Kinh nghiệm đi lại ở Paris, Pháp

Một tour Châu Âu trọn vẹn sẽ đưa du khách đi đến những đất nước xinh đẹp, những thành phố phồn hoa và cổ kính. Tuy được thỏa thích khám phá nhưng vấn đề đi lại tại các quốc gia Châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng vẫn luôn là vấn đề được khách du lịch quan tâm. Chính vì vậy, Airtour xin chia sẻ với các du khách về thông tin đi lại ở Paris, hãy cùng theo dõi nhé!

Paris là một trong ba thành phố phát triển nhất trên thế giới và cũng là một địa điểm du lịch nổi tiếng mà bất cứ ai khi đi du lịch Pháp cũng không thể bỏ qua. Mỗi năm, Paris đón hàng chục triệu khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới. Họ bị thu hút bởi những địa điểm tham quan đẹp cùng với một nền ẩm thực đa dạng và phong phú nơi đây. Và để phục vụ hết nhu cầu đi lại của lượng khách du lịch khổng lồ này thì hệ thống giao thông tại Paris cũng phải phát triển.

HỆ THỐNG GIAO THÔNG CÔNG CỘNG TẠI PARIS

Hệ thống phương tiện công cộng ở Paris được phân chia thành 8 vùng từ Zone 1 cho đến Zone 8. Nếu du khách chỉ du lịch Paris ở những địa điểm nổi tiếng thì mua vé đến zone 5 là quá đủ. Hầu hết các địa điểm tham quan ở Paris đều nằm ở zone 1-2, tuy nhiên cung điện Versailles, Disneyland, sân bay Paris thì lại nằm ở zone 5. Chính vì thế du khách có thể sắp xếp mua vé xen kẽ tuỳ vào lịch trình từng ngày để tiết kiệm chi phí đi lại ở Paris một cách tối đa.

Tại Paris, có nhiều loại hình giao thông công cộng như Metro, RER, xe bus, Trams,… Ngoài ra, du khách cũng có thể thuê xe ô tô, xe đạp hoặc xe máy. Tùy theo nhu cầu sử dụng, điều kiện tài chính và những địa điểm tham quan du lịch mà du khách có thể lựa chọn những loại phương tiện giao thông phù hợp.

Metro: Hệ thống tàu Metro tại Paris gồm có 16 line, hơn 300 trạm dừng đỗ, 214 km chiều dài dưới lòng đất. Đây được đánh giá là hệ thống tàu điện lớn thứ hai tại khu vực Châu Âu, chỉ xếp sau Moscow của Nga. Các chuyến tàu chạy liên tục từ 5h30 – 0h40 từ chủ nhật đến thứ 5; 5h30 – 01h40 thứ 6, thứ 7 và các ngày trước kỳ nghỉ lễ.

RER: Đây là hệ thống tàu ở nội thành và ngoại ô Paris. Hệ thống tàu RER cũng chạy ngầm phía dưới lòng đất giống như Metro tuy nhiên tốc độ nhanh hơn và ít trạm dừng hơn. Tàu RER đi được đến các địa điểm xa như CDG Airport, Disneyland, Versailles và Orly Airport là các vùng ngoại thành và lân cận của Paris. Tàu RER chia làm 5 line A, B, C, D, E và các điểm đến chính ở Paris:

  • RER A – Red Line: Dùng để đi Paris Disneyland (Zone5), La Défense (Zone3), Chateau de Vincennes, Galleries Lafayette.
  • RER B – Blue Line: Đi Charles de Gaulle Airport
  • RER C – Yellow Line: Đi Eiffel Tower, Versailles, Orly Airport (Zone 4).
  • RER D – Green Line: Đi Gare du Nord (bắt Eurostar đi London).
  • RER E – Pink Line.

Với những đặc điểm này, du khách nên chọn RER làm phương tiện di chuyển chính khi tới những địa điểm xa nội đô Paris.

Trams: là phương tiện chủ yếu nằm ngoài Zone 5 – vùng ngoại ô Paris. Vậy nên du khách sẽ không cần dùng đến phương tiện này khi đi lại ở trong trung tâm Paris. Ngược lại, khi muốn ra ngoại ô, du khách nên lựa chọn phương tiện này.

Xe bus: Đây cũng là một loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến tại Paris. Tuy nhiên, đường phố ở Paris thường xuyên xảy ra kẹt xe chính vì vậy Airtour khuyên du khách không nên đi xe bus vào những khung giờ cao điểm trong ngày.

Xe Taxi: Du khách có thể lựa chọn loại phương tiện này để đi lại ở Paris, tuy nhiên du khách sẽ phải chi trả số tiền cao hơn so với các phương tiện kể trên. Một số công ty taxi đáng tin cậy như Taxi G7, Taxi Bleu,…

Thuyền: Việc đi lại bằng những con thuyền trên sông Seine cũng sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm hết sức thú vị. Du khách vừa có thể ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng dọc hai bên bờ sông, vừa được thưởng thức những món ăn hấp dẫn của ẩm thực Pháp. Giá vé đi thuyền cũng không phải là quá cao. Một tour từ Jardin des Plantes đến tháp Eiffel có giá khoảng 16 Euro.

CÁC LOẠI VÉ TÀU TẠI PARIS

Vé đơn “ticket T+” và vé tệp 10 “carnet”: Vé đơn sẽ có giá khoảng 1,8 Euro, còn vé tệp có giá khoảng 14,4 Euro. Thực ra vé tệp chính là việc mua liền một lúc 10 vé đơn. Loại vé này sẽ có tác dụng tại zone 1 và zone 2. Du khách có thể mua loại vé này tại các quầy bán vé tự động hoặc trên tàu. Sau khi mua vé xong, du khách nhớ phải giữ lại vé để dùng trong những trường hợp cần thiết. Theo lời khuyên của Airtour, du khách không nên mua vé đơn trừ khi du khách đi một mình, di chuyển bằng Metro dưới 10 lần. Nếu đi theo nhóm đông người, đặc biệt là đi bộ nhiều, ít dùng Metro (RER) hoặc chỉ dùng khi tham quan trong nhà thì nên mua vé tệp.

Vé ngày “Mobilis”: Giá vé sẽ tùy thuộc vào số zone mà du khách sẽ mua. Vé có thời hạn sử dụng từ 0h sáng đến 12h đêm. Đây là vé ngày chứ không phải là vé 24h cho nên nó sẽ không được tính từ lúc du khách bắt đầu quẹt thẻ mà sẽ tính từ lúc ngày mới bắt đầu. Du khách có thể mua sẵn vé Mobilis trước rồi định đi ngày nào thì ghi ngày lên vé đó. Vé này cho phép đi lại không giới hạn trong các zone, nhưng du khách sẽ không sử dụng được trong các chặng ra sân bay. Trừ khi du khách lựa chọn bus tuyến 350, 351 ra CDG Airport hay 183, 285 ra Only Airport. Nếu như ngày nào du khách không ra sân bay thì không nên mua vé này.

Vé Pari Visite: Loại vé này gần giống với vé Mobilis, nhưng tiện lợi hơn Mobiliss ở chỗ là nếu như mỗi ngày sử dụng Mobiliss du khách sẽ phải mua một cái mới thì với Visite du kháchcó thể mua cho một cụm ngày bao gồm 1, 2, 3, 5 ngày. Ưu đãi khi mua vé Visite này là du khách sẽ được hưởng một số ưu đã khi mua vé vào một số địa điểm tham quan như cung điện, bảo tàng… Với vé Visite, du khách có thể mua vé trực tuyến hoặc mua tại sân bay. Vé này được sử dụng từ sân bay vào đến thành phố và ngược lại, áp dụng cho zone 1-3 và zone 1-5. Khi mua vé Visite, du khách cần lưu ý:

  • Giá vé cho trẻ em chỉ bằng 1/2 giá vé người lớn. Bạn cần chú ý để tránh bị lừa.
  • Vé này chỉ có thời hạn hoạt động theo ngày ghi trên đó, không cần đợi đủ 24h, hết 12h đêm là vé hết giá trị, cho dù du khách có mua nó vào buổi tối đi chăng nữa.
  • Không nên mua vé Visite 1, 2 ngày vì nó đắt hơn vé Mobillis. Từ ngày thứ 3 trở đi thì Visite lại rẻ hơn Mobilis một chút.
  • Vé Juene: Vé này chỉ dành cho người dưới 26 tuổi, di chuyển vào thứ 7, chủ nhật, các ngày lễ. Giá: Zones 1-3 €3.65; Zone 1-5 €8.10; Zone 3-5 €4.75.

Vé Weekend pass for Youth: Loại vé này dành cho những bạn trẻ dưới 26 tuổi và chỉ áp dụng được vào 2 ngày cuối tuần với giá 4.1€ cho zone 1-3, 8.95€ cho zone 1-5. Vé đi được tất cả các phương tiện giao thông công cộng ở Paris, chỉ trừ các hãng bus chuyên ra sân bay.

Navigo card: Thẻ này đi được tất cả những phương tiện và ở mọi zone của Paris. Thẻ có giá 5€ và phí cho 1 tuần là khoảng 22.8€. Tuy nhiên, du khách lưu ý là thẻ này chỉ có giá trị sử dụng từ thứ 2 cho đến chủ nhật trong tuần đó chứ không phải có giá trị trong 7 ngày kể từ ngày nạp. Thế nên nếu du khách đến khám phá Paris vào đầu tuần sẽ lợi hơn là cuối tuần. Địa điểm mua Navigo card là tại sân bay, quầy màu xanh tên là RATP ở ga hoặc trạm metro. Lưu ý du khách cần chuẩn bị hình thẻ 3×4 để dán lên thẻ vì nếu trên thẻ Navigo không dán hình, ghi tên sẽ bị phạt, thẻ thành vô tác dụng.

NHỮNG LỜI KHUYÊN KHÁC KHI ĐI LẠI Ở PARIS

– Khi di chuyển giữa các điểm tham quan ở Paris:

  • Du khách cần chuẩn bị một chiếc bản đồ, có thể là bản đồ in trên giấy lấy tại nhà ga, bến tàu, bến xe hoặc bản đồ online được tải về Điện thoại thông minh
  • Du khách cần học cách xem bản đồ. Khi nhìn bản đồ, du khách nên xác định được vị trí mình đang đứng, xác định điểm đến, ga sẽ xuất phát- đó là ga gần vị trí mình đứng nhất.
  • Xem các nhà ga đó thuộc Zone (vùng) mấy, xác định lịch trình, điểm luân chuyển? nếu ngoài zone 1, 2 thì du khách không thể sử dụng Metro mà phải đi bằng RER.
  • Tìm đến ga xuất phát, tìm cửa lên tàu, mua vé đúng line và zone mình định đi.
  • Giữa Metro và RER nhìn bề ngoài khá giống nhau, tuy nhiên du khách cần phân biệt kỹ bởi phạm vi hoạt động của chúng là khác nhau. Nếu quá bí trong việc tìm đường đi dưới lòng đất tại Paris thì du khách nên nhờ đến công cụ hỗ trợ là trang web www.rapt.pt nhé! Ở trang web này du khách sẽ tìm thấy tất cả những thông tin về từng trạm tàu, lịch trình di chuyển từ điểm lên cho đến điểm xuống.

– Lựa chọn mua vé loại vé thích hợp để tiết kiệm chi phí:

  • Tuỳ vào lịch trình của từng người mà các du khách nên chọn Paris Mobilis hay Paris Visite, nếu ngày nào đi qua lại giữa thành phố và sân bay du khách cân nhắc mua Paris visite. Để tối ưu hoá việc sử dụng vé, tốn ít tiền nhất du khách cần có kế hoạch và chiến thuật cụ thể.
  • Nên nhớ rằng mua vé T+ du khách có thể đi được cả bus, trams, metro, nhưng sẽ chỉ được đổi line ở metro, kể cả giữa tàu RER và Metro, nhưng khi đi bus hoặc Trams sẽ không thể đổi line được với metro.

– Khi di chuyển bằng tàu điện, du khách cần lưu ý bảo quản tài sản cho thật tốt. Nạn trộm cướp và móc túi cũng thường xuyên xảy ra tại đây. Du khách không nên mang theo nhiều đồ trang sức có giá trị bên mình. Chỉ nên mang một số tiền vừa đủ cho việc chi tiêu trong ngày thôi.

– Metro ở Paris không sạch sẽ và hiện đại như bạn tưởng, những chiếc tàu cũ ọp ẹp, bẩn thỉu và mùi khai bốc lên. Vì vậy, du khách nên chọn những tuyến Line mới nhé!

– Để có vé tàu, du khách có thể mua tại những máy bán vé tự động tại nhà ga, sân bay. Cẩn thận tình trạng bị lừa bởi những người cò mồi mua vé. Du khách dùng tiền xu hoặc thẻ có smartchips để thanh toán, tiền mặt không được chấp nhận.

Mong rằng với những kinh nghiệm đi lại ở Paris mà Airtour chia sẻ trên đây sẽ là cẩm nang bỏ túi trên hành trình chinh phục của du khách cùng với những người thân yêu! Để yên tâm hơn và muốn trải nghiệm một hành trình trọn vẹn, đầy thú vị, du khách hãy đặt tour Châu Âu của Airtour nhé! Lúc này du khách chỉ việc tận hưởng, mọi thứ còn lại đã có chúng tôi lo!