Không chỉ cuốn hút du khách thập phương bởi những khung cảnh lãng mạn, Hàn Quốc còn nổi bật với nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc. Các lễ hội được tổ chức quanh năm với quy mô lớn, nhằm tôn vinh vẻ đẹp và nền văn hóa lâu đời của quốc gia này.
1. Lễ hội Kimchi Seoul
Đây là ngày hội muối kim chi đã được UNESCO công nhận là nét văn hóa phi vật thể của nhân loại. Lễ hội Kimchi Seoul được diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày thứ 6 đầu tiên của tháng 11 hàng năm.
Lễ hội này được coi là cầu nối văn hóa của Hàn Quốc ra thế giới. Thông qua lễ hội, du khách có dịp tìm hiểu sâu hơn về văn hóa muối Kimchi của người dân xứ Hàn và thưởng thức Kimchi cũng như các món ăn truyền thống của Hàn Quốc.
2. Lễ hội Nhân sâm Geumsan
Được tổ chức vào tháng 9 hàng năm, Lễ hội Nhân sâm Geumsan là một trong những sự kiện văn hóa truyền thống của người dân bản địa, mang ý nghĩa cầu nguyện cho một vụ mùa thu hoạch năm sau sẽ tốt hơn.
Tham gia vào lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống, mua sắm tại các hội chợ thương mại quốc tế và thử sức mình trong cuộc thi nấu ăn về nhân sâm,… Đặc biệt, nếu du khách có ý định mua nhân sâm về tặng cho người thân, bạn bè…thì đây sẽ là thời điểm lý tưởng nhất.
3. Lễ hội pháo hoa quốc tế Seoul
Lễ hội pháo quốc tế Seoul là một lễ hội khá lớn ở Hàn Quốc, được tổ chức thường niên vào ngày 5/10 thu hút khá nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Đến với lễ hội này, du khách còn được xem các buổi biểu diễn và tham gia vào các hoạt động khác có trong chương trình. Đến đây, du khách sẽ hoàn toàn bị thu hút bởi những màn pháo hoa tuyệt đẹp rực rỡ trên bầu trời Seoul. Các màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật và đẹp mắt sẽ mang đến cho du khách những giây phút không thể nào quên.
4. Tết Nguyên Đán
Năm mới ở Hàn Quốc chính thức bắt đầu tính từ 1/1 Âm lịch, nhưng không khí rộn ràng, hân hoan đã tràn ngập khắp cả nước ngay từ những ngày cuối năm cũ. Những ngày cuối năm, các gia đình đều tụ tập bên nhau và cùng dọn dẹp nhà cửa đón năm mới.
Buổi tối cuối cùng trước đêm giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Lúc giao thừa, họ thường đốt những thanh tre ở trong nhà với quan niệm để xua đuổi tà ma. Những ngày Tết, trước cửa mỗi nhà người Hàn Quốc đều treo một cái xẻng bằng rơm (Bok jo ri) với một ý nghĩa là hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa, nhận được phúc lộc quanh năm. Mâm cỗ được làm để cúng đêm giao thừa thường có tới hơn 20 món, trong đó không thể thiếu món Ttok-kuk (canh bánh gạo) – được nấu từ nhiều lát bánh gạo với niềm tin sẽ mang lại nhiều may mắn trong năm mới.
Sáng mùng 1 Tết, người Hàn có phong tục tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, mặc quần áo cổ truyền, uống Gui Balli Sool, sau đó tiến hành nghi lễ cúng Tổ tiên gọi là Chesa do trưởng nam trong gia đình đứng ra làm lễ. Sau lễ Chesa là lễ Seba, con cháu bái lạy ông bà, cha mẹ với ý nghĩa chúc mừng năm mới và chúc may mắn. Ông bà, cha mẹ sẽ thưởng tiền hoặc vàng, ngọc hay một món quà quý nào đó. Tiếp đến, sau bữa cơm ngày mùng 1, họ sẽ đi chúc tết người thân, hàng xóm, đi thăm mộ tổ tiên hoặc tới những ngôi đền, chùa để cầu nguyện.
5. Lễ hội Chuseok (Tết Trung thu)
Chuseok là một trong những ngày Tết lớn và rất đỗi quan trọng với người Hàn Quốc. Ngày này là ngày để gia đình đoàn tụ dù các thành viên có ở xa đến mấy, mọi người cũng cố gắng tụ họp về nhà để có thể cùng ngồi chuyện trò ăn uống và tận hưởng thành quả của vụ thu hoạch duy nhất trong 1 năm. Vào buổi sáng ngày Chuseok, các món ăn được chuẩn bị với nguyên liệu tươi từ vụ mùa trong năm được bày biện để làm lễ Charye tạ ơn tổ tiên. Sau Charye, các gia đình đến viếng mộ tổ tiên của họ và tham gia vào nghi thức nhổ cỏ mọc trên gò chôn cất. Qua hoàng hôn, các gia đình và bạn bè đi dạo và ngắm vẻ đẹp của trăng tròn mùa thu hoạch hoặc chơi các trò chơi dân gian như Ganggangsullae (Điệu nhảy vòng tròn của Hàn Quốc).
Songpyeon là một trong những món ăn đặc trưng của ngày lễ Chuseok. Món bánh gạo này được làm từ bột gạo nhào đến kích cỡ nhỏ hơn chút ít quả bóng gôn và có nhân là hạt vừng, đậu, đâu đỏ, hạt dẻ, hoặc các nguyên liệu bổ dưỡng khác. Khi hấp Songpyeon, bánh gạo được xếp lớp với lá thông để tạo thêm hương thơm quyến rũ của lá thông. Một yếu tố chính khác của ngày lễ Chuseok là rượu truyền thống. Vào lễ Chuseok, các gia đình và họ hàng tập trung lại và làm lễ cúng gia tiên với rượu làm từ của vụ mùa mới. Sau lễ cúng, họ ngồi ngồi quây quần bên nhau cùng uống rượu và ăn các món ăn.
6. Lễ hội Hwaseong Suwon
Hwaseong Suwon là lễ hội văn hóa đặc trưng được tổ chức tại thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi vào tháng 10 hàng năm nhân dịp ngày Công dân Suwon. Một lễ hội truyền thống của Hàn Quốc diễn ra tại Hwaseong, một pháo đài khá nổi tiếng đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Một loạt sự kiện được tổ chức như tái hiện lễ rước hoàng gia Đại đế Jeongjo (vị vua thứ 22 của triều đại Joseon), nghi lễ đội vệ quân Jangyongyeong, diễu hành của công dân, cùng với nhiều tiết mục biểu diễn truyền thống khác. Khi gia nhập lễ hội, du khách không chỉ có cơ hội biết thêm nhiều nghi lễ truyền thống của Hàn Quốc mà còn được thưởng thức những món ăn đặc trưng và đa dạng từ nhiều quốc gia khác nhau trên khắp mọi miền.
7. Lễ hội câu cá hồi trên băng Sancheoneo Hwacheon
Từ ngày 4 đến 26/1 là thời điểm diễn ra lễ hội câu cá hồi trên băng tại huyện Hwacheon, tỉnh Gangwon. Đây là vùng hẻo lánh, băng giá suốt mùa đông và con sông tại đây được phủ một lớp băng dày. Lễ hội là dịp du khách có thể thử câu cá, bắt cá bằng tay, chơi trượt tuyết, bóng băng, đắp tượng tuyết…
Bên cạnh các hoạt động và chương trình vui chơi giải trí, nơi đây còn có trưng bày những bức tượng tuyết phải mất 20 tuần mới làm xong. Du khách cũng có thể nếm thử món gỏi cá hồi hay cá hồi nướng, rất ngon và bổ dưỡng.
8. Lễ hội Bùn Boryeong
Đây là lễ hội thu hút nhiều khách du lịch quốc tế nhất ở Hàn Quốc, được tổ chức từ ngày 18 đến 27/7 tại bãi biển Daecheon, tỉnh Chungcheongnam. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, du khách có thể thỏa thích vật nhau trong bùn, trượt bùn và thậm chí bơi trong bồn tắm bùn lớn. Những du khách cảm thấy mình tràn đầy năng lượng có thể thử khóa huấn luyện trên biển với bùn, trong khi đó những ai đang tìm kiếm thứ gì đó thư giãn hơn có thể nghỉ ngơi ở khu vực mát xa với bùn. Vào buổi tối, bữa tiệc trên biển sẽ được tiếp tục với âm nhạc và pháo hoa.
9. Lễ hội cát Haeundae
Lễ hội này diễn ra từ ngày 6 đến 9/6 tại bãi biển Haeundae xinh đẹp của thành phố Busan. Một trong những điểm nổi bật của lễ hội chính là bồn tắm cát nóng, rất có lợi cho sức khỏe và sắc đẹp. Đến đây, du khách sẽ được tắm trong cát nóng – một hoạt động giúp nâng cao sức khỏe và làm đẹp da. Ngoài ra, các hoạt động khác cũng diễn ra khá sôi nổi và thu hút sự tham gia đông đảo của du khách như bóng chuyền bãi biển, chạy marathon, tham quan khu trưng bày cát.
10. Lễ Phật Đản
Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày 8/4 Âm lịch để tỏ lòng tôn kính với sự ra đời của Đức Phật. Công tác chuẩn bị sẽ diễn ra trong một vài tuần bằng việc treo những chiếc đèn lồng hình hoa sen khắp Seoul. Khi lễ hội chính thức bắt đầu, Jangeumdang – chiếc đèn lồng lớn biểu tượng cho Phật giáo và sự ra đời của Đức Phật sẽ được thắp sáng tại trung tâm thương mại Seoul. Hoạt động tưởng niệm này tiếp tục diễn ra với một loạt chương trình và hoạt động của các tín đồ Phật giáo trước khi kết thúc bằng màn rước đèn lồng ấn tượng tại trung tâm thành phố Seoul.
11. Lễ hội Lửa Jeju
Được tổ chức vào mùa đông ở Hàn Quốc (từ ngày 7 đến 9/3), lễ hội đốt lửa đồng Jeju là nghi lễ nhằm cầu nguyện sức khỏe và mùa màng tốt tươi cho năm sau. Lễ hội hé lộ một loạt những sự kiện kế thừa truyền thống khi du khách có thể tham gia các trò chơi dân gian và truyền thống. Du khách cũng có thể tận hưởng thiên nhiên kỳ thú trên đảo Jeju vào dịp này.
12. Lễ hội tre Damyang
Nổi tiếng với những khu rừng tươi tốt, quận Damyang, tỉnh Nam Jeolla là nơi diễn ra Lễ hội Tre – một trong các lễ hội nổi tiếng của Hàn Quốc. Lễ hội được tổ chức trong 5 ngày, tại Juknokwon Bamboo Garden – nơi có những cánh rừng tre bất tận tuyệt đẹp, cũng như các khu văn hóa và đời sống thực vật khác.
Ngoài vẻ đẹp tự nhiên của khu vực, du khách tham gia lễ hội còn được thưởng thức các món ăn trong vùng, bao gồm: cơm được nấu bằng tre, kem tre và bia tre.
13. Lễ hội Ánh sáng E-World
Lễ hội Ánh sáng E-World được tổ chức với 10.000.000 chiếc đèn chiếu sáng trong khu vực 120.000 pyeong xung quanh E-World và Tháp 83. Các khinh khí cầu, hoa hồng, đèn màu trang trí cùng các sự kiện khác chắc chắn sẽ hấp dẫn ánh nhìn của du khách tại lễ hội theo kiểu carnival này. Các sự kiện bắt đầu vào ban đêm, những cây lớn được trang trí trên quãng đường dài 200 m dọc theo Đường Ánh sáng, cũng như Đường Ô, Đường Carnival và khu vực chụp ảnh với 1.000 ngọn đèn. Ngoài ra, 10.000 bông hoa hồng bằng đèn LED bao phủ chiếc cầu thang đính hôn góp phần tạo nên một bầu không khí vô cùng lãng mạn và đặc biệt ở nơi đây. Lễ hội này luôn được các cặp đôi trẻ yêu thích như một phần cuộc hẹn hò ban đêm của họ.
14. Lễ hội gốm Icheon
Lễ hội gốm Icheon là một lễ hội nổi tiếng ở Hàn Quốc thu hút những người quan tâm đến nghệ thuật. Đến đây, du khách có thể có được cái nhìn đầu tiên về văn hóa làm gốm nổi tiếng của thành phố. Du khách có thể gặp gỡ các bậc thầy bằng gốm và tự làm đồ gốm của mình, hoặc học các phương pháp uống trà khác nhau. Các sự kiện khác diễn ra trong chương trình, bao gồm: triển lãm gốm sứ, bán hàng và biểu diễn.
15. Lễ hội biển Busan
Lễ hội biển Busan lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1996. Từ ngày 1 đến 7/8, lễ hội diễn ra tại các bãi biển Haeundae, Gwangalli, Songdo, Dadaepo, và các địa điểm khác của thành phố Busan. Đây là lễ hội mùa hè lớn nhất Hàn Quốc với nhiều sự kiện văn hóa và chương trình thú vị. Mỗi bãi biển đều có các chương trình và tiết mục biểu diễn khác nhau phục vụ mọi lứa tuổi.
16. Lễ hội nhạc rock Pentaport Incheon
Được tổ chức tại Incheon vào tháng 7 hàng năm, Lễ hội nhạc rock Pentaport Incheon là một trong những sự kiện âm nhạc trực tiếp lớn nhất và tốt nhất trên bán đảo Triều Tiên. Trong những năm qua, lễ hội này đã được dẫn đầu bởi một số nghệ sĩ nhạc rock nổi tiếng, chẳng hạn như: Weezer, Panic! At the Disco, Nothing But Thieves và The Kooks.
17. Lễ hội súng nước Sinchon
Mùa hè ở Hàn Quốc rất nóng nhưng người dân đã tìm ra cách để đối phó với nhiệt độ và độ ẩm cực cao này. Hàng ngàn người tụ họp trong khu phố của Đại học Sinchon khi nhiệt độ tăng vào đầu tháng 7 và hạ nhiệt bằng cách bắn nhau bằng súng nước. Ngoài ra, Lễ hội súng nước Sinchon cũng có hoạt động phun nước và biểu diễn DJ để giữ cho mọi thứ mát mẻ.
18. Liên hoan Văn hóa Queer
Tương tự như các lễ hội Pride được tổ chức ở nơi khác, Liên hoan Văn hóa Queer là một lễ hội Hàn Quốc hiện đại nhằm nâng cao nhận thức về quyền LGBT. Lễ hội bao gồm một cuộc diễu hành niềm tự hào và một liên hoan phim ở trung tâm thành phố Seoul. Từ năm 2000, lễ hội đã chứng kiến sự tham gia phát triển từ khoảng 50 người đến hơn 14.000 người.
19. Lễ hội Muju Firefly
Khi mặt trời lặn trên thị trấn miền núi Muju ở tỉnh Bắc Jeolla, hàng triệu con đom đóm chiếu sáng bầu trời đêm mùa hè, với ánh sáng tự nhiên huyền diệu của chúng. Lễ hội đom đóm được coi là rất đặc biệt tại Hàn Quốc, bao gồm các hoạt động, như: xem đom đóm đêm và câu cá.
20. Liên hoan Vũ điệu Mặt nạ Quốc tế Andong
Tại Làng dân gian Haehoe ở phía Đông của đất nước Hàn Quốc, múa mặt nạ truyền thống vẫn là một phần của cuộc sống hàng ngày. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đi tham dự Liên hoan Vũ điệu Mặt nạ Quốc tế Andong và xem màn biểu diễn của những người nghệ sĩ đeo mặt nạ. Tại đây, du khách còn được thưởng thức “Seonyujul Bulnori”, một sự kiện với pháo hoa như mưa rơi trên dòng sông, tạo ra những phản xạ ngoạn mục.
21. Lễ hội Văn hóa Hyoseok
Vào mỗi mùa thu, thị trấn Bongpyeong lại thu hút du khách bởi những cánh đồng hoa kiều mạch (hay còn gọi tam giác mạch) đẹp dịu dàng. Ở Hàn Quốc, đây thường là một lời nhắc nhở về mối tình đầu của một người, nhờ tiểu thuyết nổi tiếng “Khi kiều mạch sắp nở hoa” của Lee Hyo-seok. Vì thế, lễ hội nổi tiếng của Hàn Quốc này còn được xem là lễ tưởng niệm nhà văn Lee Hyo-seok.
22. Lễ hội đèn lồng Jinju
Lễ hội này được xem là một “bữa tiệc” dành cho thị giác. Tham gia lễ hội đèn lồng Jinju, du khách sẽ được ngắm nhìn hàng ngàn chiếc đèn lồng trôi dập dềnh trên sông Namgang.
Được trình bày theo nhiều hình dạng, màu sắc và kích thước khác nhau, những chiếc đèn lồng là biểu tượng của những người được thắp sáng trong Cuộc chiến pháo đài Jinjuseong của Chiến tranh Imjinwaeran năm 1592 như một chiến lược quân sự để giữ cho quân Nhật khỏi lội xuống sông.
23. Lễ hội Núi tuyết Teabeasan
Tận dụng những gì thiên nhiên ban tặng, vào khoảng ngày 17 – 26/1, Hàn Quốc lại tổ chức lễ hội Núi tuyết trên khu vực Quảng trường Danggol của Công viên Teabeaksan, tỉnh Gangwon. Đây là một lễ hội truyền thống của xứ Hàn với nhiều hoạt động thú vị. Nơi đây chính là xứ sở thần tiên với những màn tuyết trắng bao phủ.
Trên quảng trường có trưng bày rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc từ tuyết như cung điện Nga, 12 cung hoàng đạo, xe ngựa, bí đao, khủng long; những bức tượng 3D nổi tiếng về các nhân vật điện ảnh và hoạt hình như Jaws, King Kong, người nhện, Pororo, robot Taekwon V. Đây là nơi lý tưởng cho trẻ nhỏ đến vui chơi vào dịp nghỉ đông. Tại lễ hội băng, du khách cũng có thể tham gia nhiều hoạt động trên tuyết như ném tuyết, trượt tuyết, đi xe kéo Husky Siberian, tham gia nhiều chương trình hấp dẫn hay đơn giản là thử uống cafe trong những nhà băng. Đêm đến có thể thưởng thức các tiết mục biểu diễn đặc sắc của các nghệ sĩ xứ Hàn.
24. Các lễ hội hoa Cosmos
Hoa Cosmos hay còn được gọi là hoa cánh bướm, hoa sao nhái được coi như sứ giả mùa thu của Hàn Quốc. Cánh đồng hoa bạt ngàn có thể được nhìn thấy ở nhiều nơi trên đất nước Hàn Quốc bởi vì nó dễ trồng và dễ dàng sinh trưởng phát triển, là loài hoa ưa ánh sáng mặt trời chúng phát triển tốt kể cả ở những nơi đất không màu mỡ.
Đến Hàn Quốc vào mùa thu, các quý khách có thể tham gia các lễ hội hoa Cosmos ở các điểm nổi tiếng như: Lễ hội hoa Cosmos ở Công viên sông Hàn – thành phố Guri, lễ hội hoa Cosmos mùa thu ở thành phố Suwon, lễ hội hoa Cosmos ở nông trại Anseong,…
25. Lễ hội hoa Đỗ Quyên
Tại Hàn Quốc, lễ hội hoa Đỗ Quyên thường diễn ra vào tháng 4 đến tháng 5 hàng năm. Những triền núi hoa bất tận tràn ngập sắc hồng xen lẫn tím sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời. Đến Hàn Quốc vào dịp này, du khách không nên bỏ lỡ khoảnh khắc vàng được hòa mình cùng vẻ đẹp thiên nhiên rực rỡ và thơ mộng được mang đến từ loài hoa đỗ quyên.
26. Lễ hội hoa Anh Đào
Khác với Việt Nam, Hàn Quốc đón mùa xuân khá muộn. Bắt đầu khoảng giữa tháng 3 đến cuối tháng 4, Hàn Quốc bước vào mùa xuân với những chồi non xanh mơn mởn và hoa thơm tranh nhau nở rộ là mùa có vẻ đẹp rực rỡ nhất. Đây được coi là mùa đẹp nhất trong năm. Vào mùa xuân, một nét đặc trưng nữa của người dân “xứ sở kim chi” là những lễ hội hoa anh đào trải dài khắp đất nước.
Khi tiết trời ấm lên một chút, từ giữa tháng 3, hoa anh đào sẽ bắt đầu nở từ các vùng đất ấm áp phía Nam như đảo Jeju cho đến tỉnh Gyeongsang và lan tới miền Trung và lên miền Bắc như Seoul, Gangwon.
Hoa anh đào nở đồng loạt từ những cành cây khẳng khiu của mùa đông, làm cho không gian trở nên rạng rỡ, và khi rừng hoa ấy đong đưa trong gió khiến ta phải ngẩn ngơ. Tuy nhiên thời kì hoa nở rộ rất ngắn, thường chỉ khoảng nửa tháng, để rồi sau vài đợt mưa xuân là hoa lại đồng loạt rụng hết. Để nắm bắt lại những phút giây huy hoàng nhất của mùa xuân, Cục khí tượng thủy văn Hàn Quốc cứ đến mùa xuân là lại bận rộn theo dõi thời tiết để thông báo Lịch hoa đào nở trên toàn quốc.
Trên đây là các lễ hội truyền thống ở “xứ sở Kim Chi”. Nếu du khách có dịp du lịch Hàn Quốc ngay vào những lễ hội truyền thống này, du khách sẽ không thể bỏ qua cơ hội được trải nghiệm như chính du khách là người dân của đất nước này.