Đại công quốc Luxembourg là một quốc gia nhỏ nằm trong lục địa ở Tây Âu. Luxembourg theo dân chủ đại diện với nghị viện và một hoàng gia lập hiến, cai trị bởi một Đại công tước. Đây là Đại công quốc duy nhất có chủ quyền trên thế giới. Đất nước có một nền kinh tế phát triển cao, với thu nhập bình quân cao nhất trên thế giới.
Luxembourg là thành viên sáng lập của Liên minh Châu Âu, NATO, Liên hợp quốc, Benelux và Liên minh Tây Âu, phản ánh xu thế chính trị của việc hội nhập kinh tế, chính trị và quân sự. Thành phố Luxembourg, thủ đô và là thành phố lớn nhất, là nơi đóng của một vài cơ quan và đại diện của Liên minh châu Âu.
Luxembourg nằm giữa biên giới văn hóa của Châu Âu gốc Rôman và châu Âu gốc German, vay mượn phong tục tập quán từ những truyền thống rất khác nhau. Luxembourg là một nước với ba thứ tiếng; tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Luxembourg là những ngôn ngữ chính thức. Mặc dù là một nước không theo tôn giáo nào, phần đông dân Luxembourg là Công giáo Rôma.
Địa lý
Luxembourg nằm ở Tây Âu giáp với Pháp, Đức, Bỉ. Vùng Osling ở phía Bắc thuộc cao nguyên Ardenne, địa hình lồi lõm, phần lớn là các khu rừng và đồng cỏ, điều kiện thiên nhiên ít ưu đãi hơn. Vùng Gutland ở phía Nam, đất màu mỡ, thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp (ngũ cốc, cây ăn quả, hoa, nho và thuốc lá).
Lịch sử
Lịch sử được ghi lại của Luxembourg bắt đầu với việc chiếm được Lucilinburhuc (ngày nay là lâu đài Luxembourg) bởi Siegfried, Bá tước xứ Ardennes vào năm 963. Tên hiện nay của Luxembourg có nguồn gốc từ tên trước đây Lucilinburhuc. Xung quanh đồn này, một thị trấn dần dần phát triển, và trở thành trung tâm của một nước nhỏ nhưng quan trọng về mặt chiến lược.
Vào năm 1437, Hoàng gia Luxembourg khủng hoảng về vấn đề thừa kế, bắt đầu bởi việc thiếu một người con trai nối ngôi, dẫn đến việc vùng đất này bị bán cho Philip Người tốt của xứ Burgundy. Vào các thế kỉ theo sau đó, đồn Luxembourg được mở rộng liên tục và gia cố thêm bởi những chủ nhân kế tiếp nhau, nhà Bourbon, nhà Habsburg, nhà Hohenzollern và người Pháp, cùng với một số khác.
Sau khi Napoléon thất bại vào năm 1815, Luxembourg bị tranh giành bởi Phổ và Hà Lan. Hội nghị Wien đã thành lập Luxembourg như là một Đại công quốc liên hiệp với Hà Lan. Luxembourg cũng là thành viên của Liên bang Đức, với một đồn Liên bang đóng bởi lính Phổ.
Cách mạng Bỉ năm 1830-1839 đã làm lãnh thổ của Luxembourg bị giảm đi hơn một nửa, vì đa phần nói tiếng Pháp thuộc phía tây được chuyển nhượng cho Bỉ. Nền độc lập của Luxembourg được khẳng định một lần nữa vào năm 1839 bởi Hiệp ước London thứ nhất. Cũng cùng năm đó, Luxembourg gia nhập Zollverein.
Nền độc lập và sự trung lập của Luxembourg lại được khẳng định vào năm 1867 bởi Hiệp ước London thứ hai, sau cuộc khủng hoảng Luxembourg làm chiến tranh gần như nổ ra giữa Phổ và Pháp. Sau sự mâu thuẫn được kể trên, đồn của liên bang đã bị tháo dỡ.
Vua Hà Lan vẫn là Người lãnh đạo nhà nước như là Đại công tước xứ Luxembourg, duy trì mối liên hệ dân tộc giữa hai nước cho đến năm 1890. Vào lúc William III, ngôi Công tước được truyền cho con gái ông là Wilhelmina, trong khi Luxembourg (vào thời điểm đó chỉ giới hạn cho người nối ngôi là nam bởi Hiệp định Gia đình Nassau) được truyền cho Adolph xứ Nassau-Weilburg.
Luxembourg bị xâm lược và chiếm đóng bởi quân Đức trong Thế chiến thứ nhất nhưng được phép giữ độc lập và cơ chế chính trị. Nó lại bị xâm lược và chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai vào năm 1940, và chính thức bị sát nhập vào Đế chế thứ ba vào năm 1942.
Trong suốt Thế chiến thứ hai, Luxembourg đã bãi bỏ chính sách trung lập, khi nước này tham dự phe Đồng Minh đánh lại quân Đức. Chính phủ lưu vong của nước này đã trú tại London, thiết lập một nhóm quân tình nguyện nhỏ tham dự trận đánh Normandy. Nó trở thành một thành viên sáng lập Liên hợp quốc vào năm 1946, và khối NATO vào năm 1949.
Vào năm 1957, Luxembourg trở thành một trong sáu nước thành lập Cộng đồng kinh tế chung Châu Âu (sau này là Liên minh Châu Âu), và, vào năm 1999, tham dự khu vực sử dụng tiền euro. Vào năm 2005, một trưng cầu dân ý về hiến pháp chung Châu Âu đã được tổ chức ở Luxembourg.
Chính trị
Luxembourg là một nước quân chủ lập hiến đa đảng, đại diện là Đại Công Tước (không có vua) được kế tục theo cha truyền con nối. Theo đó Thủ tướng Luxembourg là người đứng đầu chính phủ. Quyền hành pháp được quy định theo hiến pháp năm 1868 (đã sửa đổi) được thực hiện bởi chính phủ, bởi Đại Công Tước và các Hội đồng Chính phủ (nội các), trong đó bao gồm một thủ tướng và nhiều bộ trưởng khác. Đại Công Tước có quyền giải tán quốc hội và bầu cử lại mới. Các thủ tướng và phó thủ tướng được bổ nhiệm bởi Đại Công Tước sau cuộc bầu cử công khai đến các Viện đại biểu; họ chịu trách nhiệm đối với Viện đại biểu. Quyền lập pháp được trao cho cả chính phủ và quốc hội. Cơ quan tư pháp độc lập với hành pháp và lập pháp.
Cuối năm 2013, Xavier Bettel chiến thắng trong việc tranh cử thủ tướng đã khép lại 18 năm cầm quyền của ông Jean-Claude Juncker – lãnh tụ đảng Cơ đốc Xã hội bảo thủ, đảng nắm quyền gần như liên tục kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Để có thể giành được thắng lợi, nhà lãnh đạo trẻ theo xu hướng tự do đã phải liên kết với hai đảng thế tục khác: Đảng Dân chủ và Đảng Xanh.
Chính phủ hiện nay là một liên minh của ba đảng DP (Đảng Dân chủ), LSAP (Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa) và DG (Đảng Xanh). Các đảng phái chính trị chính: Đảng Dân chủ, đảng cánh hữu theo đường lối tự do; Đảng Xanh, chủ trương bảo vệ môi trường; Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Luxembourg, theo đường lối dân chủ xã hội; Đảng Cơ đốc Xã hội, đảng cánh hữu bảo thủ.
Dân tộc và ngôn ngữ
Người dân Luxembourg được gọi là Luxembourgers, dân nhập cư tăng lên trong thế kỷ XX do sự xuất hiện của những người nhập cư từ Bỉ, Pháp, Ý, Đức, và Bồ Đào Nha, với phần lớn đến từ sau này. Trong cuộc điều tra dân số năm 2001, đã có 58.657 người nhập cư có quốc tịch Bồ Đào Nha.
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh Nam Tư, Luxembourg đã tiếp nhận nhiều người nhập cư từ các nước Bosnia và Herzegovina, Montenegro và Serbia. Hàng năm, hơn 10.000 người nhập cư mới đến Luxembourg, chủ yếu là từ các quốc gia EU, và Đông Âu. Như năm 2000, đã có 162.000 người nhập cư tại Luxembourg, chiếm 37% tổng dân số. Có khoảng 5.000 người nhập cư bất hợp pháp, bao gồm người tị nạn.
Thành phần dân tộc hiện nay gồm: người Luxembourg (tức người Celt), người Bồ Đào Nha, người Italia, người Montenegro, Albania, Kosovo.
Tiếng Luxembourg, tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp là những ngôn ngữ chính thức.
Tôn giáo
Luxembourg là một quốc gia thế tục, nhưng nhà nước công nhận một số các tôn giáo chính thức. Điều này cho phép nhà nước có quyền trong việc quản lý tôn giáo và bổ nhiệm hàng giáo sĩ, thay vào đó nhà nước sẽ trả chi phí vận hành tôn giáo và tiền lương của các giáo sĩ. Hiện nay, các tôn giáo được công nhận đó là Công giáo Rôma, Do Thái giáo, Chính Thống giáo Hy Lạp, Anh giáo, Chính Thống giáo Nga, Giáo hội Luther, Tin Lành phái Mennonitism và Hồi giáo.
Một ước tính của The World Factbook năm 2000 cho thấy là 87% dân số Luxembourgers là người Công giáo, trong đó có gia đình hoàng gia, còn lại 13% là người Hồi giáo, Tin Lành, Chính thống giáo, người Do Thái, và những người không tôn giáo. Theo một nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2010, 70,4% dân số là Kitô giáo, Hồi giáo là 2,3%, 26,8% tôn giáo khác và 0,5% không tôn giáo.
Kinh tế
Kinh tế Luxembourg là nền kinh tế phát triển, lĩnh vực chủ yếu là ngân hàng và thép. Luxembourg có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới, với 104,906 USD/đầu người (2016), GDP đạt 60.984 tỉ USD (đứng thứ 75 thế giới và đứng thứ 25 Châu Âu).
Trong những năm qua, Luxembourg luôn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong EU. Thu nhập GDP đầu người thuộc loại cao nhất thế giới. Các lĩnh vực thế mạnh là thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, hoá chất cao su, nhựa, sản xuất thép, thực phẩm. Khu vực dịch vụ nói chung và dịch vụ tài chính ngân hàng nói riêng là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng (Tài chính – ngân hàng hiện đóng góp 28% GDP của Luxembourg). Cơ cấu GDP: nông nghiệp 1%, công nghiệp 14% và dịch vụ 85% (2007). Các bạn hàng chủ yếu của Luxembourg là Bỉ, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Mỹ. Điều đáng chú ý là cán cân thương mại (hàng hoá) của Luxembourg thường xuyên thâm hụt, tuy nhiên cán cân thanh toán lại thặng dư, nhờ thu hút được nhiều luồng tài chính từ bên ngoài. Luxembourg hiện tham gia khu vực đồng euro.
Ngành công nghiệp luyện kim và gang thép tập trung ở vùng Tây Nam, công nghiệp thực phẩm gồm: sữa, thịt chế biến, rượu. Khu vực kinh tế thứ ba sử dụng 90% lực lượng lao động.
Trên đây là một số nét đặc trưng về đất nước và con người Luxembourg. Nếu du khách muốn khám phá nhiều điều thú vị hơn về xứ sở xinh đẹp này thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Luxembourg nhé! Chúc du khách có một chuyến đi vui vẻ và đầy ý nghĩa!