Nếu du khách đi du lịch Nhật Bản theo tour thì việc xuất nhập cảnh cũng khá thuận lợi. Du khách thường ít bị tra hỏi hơn so với đi tự túc. Với những ai chưa có kinh nghiệm đặc biệt là đi tự túc thì nên tham khảo những thủ tục xin Visa và nhập cảnh Nhật Bản trong bài viết này để tránh bỡ ngỡ, lo lắng.

I. THỦ TỤC XIN VISA DU LỊCH NHẬT BẢN

1. Các giấy tờ cần thiết

– Hộ chiếu: Còn hạn trên 6 tháng đối với trường hợp xin visa đi dưới 90 ngày. Photo các trang visa và dấu xuất nhập cảnh trên hộ chiếu và photo hộ chiếu.

– Đơn khai xin cấp Visa du lịch Nhật Bản: Du khách có thể xin trực tiếp ở Đại sứ quán hoặc download tại website của Đại sứ quán Nhật Bản. Cách điền tờ khai như sau:

Những phần “Have you ever” du khách chọn “No” hết vì chỉ là hỏi quá trình phạm tội của du khách thôi, trừ khi đúng là du khách có tiền án tiền sự, còn không đương nhiên là No rồi.

– 2 ảnh thẻ (5 x 5 cm), chụp trong vòng 3 đến 6 tháng gần nhất.

– Chứng minh nghề nghiệp của du khách (Hợp đồng lao động, giấy xin nghỉ phép, giấy xác nhận làm việc…).

– Đơn xin nghỉ phép có dấu và ký tên của chủ quản công ty. Nếu là giám đốc thì chỉ cần giấy phép đăng ký kinh doanh của công ty.

– Hợp đồng lao động.

– Chứng minh tài chính (sổ tiết kiệm: 100 triệu, nhà cửa, xe cộ…).

– Xác nhận booking vé máy bay hai chiều.

– Xác nhận booking khách sạn.

– Lịch trình du lịch Nhật Bản: ghi rõ lịch tham quan, nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại.

2. Địa điểm nộp hồ sơ xin Visa du lịch Nhật Bản

Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội – Địa chỉ: Số 27 Liễu Giai, Hà Nội, Việt Nam (dành cho người có hộ khẩu từ Bình Định trở ra Bắc).

Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM – Địa chỉ: 261 Điện Biên Phủ, Phường 7, quận 3, TP.HCM (dành cho người có hộ khẩu từ Phú Yên vào Nam).

3. Thời gian tiếp nhận và trả kết quả

Từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần (trừ ngày lễ và ngày nghỉ) Lịch nghỉ lễ

Nhận hồ sơ: 08:30 đến 11:30.

Trả kết quả: 13:15 đến 16:45.

4. Lệ phí

Tại Đại sứ quán Nhật Bản (Hà Nội): 

– Visa hiệu lực 1 lần: 610.000 VND.

– Visa hiệu lực nhiều lần: 1.220.000 VND.

Tại Tổng lãnh sự quán Nhật Bản (Hồ Chí Minh):

– Visa hiệu lực 1 lần: 650.000 VND.

– Visa hiệu lực nhiều lần: 1.300.000 VND.

5. Xét duyệt Visa

Tối thiểu 08 ngày làm việc tính từ ngày tiếp theo sau ngày nhận hồ sơ (tuy nhiên, thời gian xét duyệt có thể kéo dài tùy trường hợp). Trường hợp nộp hồ sơ Visa thông qua các đại lý ủy thác thì thời gian xét duyệt sẽ là tối thiểu 05 ngày làm việc.

Trong thời gian xét duyệt, tùy từng trường hợp có thể cần thiết phải phỏng vấn đương sự xin Visa hoặc phải nộp hồ sơ bổ sung. Trường hợp không nộp được hồ sơ bổ sung hoặc không thể phỏng vấn đương sự thì có thể ngưng việc xét duyệt hoặc thời gian xét duyệt có thể kéo dài.

Ngoài trường hợp nhân đạo, các trường hợp xin cấp khẩn Visa sẽ không được xét. Trường hợp khẩn đề nghị liên lạc sớm.

Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản không trả lời những câu hỏi có liên quan đến nội dung xét duyệt.

Trường hợp hồ sơ xin visa sau khi xét duyệt có kết quả từ chối cấp Visa, thì trong vòng 06 tháng người xin visa không được nộp lại hồ sơ xin visa với cùng một mục đích. Ngoài ra, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản sẽ không trả lời lý do từ chối cấp Visa.

6. Về việc thay đổi lịch trình sau khi đã có Visa

Sau khi được cấp Visa, đối với trường hợp có thay đổi nội dung hoạt động hoặc thay đổi thời gian lưu trú nhiều hơn thời gian lưu trú được cho phép trong visa, thì cần phải xin lại Visa mới.

Thời hạn hiệu lực của Visa là 03 tháng kể từ ngày được cấp (không phải là từ ngày nhận hồ sơ). Nếu quá thời hạn này, Visa sẽ mất hiệu lực và không thể nhập cảnh Nhật Bản.

7. Lưu ý khi xin Visa du lịch Nhật Bản

– Tất cả các loại giấy tờ nộp xin Visa phải là khổ giấy A4, không nhăn, mờ, rách.

– Nhật Bản không đòi phải đi dịch thuật ra tiếng Anh và công chứng tư pháp. Các hồ sơ cần bản gốc để đối chiếu, nộp kèm một bản copy không cần công chứng.

– Với các du khách gửi sổ tiết kiệm chưa đủ 1 tháng trước ngày nộp thì các du khách nhớ chuẩn bị nộp thêm: giấy tờ nhà đất hoặc xe ô tô có đứng tên của mình nhé! Ngoài ra, các du khách có thể sử dụng sổ của 1 người khác nhưng phải bảo người đó chuyển nhượng tên cho du khách.

– Nên đi du lịch vài nước Đông Nam Á: đây là cách tạo lịch sử du lịch. Bằng không tài chính của du khách phải thật mạnh, lương chuyển khoản vài chục triệu.

– Du khách nào hiện tại còn giữ hộ chiếu cũ thì mang đến cùng với hộ chiếu còn hiệu lực để xin cấp Visa.

– Phỏng vấn xin Visa:

Không phải tất cả trường hợp xin visa đều phải lên phỏng vấn. Tuy nhiên, trong một số giai đoạn cao điểm, nhạy cảm hoặc hồ sơ của du khách không rõ ràng thì Đại sứ quán sẽ yêu cầu du khách lên phỏng vấn ngắn để làm rõ thông tin. Du khách sẽ phải thực hiện phỏng vấn bằng tiếng Nhật hoặc tiếng Anh, chuẩn bị tinh thần nhé!

Người Nhật khi gặp mặt, đặc biệt là các cuộc hẹn công việc thì rất quan tâm đến trang phục và cách giao tiếp, ứng xử. Bạn nên ăn mặc kín đáo, lịch sự với màu sắc giản dị, màu sắc trang nhã để thể hiện sự tôn trọng và tạo thiện cảm với người phỏng vấn du khách.

Đừng lo lắng quá về nội dung phỏng vấn. Các câu hỏi chỉ nhằm mục đích làm rõ thông tin trong hồ sơ của du khách như mục đích du lịch, khả năng tài chính, công việc, kinh nghiệm du lịch đã từng có hoặc một số điều mà du khách đã biết về “xứ sở hoa anh đào” xinh đẹp.

Khi trả lời, du khách nên nói một cách từ tốn, rõ ràng, trả lời đúng trọng tâm để thể hiện sự tôn trọng, chuyên nghiệp, lịch sự đối với người phỏng vấn du khách. Trước khi thực hiện phỏng vấn, du khách cũng nên chuẩn bị nội dung trả lời. Có thể tiếng Anh hoặc tiếng Nhật của bạn chưa thực sự vững nhưng du khách nên luyện phát âm tốt nhất có thể đối với các từ khóa trong câu trả lời, để đảm bảo đối phương hiểu nội dung mà du khách muốn truyền tải. Sự ấp úng, thiếu tự tin sẽ khiến du khách khó được chấp nhận cấp Visa. Cứ tự tin, thẳng thắn và trả lời mạnh dạn các câu hỏi.

Người Nhật rất không thích các hành động không tuân thủ quy định, pháp luật. Chính vì thế, du khách nên xin Visa du lịch Nhật Bản bằng chính khả năng của mình và thật sự kiên nhẫn. Đừng sử dụng các dịch vụ môi giới hay thực hiện bất kì hành vi nào không đúng quy trình hoặc “đi đường vòng”, một khi bị phát hiện, du khách sẽ không được cấp Visa dưới mọi hình thức hoặc bị xử lý nghiêm minh đấy.

II. NHẬP CẢNH NHẬT BẢN

1. Trình tự diễn ra thủ tục nhập cảnh Nhật Bản

Sau khi du khách xuống máy bay thì các trình tự và thủ tục nhập cảnh vào Nhật Bản diễn ra theo thứ tự sau:

  • Bước 1: Đến khu vực hải quan làm thủ tục nhập cảnh Nhật Bản.
  • Bước 2: Điền vào tờ khai xuất nhập cảnh Nhật Bản và tờ khai hải quan của Nhật Bản (Du khách có thể hỏi tiếp viên hàng không lúc ở trên máy bay trước khi xuống sân bay hoặc lấy tại quầy làm thủ tục). Du khách tham khảo cách điền vào tờ khai như hướng dẫn sau đây:

Hướng dẫn điền tờ khai xuất nhập cảnh

Tờ khai xuất nhập cảnh vào Nhật Bản gồm 2 phần cơ bản: Phần bên trái là tờ khai xuất cảnh, còn phần bên phải là tờ khai nhập cảnh. Sau khi du khách làm xong thủ tục nhập cảnh, nhân viên tại sân bay sẽ thu lại tờ khai nhập cảnh rồi kẹp vào tờ khai xuất cảnh cùng hộ chiếu để du khách sử dụng khi xuất cảnh khỏi đây.

* Cách điền phần tờ khai xuất cảnh:

Khai thông tin họ tên ngày tháng năm sinh theo như mẫu:

Vị trí đánh số (1): Ở vị trí này du khách có thể bỏ trống để khi làm thủ tục xuất cảnh để ghi số hiệu chuyến bay mà du khách bay để rời khỏi Nhật Bản.

Vị trí đánh số (2): Ở vị trí này du khách có thể ký tên hoặc để tới khi làm thủ tục xuất cảnh khỏi Nhật Bản ký tên cũng được.

* Cách điền phần tờ khai nhập cảnh:

Vị trí đánh số (3): Ghi số hộ chiếu của du khách.

Vị trí đánh số (4): Ghi số hiệu chuyến bay mà du khách bay đến Nhật Bản.

Vị trí đánh số (5): Ghi thời hạn bạn ở Nhật, theo như trên giấy chứng nhận tư cách lưu trú mà du khách nhận được lúc làm visa.

Vị trí đánh số (6): Ghi thông tin địa chỉ liên lạc bên Nhật của du khách. Nếu có người quen bên Nhật thì ghi địa chỉ của họ vào khu vực này hoặc ghi địa chỉ nhà nghỉ, khách sạn bạn ở lại trong suốt quá trình tại Nhật.

Vị trí đánh số (7): Ghi số điện thoại liên lạc của du khách bên Nhật. Vì mới sang du khách chưa có điện thoại, nên sẽ ghi theo số của trường bên Nhật hoặc số của người quen.

Thông tin mặt sau: Du khách đánh dấu như mẫu trên, và lưu ý:

Vị trí đánh số (8): Ghi số tiền mà du khách mang theo sang Nhật, khoanh trong vào đơn vị tiền tệ tương ứng mà bạn mang theo.

Hướng dẫn điền tờ khai hải quan

Số (1): Tên số hiệu chuyến bay

Số (2): Địa điểm xuất phát

Số (3): Ngày nhập cảnh

Số (4): Họ và tên (ghi giống như trong hộ chiếu)

Số (5): Địa chỉ tại Nhật Bản

Số (6): Số điện thoại bên Nhật

Số (7): Nghề nghiệp

Số (8): Ngày tháng năm sinh

Số (9): Số hộ chiếu

Số (10): Số người đi cùng (trên 20 tuổi, từ 6 tuổi đến 20 tuổi, dưới 6 tuổi)

Số (11) (12) (13): Đánh theo mẫu trên hình

Số (14): Ký tên

Số (15): Sử dụng khi mang theo hàng hóa cần khai báo.

  • Bước 3: Xếp hàng theo đúng quy định, căn cứ theo loại hộ chiếu của mình để làm thủ tục. Đưa hộ chiếu, vé máy bay và tờ khai hải quan của nước sở tại.
  • Bước 4: Sau khi làm thủ tục nhập cảnh Nhật Bản xong, du khách đến khu vực lấy hành lý để nhận hành lý cá nhân.

2. Làm thủ tục nhập cảnh tại khu vực hải quan ở Nhật Bản

– Ngay khi vừa xuống sân bay, du khách sẽ được nhân viên an ninh ở đây yêu cầu xuất trình hộ chiếu để kiểm tra.

– Cán bộ kiểm tra nhập cảnh sẽ hướng dẫn du khách để lấy dấu vân tay hai ngón trỏ trên cả 2 bàn tay để ghi lại thông tin.

– Sau khi lấy xong dấu vân tay du khách sẽ được chụp ảnh khuôn mặt bằng máy camera đặt trước máy đọc vân tay.

– Cán bộ kiểm tra nhập cảnh sẽ tiến hành phỏng vấn du khách.

– Sau khi kết thúc thủ tục nhập cảnh Nhật Bản, du khách nhận lại hộ chiếu và ra quầy làm thủ tục, đưa Visa kèm theo hộ chiếu.

3. Lấy hành lý

Tại khu vực lấy hành lý (Baggage Claim), du khách phải tìm màn hình có hiện chuyến bay của mình và đứng cạnh băng chuyền chờ hành lý. Mỗi chuyến bay có khu lấy hành lý riêng.

Số khu lấy hành lý (Baggage Claim Number) và số hiệu máy bay được ghi trên Boarding pass của du khách.

Lưu ý:

– Du khách nên ghi tên người thân, trường, đơn vị đón mình nếu du khách sang đó mà có người đón, tốt nhất là ghi bằng song ngữ để cẩm theo cho tiện việc liên lạc.

– Du khách nên mang theo một túi nhỏ để đựng giấy tờ, hộ chiếu, visa, vé máy bay… để tránh làm rơi, thất lạc và tiện khi sử dụng cần thiết.

4. Những chú ý khi nhập cảnh vào Nhật Bản

Để bảo vệ nền nông nghiệp và thiên nhiên của mình nên Nhật Bản rất nghiêm trong việc kiểm dịch thực vật. Vì lỗi này rất nhiều người Việt Nam vi phạm khi nhập cảnh vào Nhật Bản nên du khách hãy lưu ý những điều sau nếu có ý định mang các loại thực vật, rau củ, thực phẩm… vào Nhật Bản.

Khi vào Nhật Bản, du khách phải khai tất cả thực vật và sản phẩm thực vật cho cán bộ kiểm dịch thực vật để bảo đảm là không có sâu bọ hay bệnh tật gây hại cho thực vật. Hãy mang tới quầy kiểm dịch thực vật của sân bay trước khi tới qua cửa kiểm tra hải quan.

  • Nếu đạt yêu cầu sau khi kiểm tra, du khách có thể mang vào Nhật Bản những loại hoa quả sau:

– Một số loại hoa quả tươi: dứa, dừa, sầu riêng, sấu, mâm xôi, me, đậu bắp, ngô (bắp), đậu rồng, đậu ván, chùm ngây,…

– Rất nhiều loại rau và rau thơm sống: sả, mùi tàu (ngò gai), húng, rau om (ngò om), rau răm, rau mùi (ngò rí), tía tô, rau má, rau rút, rau đắng, rau ngót, lá dứa, rau diếp cá, các loại hành (hành lá, hẹ,…) lá sắn, bắp cả, diếp, cải làn, cần tây, mồng tơi, lá lốt, trầu không, rau đến, rau đay, cải xoong, lá chanh, lá chuối, hoa chuối, ngó sen, bạc hà,…

– Một số loại củ: Củ đậu (củ sắn), củ hành, củ sen, củ cải,…

– Gia vị có nguồn gốc thực vật như ớt kho, củ tỏi, củ riềng, đại hồi,…

– Các loại ngũ cốc (gạo,…) đậu kho, hạt ăn được.

– Về cây con, hạt giống, củ để trồng và các loại khác, du khách hãy liên hệ cán bộ kiểm dịch thực vật của Nhật Bản ở sân bay.

  • Du khách không cho phép mang vào Nhật Bản:

– Hầu hết các loại hoa quả tươi: xoài, măng cụt, mít, thanh long, na (mãng cầu), mãng cầu xiêm, nhãn, vải, ổi, bòn bon, bưởi, cam, đu đủ, doi (mận), hồng xiêm (sapoche), vú sữa, khế, bơ, táo, đào, mận, sơ ri, cây hồng, dưa tây, dưa hấu, cóc, chôm chôm, quả táo ta,…

– Rất nhiều loại quả tươi khác: ớt, chanh, dưa chuột (dưa leo), mướp hương, su su, gấc, cà tím, cà pháo, cà chua, đậu que, đậu đủa, cau,…

– Một số loại rau: Rau muống, rau lang, rau họ bầu bí (rau bí đỏ,…)

– Khoai lang, củ sắn (khoai mì).

– Đất, thực vật mang theo đất.

Lưu ý: chú ý với cả những sản phẩm đã kiểm tra nhập khẩu. Nếu không đính kèm “Giấy chứng nhận kiểm tra thực vật” có ghi đã thực hiện kiểm tra đất trồng tại nước xuất khẩu thì cũng không được phép mang vào. (ví dụ như gừng, nghệ).

  • Hình thức xử phạt khi vi phạm quy định nhập cảnh:

– Nếu vi phạm dưới mọi hình thức, du khách sẽ bị phạt 1.000.000 Yên, tương đương với 200.000.000 VND. Nếu không có tiền đóng phạt, du khách sẽ bị trục xuất tại chỗ.

– Mức phạt tù lên đến 3 năm, tùy vào số lượng hàng hóa nhập cảnh.

– Tịch thu hàng hóa 100% ngay tại sân bay.

– Cấm nhập cảnh vĩnh viễn.

– Đối với những người làm dịch vụ chuyển đồ sang Nhật, nếu vi phạm những quy định này, người bị phạt chính là những người mang đồ hộ, chứ không phải người thuê.

Du lịch Nhật Bản luôn luôn hấp dẫn với không chỉ du khách Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, nếu du khách đang và sắp có may mắn được tới đây thì hãy nhớ những thủ tục nhập cảnh Nhật Bản.

Với những thông tin hữu ích trên đây, hi vọng góp phần cho hành trang du lịch của du khách được suôn sẻ và thuận lợi như mong muốn. Hãy đăng tour Nhật Bản của chúng tôi, du khách sẽ có được những trải nghiệm đầy thú vị!