HƯỚNG DẪN LÀM THỦ TỤC NHẬP CẢNH TẠI CÁC SÂN BAY Ở ĐỨC

Nhắc tới Đức, nhiều người thường nghĩ tới bia, xúc xích và bóng đá. Thực tế quốc gia này có rất nhiều cảnh đẹp, những thị trấn cổ thơ mộng và văn hóa đặc sắc, chắc chắn sẽ khiến du khách yêu thích. Nếu du khách muốn được đặt chân đến khám phá quốc gia này thì trước tiên hãy tham khảo ngay thủ tục nhập cảnh tại các sân bay ở Đức nhé!

I. THỦ TỤC NHẬP CẢNH

1. Hành lý và giấy tờ cần mang theo

Ở Đức quy định làm thủ tục tại sân bay cũng giống như một số quốc gia Châu Âu khác, do vậy du khách cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết và lưu ý về hành lý mang theo để tránh trục trặc khi làm thủ tục lên máy bay, cũng như làm thủ tục nhập cảnh tại các sân bay ở Đức.

Vé máy bay: Hầu hết tất cả các hãng hàng không đều sử dụng vé điện tử vì vậy du khách có thể dễ dàng kiểm tra thật kỹ thông tin về mã code (hoặc mã số vé điện tử), tên, chuyến bay, giờ bay, số hiệu chuyến bay… Nếu có sai sót cần thông báo ngay để kịp thời xử lý.

Hộ chiếu, Visa: Đây là hai loại giấy tờ rất quan trọng đòi hỏi du khách phải có nếu đến nước Đức. Mời du khách tham khảo “Thủ tục xin Hộ chiếu, Visa du lịch Đức” ở phần II bài viết này nếu du khách chưa có hộ chiếu và Visa.

Tiền mặt để đóng thuế sân bay khi đi: ở một số sân bay du khách sẽ đóng một khoản lệ phí nhỏ gọi là lệ phí sân bay được thu bằng đơn vị tiền của nước sở tại, vì vậy du khách nên chuẩn bị sẵn số tiền này.

Hành lý xách tay: là hành lý mà du khách mang theo bên mình mà không mất phí khi lên máy bay. Tất cả các hành lý này phải tuân thủ đúng theo quy định của hãng hàng không mà du khách tham gia về kích thước, cân nặng, số lượng và các vật dụng không được phép mang theo.

Hành lý ký gửi: là dạng hành lý mà du khách gửi khi làm thủ tục check-in, tất cả các hành lý này cũng phải tuân thủ đúng theo quy định của hãng hàng không mà du khách tham gia về kích thước, cân nặng, số lượng và các vật dụng không được phép mang theo. Nếu hành lý ký gửi quá mức quy định du khách sẽ phải đóng thêm phí.

2. Quy trình làm thủ tục tại các sân bay ở Đức

Quy trình làm thủ tục nhập cảnh tại các sân bay ở nước Đức cũng giống như hầu hết các sân bay khác trên thế giới và đều theo trình tự nhất định. Sau khi xuống máy bay, du khách sẽ đi đến khu vực hải quan làm thủ tục nhập cảnh, du khách để ý đến các biển báo dành cho các đối tượng khác nhau như: dành cho nhân viên ngoại giao/công vụ, dành cho người bản địa, dành cho người nước ngoài…

Xếp hàng và làm thủ tục đúng quầy quy định

Tại đây du khách sẽ phải trình Hộ chiếu/ Visa, nhân viên hải quan có thể sẽ đóng dấu hoặc thêm một số giấy tờ liên quan theo quy định. Du khách cũng có thể phải điền vào một vài mẫu đơn quy định trước hoặc phải trả lời một số câu hỏi liên quan đến nhập cảnh mặc dù giấy tờ của du khách hợp lệ.

Tiếp đến du khách sẽ điền vào tờ khai hải quan của Đức. Mẫu tờ khai này du khách có thể hỏi tiếp viên trên máy bay trước khi xuống sân bay hoặc có sẵn tại các quầy làm thủ tục. Du khách có thể điền trước để tránh mất quá nhiều thời gian khi làm thủ tục tại sân bay.

Lấy hành lý

Sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh, du khách có thể đến khu vực lấy hành lý để lấy hành lý của mình. Hành lý của du khách gửi lúc check-in được đưa ra trên các dây chuyền, sẽ có nhiều dây chuyền khác nhau được đánh số, du khách nên xem trên bảng điện tử để biết dây chuyền nào tương ứng với chuyến bay của du khách để lấy đồ. Xung quanh khu vực này có các xe đẩy để giúp du khách vận chuyển hành lý. Nếu không tìm thấy hành lý của mình du khách hãy đến phòng khai báo mất đồ/thất lạc để thông báo ngay, hoặc liên hệ với hãng hàng không mà du khách vừa đi và đưa cho họ cuống vé tương ứng với hành lý bị thất lạc để được hỗ trợ. Nếu du khách đã đi ra khỏi khu vực này mà chưa khai báo mất/thất lạc đồ thì du khách không thể vào lại để khiếu nại được nữa.

Di chuyển ra ngoài

Ở các sân bay của nước Đức có hai loại cửa để đi ra, nếu du khách mang theo các mặt hàng thuộc danh mục đánh thuế, du khách phải đi ra cửa tương ứng để khai báo và đóng thuế; ngược lại nếu không có các mặt hàng phải đóng thuế, du khách sẽ đi ra cửa “Nothing to declare”.  Để biết mặt hàng nào thuộc danh mục phải đóng thuế, du khách có thể tìm hiểu trước qua internet, qua Đại sứ quán Đức… hoặc hỏi tại sân bay Việt Nam trước khi lên máy bay. Đối với các mặt hàng như thuốc lá, rượu mạnh, nước hoa, mỗi hành khách chỉ được mang một lượng nhất định, mang quá quy định sẽ phải đóng thuế.

Ra khỏi cửa khai báo thuế là du khách đã đến khu vực chung của nơi đến (Arrival), lúc này du khách có thể thuê xe hoặc ra các phương tiện giao thông công cộng để đi tiếp. Nếu có người ra đón, tốt nhất là du khách nên hẹn và đứng đợi ngay khi ra khỏi cửa khai báo thuế.

II. HƯỚNG DẪN THỦ TỤC XIN CẤP HỘ CHIẾU VÀ VISA DU LỊCH ĐỨC

1. Hộ chiếu 

Hồ sơ làm Hộ chiếu phổ thông gồm:

– 01 tờ khai mẫu X01 ban hành kèm Thông tư 07/2013/TT-BCA.

  • Tờ khai xin cấp xin cấp hộ chiếu phổ thông được áp dụng trên toàn quốc trong việc xin cấp hộ chiếu. Tùy vào từng trường hợp là người có hộ khẩu thường trú, có hộ khẩu tạm trú hoặc đối tượng là trẻ em hoặc người lớn mà nội dung khai có khác nhau. Chính vì vậy khi khai vào đơn xin cấp hộ chiếu phổ thông này người khai hoặc người khai hộ cần lưu ý để tránh khai nhầm lần hoặc khai sai nội dung yêu cầu. Mẫu tờ khai xin cấp hộ chiếu phổ thông này áp dụng cho việc xin cấp hộ chiếu lần đầu, xin cấp lại hộ chiếu, xin cấp đổi hộ chiếu.
  • Tờ khai xin cấp hộ chiếu không phải xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nếu người xin cấp hộ chiếu có hộ khẩu thường trú tại địa phương, trừ trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi.

– 04 ảnh mới chụp, cỡ 4×6 cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền màu trắng. 

– Sổ hộ khẩu của người xin cấp hộ chiếu. Trong trường hợp cần thiết người làm hộ chiếu phổ thông cần phải mang sổ hộ khẩu bản gốc hoặc có chứng thực để để đối chiếu. Đây là loại giấy tờ không bắt buộc theo quy định.

– Sổ tạm trú dài hạn KT3 đối với trường hợp người làm hộ chiếu là người ngoại tỉnh (Không có hộ khẩu thường trú tại địa phương đó nhưng lại nộp hồ sơ xin cấp hộ chiếu lần đầu tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố nơi đăng ký tạm trú).

– Bản gốc Chứng minh nhân đân của người làm thủ tục xin cấp hộ chiếu. Khi nộp hồ sơ làm hộ chiếu người xin cấp hộ chiếu phải xuất trình CMND bản gốc để kiểm tra. CMND bản gốc được coi là hợp lệ khi còn thời hạn (cấp không quá 15 năm), không rách nát, số CMND rõ số, không ép dẻo, ép lụa.

* Lưu ý về Thủ tục cấp hộ chiếu cho trẻ em dưới 14 tuổi:

– Trường hợp có trẻ em dưới 14 tuổi đi kèm thì Tờ khai xin cấp hộ chiếu lần đầu yêu cầu phải có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn nên phần xác nhận ở cuối trang và đóng dấu giáp lai lên ảnh của từng người.

– Trường hợp đề nghị cấp chung hộ chiếu với mẹ hoặc cha thì nộp 01 bản sao giấy khai sinh (mang theo bản chính để đối chiếu) và 04 ảnh cỡ 3×4 cm.

– Trường hợp đề nghị cấp riêng hộ chiếu thì nộp 01 tờ khai xin cấp hộ chiếu như trên (mẹ, cha khai và ký tên vào tờ khai); 01 bản sao giấy khai sinh và 4 ảnh cỡ 4×6 cm.

– Trường hợp không còn mẹ, cha thì mẹ, cha nuôi hoặc người đỡ đầu (có giấy tờ chứng minh là người đỡ đầu hoặc mẹ, cha nuôi hợp pháp) khai và ký tên vào tờ khai.

* Đối với trường hợp ủy thác cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân:

– Người ủy thác khai và ký tên vào tờ khai đề nghị cấp, sửa đổi hộ chiếu theo mẫu quy định, có dấu giáp lai ảnh và xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được ủy thác.

– Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được ủy thác có công văn gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đề nghị giải quyết. Nếu đề nghị giải quyết cho nhiều người thì phải kèm theo danh sách những người ủy thác, có chữ ký, đóng dấu của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được ủy thác.

– Cán bộ, nhân viên của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân được ủy thác khi nộp hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu của người ủy thác phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân còn giá trị sử dụng của bản thân và của người ủy thác để kiểm tra, đối chiếu.

Nơi nộp hồ sơ xin cấp hộ chiếu, thời gian tiếp nhận và lệ phí

Địa điểm:

  • Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc tạm trú. 
  • Cục Quản lý xuất nhập cảnh (áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 29/2016/TT-BCA ngày 06/07/2016 của BCA).

– Thời gian tiếp nhận: Từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần (trừ ngày Tết, ngày lễ và chủ nhật).

– Lệ phí: 200.000 VNĐ/cuốn.

Thời gian hoàn thành và nơi nhận kết quả cấp hộ chiếu

Thời gian hoàn thành việc xin cấp hộ chiếu không quá 14 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định.

– Nơi nhận kết quả cấp Hộ chiếu:

  • Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc tạm trú. Lưu ý: Hiện tại một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,… áp dụng hình thức trả hộ chiếu qua dịch vụ chuyển phát nhanh đến tận địa chỉ của người xin cấp hộ chiếu.
  • Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

2. Visa Đức

Đức không cấp Visa du lịch tự túc, do đó du khách chỉ có thể xin Visa du lịch Đức bằng cách xin Visa một nước khác trong khối Schengen. Hiện tại, ở Việt Nam có 4 nước thuộc khối Schengen cấp Visa du lịch tự túc là Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Ba Lan.

Schengen bao gồm 26 quốc gia: Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Ý, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Liechtenstein ký kết thỏa thuận đi lại tự do giữa các nước. Du khách nước ngoài chỉ cần có Visa du lịch của một trong 26 nước này là có thể du lịch các nước còn lại.

Khi du lịch bằng đường hàng không giữa các nước trong vùng Schengen, du khách vẫn phải trình CMND (thẻ căn cước) hoặc hộ chiếu khi check-in. Đây không phải là quy định của Hiệp ước Schengen mà là quy định bảo đảm an ninh của ngành hàng không.

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

– Hồ sơ nhân thân:

  • Hộ chiếu gốc (hộ chiếu phải còn hạn ít nhất 6 tháng sau ngày kết thúc chuyến đi, không được cấp trước ngày nộp quá 10 năm, có chữ ký);
  • Hộ chiếu có giá trị và đã hết hạn (nếu có, bản gốc và bản photo những trang có visa vào các nước Schengen, Anh, Mỹ, Canada, Úc hoặc New Zealand);
  • Đơn xin thị thực (khai online đầy đủ, in ra và ký tên);
  • 2 ảnh hộ chiếu (nền trắng, chụp trực diện mặt, mắt không bị che khuất & không chỉnh sửa);
  • Sổ hộ khẩu;
  • Giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh của các con, photo chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu của vợ/chồng và các con (nếu đã có gia đình).

– Hồ sơ công việc:

  • Nếu là cán bộ, nhân viên: Hợp đồng lao động / Quyết định tuyển dụng / bổ nhiệm / Quyết định tăng lương; Đơn xin nghỉ phép để đi du lịch; Xác nhận bảng lương 3 tháng gần nhất.
  • Nếu là chủ doanh nghiệp: Giấy đăng ký kinh doanh của công ty; Xác nhận nộp thuế của công ty; Sao kê tài khoản ngân hàng của công ty trong 3 tháng gần nhất.
  • Nếu là người đã nghỉ hưu: Sổ hưu.
  • Nếu là học sinh, sinh viên: Đơn xin nghỉ phép có xác nhận của nhà trường.

– Hồ sơ tài chính:

  • Bản gốc sao kê tài khoản ngân hàng trong vòng 3 tháng gần đây;
  • Những giấy tờ khác nếu có (xác nhận chuyển tiền, thẻ tín dụng, thu nhập thường xuyên từ tài sản).

– Hồ sơ chuyến đi:

  • Chương trình du lịch;
  • Xác nhận đặt chỗ ở;
  • Xác nhận đặt vé máy bay chiều đi và vé khứ hồi;
  • Bảo hiểm du lịch (mức trách nhiệm ít nhất 30.000 Euro có giá trị cho tất cả các nước thuộc khu vực Schengen).

Lưu ý: Các văn bản không phải tiếng Anh hoặc tiếng Đức thì du khách phải dịch thuật công chứng sang tiếng Đức.

Bước 2: Đặt lịch hẹn

Trước tiên, du khách vào trang website của Đại Sứ Quán Đức https://videx.diplo.de/videx/desktop/index.html#start. Du khách khai những thông tin theo yêu cầu có ở website này, rồi chọn lịch hẹn và nộp đơn online.

Sau khi nộp đơn và lịch hẹn trên website, du khách sẽ nhận được một email xác nhận lịch hẹn tới Đại sứ quán nộp hồ sơ trực tiếp. Du khách phải in lịch hẹn ra để cầm theo khi đến Đại sứ quán. Nếu không có lịch hẹn, du khách sẽ không thể nộp hồ sơ.

Khi đặt lịch hẹn, du khách cần thực hiện:

– In tờ Hướng dẫn xin Visa, sắp xếp hồ sơ theo đúng thứ tự trong file hướng dẫn, đánh dấu vào phần chỉ dẫn ở cuối danh mục giấy tờ và đề địa điểm, ngày tháng nộp hồ sơ và ký tên.

– Trước khi nộp hồ sơ, du khách in 1 bản ra để làm bản cứng nộp cho Đại Sứ Quán. Trong bản cứng này, có một bản tuyên bố mà du khách phải điền thông tin bằng tay và ký tên.

– Mỗi giấy tờ đến phải có hai loại hồ sơ, hồ sơ gốc và hồ sơ photo/dịch thuật.

Bước 3: Nộp hồ sơ trực tiếp

* Du khách mang hồ sơ xin Visa Đức đầy đủ cùng giấy hẹn đến một trong hai địa chỉ sau để nộp:

– Văn phòng Đại sứ quán Đức tại Hà Nội: 29 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.

– Văn phòng Đại sứ quán Đức tại TP. Hồ Chí Minh: 126 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

* Lưu ý:

– Du khách không được ủy quyền mà phải tự đến nộp để lấy dữ liệu sinh trắc và có thể phỏng vấn. 

– Kinh nghiệm phỏng vấn xin Visa Đức:

  • Trang phục lịch sự, gọn gàng. Tránh mặc quần bò, áo phông khi đi phỏng vấn;
  • Bình tĩnh, trả lời chậm và rõ ràng khi được hỏi;
  • Nội dung phỏng vấn chủ yếu xoay quanh mục đích du khách xin đi. Ví dụ: bạn đang làm gì, tại sao bạn muốn qua Đức, thời gian ở Đức là bao lâu, đã đi nước ngoài lần nào chưa,… Nhìn chung, các câu trả lời của du khách cần thể hiện là du khách sang Đức với mục đích du lịch hợp pháp, có khả năng và điều kiện chăm sóc cho chính mình trong thời gian lưu trú và không có dự định ở lại quá lâu.

Sau khi trình bộ hồ sơ và được chấp thuận, du khách sẽ đóng phí Visa. Mức phí hiện nay là 60 Euro đối với người vừa đủ 12 tuổi trở lên và 35 Euro đối với trẻ từ 6 đến trước khi trong 12 tuổi. Phí lãnh sự được thanh toán bằng VNĐ theo tỷ giá tại thời điểm nộp hồ sơ. Sau đó, du khách sẽ được nhận giấy hẹn trả kết quả Visa. 

Bước 4: Nhận kết quả visa Đức

Thời gian xét duyệt là 10 – 15 ngày. Đến đúng ngày hẹn trong giấy hẹn, du khách mang giấy hẹn lên Đại sứ quán để lấy kết quả Visa. 

Thông thường, thời gian mà Đại sứ quán Đức trả hồ sơ xin cấp thị thực là vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần từ 14:00 đến 14:30. 

Kinh nghiệm khác: Mặc dù thời gian xét duyệt dự kiến không quá dài, nhưng vì thông thường, lượng du khách Việt nộp hồ sơ xin Visa đi Đức cũng rất lớn (đặc biệt khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9, 10); nên du khách cần đặt lịch hẹn nộp hồ sơ trước khi đi khoảng 3 tháng.

Trên đây là hướng dẫn làm thủ tục nhập cảnh tại các sân bay ở Đức chi tiết nhất mà du khách cần phải nắm được để chuyến đi thành công và trọn vẹn. Hãy đồng hành chúng tôi trong tour du lịch Đức để các thủ tục trên đây trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn nhé!