Độc lạ Lễ hội Taigoujie (lễ hội kiệu chó) ở Trung Quốc

Trong nền văn hóa của bất cứ quốc gia nào cũng có những lễ hội và cuộc thi vô cùng độc đáo bắt nguồn từ những tín ngưỡng lạ lùng hay từ những mục đích trái ngược lẽ thường. Ngay tại Trung Quốc cũng có những lễ hội lạ lùng như thế được diễn ra, điển hình như lễ hội Taigoujie (lễ hội kiệu chó).

Lễ hội Taigoujie của người dân tộc Miao thuộc nhóm 55 dân tộc thiểu số, sinh sống ở tỉnh Quý Châu. Lễ hội này diễn ra với mục đích duy trì sự bình đẳng cho tất cả các sinh vật trên Trái Đất cũng như tỏ lòng yêu mến với loài chó trung thành. Theo truyền thuyết, khi những người Miao đầu tiên đi khai hoang lập nghiệp, một con chó đã dẫn họ tới nguồn nước thiêng. Nhờ thế mà cả bộ tộc không chết khát. Từ đó, hàng năm người Miao đều tổ chức lễ hội Taigoujie như để cảm tạ thần thánh và cầu nguyện cho mùa màng năm sau.

Hàng năm, lễ hội thường được diễn ra vào giữa tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tại khu vực làng Jiaobang, huyện Jianhe, Quý Châu. Người Miao từ những ngôi làng lân cận cũng tụ tập cùng tham gia lễ hội. Bất cứ ai được hòa chung không khí lễ hội với người Miao đều tỏ ra hào hứng với hoạt động tôn vinh loài chó có một không hai này.

Trong lễ hội, chú chó được chọn sẽ mặc trang phục và đeo phục sức, vẽ những nét bút hóa trang khuôn mặt, sau đó được đặt trên kiệu gỗ và được rước đi. Một pháp sư đi trước dẫn đoàn, người dân kiệu chó đi theo, cùng múa hát và đánh trống. Trong khi đó dân làng sẽ cầu nguyện cho mùa vụ tới được bội thu. Người dân đi hội cũng ném bùn vào nhau để cầu trời ban phước lành, sức khỏe và cuộc sống sung túc cho cả làng.

Với người Miao ở Quý Châu, thời xa xưa, loài chó giúp tổ tiên họ tìm được nguồn nước, còn bây giờ thì giúp họ trông coi ruộng vườn. Đây cũng là thời khắc để họ cảm ơn Thần Linh đã ban xuống dòng nước mát, thời tiết tốt và những con chó trung thành giúp họ những mùa vụ bội thu. Tuy vậy trên mạng xã hội Trung Quốc có khá nhiều bạn trẻ lại không đồng ý với phong tục cổ xưa này. Họ cho rằng chó là để làm vật nuôi, không nên cám ơn hay tri ân gì cả, và một số bình luận không hay khác.

Tuy nhiên, người Trung Quốc hiện đại đã quên rằng, câu chuyện “kiệu chó” này lại là một phong tục cổ xưa liên quan đến văn minh một thời của Trung Hoa cổ đại. Trong Tam Tự Kinh của Trung Quốc cổ xưa có nói về câu chuyện khi loài người mới thoát thai từ xã hội nguyên thủy. Tương truyền vào thời cổ đại, thiên thần đã mang “lục cốc” (6 loại lương thực) và “lục súc” (6 loài súc vật) đến nhân gian cho con người, còn dạy con người cách chăn nuôi và trồng trọt thay vì hái lượm. Khi thiên thần hỏi trong các vị Ngựa, Trâu, Dê, Gà, Chó, Lợn ai sẽ mang hạt giống xuống nhân gian cho loài người, thì khi ấy không có loài vật nào đứng ra chịu nhận trách nhiệm ấy.

Vì khi mang hạt giống xuống trần phải trải qua biển lớn, sóng rất mạnh và rất nguy hiểm, chỉ loài chó là yêu thương con người nhận nhiệm vụ này. Chó mang trách nhiệm mang hạt giống xuống nhưng đã bị nước cuốn mất hầu hết toàn bộ hạt giống, chỉ có mỗi đuôi chó là còn dính chút ít hạt giống, chính những hạt giống đó chính là những hạt giống đầu tiên cho con người. Về sau để báo đáp con chó, loài người đã cho chó ăn cơm cùng với con người, còn các loài khác thì không được như thế.

Người Miao thực sự đang giữ gìn rất tốt văn hóa Thần truyền cổ xưa 5000 năm của Trung Hoa cổ đại mà xã hội hiện đại và hỗn độn của Trung Quốc ngày nay đã quên lãng hoàn toàn.

Với những ai vốn yêu thích những chú chó thông minh và trung thành chắc hẳn sẽ rất muốn được một lần hòa mình vào không khí của lễ hội Taigoujie. Vậy thì còn chần chờ gì nữa, du khách hãy thực hiện một chuyến du lịch Trung Quốc để không bỏ lỡ lễ hội độc đáo này nhé! Chúc du khách có một chuyến đi với nhiều trải nghiệm thú vị!