấy sản phẩm này trên mạng có giá bán thấp hơn, bạn có thể bán bằng với giá đó được không?”. Khi vẫn bị từ chối bán, du khách nên dùng cách nói này: “Được rồi, tôi nghĩ rằng mình chưa mua được ngay, hãy gọi lại cho tôi nếu có đợt giảm giá”.

15. Hỏi thêm về những ưu đãi đi kèm

Nếu du khách đang bế tắc trong việc mặc cả thì hãy hỏi thêm về những mặt hàng, khuyến mại đi kèm sản phẩm. Nếu du khách đang để mắt đến một vài mặt hàng, hãy đề nghị người bán hàng rằng nếu du khách mua nhiều thì nên được giảm giá.

16. Giả vờ bỏ đi

Đừng bao giờ để người bán hàng thấy là du khách quá cần hay quá thích mua sản phẩm của họ với việc cứ đứng xem hàng mãi và trả giá nhanh mà khi cần thiết nên bỏ đi sau khi đưa ra một mức giá dạm mua thấp mà người bán chưa sẵn sàng chấp nhận. Lúc này có thể người bán sẽ cân nhắc đến lợi nhuận ít hay nhiều mà đồng ý với giá đó và gọi du khách quay lại. Trong nhiều trường hợp, người bán sẽ thỏa thuận lợi với du khách và đồng ý bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ với mức giá hợp lý hơn so với trước đó. Bằng không, du khách vẫn có thể tùy ý lựa chọn ở nhiều cửa hàng khác. Thậm chí, sau khi đi một vòng nếu vẫn ưng món hàng và giá ở đó, du khách có thể quay lại.

17. Mua nhiều hơn để được giảm giá

Khi mua sắm tại Thái Lan trong nhiều khu chợ bán sỉ, du khách sẽ được giảm giá nhiều nếu như du khách mua hàng số lượng lớn hoặc nhiều loại sản phẩm. Nếu du khách mua một lô từ 3 đến 4 món giống nhau trở lên, giá sẽ giảm xuống rõ rệt đến hơn 25%, nhưng đó không phải là chiến thuật duy nhất. Hãy thương lượng với một món hàng và gợi ý giảm giá nếu du khách mua nhiều loại khác nhau thì du khách sẽ có giá tốt nhất.

Lưu ý: Nhiều cửa hàng hiện nay để bảng miễn trả giá, có thể là họ bán hàng tốt, hàng độc, hoặc họ bán đúng giá hoặc không gì cả. Với các cửa hàng này, du khách không thể áp dụng bí kíp trả giá nào, vậy nên hãy ghi chú vài cửa hàng có uy tín tốt để ghé mua.

Hãy áp dụng những bí quyết trên đây để mua sắm khi du lịch Thái Lan nhé! Chúc du khách có một hành trình khám phá “xứ sở Chùa Vàng” với nhiều điều bổ ích và thú vị!