Nhật Bản là một quốc gia có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi khi nhắc tới đất nước này, người ta có thể dễ dàng nhắc tới những biểu tượng đẹp đặc trưng như: núi Phú Sĩ, hoa anh đào, Kimono, linh vật, món ăn Sushi trứ danh,… 

QUỐC KỲ NHẬT BẢN

Quốc kỳ của Nhật Bản có hình chữ nhật với một tỷ lệ 2:3, nền trắng và một vòng tròn màu đỏ ở trung tâm. Ngày 27/2/1870, lá cờ quốc gia của Nhật Bản chính thức được gọi là “Nisshoki”, có nghĩa là “ánh nắng mặt trời” và cũng được gọi là “Hinomaru” trong đó có nghĩa là “vòng tròn của mặt trời”. Vòng tròn màu đỏ đó tượng trưng cho mặt trời mọc ở phương Đông và vì thế nên Nhật Bản thường được gọi là “đất nước mặt trời mọc.” Tuy nhiên nó lại mang một ý nghĩa vô cùng to lớn. 

Mặt trời đỏ là biểu tượng cho nữ thần Amaterasu, vị thần mặt trời khai phá ra nước Nhật trong truyền thuyết và là tổ tiên của các Thiên hoàng theo thần thoại Nhật. Màu trắng của nền cờ biểu tượng cho sự trung thực và ngay thẳng của người Nhật.

Theo như huyền sử Nhật Bản thì nữ thần Amaterasu đã tạo ra nước Nhật cách đây 2700 năm, người Nhật cũng tin rằng bà là tổ tiên của Thiên hoàng đầu tiên. Vậy nên các Thiên hoàng còn được gọi bởi cái tên “Thiên tử” (Con trời) và nước Nhật là “xứ sở của mặt trời”. Các thư tịch cổ ghi lại rằng lá cờ này lần đầu tiên được dùng bởi Thiên hoàng Văn Vũ khi ông dùng nó để biểu tượng cho mặt trời trong một công đường xử án năm 701. Lá cờ này cũng được dùng bởi các tướng quân Nhật trong thế kỷ 13 khi họ đương đầu với đội quân xâm lược đến từ Mông Cổ.

Lá cờ Hinomaru này lần đầu tiên được công nhận chính thức vào năm 1870 với tư cách là cờ của thuyền buôn và thương gia xứ phù tang và trở thành lá cờ quốc gia đầu tiên được thông qua tại Nhật Bản năm 1870-1885 (Tết Nguyên Đán dương lịch năm thứ 5 đời Minh Trị, người dân thành Tokyo yêu cầu treo cờ chúc mừng và việc này đã được quan Thái chính cho phép, từ đó về sau lá cờ Mặt trời chính thức được quy định là quốc kỳ Nhật Bản).

Việc sử dụng lá cờ đã gặp rất nhiều hạn chế trong thời gian bị chiếm đóng của Nhật Bản sau Thế chiến II (Trong thời gian đó, để được treo Hinomaru người ta cần phải có sự chấp thuận từ Tư lệnh Tối cao của Đồng Minh tại Nhật Bản là Douglas MacArthur. Ban đầu có những hạn chế nghiêm ngặt về việc treo Hinomaru do nó bị coi là gắn liền với những hành động quân sự bị chỉ trích của Nhật trong chiến tranh, song không đến mức độ cấm hoàn toàn). Và phải tới năm 1999 khi các điều luật của Nhật Bản được thông qua lá cờ Hinomaru chính thức được công nhận là lá cờ quốc gia.

HUY HIỆU HOÀNG GIA NHẬT BẢN

Hoàng gia huy Nhật Bản còn được gọi là Cúc Văn hay Cúc Hoa Văn / Cúc Hoa Văn Chương hay Cúc Ngự Văn là một huy hiệu hay phù hiệu được Thiên hoàng và những thành viên trong hoàng thất Nhật Bản sử dụng. 

Cúc Văn hiện diện như một quốc huy của Nhật Bản hiện đại, và đôi khi được xem là một biểu tượng ngoại giao của quốc gia này. Trong quá khứ, vào thời kỳ Minh Trị, huy hiệu này chỉ Thiên hoàng mới có quyền sử dụng, vì vậy, mỗi thành viên trong hoàng thất dùng các phiên bản hoàng gia huy đã qua sửa đổi khác để thay thế. Những ngôi đền Thần đạo thường dùng Hoàng gia huy hoặc bổ sung những yếu tố hay họa tiết khác để tạo thành biểu tượng riêng của mình.

Trước đó, trong lịch sử Nhật Bản, khi Thiên hoàng Go-Daigo, người đã cố gắng để phá vỡ quyền lực của Mạc phủ vào năm 1333, bị lưu đày, ông đã sử dụng một huy hiệu hoa cúc gồm 17 cánh để phân biệt mình khỏi Thiên hoàng Kōgon của Bắc triều, người vẫn sử dụng một huy hiệu Hoàng gia 16 cánh.

Huy hiệu là hình ảnh đóa hoa cúc màu vàng hoặc cam có viền và nền màu đen hoặc đỏ. Một hình tròn nhỏ làm tâm được bao bọc bởi 16 cánh hoa thuộc lớp trước (nhìn trực diện), và ẩn bên dưới là 16 cánh hoa khác được xếp so le xen kẽ với lớp trước và được nhìn thấy dưới dạng những đường vân tròn.

Ngày nay, các thành viên hoàng thất dùng phiên bản có 14 cánh hoa, trong khi phiên bản 16 cánh hoa được cài trên áo của những thành viên trong nội các. Cúc Văn cũng xuất hiện trong sổ hộ chiếu quốc gia và những vật phẩm khác thừa hành hoặc đại diện cho quyền lực của Thiên hoàng, sử dụng như cờ hiệu của Thiên hoàng hoặc dùng trong những sự kiện lễ hội trang nghiêm nhất. Với tính chất như một biểu tượng quốc gia, không một tổ chức hay cá nhân nào được phép đăng ký thương hiệu có những hình ảnh giống với Cúc Văn, theo quy định tại Luật Nhãn hiệu hàng hóa của Nhật Bản. Những quốc gia đã ký Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu công nghiệp cũng được chính phủ Nhật Bản (là nước thành viên) quy ước rõ về vấn đề này.

QUỐC CA NHẬT BẢN

Kimi Ga Yo (君が代 Quân Chi Đại) là quốc ca của Nhật Bản. Lời của bản quốc ca này dựa trên một bài Hòa ca cổ trong thi tập Cổ kim. Hòa ca tập được viết vào thời kỳ Heian (khoảng thế kỉ 10). Tác giả bản nhạc là Hiromori Hayashi, trưởng ban nhạc trong Cung nội sảnh, viết năm 1880. Sau đó phần ký âm theo nhạc lý Tây phương được Franz Ecker, một giáo viên âm nhạc người Đức soạn ra.

Năm 1893 (Minh Trị thứ 26) bài Kimigayo được Bộ Giáo dục Nhật Bản công bố trở thành bài phải được hát trong các trường học vào ngày lễ. Tuy nhiên, sau chiến tranh thế giới thứ 2, bài Kimigayo bị phê phán nhiều bởi đó là biểu tượng cho chủ nghĩa quân phiệt, cho chế độ Thiên hoàng. Đó là quốc ca của một đất nước quân phiệt hóa bằng chiến tranh Nhật – Thanh, chiến tranh Nhật – Nga, sự kiện Mãn Châu và chiến tranh Thái Bình Dương. Mặc dù có rất nhiều phản đối, ngày 9 tháng 8 năm 1999, Kimigayo trở thành quốc ca chính thức của Nhật Bản và điều này đã được ghi rõ trong hiến pháp.

”Triều đại của quân vương, đời đời truyền mãi mãi không thôi, một ngàn đời, tám ngàn đời, cho đến khi hòn đá nhỏ trở thành đỉnh núi lớn, khắp đỉnh núi là rêu xanh phủ kín”.

QUỐC HOA NHẬT BẢN

Từ trước đến nay đã có rất nhiều người lầm tưởng rằng Hoa anh đào là quốc hoa của đất nước Nhật Bản. Bởi khi nói đến Nhật Bản, ai cũng biết tới Hoa anh đào. Hoa anh đào được coi là biểu tượng của Nhật Bản, loài hoa mang trong mình tinh thần và sức mạnh của đất nước mặt trời mọc. Mọi người vẫn thường nhớ đến đất nước Nhật Bản với cái tên “xứ sở hoa anh đào”, hình ảnh đó đã gây hiểu lầm rằng hoa anh đào là quốc hoa của Nhật Bản. Thế nhưng, loài hoa mang sứ mệnh quan trọng ấy, luôn được người dân Nhật coi trọng, đó là HOA CÚC.

Hoa cúc chính là sự biểu tượng cho sự trường tồn vĩnh cửu. Hoa cúc biểu tượng cho sự phúc hậu, đầy đặn và bản chất tốt đẹp nhất.

Người Nhật Bản họ rất yêu thích ý nghĩa của loài hoa này, họ muốn đất nước họ sẽ mãi trường tồn vĩnh cửu và thể hiện nét đẹp con người Nhật Bản trên toàn thế giới. Do đó, hoa cúc đã từ lâu trở thành một loài hoa thần tượng của đất nước này là đại diện cho quốc hồn của người dân “xứ sở mặt trời mọc”.

Vào thế thời Heian (thế kỷ VIII), hoa cúc chỉ được trồng trong cung đình và trong nhà của giới quý tộc. Do đó, loài hoa này không chỉ được xem là quốc hoa của Nhật Bản mà còn là biểu tượng cho uy quyền của Hoàng gia. Hiện nay, loài hoa này vẫn được xem là biểu tượng của Hoàng gia Nhật Bản.

Hoa cúc được cho là du nhập vào Nhật Bản cách đây khoảng 1000 năm. Nếu hoa anh đào đại diện cho mùa xuân thì hoa cúc lại báo hiệu cho mùa thu của “xứ sở Phù Tang”. Nếu anh đào mang vẻ đẹp mong manh thì hoa cúc lại mang nét đẹp huyền ảo, đại diện cho sức sống, cho vẻ đẹp trường tồn.

Tuy không phổ biến như hoa anh đào nhưng hoa cúc lại mang trong mình ý nghĩa đặc biệt. Đối với người dân “xứ sở Phù Tang”, hoa văn hình hoa cúc đã trở nên rất phổ biến và được đặc biệt ưa chuộng.

Hoa văn hoa cúc còn xuất hiện trong Huy hiệu của Hoàng gia Nhật Bản. Huy hiệu Cúc Văn được Thiên hoàng và những thành viên trong hoàng thất sử dụng từ lâu đời và chính thức trở thành quốc huy của Nhật Bản từ năm 1867. Huy hiệu là một hình hoa cúc vàng 16 cánh được xếp xen kẽ nhau, vẽ dưới dạng những vân tròn. Hoa cúc 16 cánh còn mang ý nghĩa mặt trời chiếu sáng, đại diện cho Nhật Bản – “đất nước mặt trời mọc”.

Người ta còn gọi Nhật Bản là “đất nước hoa cúc” bởi vì hoa cúc xuất hiện khắp nơi trên mảnh đất này. Từ hoa văn trong những chiếc áo Kimono, những ngôi đền cổ kính đến những cuốn hộ chiếu, hay thậm chí là ẩm thực cũng được lấy cảm hứng từ hoa cúc.

HOA ANH ĐÀO (SAKURA)

Như đề cập ở trên, khi nhắc đến đất nước Nhật Bản thì không thể bỏ qua hình ảnh của Hoa anh đào tươi thắm. Người Nhật Bản, nhất là các võ sĩ đạo đặc biệt yêu thích vẻ tinh khiết, mong manh của bông hoa anh đào. Cuộc đời bông hoa anh đào ngắn ngủ, phù du nhưng lại vô cùng thanh cao, khiêm nhường. Mặc dù bông hoa đó sớm phai tàn nhưng đó lại là nét hấp dẫn đặc biệt, bởi sự tàn lụi vào đúng lúc đỉnh cao rực rỡ của mình lại chính là cái đẹp cao cả nhất.

Hình ảnh cánh hoa anh đào lìa cảnh được người Nhật Bản liên tưởng tới cái chết nhẹ tựa lông hồng của những võ sĩ Samurai. Chính vì vậy người Nhật đã có câu nói rằng: “Nếu là hoa, xin làm hoa anh đào. Nếu là người, xin làm võ sĩ đạo” (A flower is a cherry blossom, a person is a Samurai).

Hoa anh đào được trồng ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản, tư công viên, ven sống, bên bờ kênh ha trong sân vườn, biệt thự. Mỗi độ xuân về bầu trời Nhật Bản lại rực rỡ sắc hồng của những cánh hoa anh đào.

NÚI PHÚ SĨ

Mỗi khi nhắc tới biểu tượng của đất nước Nhật Bản người ta thường nghĩ ngay tới hình ảnh ngọn núi Phú Sĩ (Fujisan hoặc Fujiyama) hùng vĩ. Đây là ngọn núi linh thiêng và là niềm tự hào từ bao đời nay của người dân “xứ sở mặt trời mọc”.

Núi Phú Sĩ cao 3.776 m so với mực nước biển là ngọn núi cao nhất đất nước Nhật Bản. Ngọn núi có hình dáng tam giác cân giống như hình chữ bát (số 8) trong tiếng Nhật. Ngọn núi Phú Sĩ được người dân Nhật Bản ví như người con gái đẹp. “Nàng” đã trở thành hình ảnh, cảm hứng sáng tác của biết bao thi nhân trước nay. Cũng giống như người con gái đẹp, núi Phú Sĩ sẽ hấp dẫn người ta nhất khi được ngắm nhìn từ phía sau.

Ngọn núi này thường là đề tài trong các bức họa và nhiếp ảnh nghệ thuật cũng như trong văn chương và âm nhạc. Đây là một trong “Ba núi Thánh” của Nhật Bản.cùng với núi Tate và núi Haku, và cũng là một nơi đặc biệt của danh lam thắng cảnh, một di tích lịch sử, và đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 22 tháng 6 năm 2013.

Với người dân Nhật núi Phú Sĩ trở thành “ngọn núi thiêng”, “ngọn núi thần” che chở cho nước Nhật, đem đến sự tốt lành, may mắn: thứ nhất Fuji, thứ nhì Naka, thứ ba Nasu. Có nghĩa là, vào đêm mùng một Tết, may mắn nhất là những ngưòi nằm mơ thấy núi Phú Sĩ, thứ nhì là chim ưng, thứ ba là cà tím. Nhiều người sùng bái núi Phú Sĩ đã thành lập một tổ chức tín ngưỡng ngọn núi này gọi là Fuiiko. Việc trèo lên ngọn núi được coi là công việc thiêng liêng mà ai cũng cố gắng được làm một lần trong đời. Những người leo núi thường bắt đầu cuộc hành trình từ buổi chiều, xuyên qua đêm để rồi sáng hôm sau được ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc ở trên núi. Từng đoàn người nối đuôi nhau trong màn đêm, ánh đèn pin rực rỡ tiến thẳng lên đỉnh núi, tưởng chừng như một con rồng khổng lồ đang cuộn mình.

KIMONO – QUỐC PHỤC CỦA NHẬT BẢN

Theo tiếng Nhật “Kimono” nghĩa là trang phục, cùng với thời gian và sự thay đổi nó đã trở thành tên riêng cho loại trang phục truyền thống Nhật Bản, một biểu tượng không thể thiếu của nước Nhật.

Ngược dòng thời gian cùng Kimono

Kimono đã trải qua cả một quá trình dài thay đổi sao cho phù hơp với nền văn hóa của Nhật Bản trong từng giai đoạn. Thời kỳ Heian: đây là thời kỳ Kimono đầy màu sắn với nhiều lớp áo. Tầng lớp thường dân chỉ có những bộ kimono 12 lớp áo, trong khi giới hoàng tộc có đến 16 lớp khác nhau. Thời Kamakura: lúc này kinh tế Nhật Bản chủ yếu dựa vào quân sự, những bộ kimono cầu kỳ đã không còn phổ biến như trước mà thay vào đó là những bộ ngắn tay, nhẹ nhàng và đơn giản. Thời Edo: với sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, vào thời gian này, những bộ Âu phục dần trở nên phổ biến. Việc mặc Kimono hàng ngày không còn nữa. Tuy nhiên, trong giai đoạn này có thêm sự ra đời của Obi – dây thắt lưng cho những bộ Kimono. Thời Meiji: đây là thời kỳ mà phụ nữ bắt đầu đi làm, không đơn thuần chỉ ở nhà làm việc, vì thế lúc này Kimono cũng được thiết kế gọn gàng và đơn giản hơn để thuận tiện cho công việc. Thời Showa: trong thời gian này, nền kinh tế Nhật Bản được phục hồi sau Thế chiến thứ 2, những bộ kimono bắt đầu được trở nên ưu chuộng trở lai. Mặc dù có sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây (bớt kiểu cách và chi tiết rườm rà) nhưng những bộ Kimono vẫn giữ được hình dáng nguyên gốc ban đầu.

Cách may Kimono đặc biệt của người Nhật

Chất liệu Kimono được phân biệt theo thời tiết của 4 mùa. Thông thường loại vải được dùng để may là vải lụa nhưng vào mùa hè thì được làm bằng cotton. Từ tháng 1 đến tháng 5: vì trời lạnh nên sẽ sử dụng vải lót dày bên trong, màu sắc ấm cúng. Từ tháng 6 đến tháng 9: vì trời nóng nên sẽ không có vải lót mà Kimono được may bằng lụa mát và mỏng nhất.

Cách may Kimono cũng khá khác biệt. Một miếng vải dài 12 – 13 m và rộng 36 – 40 cm được cắt thành 8 mảnh đối với nữ hoặc 5 mảnh đối với nam. Những mảnh này sẽ được khâu thủ công lại với nhau để tạo hình dáng cơ bản của Kimono. Tất cả mảnh vải sẽ đều được dùng chứ không có mảnh nào vứt đi. Việc chia thành những mảnh nhở này sẽ khiến cho việc sửa chữa được dễ dàng hơn. Những mảnh nào sờn, cũ hoặc hỏng có thể được bỏ ra và may lại.

Kimono dành riêng cho nam giới và nữ giới

Đối với nam giới, Kimono thường chỉ được sử dụng vào các dịp lễ tết. Họ mặc Kimono vào những lễ cưới hay buổi lễ trà đạo. Kimono cho nam giới thường không có hoa văn, màu tối, có in gia huy của dòng họ, thường thì màu đen là màu sang trọng nhất. Một bộ trang phục Kimono dành cho nam giới gồm 2 loại:

– Haori: là một loại áo truyền thống của Nhật Bản, có hình dáng khá giống Kimono nhưng có chiều dài chỉ tới hong hoặc đùi người mặc. Haori được mặc bằng cách khoác ngoài, để thử tự nhiên, không buộc đai lưng.

– Hakama: là một loại quần truyền thống của người Nhật. Hakama giống như nửa quần nửa váy, có ống quần rất rộng, mặc ngoài áo Kimono. Ngày này, nam giới Nhật Bản thường mặc quần Hakama ở bên ngoài Kimono để dễ di chuyển và thoải mái hơn.

Kimono dành cho nữ giới Nhật Bản thì có 9 loại và được mặc vào từng dịp cụ thể:

– Furisode: là Kimono dành cho thiếu nữ còn độc thân. Loại áo này có ống tay áo rộng và dài (thường dài từ 95 đến 115 cm), màu sắc tươi tắn với nhiều hoa văn trang trí và làm bằng vải chất lượng tốt. Loại Kimono này thường được mặc vào dịp lễ thành nhân. Khi một cô gái Nhật Bản bước sang tuổi 20, nhiều cha mẹ mua Furisode cho con gái họ để kỉ niệm bước ngoặt trọng đại này.

– Yukata: Không cầu kỳ như Furrisode, Yukata là một loại Kimono làm bằng cotton bình thường, dùng để mặc trong mùa hè. Thời xa xưa, áo Yukata chỉ dùng để mặc ở nhà sau khi vừa tắm xong, nhưng ngày nay Yukata rất được ưa chuộng và cả đàn ông lẫn phụ nữ đều có thể mặc được. Yukata thường mang màu sắc cực kì sáng, cách thiết kế đơn giản để các cô gái Nhật có thể mặc mà không cần sự giúp đỡ. Yukata thường được mặc vào ngày Bon-Odori hoặc trong các cuộc hội hè.

– Houmongi: là loại Kimono được dùng trong những dịp lễ như tham dự đám cưới hay tiệc trà của những người phụ nữ đã có chồng. Khi một người phụ nữ Nhật Bản kết hôn, cha mẹ thường mua cho con gái họ một chiếc Kimono khác, chiếc Houmongi. Houmongi sẽ thay thế vị trí của Furisode.

– Tomesode: Với những người phụ nữ đã kết hôn, họ sẽ không bao giờ được măc áo furisode, dù cho họ có li dị chồng đi chăng nữa. Thay vào đó, họ sẽ mặc áo Tomesode, một dạng quần áo Kimono truyền thống với ống tay áo ngắn hơn. Áo Tomesode thường có màu đen, hoặc là nhiều màu khác. Áo Tomesode đen thường được đính gia huy tượng trưng cho họ tộc, đây là dạng áo Kimono chỉ mặc vào các dịp lễ trang trọng (như là đám cưới hoặc đám tang của họ hàng).

– Mofuku: Toàn bộ chiếc Kimono loại này có màu đen. Mofuku chỉ được dùng để đi dự đám tang của họ hàng gần.

– Komon: có thể mặc vào ngày thường, được trang trí toàn bộ bởi các họa tiết nhỏ, nhẹ nhàng.

– Tsumugi: loại Kimono dành cho tầng lớp nông dân và thường dân nên khá đơn giản. Tsumugi được trang trí theo dạng hoa văn chạy dọc theo thân và lưng áo rồi gặp nhau ở đỉnh vai. Được mặc vào các buổi tiệc tùng trà đạo, cắm hoa và đám cưới của bạn bè.

– Tsukesage: là loại Kimono chuyên được mặc và các buổi tiệc tùng, trà đạo, cắm hoa và đám cưới bạn bè. Chiếc áo được trang trí theo dạng hoa văn chạy dọc theo thân và lưng áo rồi gặp nhau ở đỉnh vai.

– Shiromaku: là bộ Kimono cầu kỳ nhất – được mặc trong lễ cưới của các cô gái. Shiromaku có áo rất dài, có thể chạm đất và tỏa vòng tròn. Vì thế, cô dâu phải có sự giúp đỡ của người khác mới có thể đi lại được. Màu duy nhất của loại Kimono này là màu trắng – tượng trưng cho sự tinh khiết của cô dâu về cả thể xác lẫn tinh thần.

Trên đây là 9 kiểu Kimono mà phụ nữ Nhật Bản sẽ mặc trong suốt cuộc đời mình. Dù cho có phát triển hiện đại đến chăng nào đi nữa, người Nhật Bản vẫn luôn coi trọng những giá trị truyền thống của mình, trong đó sẽ luôn có Quốc phục Kimono này!

Phụ kiện đi kèm với Kimono

– Thắt lưng (Obi): Một cái Obi dành cho kimono phụ nữ thường có chiều dài khoảng 4 m và chiều rộng khoảng 60 cm. Obi được quấn 2 vòng quanh thắt lưng và thắt ở phía sau lưng. Các phụ kiện kèm theo Obi:

+ Koshi-himo Koshi-himo là vòng dây đầu tiên quấn quanh thắt lưng. Nó được làm từ những sợi tơ nhuộm màu rồi bện lại như dây thừng.

+ Date-jime là sợi dây thứ hai buộc quanh áo kimono, phủ lên trên sợi dây Koshihimo.

+ Obijime Là sợi dây thừng buộc phía trên bề mặt của obi,nó có nhiều màu sắc khác nhau và màu được chọn thường làm nổi bật chiếc Obi.

+ Chocho: Nơ bướm Chocho là chiếc nơ được gắn ở đằng sau obi, nhìn thì nó có cấu tạo phức tạp nhưng thực chất rất dễ mang. Chocho gồm hai phần bản rộng và phần nơ. Phần bản rộng có chiều dài 5 feet, chiều rộng là 6 inch, nó được quấn hai vòng quanh thắt lưng rồi được nhét vào phía trong. Phần nơ có một cái móc gắn để gắn vào vào Obi.

+ Kaku và Heko Obi đi kèm với kimono của nam. Kaku là obi dành cho các bộ Kimono nam thông thường, đươc may bằng vải cotton, có chiều dài là 3,5 inch. Heko là obi mềm được dành cho các bộ Yutaka.

+ Taiko-musubi: Một dạng thắt lưng khác, được phát minh từ thời Edo, cũng được sử dụng như obi và rất được ưa chuộng.

+ Dây cài lưng: Vào thời đại Meiji, người Nhật chế tạo ra một vật gọi là dây cài lưng (Obi-jime và Obi-age). Việc sử dụng những dây cài này với nhiều loại kiểu dáng và màu sắc khác nhau đã trở thành một cách để chứng tỏ gu thời trang của người Nhật.

– Trâm cài đầu: Vật này dành riêng cho phụ nữ. Thời xưa, mỗi khi mặc áo Kimono, phụ nữ Nhật thường điểm tô cho mái tóc của mình bằng những chiếc trâm này. Ngày nay, du khách có thể thay thế chiếc trâm bằng nơ, dây buộc tóc…

– Guốc gỗ: được sử dụng rất phổ biến tại Nhật cách đây một thế kỷ, guốc của đàn ông thường to, có góc cạnh và thấp, guốc của phụ nữ thì ngược lại, tức là nhỏ nhắn và tròn. Thời xưa, người Nhật không đóng guốc mà họ “đẽo” guốc, tức là họ sử dụng những súc gỗ to để gọt đẽo thành đôi guốc mộc.

Cách mặc Kimono

Việc mặc Kimono truyền thống rất mất thời gian và thường một người không thể tự làm, vì thế cần phải có người giúp. Mặc Kimono thường mặc Juban – một loại áo Kimono lót để bảo vệ kimono khỏi dơ, sau đó cuốn bên phải vào trước, bên trái vào sau và thắt lại bằng thắt lưng Obi làm bằng lụa. Nếu quấn bên trái trước nghĩa là sắp đi dự tang lễ.

Người Nhật mặc Kimono mấy lần trong đời?

Người Nhật mặc Kimono tối thiểu 4 lần trong đời đó là: ngày lễ 753, lễ trưởng thành, kết hôn và lễ tang. Ngày tết thiếu nhi 753 được coi là ngày đầu tiên mặc Kimono trong đời của các em bé Nhật.

Theo phong tục của người Nhật, 3 tuổi, 5 tuổi, 7 tuổi là độ tuổi may mắn nhất của các em nhỏ. Vì thế, mỗi năm cứ tới ngày 15 tháng 11, các bé gái 3 hoặc 7 tuổi và các bé trai 5 tuổi đều mặc bộ Kimono truyền thống, cùng với bố mẹ tới các ngôi đền đề cầu nguyện. Sau khi lễ cầu nguyện kết thúc, các bậc phụ huynh thường mua cho con kẹo ngàn tuổi được bọc trong giấy có hình rùa hoặc hạc, con vật tượng trưng cho trường thọ, với ước nguyện con cái mình sẽ có cuộc sống yên ấm suốt đời.

Lễ trưởng thành là một ngày lễ lớn tại Nhật Bản nhằm cầu phúc cho những thanh niên nam nữ tròn 20 tuổi. Trước duy tân Minh Trị, ngày 15 tháng Giêng âm lịch được lấy làm ngày lễ trưởng thành nhưng sau khi người Nhật bỏ lịch âm thì đổi thành ngày 15 tháng 1 dương lịch và từ năm 2000 trở đi lại sửa thành thứ Hai của tuần thứ hai tháng 1 hằng năm. Vào ngày này, chính phủ Nhật Bản sẽ tổ chức lễ trưởng thành cho những thanh niên tròn 20 tuổi và cấp giấy chứng nhận, với ý nghĩa nhắc nhở họ trở thành người lớn và có trách nhiệm với gia đình, xã hội.

Chiếc Kimono trong lễ trưởng thành mang theo cả những lời chúc phúc và tán dương của gia đình dành cho những chàng trai, cô gái tròn 20 tuổi. Mặc dù họ đã từng mặc Kimono trong lễ 753 nhưng tới lễ trưởng thành mới là lần đầu tiên họ cảm nhận được tuổi thanh xuân căng tràn sức sống khi mặc chiếc Kimono trên người.

Chiếc Kimono đẹp nhất mà những thiếu nữ Nhật Bản được mặc đó là kimono trong ngày cưới. Nếu như Kimono bình thường chỉ mất một tuần để làm xong thì Kimono dành cho cô dâu với những hoa văn tỉ mỉ thêu ở phía trước phải mất khoảng một tháng để hoàn thành.

Ngoài lễ 753, lễ trưởng thành, kết hôn và tang lễ, người Nhật Bản cũng thường xuyên mặc Kimono vào những ngày tết cổ truyền, lễ hội hoặc những dịp đặc biệt.

Các bộ trang phục Kimono truyền thống của Nhật Bản vô cùng độc đáo, là một trong những điểm hấp dẫn tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa Nhật Bản.

LINH VẬT TRUYỀN THỐNG

Trong truyền thống Nhật Bản, biểu tượng cá chép Koi, được xem là biểu tượng của sự bản lĩnh, tính kiên định và hoài bão của người đàn ông. Hình ảnh này thường được treo vào ngày lễ Koinobori mùng 5 tháng 5 dành cho các bé trai với mong muốn các bé trai trưởng thành khỏe mạnh và sự nghiệp tương lai sẽ thành danh như cá chép hóa rồng.

Cờ cá chép Koi thường có 3 màu là Đen, Đỏ và Xanh. Màu đen mang lại cảm giác an toàn, vững chắc như trụ cột gia đình (Daikoku-bashira – Đại Hắc Trụ), tức là tượng trưng cho Bố. Màu đỏ tượng trưng cho Mẹ, đem lại cảm giác ấm áp, như người mẹ chăn con, bao bọc gia đình. Còn màu xanh như chồi non mỗi ngày một khôn lớn, tượng trưng cho Con cái. Ba con cá chép như biểu tượng của một gia đình ấm áp, hòa thuận.

Bên cạnh đó, với người Nhật, chim Hạc cũng là một biểu tượng văn hóa đặc sắc. Nó xuất hiện trong trang phục cưới của người Nhật và nó biểu tượng cho sự hòa hợp trong cuộc sống vợ chồng. Nguồn gốc sâu xa của biểu tượng này chính là từ tập tính của loài chim này. Hạc là loài vật chung thủy, khi con trống và con mái kết đôi, chúng sẽ sống bên nhau suốt đời không thay đổi.

Không chỉ có vậy, ở đất nước Nhật Bản còn có rất nhiều linh vật siêu đáng yêu khác làm biểu tượng cho ngành du lịch, công viên, sân bay, thương hiệu và các tỉnh, thành phố… Điều quan trọng là các linh vật (Yuru-kyara) không chỉ quảng bá hình ảnh, mà còn có thể thu hút nguồn thu nhập lớn cho địa phương, và tạo sự gần gũi giữa người dân và khách du lịch tới Nhật Bản. Có thể kể đến như: Linh vật Funasshi, Linh vật Kumamon, Linh vật HiKonyan, Linh vật Sento-kun, Linh vật Marimokkori, Linh vật Sasebo Burger Boy.

SUSHI – MÓN ĂN ĐẶC TRƯNG CỦA ẨM THỰC NHẬT BẢN

Nhắc đến nền văn hóa ẩm thực Nhật Bản chắc hẳn du khách sẽ nhớ đến ngay món ăn đậm đà hương vị truyền thống – Sushi. Đây là món ăn đặc trưng được các đầu bếp Nhật chế biến khéo léo với những yêu cầu khắc khe về sự tinh tế lẫn kỹ thuật phối hợp nhuần nhuyễn. 

Sự phát triển của Sushi trong nền ẩm thực Nhật Bản

Sushi không nghiễm nhiên trở nên phổ biến và trở thành biểu tượng của đất nước Nhật Bản như bây giờ. Trước đây (vào khoảng đầu thế kỷ 19), người Nhật chỉ biết đến các dịch vụ thức ăn nhanh do sự hối hả của của sống mà họ dường như không có bất kì khoảng thời gian dư giả nào cho việc ăn uống. Chính vì thế, sau khi bếp trưởng Yohei Hanaya đã sáng tạo ra một món ăn đảm bảo tiêu chí nhanh, ngon, bổ và chất lượng mang tên Sushi thì được người Nhật ưa chuộng hơn với những nắm cơm nhỏ kết hợp cùng hải sản tươi sống hoặc những cuộn cơm trộn với rau củ, hải sản và rong biển được cắt khoanh mang theo rất tiện lợi. Từ đó, người Nhật có thói quen chọn nó cho bữa ăn của mình bởi vì không những đảm bảo dinh dưỡng mà còn không lo béo phì như các thức ăn nhanh của phương Tây. Sushi được xem là một kiệt tác lớn trong nền ẩm thực Nhật Bản.

Ngày nay, Sushi được chế biến ngày càng đa dạng và hấp dẫn hơn. Đặc biệt, các chuỗi nhà hàng Sushi tại Tokyo, Kyoto, Osaka,… thu hút một lượng lớn khách du lịch Nhật Bản đến thưởng thức và tìm hiểu nền ẩm thực Nhật Bản.

Sushi hấp dẫn thực khách bằng cách nào?

Để làm nên những miếng Sushi hấp dẫn, đúng vị và “chất” không phải là một điều dễ dàng. Nó đòi hỏi ở người đầu bếp sự chuyên nghiệp, khéo léo, họ phải trải qua ít nhất 7 năm rèn luyện sử dụng dao, lựa chọn nguyên liệu và kỹ thuật trong từng khâu chế biến.

Khâu quan trọng đầu tiên là việc lựa chọn nguyên liệu. Cơm nhất định phải được nấu từ loại gạo dẻo, hạt vừa mềm vừa tạo nên sự kết dính và được nấu chín cùng nước tinh khiết. Đối với hải sản phải tươi, nhất là lúc vừa bắt như vậy sẽ giữ được độ dinh dưỡng cũng như hương vị nguyên chất khi thưởng thức. Loại hải sản được ưa chuộng nhất được đánh bắt từ vùng duyên hải bởi độ tươi ngon và đậm đà chất dinh dưỡng của nó. Chính những yêu cầu khắc khe đó đã tạo nên một nền ẩm thực Nhật Bản được bạn bè thế giới đánh giá cao.

Đến khâu tiến hành chế biến, để giữ được vị ngon đặc trưng và độ tinh khiết, các đầu bếp thường sử dụng dụng cụ làm từ gỗ. Kỹ thuật thái hải sản, rau củ và cuộn cơm đòi hỏi người đầu bếp phải thật sự khéo léo. Ngoài ra, để món ăn trở nên bắt mắt và đa dạng hơn, họ còn sáng tạo cách trang trí nắm cơm, rau củ theo hình dáng nghệ thuật, kết hợp cùng màu làm từ nguyên liệu tự nhiên.

Ngoài ra, Sushi còn hấp dẫn thực khách bởi sự đa dạng về thể loại. Có rất nhiều loại Sushi, tên của mỗi loại được phân biệt qua cách chế biến, nguyên liệu và trình bày. Sáu loại Sushi cơ bản bao gồm Nigirizushi, Chirashizushi, Makimono, Gunkan, Oshizushi, và Temaki. 

Cách thưởng thức các loại Sushi

Ẩm thực Nhật Bản rất cầu kỳ và đòi hỏi cao về tiêu chuẩn thẩm mỹ lẫn chất lượng, vì thế việc thưởng thức các món ăn, đặc biệt là Sushi của “xứ sở hoa anh đào” không phải là việc đơn giản. Hầu hết thực khách khi thường ăn kèm cùng wasabi, gừng ngâm chua và nước tương. Tuy nhiên, để thưởng thức vị ngon tuyệt mỹ của nó, cách dùng là rất quan trọng. Du khách chỉ chấm phần bề mặt của hải sản vào nước tương để khi đưa vào miệng mới cảm nhận được chút vị chua, chút vị mặn cùng vị ngậy đặc trưng của hải sản. Đặc biệt, không lạm dụng Wasabi nếu du khách không muốn mất đi hương vị của miếng sushi bởi vị cay nồng của nó.

ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG

Các kết quả khảo cổ và các tài liệu đều cho thấy chứng cứ về âm nhạc tại Nhật Bản đã có từ thế kỷ 3 trước công nguyên. Thông thường, người ta cho rằng lịch sử truyền thống của âm nhạc Nhật Bản bắt đầu từ thời Nara (710-794). Âm nhạc Nhật Bản có cội nguồn trong nhạc của Phật giáo và những truyền thống âm nhạc của đời Đường (618-907) bên Trung Quốc.

Phật giáo được coi là tôn giáo chính thức của cung đình vào thế kỷ 6, và những âm thanh cũng như lý thuyết âm nhạc của Phật giáo đã có ảnh hưởng lớn ở Nhật Bản. Các triều đình hoặc các đền chùa của Trung Quốc và Triều Tiên là cội nguồn và hình mẫu cho hầu hết các loại nhạc cung đình và đền chùa của Nhật, nhưng do sự tác động quốc tế mạnh mẽ của châu Á từ thế kỷ 7 cho đến thế kỷ 10, có thể thấy cả những ảnh hưởng của khu vực Nam và Đông Nam Á.

Các điệu vũ hoặc các bản nhạc dành cho nhạc khí của cung đình, gọi chung là gagaku, phản ánh những nguồn gốc đó khi được phân thành hai loại: Togaku là âm nhạc có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ, còn Komagaku là âm nhạc từ Triều Tiên và Mãn Châu.

Tuy những truyền thống âm nhạc cổ của Nhật Bản được lưu giữ đến ngày nay, mỗi thời kỳ đều tạo ra những phong cách âm nhạc cho phù hợp hơn với nhu cầu và thị hiếu của thời kỳ đó, tiêu biểu đó là đàn Biwa và sáo trúc Shakuhachi.

Nhưng chiếc đàn Shamisen 3 dây mới là đại diện tiêu biểu nhất cho các phong cách âm nhạc mới của giai đoạn từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Vào thế kỷ 18, lối kể chuyện Jorury do các nghệ sĩ hát rong biểu diễn cùng với đàn shamisen trở thành một nguồn sáng tạo văn học quan trọng.

Kabuki đã sử dụng một số chất liệu trên trong các vở kịch của mình nhưng đồng thời cũng kết hợp các thể loại nhạc khác sử dụng đàn Shamisen, cộng thêm bộ gõ, dàn sáo của kịch Noh cùng nhiều loại nhạc cụ dân gian.

Âm thanh của nhạc truyền thống Nhật Bản có thể không mấy dễ nghe đối với những người mới nghe lần đầu. Nhưng nếu có dịp nghe nhiều lần, trong không khí lễ hội, trong các buổi diễn kịch truyền thống, sẽ thấy nó mang lại cho du khách một tâm trạng vô cùng sảng khoái, dễ chịu.

SUMO – BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI NHẬT

Khi nói đến Sumo, ai cũng nghĩ đến các võ sĩ Sumo tầm vóc khổng lồ, nhưng lại nhanh nhẹn tuyệt vời khi bước vào trận đấu. Mỗi khi nhắc đến Sumo là ai trong chúng ta đều nghĩ ngay đến Nhật Bản nơi mà Sumo là là niềm tự hào của thể thao Nhật Bản, là biểu tượng văn hóa tinh thần của người Nhật.

Sumo bắt đầu là một môn giải trí cung đình vào thế kỷ thứ 8. Những đấu thủ Sumo được tuyển từ quân đội để múa mua vui cho giới thượng lưu ở triều đình. Qua thời gian nó phát triển dần và thành một môn thể thao vào thế kỷ thứ 17.

Môn đấu vật có nguồn gốc cổ xưa này thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội và ngày lễ tại đền thờ đạo Shinto, được rất nhiều người hâm mộ.

Hình thức đấu gồm hai người đàn ông to lớn đứng đối mặt nhau trong một cái vòng đất tròn gọi là “dohyo” có đường kính khoảng 4,55 mét (hay 15 shaku theo đơn vị đo chiều dài ở Nhật Bản) và một trận đấu Sumo được kết thúc khi người này vật người kia ra khỏi vòng hoặc chạm xuống đất. Sumo đòi hỏi các quy tắc phức tạp và toàn bộ hình thức cũng như kỹ thuật về giữ tư thế, tấn công và các chiến thuật làm cho người xem thích thú tranh luận.

Có 6 giải thi đấu hàng năm được tổ chức vào các thời kỳ: tháng Giêng, tháng Năm và tháng Chín ở Tokyo, tháng ba ở Osaka, tháng Bảy ở Nagoya và tháng Mười Một ở Fukuoka. Mỗi đợt thi đấu kéo dài 15 ngày.

Các võ sĩ Sumo thường phải tuân thủ một chế độ ăn uống và luyện tập dành riêng cho mình, kể cả trang phục đến hành vi cư xử của mình cũng luôn phải tuân theo các nguyên tắc của môn võ Sumo.

Qua những biểu tượng trên hẳn du khách đã hiểu thêm về văn hóa đất nước Nhật Bản, một đất nước hiện đại nhưng vẫn lưu giữ được rất nhiều truyền thống dân tộc từ xa xưa. Nếu du khách có hứng thú với “mảnh đất” giàu truyền thống này thì hãy tham gia tour du lịch của chúng tôi nhé! Chắc chắn du khách sẽ có được nhiều trải nghiệm thú vị!