Rất nhiều người luôn coi bánh mì Pháp là những chiếc bánh mì ngon nổi tiếng thế giới. Nhưng thực tế, bánh mì của nước Đức mới được giới ẩm thực coi là món ăn “chất” nhất thế giới, hơn cả những chiếc bánh mì Pháp trứ danh. Cũng như bia, bánh mì ở Đức là một phần văn hóa của đất nước này.
Ở Đức có nhiều cửa hiệu bánh mì với con số khoảng 10.000, và người Đức có thể ăn nhiều loại bánh mì hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên khắp thế giới. Theo danh sách đăng ký chủng loại bánh mì thuộc Viện bánh mì nước Đức (German Institute for Bread), tới nay đã có hơn 3.200 loại bánh mì được công nhận chính thức trong nước. Văn hóa bánh mì Đức đã được Unesco chính thức bổ sung vào danh sách văn hóa phi vật thể năm 2015.
Cho đến nay, bánh mì đã vượt qua con số 10.000 tuổi. Khi con người bắt đầu biết thu hoạch các loại hạt để làm lương thực, họ nghiền nhuyễn các hạt này ra rồi trộn với nước để tạo thành cháo. Sau này, loại cháo này được nướng trên các tảng đá nóng hoặc nướng trong tro để làm thành những chiếc bánh mì dẹt.
Có hai phát hiện đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử nướng bánh mì là: nướng bánh trong lò kín và ủ bột bánh trong nhiều ngày để bột nở ra. Chính nhờ hai phát hiện này, bánh mì mới có được độ mềm và xốp như hiện nay.
Người dân nơi đây sử dụng hầu hết các loại hạt để làm nên bánh mì: lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, yến mạch, kê, ngô và gạo. Thậm chí một số bánh mì còn được làm từ tinh bột khoai tây. Dựa vào thành phần nguyên liệu, bánh mì Đức được chia ra làm ba loại chính là bánh mì trắng (Weißbrot), bánh mì xám (Graubrot) và bánh mì lúa mạch đen (Schwarzbrot). Trong thực tế, bánh mì luôn chứa cả bột mì và bột lúa mạch đen nên còn có loại bánh mì hỗn hợp (Mischbrot). Những loại hạt ngũ cốc cũng được thêm vào làm tăng hương vị cho bánh mì như hạt lanh, hạt bí, hướng dương hay hạt bí ngô. Tiêu biểu nhất trong bánh mì Đức với hàm lượng dinh dưỡng cao là bánh mì lúa mạch đen nguyên chất Vollkornbrot và Schwarzbrot.
Người dân Đức ăn bánh mì vào tất cả các buổi trong ngày. Vào buổi sáng, bánh mì được ăn với mứt, bơ, xúc xích, phô mai và một vài loại rau củ. Bữa trưa là bữa ăn quan trọng nhất đối với người Đức, trong bữa ăn này, họ ăn nhiều thức ăn nhất. Do đó, bữa tối trong truyền thống của người Đức là một bữa ăn nhẹ, có cấu trúc tương đối giống với bữa sáng. Bánh mì đã đi sâu vào văn hóa ẩm thực của nước này, trong tiếng Đức, “Brot” có nghĩa là bánh mì, và người Đức gọi bữa tối là “Abendbrot” (nghĩa gốc là bánh mì buổi tối) và những thức ăn vặt là “Brotzeit”.
Không chỉ là một loại thực phẩm thiết yếu trong cuộc sống thường ngày, người Đức còn đem bánh mì vào trong những lễ hội lớn như Lễ hội bia Oktoberfest ở Munich, lễ hội Karneval,… Cùng với những ly bia có dung tích lên đến 1 lít, bánh Brezel và bánh mì tròn Brötchen là những loại bánh mì phổ biến trong các ngày lễ này.
Thậm chí, bánh mì còn trở thành một hình ảnh nổi tiếng trên T.V. Một chiếc bánh mì biết nói chuyện có tên Bernd rất quen thuộc với hầu hết trẻ em Đức. Loạt phim hài “Bernd das Brot” với nhân vật chính là chiếc bánh mì Bernd đã được phát sóng trên kênh thiếu nhi KI.KA từ năm 2000.
Hệ thống bưu chính của Đức còn phát hành con tem với khẩu hiệu “văn hóa bánh mì Đức” đã được bán ra từ năm 2018.
MỘT SỐ LOẠI BÁNH MÌ CỦA ĐỨC RẤT ĐÁNG ĐỂ THỬ
Brötche (bánh mì cuộn): Là loại bánh mì trắng tiêu chuẩn, nhưng không giống hệt như loại bánh Brötche phổ biến ở Đức mà người Đức quen ăn. Một số khu vực lại có tên riêng cho loại bánh này, bao gồm Semmeln, Wecken, Schrippen hoặc Rundstück (đều có nghĩa là vòng tròn). Các biến thể khác của bánh là bánh Brötche hạt mè, anh túc, bí ngô được bán dưới dạng bánh cuộn nguyên hạt.
Milchbrötchen (bánh mì cuộn sữa): Bánh này là biến thể của bánh mì cuộn. Bánh được làm từ bột trắng mịn làm từ sữa, thường có thêm nho khô hoặc sô cô la. Đây là món ăn sáng khoái khẩu của người Đức.
Hörnchen: Đây cũng là một loại bánh mì được chuộng vào bữa sáng ở Đức, đặc biệt là sáng chủ nhật. Hörnchen (hay còn được gọi là bánh sừng nhỏ) là phiên bản bánh sừng bò của Đức, dù có thêm nhiều bơ. Bánh có hình dáng nửa mặt trăng. Bánh Hörnchen ăn rất ngon với mứt hoặc sô cô la được phết rộng khắp bánh.
Vollkornbrot (bánh mì ngũ cốc nguyên hạt): Trên kệ các cửa hàng bánh ở Đức đều có loại bánh này. Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt có màu nâu sẫm, tốt cho sức khỏe. Bánh thường được ăn với phô mai hoặc thịt nguội vào buổi tối. Thành phần ngũ cốc nguyên hạt trong bánh ít nhất phải chiếm 90% (luật pháp quy định).
Pumpernickel: Bánh mì đen đậm được làm từ 100% lúa mạch đen, có nguồn gốc từ phía bắc nước Đức. Đây là một trong những loại bánh nổi tiếng nhất. Pumpernickel được nướng trong một khoảng thời gian dài ở nhiệt độ thấp. Bánh được ăn như món khai vị với dưa chuột hoặc cá. Hầu hết các siêu thị ở Đức đều bán Pumpernickel.
Sonnenblumenbrot (bánh mì hạt hướng dương): Bánh mì loại này được rắc một lượng lớn hạt hướng dương và có vị hơi ngọt. Bánh là một sự lựa chọn lý tưởng cho bữa sáng, rất tốt cho sức khỏe. Bánh mì hạt hướng dương nên được thưởng thức với kem phô mai và mứt trái cây.
Brezel: Loại bánh đặc sản này thỉnh thoảng cũng được rắc muối bên trong, bắt nguồn từ các vùng phía Nam của nước Đức. Loại bánh được làm từ bơ, là món ăn nhẹ hoàn hảo, uống chung với bia rất tuyệt.
Có thể nói, bánh mì là món ăn mang cả linh hồn ẩm thực Đức, mỗi loại bánh không chỉ chứa đựng hương vị đơn thuần, mà nó còn mang hình ảnh của một đất nước có nền văn hóa rất đáng tự hào. Người Đức thưởng thức bánh mì cũng là thưởng thức một phần văn hóa dân tộc, giản dị, mộc mạc nhưng vô cùng phong phú và đáng nhớ.
Nếu du khách hỏi người Đức sống ở nước ngoài, điều mà họ nhớ nhất về quê hương là gì thì câu trả lời đơn giản chỉ là hai từ “bánh mì”. Với muôn vàn kiểu dáng, hương vị và thành phần bánh mì Đức quả thực là một thức quà tuyệt vời dành cho mọi người. Nếu du khách có dịp du lịch Đức thì đừng nên bỏ qua món bánh mì “tinh hoa” này nhé!