Trong quá trình hội nhập và giao lưu giữa các dân tộc, Indonesia có điều kiện du nhập nhiều phong tục, lễ hội… làm phong phú hóa bản sắc của mình. Nếu trên thế giới có ngày Valentine dành riêng cho các đôi lứa yêu nhau, thì tại Bali của đất nước Indonesia cũng có ngày hội Omed-Omedan.
Hàng năm, một ngày sau khi tín đồ Hindu tổ chức lễ hội Nyepi (tên gọi khác: “Ngày của sự im lặng”), hàng nghìn dân làng tụ họp với nhau trên các tuyến phố để tham gia nghi lễ hôn nhau. Lễ hội này có tên là Omed Omedan diễn ra vào ngày 22/3 tại làng Seseatan thuộc thành phố Denpasar. Đây là thời điểm người dân làng Sesetan cảm thấy thoải mái chứng kiến các đôi trai gái hôn nhau giữa công chúng một cách tự nhiên nhất. Những người tham gia lễ hội đổ về trung tâm ngôi làng Sesetan để ăn mừng vui vẻ và hôn nhau. Họ tin rằng nghi lễ sẽ đem lại sức khỏe và của cải dồi dào cho tất cả mọi người, cũng như có sức mạnh bảo vệ làng khỏi những điềm xấu trong suốt năm mới. Ngày nay, người dân Sesetan tổ chức lễ hội còn mong muốn sự “đơm hoa kết trái” của các mối quan hệ khi những cặp trai gái lần đầu tiên được hôn nhau. Đó là lý do tại sao lễ hội này lại thường dành cho những người chưa kết hôn. Sau lễ hội độc đáo có một không hai này, nhiều người đã tìm được một nửa trọn vẹn của mình, họ đã làm lễ cưới sau khi hôn nhau trong ngày Omed Omedan và sống hạnh phúc với những đứa con xinh xắn của mình.
Trong ngôn ngữ Bali, “Omed” có nghĩa là “kéo”. Xuất phát từ việc người tham gia bị dẫn dụ vào một việc làm bất như ý, và động thái kháng cự xô, kéo là điều khó tránh khỏi mà lễ hội được gọi là “Omed-omedan”. Lễ hội này là một nét đẹp truyền thống có từ lâu. Tương truyền từ cả trăm năm trước, một nhóm thanh thiếu niên đã bày ra trò chơi khá kỳ cục: phía nam lôi một cậu bé và phía nữ cũng kéo một cô bé, áp chúng sát vào nhau bắt phải diễn đạt tình cảm như người lớn. Trò chơi đã tạo cơ hội cho những trận cười phấn khích, mặc cho sự la ó vùng vằng của hai đứa bé ngây thơ. Do sự việc diễn ra ngay gần nhà của vị “puri” (thủ lĩnh), tiếng ồn ào huyên náo của đám trẻ đã phá tan sự yên tĩnh cần thiết lúc ông đang dưỡng bệnh. Trong sự bực bội khó chịu, ông định sẽ ra ngoài và la mắng đám trẻ một trận, thế nhưng khi vừa chứng kiến trò chơi “ngốc nghếch” của đám trẻ, một cảm giác hưng phấn chợt bùng lên khiến ông thấy khỏe khoắn như chưa hề bị bệnh. Từ đó, ông đã cho phép tổ chức trò chơi này hàng năm để cầu mong sức khỏe và điều may mắn đến với dân làng.
Omed Omedan thường dành cho những người chưa kết hôn, ở độ tuổi 17 – 30. Lễ hội bắt đầu bằng việc cầu nguyện trang nghiêm, sau đó, những tín đồ hôn nhau và nhảy múa tưng bừng, khi các đôi đang hôn người dân xung quanh sẽ té nước vào họ.
Có thể nói Omed-Omedan là một lễ thức “phá rào”, bởi động thái chính của lễ hội là sự âu yếm giữa hai người khác phái được thể hiện công khai qua việc ôm và hôn nhau – một điều “cấm kỵ” trong thế giới Hồi giáo. Trong lễ hội, người tham dự được chia làm hai nhóm theo hai giới khác nhau, nam đi về phía Bắc của con đường, nữ đi theo hướng ngược lại. Sau đó hai nhóm đối mặt nhau, mỗi nhóm cử ra một người đại diện trao nụ hôn cho nhau, khi đang hôn mọi người té nước về phía họ, hoặc những người nhút nhát hơn thì chọn cho mình đối tượng và tay trong tay mừng lễ hội. Lễ hội thường kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
Có người ban đầu bẽn lẽn, thẹn thùng chỉ dám hôn nhẹ lên má nhưng sau đó, khi toàn thân đã ướt sũng và da mặt đau rát, họ trở nên mạnh dạn hơn. Một số chàng trai còn chủ động “níu cổ”, “vít đầu” bạn gái xuống thấp để dễ dàng duy trì nụ hôn dài trong khi người xung quanh vẫn không ngừng té nước.
Cùng với những nụ hôn cháy bỏng của các cặp đôi, làm cho bầu không khí “nóng hơn bao giờ hết” là sự hiện diện của các ca sĩ, ban nhạc Bali với những điệu nhạc rock và punk sinh động cùng các vũ công xinh đẹp, mềm dẻo trong các vũ điệu Barong truyền thống đã góp phần làm rộn ràng không khí lễ hội.
Vào những năm 1980, đã có lúc lễ thức này bị hủy bỏ do bị xem như một hành vi khiêu dâm vi phạm những quy luật khắt khe của Hồi giáo. Tuy vậy, vào thời điểm mà thông thường lễ hội vẫn diễn ra, có hai con heo xuất hiện tại hội đường (một dạng đình làng), cắn xé nhau dữ dội đến nỗi không ai can gián được, rồi đột nhiên chúng biến mất như chưa hề có cuộc hỗn chiến. Cho đây là điềm báo dữ liên quan đến việc hủy bỏ lễ hội Omed-Omedan, sau một buỗi lễ tịnh hóa, các vị chức sắc đã quyết định duy trì lễ hội này như một sự điều hòa nhịp sống và cầu mong điều tốt lành cho mọi người… Cũng từ đó, lễ hội Omed-Omedan được lồng ghép vào ngày Ngembak Geni – chào đón ngọn lửa, một ngày sau ngày “im lặng”.
Đã từ lâu, Bali nổi tiếng là vùng đất hấp dẫn với những lễ hội độc đáo, những danh lam thắng cảnh làm say lòng khách du lịch… Du lịch Dubai vào những ngày đầu năm mới, du khách sẽ có dịp hòa trong niềm vui phấn khích của lễ hội Omed-Omedan, một lễ thức truyền thống độc đáo của làng Banja Kaja Sesetan chỉ duy nhất có tại Bali. Tuy có những biểu hiện táo bạo tưởng như “phá rào” nhưng Omed-omedan vẫn thực sự là một hoạt động tín ngưỡng lành mạnh và không có gì dung tục, đã góp phần gắn kết cộng đồng và nâng đỡ tinh thần người trẻ, chắp cánh cho tình yêu thăng hoa…