Những biểu tượng đặc trưng của Campuchia

Mỗi một quốc gia đều chọn cho mình một biểu tượng đặc trưng riêng. Ở “xứ sở Chùa Tháp” Campuchia cũng không ngoại lệ. Hãy cùng chúng tôi khám phá xem những biểu tượng này có gì đặc biệt nhé!

1. KIẾN TRÚC KHMER ẢNH HƯỞNG TỪ TÔN GIÁO

Kiến trúc Campuchia ảnh hưởng bởi khá nhiều nét văn hóa du nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc. Do đó đã tạo cho đất nước Cambodia và con người nơi đây nét văn hóa riêng đặc sắc. Và thân thuộc với khách du lịch từ Việt Nam và các nước Châu Á.

Tại Cambodia đa số dân có lòng tin vào tôn giáo rất mạnh mẽ. Đạo Phật là quốc giáo với hơn 90% người dân trở thành Phật Tử. Đạo Phật đã tạo sự ảnh hưởng mạnh mẽ sâu sắc trong người dân Cambodia. Nó là chuẩn mực đạo đức cho xã hội cũng như trong mỗi người dân. Theo đó, mọi Quốc Vương của Campuchia cũng đều được xem là hóa thân của Quan Thế Âm.

Kiến trúc của Campuchia phần lớn được biết đến nhờ vào những công trình thời Khmer cổ. Đạo Phật và tư duy huyền thoại có ảnh hưởng lớn đến nghệ thuật trang trí các công trình kiến trúc vĩ đại này. Cũng như các nơi khác, kiến trức lớn nhất là chùa. Tiếng Cam bốt, “Wat” chính là chùa.

Đặc trưng cơ bản của kiến trúc cổ là được xây dựng từ vật liệu gỗ, tre nứa hoặc rơm rạ và đá. Nhưng những gì còn lại ngày nay người ta có thể chiêm ngưỡng là các công trình bằng đá tảng như các bức tường thành, đường sá,… Các ngôi đền hoặc các con đường có những bao lơn tạc hình con rắn chín đầu, vươn cao 2-3 m, xòe rộng phủ bóng xuống mặt đường.

Các ngôi đền có hình thức phổ biến là đỉnh chóp nhọn. Bốn mặt đền được chạm trổ các bức phù điêu. Nó miêu tả cuộc sống con người ở thế giới bên kia. Hoặc cuộc sống hiện tại của người dân Campuchia. Hay cuộc chiến với nước láng giềng vũ nữ dân gian (Apsara). Với thân hành mềm mại, cân đối đang múa khá uyển chuyển. Và sự tham gia của cả những con khỉ, con ngựa trong sử thi của Ấn Độ

Bên cạnh đó, hình thức khắc những ký tự hay con số cũng rất phổ biến ở công trình. Các ngôi đền có một cửa ở ba phía còn lại của đền cũng có cửa nhưng chỉ là giả. Nhằm để tạo cảm giác đối xứng cho ngôi đền. Công trình nổi tiếng nhất ở đây là ngôi đền Bayon với 200 gương mặt của thần Avalokitesvara (một dạng của Quan Âm Bồ Tát).

Tất cả những kiến trúc độc đáo này bắt nguồn từ tâm linh hình thành nên một nền văn hóa kiến trúc như hiện nay. Chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc Campuchia, ta không thể không khâm phục sức mạnh phi thường và bàn tay tài ba của những người dân Khmer cổ đại. Những kiến trúc này đã đánh dấu một nền văn hóa độc đáo của đất nước chùa vàng. Cũng không thể phủ nhận rằng, chính nó đã ảnh hưởng đến kiến trúc của người Việt Nam. Một trong những văn hóa đặc trưng riêng của Vương quốc Campuchia. Một trong những niềm tự hào của người dân Campuchia. Và cũng là tài sản quý báu của quốc gia.

2. QUỐC KỲ CAMPUCHIA

Quốc kỳ Campuchia được chọn lại từ năm 1993, sau khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử đưa quốc gia này trở về thời kỳ quân chủ.

Trên lá cờ có ba sọc ngang màu xanh biển và đỏ cùng hình Angkor Wat màu trắng ở giữa là biểu tượng của nền văn hóa Campuchia. Màu xanh trên cờ là biểu tượng của sự tự do, đoàn kết, tình nghĩa anh em, đồng thời là tượng trưng cho Quốc Vương của Campuchia. Còn màu đỏ biểu trưng cho lòng dũng cảm của toàn thể nhân dân Campuchia.

 

Quốc kỳ Campuchia là quốc kỳ duy nhất trên thế giới xuất hiện một công trình xây dựng đó là Angkor Wat. Biểu tượng Angkor Wat trên cờ Campuchia chính là biểu trưng của Vương quốc Campuchia. Đây được biết đến là công trình tôn giáo lớn bậc nhất trên thế giới, tượng trưng cho lịch sử lâu đời cũng như nền văn hóa rực rỡ, cổ xưa của dân tộc Khmer. Hình Angkor Wat mang biểu tượng của sự thanh liêm, công lý cho nhân dân Campuchia, tượng trưng cho Phật giáo tiểu thừa.

3. QUỐC HUY CỦA CAMPUCHIA

Quốc huy Campuchia – biểu tượng Hoàng gia Campuchia, là biểu tượng thể hiện chế độ quân chủ tại Campuchia. Nó tồn tại khi thành lập Vương quốc Campuchia độc lập năm 1953. Nó được biểu trưng như là lá cờ của Hoàng gia và biểu tượng của Quốc Vương Campuchia.

Biểu tượng này đã từng bị xóa bỏ dưới thời Cộng hòa Khmer (1970-1975) và được khôi phục lại vào năm 1993 dưới triều vua Norodom Sihanouk.

4. QUỐC CA CAMPUCHIA

Nokor Reach (tiếng Khmer: បទនគររាជ, Vương quốc huy hoàng) là quốc ca của Cao Miên. Bài hát này do Chuon Nath viết dựa trên một làn điệu dân ca Khmer. Nó được công nhận là quốc ca năm 1941 và được khẳng định lại vào năm 1947. Tuy nhiên, khi đảo chính của Lon Nol nổ ra năm 1970, nó bị thay thế bởi quốc ca của thể chế Cộng hòa Khmer. Sau khi Khmer Đỏ giành chính quyền năm 1975, các biểu tượng Hoàng gia bao gồm quốc ca được phục dựng trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, một bài ca khác, Dap Prampi Mesa Chokchey (ngày 17 tháng 4 vẻ vang), được đưa lên làm quốc ca mới cho chế độ Campuchia Dân chủ. Sau khi thể chế này bị lật đổ (1979), Cộng hòa Nhân dân Campuchia lên thay, cũng không sử dụng lại bài này. Mãi cho đến khi cuộc tổng tuyển cử Cao Miên 1993 kết thúc với chiến thắng thuộc về đảng bảo hoàng FUNCINPEC, bài Nokor Reach cùng Quốc kỳ của Vương quốc Campuchia mới được phục hồi như cũ.

Lời của Quốc ca Campuchia rất hào hùng, được phiên dịch theo tiếng Việt như sau:

“Trời cao giúp đỡ che chở Quốc vương chúng ta,
Ban cho hạnh phúc và vinh quang,
Canh giữ làm chủ linh hồn và vận mệnh chúng ta.
Tổ tiên truyền lại cơ đồ sự nghiệp đời đời,
Ngẩng cao tự hào vương quốc cổ xưa.

Miếu đền đang ngủ sâu kín giữa rừng,
Nhớ thời kỳ vinh quang đại vương quốc,
Dân tộc Khmer kiên cường như bàn thạch.
Chúng ta tin tưởng vào vận mệnh Kampuchea,
Thử thách Đế chế qua nhiều thời đại.

Tấm tắc ngợi ca từ trên Phật tháp,
Kể lại hồi ức Phật giáo huy hoàng,
Chúng ta trung thành tín ngưỡng của tổ tiên.
Vì thế, trời đất sẽ giúp phát triển phồn vinh,
Campuchia, Đại vương quốc”.

5. HOA SỨ RUMDUL – QUỐC HOA CAMPUCHIA

Hoa sứ Rumdul có tên khoa học là Mitrella mesnyi – Melodorum fruticosum, cây cao từ 8-15 m, đường kính từ 20-30 cm. Rumdul có mặt ở hầu hết các đường phố Campuchia và là Quốc hoa của đất nước này. Hoa có màu vàng nhạt, hình dáng tròn trĩnh, có 3 cánh xòe 3 cánh úp, các cánh xen kẽ đều nhau.

Trái Rumdul ăn được và khi chín trái sẽ có màu đỏ – đen rất ấn tượng, hương thơm quyến rũ vào cuối buổi chiều và buổi tối, đây là điểm lôi cuốn mạnh mẽ khiến người ta say mê.

Nhiều thế kỷ qua, hoa Rumdul thường được ví von với những cô gái Khmer: luôn vui vẻ, dí dỏm và toát lên vẻ đẹp thanh tao, duyên dáng. Khi hòa mình trong vũ điệu truyền thống Apsara, họ giống như những nàng tiên vui đùa với cây cỏ, mang đến sự sinh sôi nảy nở cho muôn loài.

Rumdul có hương thơm rất đặc biệt, mùi hương ngọt ngào thoáng xa hàng ngàn cây số nên hoa được dùng để cất dầu thơm và dầu trị bệnh. Thân cây vừa cung cấp gỗ vừa cung cấp củi. Rumdul có nét đẹp mộc mạc, giản dị, màu sắc không bắt mắt thu hút như những loài hoa khác nhưng lại có một sức mạnh thần kì, có thể lưu lại hình ảnh lâu nhất, sâu nhất với bất kì ánh mắt nào vô tình chạm phải những cánh hoa. Cũng chính cái hương thơm quyến rũ, cái nét vừa nhẹ nhàng, tao nhã lại vừa tươi mới thêm chút hóm hỉnh mà hoa sứ Rumdul từ lâu đã trở thành đề tài của thi ca và âm nhạc ở Campuchia.

6. RỒNG – BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI DÂN CAMPUCHIA

Rồng trong tiếng Khmer là “Neak”. Đây là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của Phật giáo Khmer. Hình tượng rồng rất gần gũi với với sự tích của đức Phật và cũng là biểu trưng của mưa thuận gió hòa.

Người Khmer tin rằng, rồng là loài có sức mạnh, nhiều quyền năng, có thể biến hóa thành người hoặc những loài vật khác nếu muốn. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một con rồng có duyên với Phật pháp, rất muốn được đi tu.

Tuy nhiên, luật đạo không cho phép các loài vật đi tu, nên rồng đã tự biến mình thành người để vào tu trong chùa. Một hôm khi nghỉ trưa, “vị sư rồng” đã vô tình hiện nguyên hình và bị phát giác. Đức Phật đã cấm không cho “vị sư rồng” tiếp tục tu nữa. Rồng đành ngậm ngùi chấp nhận, nhưng đã cầu xin Đức Phật rằng: Từ nay trở đi bất kỳ ai đi tu, thì trước khi thực hiện lễ nghi mặc cà sa để thành chư tăng, sẽ được gọi là “Neak” (rồng), nhằm an ủi phần nào về sự không toại nguyện của Rồng.

Rồng trong văn hóa của người dân Campuchia có phong cách khác biệt so với hình tượng rồng của các dân tộc khác. Đôi khi rồng được biểu hiện với những cặp mắt rất lạ, hoặc những chiếc vẩy khác thường, thậm chí có cả chân. Dựa trên các bức vẽ hoặc các tác phẩm điêu khắc, người ta thấy hình tượng rồng của người Khmer thường có một đầu, ba đầu, năm đầu, bảy đầu hoặc chín đầu.

Rồng 1 đầu có tên là Shisha. Tương truyền đây là loài rồng được hình thành từng những hạt bụi của vũ trụ chính vì thế mà nó sẽ trường tồn cùng với thời gian. Người dân xem loài rồng này là biểu tượng của chiến thắng và hạnh phúc, rồng Shisha còn được tôn thờ làm tổ mẫu của người Khmer.

Rồng 3 đầu có tên là Neak Kolapa. Loài rồng này được sinh ra ở khoảng giữa của cõi trời và nhân gian, nhưng lại sống dưới lòng đại dương. Rồng Kolapa mang ý nghĩa tượng trưng cho Tam Bảo trong Phật giáo: Phật, Pháp, Tăng. Ngoài ra, còn mang một ý nghĩa khác đó chính là sợi dây nối kết mối quan hệ chồng, vợ và con cái trong gia đình.

Rồng 5 đầu được gọi là Neak Ananta. Được sinh ra cùng ngồn gốc với rồng 1 đầu và chỉ sống ở trên cõi tiên. Rồng năm đầu được xem như vị thần sáng tạo ra sự sống. Rồng Kolapa là linh vật đồng hành cùng với thần Vishnua từ thuở mới tạo ra sự sống trên trái đất. Còn trong Phật giáo, rồng 5 đầu chính là biểu tượng cho 5 vị Phật trong cõi Ta Bà.

Rồng 7 đầu có tên gọi là Neak Meachalin. Đây là loài rồng có sự hình thành khá đặc biệt, đó chính là ra đời từ đáy giếng Heranhes. Loài rồng này là biểu tượng của sự an vui hạnh phúc, rồng che chở bảo hộ con người tránh khỏi những kiếp nạn từ thiên tai. Đây cũng chính là linh vật cuộn mình làm bệ đỡ cho đức Phật khi ngài tọa thiền. Rồng 7 đầu còn là biểu tượng của 7 vị thần cai quản 7 tinh tú trong thái dương hệ, những vị tinh tú này trực tiếp tác động đến đời sống của con người dưới trần gian.

Rồng 9 đầu mang tên là Neak Vasuki. Đây là loài rồng của các vị thần, biểu tượng của sức mạnh, quyền năng thần linh cùng sự trường tồn của vũ trụ bao la. Loài rồng này cũng là biểu tượng của miền cực lạc.

Ngoài ra, còn một loại rồng nữa có tên là Neak Phi-run-nea-kă, có tuổi thọ dài không xác định, được xem là chúa tể của loài rồng (Long Vương), ngự ở cõi rồng, tức thế giới ở “phía dưới” cõi người. Khác với người Việt, người Hoa coi rồng là biểu tượng trực tiếp của thần Mưa, thì người Khmer lại coi rồng nói chung là vật cưỡi của thần Phi-run – thần Mưa, vị thần phân phát nguồn nước tưới mát cho mùa màng, mang lại cho con người nguồn sống và hạnh phúc. Riêng rồng có số đầu chẵn rất ít được sử dụng, vì đó là tạo tác của Vi-snu, là biểu tượng của sự sống và cái chết. Chẳng hạn như rồng có hai đầu liền thân, với một đầu hướng về phía trước, một đầu quay lại phía sau, chính là biểu tượng của sự sống (đầu hướng phía trước) và cái chết (đầu ngoảnh lại phía sau) trong kiếp luân hồi.

Từ thời cổ xưa cho đến hiện đại, người dân Campuchia vẫn tin rằng loài rồng chính là linh vật có mối quan hệ mật thiết với xã hội loài người. Họ luôn tự nhận mình là con cháu của các vị thần rồng, và tôn thờ loài rồng như một biểu tượng văn hóa linh thiêng. Rồng chính là hiện thân của đức tin, sự bảo hộ con người tránh những điều xấu xa gặp phải trong cuộc sống.

7. RẮN THẦN NAGAR TRONG VĂN HÓA CAMPUCHIA

Nagar là một sinh vật có nguồn gốc Ấn Độ giáo. Nagar trong tiếng Phạn có nghĩa là “rắn hổ mang” – chúa tể của loài rắn, có nọc độc có thể giết chết một con voi trưởng thành. Người Ấn độ quan niệm Nagar là linh hồn thiên nhiên, bảo vệ các con suối, giếng nước và các con sông. Nagar còn tượng trưng cho thần Siva tối cao nắm giữ trong tay sự hủy diệt và tái sinh.

Đối với người dân Campuchia, rắn Nagar được gọi là Niệk, biểu trưng cho nghệ thuật điêu khắc và văn hóa tín ngưỡng bản địa thờ rắn. Có rất nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc ra đời của rắn Nagar. Trong đó, có truyền thuyết lập quốc của người Khmer khi xưa kể rằng, vị vua đầu tiên sáng lập ra vương quốc Chân Lạp là Kampu. Ngài là một quốc vương tài giỏi, được nhân dân yêu thương, tôn sùng và kính trọng. Một lần, trên đường du hành sang đất nước Indonesia, ngài gặp một nàng công chúa xinh đẹp, thông minh, lại dịu hiền, và có tài quyết đoán. Nàng là con gái của vua rắn Nagar. Trước sắc đẹp và tài hoa của công chúa, vị vua đã đem lòng yêu mến và quyết cưới nàng làm vợ. Để cưới được công chúa, vua Kampu phải dùng sức mạnh và tài năng của mình trổ tài qua các kỳ thi thử sức đầy gay go, quyết liệt của vua rắn Nagar. Cuối cùng, vua Kampu cũng giành chiến thắng và cuới được vợ. Quốc Vương Kampu và Hoàng hậu Nagar cùng nhau sáng lập và xây dựng nên đất nước Campuchia ngày nay. Từ đó, hình tượng rắn Nagar được xây dựng khắp nơi tại các ngôi chùa, cổng chùa và đền thờ, với ý nghĩa là vị thần canh giữ chốn thiêng liêng, xua đuổi tà ma. Rắn Naga còn tượng trưng cho sự phồn thực và là loài có khả năng bảo vệ nguồn nước cho người Campuchia.

Trong sự tích kể về cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có liên quan đến hình tượng rắn Nagar. Lúc hoàng hậu Maya hạ sinh ngài tại vườn Lâm Tì Ni, Thái tử Tất Đạt Đa được một vua rắn Nagar chín đầu phun nước tắm, điển tích này được người Trung Hoa mô tả bằng đề tài điêu khắc là hình tượng chín con rồng bao quanh Đức Phật sơ sinh, mà người ta quen gọi là “Tượng Cửu Long”. Một câu chuyện khác lại kể rằng, rắn Nagar chính là vị thần Hộ pháp canh giữ viên ngọc của mọi điều ước, viên ngọc ấy cũng tượng trưng cho Tam Bảo của nhà Phật (Buddha: Phật; Dahma: Pháp, Sangha: Tăng). Đặc biệt nhất, là câu chuyện kể về sự tích “Bảy ngày tu đầu tiên của Đức Phật”. Trong thời gian tu khổ hạnh Đức Phật ngồi tọa thiền dưới cội Bồ Đề thì mưa to gió lớn nổi lên, nước dâng cao ngập cả chỗ ngồi thiền của Đức Phật. Khi ấy, có một vị vua rắn Nagar liền bò ra khỏi nơi trú ẩn của mình, lấy thân cuốn lại thành bảy vòng tròn như bảo tọa cho Đức Phật ngồi nhập định khỏi bị ngập nước và vươn cao 7 chiếc đầu phình to ra tạo thành cái táng che chở cho Đức Phật. Do vậy, rắn Nagar là hình tượng cực kỳ phổ biến trong văn hóa Khmer, biểu hiện ý nghĩa đức Phật đã cảm hóa được rắn độc và thần rắn đã phát nguyện tùng phục, theo hầu đức Phật khi mưa to gió lớn.

Đến thăm các các ngôi đền chùa cổ ở Campuchia, du khách sẽ thấy nhiều cầu vồng có hình rắn Naga. Những chiếc cầu vòng này tượng trưng cho cầu nối giữa cõi nhân gian và cõi Niết Bàn. Rắn Naga nhiều đầu tượng trưng cho chiếc cầu nằm trải dài dưới chân những ngôi đền núi (thế giới con người) đến đỉnh của ngôi đền (thế giới thần linh).

Theo quan niệm của con dân xứ Angkor, rắn 3 đầu tượng trưng cho thiên – địa – nhân, 5 đầu theo thuyết ngũ hành kim – mộc – thủy – hỏa – thổ, thần Naga 7 đầu tượng trưng cho sự đắc đạo trong tu hành và 9 đầu chính là con đường dẫn lên thiên đàng. Rắn Naga 7 đầu còn tượng trưng cho bảy sắc dân trong xã hội Campuchia cổ xưa, cũng như biểu trưng cho năng lực của người nam, sự vĩnh hằng, sự vô tận và sự bất tử. Rắn Naga 7 đầu còn phù hợp với 7 sắc cầu vồng. Cũng có rắn Naga 6 đầu, biểu trưng cho người nữ, trái đất, thể xác và sự chết.

Trong các ngôi chùa của “đất nước xứ chùa tháp”, rắn Naga ngự trên các mái chùa, các đầu đao để xua đuổi tà ma và bảo vệ đạo Phật. Ngoài ra cũng có hình tượng rắn Naga được chạm trổ bằng xà cừ uốn lượn quấn quanh những cánh cửa chùa, trên những chiếc tủ đựng kinh sách, trên những chiếc xe tang đưa người chết đến nơi hỏa thiêu tượng trưng cho vị thần đưa linh hồn người tốt lên cõi Niết Bàn.

Nét đẹp văn hóa tôn thờ rắn Nagar xuất phát từ sự giao thoa gịữa tín ngưỡng Phật giáo và điều kiện môi trường sống của người Khmer. Trước đây, người Khmer vào khai hoang vùng đất Nam bộ, họ sống trên vùng đất ẩm thấp, nhiều rừng rậm, nước ngập quanh năm do chưa có hệ thống trị thủy. Đây cũng chính là điều kiện môi trường thích hợp với các loài bò sát: rắn, cá sấu,… chim, cò quy tụ về sinh sống. Riêng về loài rắn, vốn có tính chất nguy hiểm nhất là rắn hổ mang. Rắn hổ mang tuy độc nhưng người Khmer đã sớm biết cách thuần hóa. Bởi từ lâu, đạo Phật luôn thể hiện rõ sự nhân đạo và rắn Nagar đã được đức Phật cảm hóa và từ đó đưa vào kiến trúc điêu khắc tại các ngôi chùa với ý nghĩa giáo lý, đức Phật đã cảm hóa được cái ác. Chùa là nơi để học đạo, cải hóa người không tốt thành người tốt, có ích cho đạo cho đời. Con rắn vốn có nọc độc gây chết người, nhưng vẫn được cảm hóa trở nên hiền từ và có ích vì nó biết tu theo Phật. Đây được xem là tư tưởng mang đậm truyền thống văn hóa tốt đẹp, có giá trị nhân văn sâu sắc của người Khmer nói riêng, của cộng đồng Phật tử theo truyền thống văn hoá đạo Phật giáo nói chung.

Truyền thuyết rắn Nagar đã ăn sâu vào thế giới tâm linh của người Campuchia. Tại thủ đô Phnom Penh có một khách sạn 5 sao mang tên thần rắn Nagar: Khách sạn NagaWorld. NagaWorld nằm giữa vùng địa thế ven bờ đẹp như tranh vẽ của sông Mekong và Tonle Sap tràn đầy sức sống. Theo truyền thuyết, tên của NagaWorld bắt nguồn từ thần thoại rắn 7 đầu hay còn gọi là thần Naga. Rắn thần dũng mãnh được tin là luôn ẩn cư trong lòng sông và canh giữ kinh thành PhnomPenh. Người ta bảo rằng chỉ có thể thấy ngài xuất hiện khi cầu vồng tỏa sắc và nếu được như thế sẽ rất may mắn.

NagaWorld luôn thu hút một lượng lớn khách viếng thăm, từ những du khách tham gia tour du lịch nghỉ dưỡng, đến các du khách ưa khám phá từ khắp nơi trên thế giới. Sự kết hợp của hơn 500 phòng Deluxe sang trọng và các dãy Suite lộng lẫy của khu khách sạn 14 tầng cùng khu vực spa chuyên dụng sẽ làm hài lòng những vị khách khó tính nhất.

8. ĐIỆU MÚA APSARA – VŨ KỊCH CUNG ĐÌNH CAMPUCHIA

Là loại hình nghệ thuật truyền thống nổi tiếng nhất của Campuchia, điệu múa Apsara có tên gọi chính xác là Khmer Robam Apsara. Và những người biểu diễn (thường là phụ nữ) được gọi là vũ công Apsara. Điệu múa Apsara trước đây chỉ biểu diễn trong cung điện Hoàng gia Campuchia. Vào những năm 1960 thì điệu múa Apsara được giới thiệu ra nước ngoài và được biết đến nhiều hơn. Vũ công Apsara đầu tiên là công chúa Norodom Bopha Devi, con gái của nhà vua Norodom Sihanouk.

Theo truyện kể dân gian, Apsara là các nàng tiên mây và nước. Khi các nàng đùa giỡn, ca múa thì cỏ cây, muông thú sinh sôi, nảy nở. Vì vậy người dân Campuchia đã tôn Apsara là Nữ thần Thịnh vượng. Những nàng tiên đẹp nhất là: Uvasi, Menaka, Ramba và Tilotama thường xuất hiện trong nhiều tác phẩm thơ, nhạc, họa Campuchia. Các nàng cũng là chủ của những cung cấm và chuyên múa hát phục vụ các nam thần trong những buổi tiệc mừng chiến thắng ma quỷ. Mỗi lần, có tới 26 nàng cùng múa hát. Học theo động tác múa huyền bí của tiên nữ, người dân Campuchia đã sáng tạo nên điệu múa tiên nữ Apsara biểu diễn vào những ngày lễ ca ngợi công đức của các vị thần và Hoàng gia.

Ra đời từ cách đây ít nhất 2.000 năm, Điệu múa Apsara có nguồn gốc từ rất lâu đời và phát triển thăng trầm xuôi theo dòng lịch sử của mảnh đất Campuchia. Ngày nay, điệu múa tiên nữ Apsara khi biểu diễn trên các sân khấu hiện đại được rút gọn, động tác múa thoải mái và phóng khoáng hơn những điệu múa truyền thống tuy nhiên vẫn giữ được nét đặc trưng. Khi trình diễn, các vũ công Apsara mặc trang phục bó sát người màu vàng và váy Sampot, đội mũ ngọn tháp cũng màu vàng được trang trí tinh xảo. Những động tác múa được các vũ công nữ biểu diễn nhẹ nhàng, thanh thoát, duyên dáng trên nền nhạc chậm rãi, thong dong của dàn nhạc Pinpeat tựa như những nàng tiên nữ đang dạo chơi trong vườn hồng rực rỡ nắng mai.

Điệu múa trong nhiều thế kỷ đã trở thành điệu múa cung đình, và rồi thành điệu múa quen thuộc của các thanh nữ trong những dịp lễ tết, hội hè và cưới hỏi. Apsara đến nay là tài sản, linh hồn quốc gia Campuchia, điệu múa thể hiện mong muốn về một cuộc sống thịnh vượng, thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên và người dân Campuchia.

9. ĐIỆU MÚA DÂN GIAN CAMPUCHIA

Ngoài điệu múa Apsara của Hoàng gia thì đất nước Campuchia cũng có nhiều điệu múa dân gian khác. Chúng thường có tiết tấu nhanh và được biểu diễn trong các lễ hội.

Điệu múa dân gian Campuchia phổ biến nhất là Robam Trot. Nó có động tác như hình ảnh người thợ săn đang đuổi theo con nai. Robam Trot được người dân nhảy vào năm mới với ý nghĩa là xua đuổi những điều không may.

Bên cạnh đó, một điệu múa dân gian khác là Sneak Toseay. Đây là điệu múa mô tả hình ảnh và sự chuyển động uyển chuyển của các con vật như con công hay con hổ.

10. BAOK CHAMBAB – MÔN VẬT TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI DÂN KHMER

Baok Chambab là môn vật truyền thống của người Khmer. Một trận đấu gồm 3 vòng. Trước khi thi đấu, người đô vật phải biểu diễn một điệu múa theo nghi lễ. Nếu thắng 2 trong 3 vòng đấu sẽ là người chiến thắng cả trận. Một trận đấu Baok Chambab truyền thống của Campuchia luôn có tiếng trống kèm theo. Khi đi du lịch Campuchia vào thời điểm năm mới hay các ngày lễ hội, du khách sẽ có dịp được thấy loại hình nghệ thuật truyền thống thú vị này.

11. BOKATOR – MÔN VÕ TRUYỀN THỐNG CỦA CAMPUCHIA

Bokator hay nói chính xác hơn là Labokatao là một môn võ của Campuchia vừa có thể đấu tay đôi vừa có thể dùng vũ khí. Cách đây 1000 năm, Bokator đã được quân đội Angkor sử dụng như một hình thức chiến đấu chủ yếu.

Cụm từ Bokator được dịch nôm na là “đập một con sư tử” (từ “bok” có nghĩa là đập, và “tor” có nghĩa là sư tử). Theo truyền thuyết người Campuchia thì cách nay khoảng 2000 năm có một con sư tử tấn công vào một ngôi làng. Khi đó có một chiến binh với vũ khí duy nhất là một con dao và chỉ bằng đầu gối của mình đã có thể giết chết được con sư tử ấy. Sau đó thì người chiến binh ấy tái hiện lại những chiêu thức mà ông đã dùng để đối phó với con sử tử kia. Dần dần kỹ thuật trên được nhiều người sử dụng để chiến đấu chống lại động vật hoang dã. Và ngày nay đã trở thành một môn võ thuật tiêu biểu của dân tộc Campuchia.

Bokator sử dụng sức mạnh của khuỷu tay và đầu gối, đá cẳng chân và chiến đấu trên mặt đất là chủ yếu. Mặc dù sử dụng đầu gối, bàn tay, khuỷu tay, bàn chân, cẳng chân và đầu là chính nhưng ngay cả vai, hông, xương hàm và các ngón tay cũng có thể sử dụng để thu phục đối thủ thậm chí là gây tử vong cho đối phương. Là một môn võ vừa có thể đánh tay không vừa có thể dùng vũ khí.

12. SBEK THOM – LOẠI HÌNH MÚA RỐI TRUYỀN THỐNG CỦA “XỨ SỞ CHÙA THÁP”

Sbek Thom là một loại hình múa rối bóng truyền thống với những vũ công, những con rối, một tấm màn và người dẫn chuyện cùng kết hợp ăn ý với nhau trong nền nhạc truyền thống tạo nên những tiết mục đặc sắc và lôi cuốn.

Trong quá khứ, Sbek Thom như là một màn trình diễn lễ nghi tôn giáo chỉ được thực hiện trong thờ cúng cho những dịp đặc biệt như “Ngày năm mới của người Khmer”, sinh nhật của đức vua hay để tỏ lòng kính trọng đối với một số người nổi tiếng. Tuy nhiên, Sbek Thom đã phát triển trở thành một loại hình nghệ thuật biểu diễn về sau này.

Những nghệ sĩ Sbek Thom biểu diễn những trích đoạn từ Trường ca Reamker (được sáng tác bằng thơ văn hàng vạn câu, có cốt truyện vay mượn từ “Sử thi Ramayana của Ấn Độ”), hoặc đôi khi là những câu chuyện về Phật giáo.

Trong hầu hết các thể loại múa rối ở Châu Á, các con rối đều là những con người, con vật nhỏ với những chân tay di động khá nhỏ, tuy nhiên, những con rối nhỏ nâu trong nghệ thuật Sbek Thom Campuchia là những bức tranh bằng da bò lớn, cao 1 – 2 mét, gần như tròn, các nhân vật trong Trường ca Reamker được chạm khắc trong khung hình. Ngoài những con rối da lớn này, còn có những con rối nhỏ hơn, thậm chí đôi khi còn có các thanh di chuyển.

 

Khi biểu diễn, những con rối được soi bóng trên màn hình vải trong suốt rộng khoảng 10 m và cao 4 m được dựng lên trên cọc cách mặt đất khoảng 2,5 m. Các nhạc sĩ của dàn nhạc hợp âm người Campuchia ở trước màn hình. Ngồi và đôi khi đứng giữa dàn nhạc là những người kể chuyện, những người đọc và hát các bài ca theo sự di chuyển của bóng con rối.

Hai đoàn kịch Sbek Thom nổi tiếng đã hoạt động vào nửa đầu thế kỷ 20, một ở Phnom Penh và một ở thành phố Battambang. Sau đó, Chính phủ Campuchia đã thành lập một số Nhà hát sân khấu kịch Sbek thom khác trên cả nước như một phương thức bảo tồn, lưu giữ, phát triển loại hình văn hóa này.

Ngày nay, Sbek Thom thường kết hợp với các điệu nhảy và các hình thức sân khấu khác trong các sản phẩm nội dung hiện đại cũng như trong các chương trình du lịch.

13. CHIẾC KHĂN RẰN KRAMA – BIỂU TƯỢNG MỚI CỦA CAMPUCHIA

Chiếc khăn rằn Krama đã gắn bó với người dân Campuchia từ thế kỷ thứ 17. Theo tín ngưỡng, người dân nơi đây theo đạo Hindu thờ ba vị thần: thần sáng tạo (Brahma), thần bảo tồn (Vishnu) và thần hủy diệt (Shiva). Trong số đó có thần Vishnu là người hiền hòa, đôn hậu luôn luôn che chở cho con người. Thần Vishnu thường cưỡi trên mình rắn thần Naga 7 đầu. Người dân Campuchia vì lòng tôn kính thần Vishnu đã làm ra chiếc khăn Krama (dịch là khăn rắn) tượng trưng cho rắn thần Naga. Họ cho rằng quàng, quấn chiếc khăn trên đầu như luôn có thần Vishnu và rắn thần Naga ở bên, mang lại may mắn, bình an cho người quàng nó.

Từ nguyên thủy, khăn rằn được định hình sẵn những màu đỏ, vàng. Qua quá trình cộng hưởng, khăn rằn nhiều màu sắc hơn bao giờ hết. Ngay cả người sản xuất cũng không thể thống kê hết được có bao nhiêu màu sắc của khăn rằn Krama.

Hiện nay, những chiếc khăn rằn của Campuchia được dệt từ làng nghề truyền thống ở Đảo Koh Dach, tỉnh Kandal. Krama có những điểm vượt trội khiến cho nó trở thành vua của những chiếc khăn, một chất liệu hoàn hảo đến giản dị như: khăn mềm mịn, chất lượng vải dệt từ 100% sợi bông nguyên chất; màu sắc, mẫu mã đa dạng; nhiều khổ 1.2 m, 1.6 m, 1.7 m với khổ ngang 40 cm, 60 cm; giá cả phải chăng.

Khăn rằn có nhiều mẫu mã phù hợp cho mọi người lựa chọn với các màu sắc bắt mắt như màu đỏ tía, nâu sẫm, đỏ thẫm, màu chàm, xanh ngọc. Một số khác là họa tiết độc đáo như sọc vuông của người Scotland, sọc caro bình thường. Chất lượng cũng từ bình dân đến cao cấp, có loại làm từ vải cotton thô sơ, có loại làm bằng vải lụa được trang trí bên ngoài tinh tế.

Không chỉ đa dạng về màu sắc, tuyệt hảo về chất liệu, chiếc khăn rằn Krama còn sở hữu những công dụng cực kỳ hữu ích. Chính người dân Campuchia cũng đã thống kê khăn rằn có tới 90 công dụng khác nhau. Người ta thường liên tưởng tới những chiếc khăn để chống lại sự lạnh giá, nhưng khăn rằn Campuchia được sinh ra vốn là để che nắng, những cái nắng chói chang ở Campuchia. Vì thế, những chiếc khăn rằn Campuchia dày dặn, sợi cotton thấm hút mồ hôi tốt đã giúp nó trở thành chiếc khăn bản sắc tới tận bây giờ.

Ngoài những công dụng này, người dân địa phương còn kết hợp khăn rằn làm váy, xà rông, tạp dề,… Các bà mẹ còn dùng khăn rằn làm võng, quấn quanh trẻ sơ sinh hoặc làm túi đựng đi chợ. Như vậy, khăn rằn cứ thế len lỏi vào từng sinh hoạt, đời sống của người dân. Và rồi, cho đến ngày nay, khăn rằn Campuchia trở thành một ngành công nghiệp mang lại thu nhập lớn cho người dân, mang đậm dấu ấn văn hóa của nước này.

Nhờ vào đặc tính ưu việt của khăn rằn Krama mà nó đã trở thành món quà tặng trao nhau, không chỉ phổ biến ở Campuchia mà còn ở Việt Nam. Ai du lịch Campuchia cũng đều mua ít nhất một chiếc khăn về làm quà cho người thân hoặc đơn giản là làm kỷ niệm. Du khách có thể tìm mua chiếc khăn độc đáo ở các ngôi chợ truyền thống của Campuchia như chợ Trung tâm, chợ Nga ở Phnom Penh, chợ đêm ở Siêm Riệp hoặc các quầy bán hàng lưu niệm tại các khu vực dành cho du khách.

Nếu có dịp du lịch Campuchia, du khách hãy dành thời gian tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc của người dân Khmer nhé! Hẳn đây sẽ là một chuyến trải nghiệm đầy thú vị mà du khách không thể nào quên.