DU LỊCH ITALIA KHÔNG THỂ BỎ QUA MÓN PASTA

Ngày nay, Italia (Ý) là một điểm du lịch rất được ưa thích của khách du lịch trên thế giới, bởi vùng đất này sở hữu rất nhiều nhiều di sản văn hóa độc đáo cùng bề dày lịch sử, nền nghệ thuật, thời trang và ẩm thực đặc sắc. Trong đó, Pasta là cái tên đã được ưu ái mệnh danh là “nữ hoàng ẩm thực” của đất nước này.

Pasta trong tiếng Ý là tên gọi chung cho các món mì hay nui làm từ bột mì. Điều đặc trưng nhất giúp chúng ta phân biệt Pasta với các loại mì của nước khác chính là nhờ bột mì Semolina – được làm từ loại lúa mì cứng nhất, có màu hổ phách.

Nguồn gốc của Pasta

Có không ít ý kiến về nguồn gốc ra đời của Pasta nhưng quan điểm phổ biến nhất cho rằng, mì sợi có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau đó, mì sợi được nhà thám hiểm Marco Polo mang về nước sau chuyến du hành 24 năm khắp miền viễn Đông rồi tạo thành những sợi mì theo phong cách Ý.

Đến thế kỷ 15, cùng với sự leo thang giá cả của thực phẩm tươi sống, Pasta ngày càng trở nên phổ biến. Người ta chế biến Pasta và bán dọc các con đường trên “đất nước hình chiếc ủng”. Điều thú vị nằm ở chỗ, khi ấy, người dân chỉ ăn Pasta với pho mát bào nhuyễn và… dùng tay bốc. Cho đến khi vua Ferdinard dùng nĩa để thưởng thức món ăn bình dân này thì mọi người mới bắt đầu học theo và ăn một cách lịch sự hơn. Mãi đến đầu thế kỷ 19, Pasta mới được kết hợp với nguyên liệu quen thuộc đến tận ngày nay – sốt cà chua.

Các loại Pasta ở Italia

Nhắc tới mì Ý, không chỉ riêng người Việt mà các thực khách khác trên thế giới cũng nghĩ ngay đến dĩa Spaghetti vàng óng quyện với sốt cà chua. Thế nhưng, bạn sẽ phải ồ lên nếu biết rằng “họ hàng” của Pasta có tới hơn 400 loại khác nhau mà Spaghetti chỉ là một đại diện tiêu biểu nhất thôi đấy nhé!

Pasta được người Ý chia thành 2 loại chính là Pasta tươi và Pasta khô. Pasta tươi chỉ cất giữ được vài ngày trong tủ lạnh còn Pasta khô không có trứng có thể lưu giữ đến 2 năm. Tùy kích cỡ, hình dạng và nguyên liệu, sốt ăn kèm và cách chế biến mà Pasta có những tên gọi khác nhau. Dù vậy, du khách vẫn có thể hình dung Pasta thành 4 loại đặc trưng sau:

Pasta cọng dài: Đó là các dạng mì dạng sợi dài, quấn được quanh nĩa, phổ biến và nổi tiếng nhất là Spaghetti. Các cọng pasta dài thường có độ rộng khác nhau. Ví như sợi Spaghetti thì nhỏ và đặc, “tóc thiên thần” Capellini lại mảnh dẻ và quyến rũ với màu sáng trong,…

Pasta dạng ống (nui): Là tất cả các loại có dạng ống, từ to, nhỏ, thẳng, cong đến trơn, gân, vạt chéo,… Tiêu biểu có thể kể đến là Elbows, Manicotti, Penne và Rigatoni. Pasta ống ăn kèm với sốt đặc, ống càng to thì sốt càng đặc.

Pasta có hình dạng đặc biệt: Đó là các loại Pasta được tạo hình thành rất nhiều hình dáng xinh xắn và đẹp mắt, cho bữa ăn thêm ngon miệng như Farfalle (nơ bướm), Fusilli (xoắn ốc), Rote (bánh xe), Conchiglie (vỏ sò),…

Pasta có nhân – Ravioli: Loại Pasta này được làm từ miếng bột cán mỏng rồi cho nhân vào giữa và gập lại. Ravoli có nhiều hình dạng như hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn, tam giác,…

Lasagna: Có kích thước lớn, thường dùng để chế biến thành các món ăn đút lò.

Tagliatelle và sốt Bolognese: Bolognese là một trong những loại sốt kết hợp cùng Pasta phổ biến nhất, dễ ăn nhất và hợp với mọi lứa tuổi. Sốt Bolognese là sự hòa quyện của các loại hương liệu thảo mộc Ý bao gồm: Lá thyme, lá nguyệt quế, cần tây có cuống, hành tây, dầu hạt hướng dương, tiêu đen.

Spaghetti và sốt Basilico: Basilico là tên biến âm của lá Basil – hương thơm đặc trưng không thể nhầm lẫn trong món ăn này. Mùi thơm ấy kết hợp cùng cà chua băm nhuyễn, dầu hạt hướng dương, hành xanh và tỏi để làm thành loại nước sốt truyền thống của đất nước Ý.

Fusilli và sốt kem nấm, gà: Nguyên liệu chủ yếu để chế biến món Pasta này thường bao gồm: Thịt gà, nấm, phô mai Parmesan, kem tươi, dầu olive, lá basil. Hương vị đặc trưng của Fusilli và phần sốt là sự hòa quyện giữa thịt gà và vị béo ngậy của kem tươi cùng phô mai, đánh thức khẩu vị ngay những lúc thực khách  mỏi mệt nhất.

Spaghetti – “Dòng họ” khổng lồ của Pasta

Mì Spaghetti thậm chí còn được gọi là mì Ý bởi sự đặc trưng của nó tại quốc gia này. Với sự tiện lợi, dễ nấu, dễ ăn, món mì này thực sự đã khiến đất nước hình chiếc ủng đến gần hơn với du khách thế giới.

Món mì Spaghetti không chỉ phổ biến trong các nhà hàng lớn mà ngay trong bữa cơm gia đình cũng trở nên vô cùng thân thuộc. Nguyên liệu để làm ra món mỳ trứ danh này là từ lúa mì và các loại bột khác theo quy trình nhào thành bột rồi được tạo ra với vô số các hình dạng khác nhau. Có thể nói mì Spaghetti được xếp vào hạng những món ăn phong phú và đa dạng nhất với đủ các loại sợi như: dạng sợi dài Spaghetti, Capellini, dạng lá như Lasagna hoặc dạng xoắn Fusilli nhưng có lẽ phổ biến hơn cả vẫn là Spaghetti.

Ban đầu sợi mì Spaghetti dài rất đáng kể, nhưng dần dần nhiều sợi mỳ có độ dài ngắn hơn trở nên được ưa chuộng trong nửa sau thế kỷ 20 và ở thời điểm hiện tại thì Spaghetti chủ yếu dài khoảng 25-30cm. Nhiều món ăn pasta khác đều có cơ sở dựa trên nó mà hình thành.

Vì loại, dạng mì Spaghetti đã rất đa dạng nên cách chế biến chúng còn đa dạng hơn nữa. Mỳ Spaghetti thường được chế biến cùng với nước sốt phổ biến nhất là nước sốt cà chua như: Puttanesca, bolognese, ragu, fara diavolo và arrabbiata. Ngoài ra các loại nước sốt kem, phô mai, pesto cũng được thực khách vô cùng ưa thích.

Món mì này không chỉ đa dạng về cách chế biến hình dạng của mì mà còn cầu kì trong việc thưởng thức nó. Thông thường khi ăn mì Spaghetti, người dân Italia ít khi dùng thìa mà chủ yếu người ta dùng nĩa để xiên lấy sợi mì kéo lên rồi xoắn gọn gàng đưa lên miệng thưởng thức. Ăn kèm với mì Spaghetti chủ yếu là các loại rau thơm dưa leo,… và để món ăn thêm hấp dẫn thực khách có thể uống cùng với một số loại rượu vang nhẹ hay cocktail.

Cách thưởng thức món Pasta đúng chuẩn người Ý

Khi thưởng thức Pasta, du khách tuyệt đối không nên để phát ra bất kì âm thanh nào vì đó chính là điều tối kị, thậm chí được coi là bất lịch sự đối với những người xung quanh. Ngoài ra, du khách nên cẩn thận không để rơi vãi và khiến nước sốt dình vào người.

Thêm vào đó, để thưởng thức Pasta đúng theo phong cách Ý, du khách hãy chế biến theo cách Al – denta để mì vẫn còn chút dai dai ở phần lõi, vừa không quá cứng, vừa không quá mềm. Đặc biệt, không chỉ giúp cho món ăn thêm ngon miệng, cách chế biến này còn làm giảm lượng đường trong bột hơn là nấu chín mềm và cũng tốt hơn cho sức khỏe.

Vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng, lại đẹp mắt và có vô vàn mùi vị để lựa chọn, vậy nên không có lý do gì để du khách không thưởng thức các món mì Pasta nổi tiếng này khi đi du lịch Italia.