Kinh nghiệm mua sắm khi du lịch Nhật Bản

Khi đến du lịch Nhật Bản, mua sắm là một trong những hoạt động rất được yêu thích của nhiều khách du lịch nước ngoài. Du khách cũng muốn trải nghiệm với mua sắm tại “xứ sở hoa anh đào” nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm? Vậy thì mời du khách dành chút thời gian tham khảo bài viết này!

MỘT SỐ KINH NGHIỆM CHUNG KHI MUA SẮM TẠI “XỨ SỞ HOA ANH ĐÀO”

1. Thời điểm săn hàng giảm giá ở Nhật

Trước khi thực hiện chuyến đi du lịch Nhật Bản kết hợp mua sắm, du khách nên tham khảo những thời điểm giảm giá lớn nhất trong năm để mua được những sản phẩm chất lượng với giá tốt nhất, có thể giảm từ 30 – 80% so với giá gốc:

Tháng 1: Sales đón năm mới

Đầu năm là khoảng thời gian các đợt hạ giá diễn ra sôi nổi. Các cửa hiệu sau vài ngày đóng cửa đều ồ ạt mở đợt bán giám giá sau kỳ nghỉ này. Du khách có thể mua được đồ mùa đông với chất lượng tốt và giá cả phù hợp.

Tháng 2: Xả hàng đồ mùa Đông

Tháng 2, thời tiết Nhật Bản lạnh giá vô cùng nhưng hầu hết các cửa tiệm đều đã bán quần áo mùa xuân. Du khách có thể mua được đồ mùa đông trong đợt giảm giá này với giá thấp hơn đợt giảm tháng 1.

Tháng 3 đến giữa tháng 4: Khai trường & Bắt đầu năm tài chính

Tháng 4, từ trường học đến các công ty đều bắt đầu một guồng quay mới. Học sinh, sinh viên quay trở lại trường học. Người lao động tìm công việc mới, họ di dời nơi ở hoặc bắt đầu cuộc sống tự lập. Tại thời điểm này, các thiết bị gia dụng, nội thất, quần áo, túi xách, thiết bị trường học đều đồng loạt giảm giá. Du khách có thể tìm thấy nhiều văn phòng phẩm có công năng độc đáo mà chỉ có Nhật Bản mới sản xuất.

Cuối tháng 4 – đầu tháng 5: Tuần Lễ Vàng

Kéo dài từ 1 tuần đến 10 ngày, Tuần lễ vàng là kỳ nghỉ được mong đợi nhất ở đất nước mặt trời mọc. Đây cũng là lúc các cửa hàng, trung tâm, thương xá đồng loạt giảm giá các mặt hàng điện tử. Tín đồ công nghệ Nhật có thể tranh thủ thời gian này để tìm kiếm các mặt hàng mà mình muốn, với giá cả sẽ làm du khách bất ngờ.

Tháng 8: Quần áo thời trang và các món hàng mùa hè giảm giá

Thời tiết mùa hè tại Nhật khá ẩm ướt, do đó, du khách nên tận dùng mùa sales off hè này để sắm các món mà du khách yêu thích để tận hưởng những ngày hè sôi động nhé!

Tháng 9: Sales xả hàng tồn Hè

Tháng 9, thời tiết trở nên dễ chịu hơn. Nhiều cửa hàng “xổ” toàn bộ quần áo tồn mùa hè khiến các du khách có cơ hội mua được những “món hời” với giá giảm mạnh.

Tháng 10: Halloween Sales

Mặc dù lễ hội Halloween không phải là truyền thống của Nhật Bản nhưng trong những năm gần đây, Halloween trở nên phổ biến hơn. Các cửa hàng bán quần áo và đồ trang trí mở nhiều đợt giảm giá để khuyến khích khách hàng mua sắm trong dịp này.

Tháng 11: Giảm giá mùa thu

Tháng 11, ngày ngắn, đêm dài hơn và không khí cũng trở lạnh. Trong tháng này, các cửa hàng có một được một đợt giảm giá nhẹ để du khách có thể mua sắm quần áo Thu-Đông.

Tháng 12: Sales cho mùa đông và dịp cuối năm

Cuối năm, cảnh trí ở các thành phố tại Nhật Bản trở nên lung linh, rực rỡ với nhiều giải đèn chiếu sáng và các khúc ca giáng sinh ngân vang khắp nơi. Tháng 12 là tháng tuyệt nhất để mua quần áo Đông và hàng gia dụng. Không chỉ các mặt hàng thời trang và đồ gia dụng, mà có hàng tá các món hàng khác được giảm giá thời điểm này và một số cửa hiệu bắt đầu mùa Sales cực tốt ngay cả trước Giáng Sinh.

Các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa cao cấp với chất lượng tốt, được bán tại các cửa hàng chính hãng luôn là sự lựa chọn số 1 của chị em.

2. Những điều cần lưu ý khi mua sắm ở Nhật Bản

* Không “Mặc cả”

Tất cả các mặt hàng tại các cửa hàng bán lẻ ở Nhật đều được ghi giá. Nếu du khách thấy có một số mặt hàng như thịt, cá, rau, trái cây không có ghi giá trên đó, hoặc bán thấp hơn giá đã in thì chắc chắn bảng giá được để riêng ở một chỗ khác.

Khi mua bất kì hàng hóa gì, người Nhật sẽ mua hàng theo đúng như giá niêm yết và không bao giờ “mặc cả”. Các cửa hàng cũng sẽ không gian lận giá, để kiếm lợi, vì nếu làm như vậy sớm muộn khách hàng cũng sẽ biết, vì người tiêu dùng ở đây luôn tỉnh táo so sánh cả chất lượng và giá cả giữa các mặt hàng cùng loại rồi mới quyết định mua. Không những chỉ mất khách hàng, mà hành động này sẽ bị dư luận lên án, có thể khiến công ty phá sản bất cứ lúc nào. Nên nếu du khách du lịch Nhật Bản và mua sắm hàng hóa ở đây thì hãy yên tâm, du khách luôn mua được hàng đúng giá và chất lượng tốt.

Tập quán buôn bán uy tín như thế này đúng “chất” Nhật Bản. Hãy ghi nhớ nhé, nếu du khách mặc cả giảm giá ở một cửa hàng thông thường thì có thể du khách sẽ bị ghét ngay.

* Không được ăn thử

Khi mua một món ăn, thường thì mọi người có thói quen thử trước khi mua, nhưng ở Nhật, du khách sẽ không thể tùy tiện thử ăn một món đồ bày ra trong cửa hàng. Nếu muốn thử một món nào đó, hãy quan sát hoặc hỏi người bán hàng (nếu có) vì đồ ăn thử sẽ được chuẩn bị riêng.

* Cửa hàng tự phục vụ

Tại Nhật Bản, khi một cửa hàng thông thường phát triển đến một quy mô đủ lớn nào đó thì phần lớn sẽ chuyển thành cửa hàng tự phục vụ. Cửa hàng tự phục vụ có chế độ tự lấy hàng, khách hàng muốn mua thì bỏ vào giỏ / xe đẩy của cửa hàng rồi thanh toán tiền chung một lần tại quầy thanh toán (cũng tương tự như tại siêu thị ở Việt Nam). Có thể tự chọn từ trong nhiều mặt hàng, và trong các cửa hàng đó cũng có loại cửa hàng mở suốt 24 giờ nên rất tiện lợi.

Có một điểm đáng lưu ý là đối với hàng hóa thì có trường hợp không ghi giá trên món hàng, mà chỉ có ghi mã vạch. Khi thanh toán tiền, máy quét sẽ đọc loại hàng và giá cả một cách tự động.

Trong bất kỳ cửa hàng tự phục vụ rộng lớn nào cũng vậy, ngoài những nơi gần máy tính tiền thì sẽ không có người trông mà lén ăn thử, hoặc lấy cắp hàng thì sẽ có nhân viên chạy đến ngay, bởi vì cửa hàng luôn có camera giám sát cửa hàng. Vì vậy, dù không có ai trông coi, nhưng tuyệt đối không nên có ý nghĩ làm việc xấu. Thêm một điều nữa du khách nên biết, “tội ăn trộm” ở Nhật Bản được cho là một hành vi sai trái về cả về mặt pháp luật và đạo đức, và phải chịu hình phạt khá nặng.

Sau đây là 6 điều mà du khách cần tránh khi mua hàng ở các cửa hàng tự phục vụ:

– Lấy trộm hàng.

– Tự ý bốc hàng hóa và ăn thử.

– Không sử dụng làn của cửa hàng, khi đi mua hàng, một số khách hàng mang theo túi riêng và bỏ hàng trực tiếp vào đó.

– Không có ý định mua hàng, nhưng lại lục lọi hay rờ bóp hàng và thản nhiên bỏ đi sau khi gây hư hại cho hàng hóa.

– Cầm hàng hóa lên tay, nhưng sau đó không đặt trả lại hàng hóa ở vị trí ban đầu, mà lại để ở một chỗ tùy tiện.

– Khi mua hàng lúc nào cũng phải mặc cả giảm giá.

* Thuế tiêu thụ

Từ ngày 01/4/2014, Nhật Bản nâng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8% và hiện nay vẫn đang duy trì ở mức này. Tùy từng cửa hàng mà người ta ghi giá đã bao gồm thuế hay chưa. Du khách cần phải để ý, để biết số tiền cuối cùng mình cần phải thanh toán là bao nhiêu. Nếu hàng chưa bao gồm thuế sẽ ghi là “giá chưa bao bao gồm thuế tiêu thụ”, lúc này khi thanh toán du khách sẽ phải trả thêm 8% thuế. Nếu hàng đã gồm thuế sẽ ghi là “giá đã gồm thuế tiêu thụ”, lúc này du khách chỉ phải thanh toán đúng số tiền đó.

* Hàng điện tử có thể dễ dàng tìm thấy trong các cửa hàng nhưng du khách cần lưu ý điện ở Nhật là 110V, vì thế khi chọn hàng phải có hỗ trợ điện 220V. Nếu du khách muốn mua điện thoại, du khách cần nhớ rằng: điện thoại thường gắn liền với nhà mạng, nếu mua để sử dụng tại Nhật Bản thì các du khách phải chuẩn bị các loại giấy tờ (hộ chiếu, thẻ lưu trú, thẻ ngân hàng) để đăng ký sim, và trả tiền cước hàng tháng. Còn nếu các du khách mua để gửi về Việt Nam thì hãy chọn loại Free sim, phiên bản quốc tế để tránh các trường hợp bẻ khóa.

* Đối với thực phẩm chức năng, dinh dưỡng một lời khuyên dành cho du khách là nên nhờ hướng dẫn viên đặt trước và mua chung với số lượng đủ lớn thì giá sẽ được rẻ hơn như tảo, collagen, sữa… Đặc biệt những mặt hàng như mỹ phẩm và quần áo ngoại trừ các khu mua sắm cao cấp như Ginza thì giá quần áo, mỹ phẩm tại Nhật cũng chỉ mắc hơn Việt Nam chút đỉnh nhưng nhìn chung đều đẹp và có chất lượng rất tốt. Riêng với những món quà lưu niệm, rượu, kẹo, bánh du khách nên mua tại sân bay trong chuyến bay về, như thế sẽ thuận tiện hơn cho hành trình du lịch của du khách không phải lỉnh kỉnh, tay xách nách mang đồ đạc quá nhiều.

NHỮNG MÓN QUÀ TẶNG NÊN MUA Ở NHẬT BẢN

Nhật Bản là một quốc gia có những sản phẩm, đồ dùng mang lại sự tin tưởng hàng đầu cho người tiêu dùng toàn thế giới. Dưới đây là gợi ý một số mặt hàng tại “xứ sở hoa anh đào” mà du khách nên mua:

1. Quà lưu niệm

* Maneki Neko

Tại khắp mọi nơi trên Nhật Bản, từ những cửa tiệm, nhà hàng cho đến những ngân hàng và cơ quan công sở, đón chào mọi người luôn là hình ảnh của một chú mèo vẫy vẫy tay… đó chính là Maneki Neko, một trong những vật cầu may phổ biển nhất tại Nhật Bản. Người dân ở đây tin rằng chú mèo này sẽ mang lại may mắn và sự thịnh vượng trong kinh doanh.

Maneki Neko còn được sử dụng như vật dụng trang trí trong nhà, chúng được làm với đủ chủng loại, kích thước; được bán tại hầu hết tất cả các cửa hàng lưu niệm (trong đó nổi nhất là ở phố Nakamise, gần Đền Senso), nên du khách có thể dễ dàng mua lấy một chú…

* Tenugui

Tenugui là một trong những món đồ lưu niệm phổ biến mà du khách có thể mua tại Nhật Bản, một vật dụng với rất nhiều tính năng, công dụng. Tenugui là một chiếc khăn mỏng hình chữ nhật, dài khoảng 90 cm có in nhiều hình vẽ, họa tiết đa dạng. Tenugui có thể sử dụng làm khăn tắm, khăn… buộc đầu, dùng để gói quà hay để trang trí phòng như một tấm khăn trải bàn,…

* Yukata

Yukata là Kimono mùa hè, được làm bằng vải bông và có ít lớp hơn Kimono thông thường. Yukata được mặc phần lớn trong các lễ hội hoặc tại các Ryokan (quán trọ truyền thống Nhật Bản).

Yukata có bán ở hầu hết những điểm du lịch, tuy nhiên nếu muốn mua “hàng chất”, du khách nên chịu khó đến một cửa hàng thời trang, nơi có bày bán nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau với chất lượng đỉnh hơn.

* Geta hoặc Zōri

Yukata thường đi chung một bộ với Geta, một loại guốc truyền thống của người Nhật. Nhìn về hình dạng thì Geta trông như sự kết hợp giữa guốc gỗ và dép tông xỏ ngón.

Nếu cảm thấy đôi Geta gỗ quá khó đi, du khách có thể chuyển sang dùng zōri, một loại xăng đan dễ đi và thoải mái hơn, thường được sử dụng khi mặc Kimono.

* Quạt giấy Nhật Bản

Khi Hạ đến, trên đường phố, tàu hay thậm chí trong các nhà hàng, du khách có thể dễ dàng nhận thấy những chiếc quạt giấy. Cho dù đó là quạt xếp (ōgi) hay quạt giấy tròn (uchiwa), những chiếc quạt cầm tay đã trở nên quá phổ biến tại Nhật Bản đến mức dường như chẳng có ai rời Nhật Bản mà không có một chiếc quạt trong tay.

* Wagasa (Dù Nhật)

Những cây dù có một bề dày lịch sử đáng kính nể trong văn hóa Nhật Bản. Dù wagasa không chỉ được dùng để che mưa mà còn là một phụ kiện thường dùng trong những nghi thức trà đạo hay trong kịch ca vũ truyền thống (Kabuki). Mặc cho tình trạng hiện nay là dù nhựa rẻ tiền đang dần chiếm lĩnh thị trường, những cây Wagasa, được làm bằng tre và giấy Nhật, vẫn là một biểu tượng truyền thống của người Nhật Bản và là một trong những vật lưu niệm phổ biến nhất.

* Lồng đèn giấy

Những chiếc lồng đèn giấy được làm từ Washi (một loại giấy truyền thống Nhật Bản) dán vào khung tre. Đây là hình thức chiếu sáng cổ xưa của người Nhật. Những chiếc đèn lồng này được trưng dụng trong những buổi lễ hội, trong công viên, nhà hàng, khách sạn hoặc đôi khi cũng được trang trí tại nhà.

Loại lồng đèn thông dụng nhất phải kể đến Chochin, du khách có thể mua lấy một chiếc tại những điểm du lịch, thường được điểm xuyết thêm bằng tên địa danh ấy được viết bằng hệ chữ Kanji.

* Chuông gió Furin

Đây là một vật lưu niệm cực kỳ quen thuộc đối với những người yêu thích “xứ sở Phù Tang”, được làm nên từ các chất liệu như: đất sét, gỗ, kim loại, thủy tinh.

Mang sứ mệnh đem lại những điều may mắn cho gia chủ, chiếc chuông gió Furin được treo cửa sổ hay trước cửa nhà của nhiều gia đình truyền thống Nhật. Tiếng chuông gió Furin trước gió cũng vô cùng độc đáo, với tiếng nhẹ, thanh và trong.

* Ukiyo-e

Ukiyo-e, dịch sát nghĩa là “những bức tranh của thế giới trôi lờ lững” hay ta quen gọi là “Tranh Thủy Mặc”, xuất hiện từ thế kỷ thứ 17 và đến giờ vẫn còn khá phổ biến. Minh họa những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, những diễn viên nổi tiếng hay đô vật Sumo, Ukiyo-e là một trong những minh chứng nổi bật của nghệ thuật in khắc gỗ Nhật Bản, đồng thời là một thứ nên có trong bộ sưu tập của những du khách khi đến tham quan “xứ sở mặt trời mọc”.

* Búp bê Kokeshi

Kokeshi là búp bê truyền thống Nhật Bản, khởi nguồn từ miền Bắc nước Nhật và được làm bằng nhiều loại gỗ, với cấu trúc thân đơn giản không có tứ chi và một cái đầu lớn, Tuy nhiên, chúng không chỉ đơn thuần là một thứ đồ chơi trẻ con mà còn là tiêu biểu của nghệ thuật cổ Nhật Bản và là một món quà lưu niệm tuyệt vời…

* Búp bê Daruma

Dựa trên hình tượng của Bồ Đề Đạt Ma (người sáng lập ra phái Thiền Tông trong Phật Giáo), Daruma là những con búp bê hình cầu, thường sơn màu đỏ, được coi như một loại bùa hộ mệnh cầu vận may, sự thình vượng và tiếp thêm sức mạnh để hoàn thành những ước mơ.

Một con búp bê Daruma khi bày bán thường không được vẽ mắt. Người mua, vào lúc bắt đầu nói ra điều ước, sẽ vẽ vào một bên mắt, và bên mắt còn lại sẽ chỉ được vẽ hoàn chỉnh khi điều ước ấy đã trở thành hiện thực.

* Tượng Tanuki

Tanuki là danh từ tiếng Nhật được dùng để chỉ gấu chó Nhật Bản, tuy vậy nó cũng đại diện cho một sinh vật huyền bí xuất hiện trong những truyền thuyết của người Nhật cổ. Tương truyền rằng Tanuki là những chú gấu chó tinh nghịch hay ghẹo người, bày trò lường gạt bằng những chiếc lá ma thuật nom hao hao giống tiền, và có thuật biến hình siêu đẳng…

Những bức tượng hình Tanuki xuất hiện khắp nơi ở Nhật, đặt ngay trước các quán bar và nhà hàng (đặc biệt là những tiệm mì), với vai trò như chào đón, lôi kéo khách hàng tương tự như Maneki Neko vậy.

Một bức tượng Tanuki được coi là mang lại may mắn, và cho dù bạn không tin vào điều tâm linh này, thì nó vẫn là một món quà kỷ niệm thú vị.

* Mặt nạ kịch Noh

Một cái mặt nạ Noh thì được thiết kế nhỏ hơn so với khuôn mặt người diễn viên, thông thường kích thước vào khoảng xấp xỉ 21×13 cm và được điêu khắc từ gỗ cây bách Nhật. Tại các cửa hàng lưu niệm du khách có thể tìm thấy những chiếc mặt nạ làm mô phỏng theo bằng kích thước thật hoặc nhỏ hơn, làm từ gỗ hoặc gốm, một số loại còn được đóng khung trưng bày cẩn thận.

* Những chiếc mặt nạ vui nhộn

Trong những lễ hội truyền thống và tại các công viên có thể du khách sẽ thường phát hiện một vài quầy bán những chiếc mặt nạ vui nhộn, có hình rất nhiều nhân vật từ văn hóa đại chúng Nhật Bản, các nhân vật Manga – Anime cho đến nhân vật trong “5 anh em siêu nhân”. Đây có lẽ sẽ là một món quà thú vị, đặc biệt đối với fan ruột của manga – anime.

* Kendama

Kendama là một loại đồ chơi truyền thống Nhật Bản: Một vật làm bằng gỗ được gọt đẽo gần giống hình cái búa nối với một quả bóng cũng làm bằng gỗ qua một sợi dây. Món đồ chơi này rất phổ biến ở Nhật Bản, thậm chí người ta còn tổ chức các cuộc thi tài tầm cỡ quốc gia. Người chơi Kendama ở tầm cỡ siêu sao rất được kính trọng bởi họ sự kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm cao.

* Koma

Một loại đồ chơi truyền thống khác của người Nhật, Koma là một con vụ, thứ đồ chơi này có thể xoay tít quanh trục và giữ thăng bằng được trong một khoảng thời gian nhất định. Koma được đẽo bằng gỗ rồi được sơn cẩn thận với nhiều họa tiết đa dạng. Có nhiều người sản xuất đã đạt được đến trình độ cao với mức độ phức tạp trong mỗi họa tiết vẽ trên koma rất cao, do đó hàng năm lại có thêm rất nhiều mẫu sáng tạo mới được tung ra thị trường.

* Hagoita

Hagoita nhìn bề ngoài trông có vẻ giống một mái chèo bằng gỗ hình chữ nhật, được dùng để chơi Hanetsuki – trò chơi truyền thống của Nhật Bản, hao hao giống chơi cầu lông nhưng không có lưới. Tuy nhiên, từ khi trò chơi này bắt đầu bị mai một dần qua năm tháng, một loại Hagoita khác trở nên phổ biến hơn, được trang trí bằng Washi (giấy Nhật) và các vật liệu dệt, trên vợt có vẽ hình ca sĩ, ngôi sao thể thao, diễn viên điện ảnh hay cả các nhân vật trong anime,…

* Kumade

Kumade là một loại chổi to làm từ trúc, được dùng để quét lá trong sân. Vào thời Edo, người ta bắt đầu có trào lưu trang trí Kumade bằng các lá bùa may mắn rồi đem bán ở đền chùa, với mục đích là “quét vào mình” những thành công, sự giàu sang, bình an cũng như hạnh phúc.

Kumade được bán tại các cửa hàng lưu niệm, song tại lễ hội Tori – no – Ichi tổ chức tại nhiều vùng ở Nhật Bản vào dịp cuối năm có bày bán Kumade với nhiều chủng loại và kích cỡ khác nhau hơn. 

* Noren

Noren là một loại rèm truyền thống Nhật Bản, thường được treo ngay trước cửa nhà hàng hay cửa tiệm nhằm tránh ánh nắng mặt trời, gió và bụi, đồng thời cũng dùng làm bảng hiệu cho cửa tiệm đó, để quảng cáo hoặc như một lời thông báo rằng tiệm đang trong giờ làm việc. Noren được làm bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau, có kích cỡ, màu sắc và họa tiết cũng khác nhau nốt.

Noren ngoài ra còn được dùng trong nhà, để phân cách các phòng hoặc đơn thuần dùng vào mục đích trang trí, do đó có thể coi đây là một món quà lưu niệm…

* Bùa may mắn Omamori

Vào dịp năm mới, người Nhật thường hay mua bùa Omamori như một cách để được có được may mắn và sự bảo vệ (Chữ “Mamori” có ý nghĩa là sự bảo vệ, thêm “O” thành “Omamori” để có ý nghĩa trang trọng hơn). Có rất nhiều loại bùa về: Học tập, công danh, tiền tài, làm ăn phát đạt, tình yêu,… Những chiếc bùa được bán ở tất cả các chùa này không những mang lại may mắn mà còn có thể trở thành một vật trang trí rất đáng yêu. Các bạn có thể mua quà này để tặng mọi người treo trong nhà, treo ở giỏ, cặp sách,…

Một quy tắc bất di bất dịch là khi tuyệt đối không được mở bùa Omamori ra để xem bởi vì người Nhật tin rằng, nếu làm việc đó sẽ khiến cho sự may mắn và bảo vệ bay đi mất. Các du khách chú ý nhé!

* Đũa Nhật

Đôi đũa truyền thống Nhật Bản được làm từ gỗ sơn mài với một đầu vót nhọn, và có rất nhiều kích cỡ khác nhau (để thích hợp dùng cho đàn ông, phụ nữ và trẻ em). Những đôi đũa này khác với đũa Trung Quốc – chúng ngắn và đầu cùn hơn.

Đũa Nhật thường được bán theo bộ, như một thứ đồ trang trí, có rất nhiều đôi đũa được tô vẽ những họa tiết bắt mắt, vì vậy, đây là một món quà rất thích hợp cho những người yêu thích ẩm thực Nhật Bản.

* Bộ dụng cụ Matcha

Matcha là một bộ dụng cụ tinh xảo được sử dụng trong những nghi thức trà đạo truyền thống của người Nhật. Một bộ Macha phải có những chiếc chén đựng Macha, Natsume bộ phục vụ trà, Furui – rây lọc macha, muỗng Chashaku, Chasen – một dụng cụ nhỏ bằng tre dùng để quấy mạnh cho đến khi trà sủi bọt và Kesenaoshi – hộp đựng Chasen.

* Hộp Bento

Bento là một chiếc hộp dùng để đựng cơm, trong đó thường có những món như cơm, cá hoặc thịt và rau, được bày biện trong một chiếc hộp thiết kế đặc biệt.

Những hộp bento làm từ gỗ sơn mài xuất hiện vào khoảng năm 1600 và vẫn còn được ưa chuộng đến ngày nay, mặc dù sự xuất hiện của các hộp bento nhựa đang dần chiếm lĩnh thị trường. Kể từ khi Bento trở nên phổ biến ngay ở bên ngoài biên giới nước Nhật, một hộp Bento gỗ sơn mài được làm bằng tay chắc hẳn không chỉ là một món quà lưu niệm tuyệt vời mà còn có giá trị sử dụng cao.

* Dao bếp Nhật Bản

Một vật dụng khác rất hữu dụng cho căn bếp nhà du khách đó là những con dao truyền thống Nhật Bản. Thật ra, có hai loại dao truyền thống của người Nhật, một là Honyaki – dao rèn được làm hoàn toàn bằng thép carbon cao cấp và Kasumi, có thể lẫn hai loại nguyên liệu, giống như những thanh kiếm của các Samurai nức tiếng.

Dao Nhật Bản được coi là loại dao có chất lượng đỉnh nhất trên thế giới, vậy nên bất kì đầu bếp nào cũng đều mong muốn sắm cho mình một bộ …

* Koinobori

Trong tiếng Nhật, “koi” là “cá chép” và “nobori” là “ngọn cờ”, Koinobori là một loại cờ được thiết kế hình cá chép nhằm chào mừng ngày hội Tango no Sekku. Mặc dù mỗi năm lễ hội này chỉ tổ chức một lần, song người ta cũng bán Koinobori suốt năm như những món quà lưu niệm.

* Diều

Con diều đầu tiên được đưa vào Nhật Bản bởi những giáo sĩ Phật Giáo và thường được dùng cho những mục đích tôn giáo. Trong thời hiện đại, những con diều Nhật trở nên phổ biến như một hình thức giải trí, chúng thường được tặng cho trẻ em Nhật như một món quà dịp năm mới hay món quà mừng đứa bé trai đầu tiên trong gia đình được sinh ra. Diều Nhật được bán như món đồ lưu niệm hay được sơn phết công phu với những hình ảnh đại diện cho anh hùng dân tộc nổi tiếng hoặc các vị thần thánh.

* Mô hình kiếm Samurai

Mô hình kiếm Samurai được coi là món không thể thiếu trong danh sách những đồ lưu niệm Nhật Bản. Chúng có trên thị trường với mọi kích cỡ, từ bé tí tẹo cho đến to bằng kích thước thật, với nhiều loại chi tiết khác nhau,…

* Gốm sứ Nhật Bản

Có khoảng 18 trường phái chính trong nghệ thuật gốm sứ Nhật Bản, hầu hết trong số đó có nhiều phái nhỏ khác, do đó gốm sứ Nhật Bản rất đa dạng, phong phú. Có nhiều loại gốm sứ được những nghệ nhân làm gốm tạo nên với kỹ thuật gia truyền qua hàng trăm năm, còn một số khác có thể hiện đại hơn hoặc chịu ảnh hưởng bởi phong cách Trung Hoa. Vì có rất nhiều lựa chọn như vậy nên du khách có thể chọn những thứ phù hợp với sở thích riêng của mình.

* Mô hình món ăn Sampuru

Sampuru, bản sao bằng nhựa của các loại thức ăn, xuất hiện ở hầu hết các nhà hàng Nhật. Chúng được làm hoàn toàn bằng tay, được điêu khắc tỉ mẩn và sơn phết hợp lý đến mức gần như hoàn hảo, giống y như tạc món ăn nguyên mẫu!

Du khách có thể mua Sampuru tại phố Kappabashi thuộc Tokyo. Tại đây, ngoài những mô hình món ăn có kích thước bằng đúng kích thước thật, du khách cũng có thể tìm cho mình những món lưu niệm Sampuru nho nhỏ để gắn vào tủ lạnh hoặc dùng làm móc treo chìa khóa,…

2. Đồ điện tử

Hàng Nhật Bản nổi tiếng bởi chất lượng, giá thành hợp lý, tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng, do đó đồ điện tử made in Japan là một trong những món hàng không thể thiếu để làm quà sau chuyến du lịch Nhật Bản trở về. Mặt hàng mà khách du lịch mua nhiều nhất chính là điện thoại, máy ảnh, laptop, đồng hồ, nồi cơm điện, máy mát xa,…

3. Mỹ phẩm

Các cô gái Nhật Bản có làn da trắng mịn màng, một phần chính là nhờ mỹ phẩm và đồ dưỡng da. Mỹ phẩm Nhật cũng có rất nhiều loại, giá cả từ bình dân cho đến cao cấp. Để yên tâm hơn về xuất xứ và nguồn gốc, du khách nên vào các store chính hãng.

Về mức giá nếu du khách mua trực tiếp tại Nhật không hề quá cao nhưng chất lượng sản phẩm lại rất tốt. Một số hãng mỹ phẩm nổi tiếng của Nhật và được ưa chuộng không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới chính là Shiseido, Shu Uemura,… 

Tùy vào nhu cầu sử dụng, du khách có thể tham khảo mặt nạ dưỡng da, sữa rửa mặt, giấy thấm dầu, son,… khá được ưa chuộng.

4. Quần áo và phụ kiện thời trang

Nói đến thương hiệu Nhật tại Việt Nam, người ta nghĩ tới Uniqlo. Ở Nhật Bản, đây cũng là một thương hiệu quần áo giá bình dân. Tuy nhiên, nếu du khách để ý, mua tận nơi trong các Factory outlet cũng không tồi. Mua được hàng giá rẻ mà chất lượng thì vẫn giữ nguyên.

Nếu có quá đông “đồng bọn” phải tặng quà mà nghĩ cho mỗi đứa một món thì chắc hết cả ngày, vậy nên tốt nhất là cứ mua quà là nguyên một lô vớ đủ hình thù dễ thương, “dị dị” vừa rẻ vừa đỡ nhức đầu để cho cả đám chọn gì thì chọn có phải hơn không? Ai cũng biết chất lượng bên Nhật thì quá đỉnh rồi, nên mua thứ gì Made in Japan và nhất là mấy cái hình thù nhộn nhộn thế này thì chắc chắn chúng bạn không ai dám chê cả đâu.

5. Thuốc và thực phẩm chức năng

Các loại thuốc và thực phẩm chức năng chất lượng tốt được bán vô cùng đa dạng tại các Drug Store ở Nhật Bản. Drug Store là tên gọi của các cửa hàng bán thuốc và mỹ phẩm tổng hợp, có mặt ở tất cả các khu dân cư tại bất kì thành phố nào ở Nhật. Các cửa hàng này thường có chữ 薬・化粧品, Drug store/ ドラッグストア/ ドラッグ hay Drug & Cosmetics. Các chuỗi cửa hàng drug store nổi tiếng bao gồm Matsumoto Kiyoshi, Sun drug, Kokumin, Drug eleven,…

6. Các loại bánh kẹo, rượu và các loại thực phẩm khác

Ngoài đồ điện tử và mỹ phẩm, hẳn du khách không thể bỏ qua các loại bánh kẹo và rượu.

* Bánh của người Nhật rất dễ ăn và hình dáng đẹp mắt. Nếu du khách mua những hộp bánh này để làm quà tặng thì sẽ rất hợp lý bởi vẻ ngoài sang trọng và xinh đẹp của chúng. Bánh Mochi, Wagashi Mochi, Tokyo Banana, Pocky, hay Nama Chocolate và Dorayaki chính là những loại bánh phổ biến thường được du khách mua về. Mức giá của những loại này không hề quá cao, dao động trong khoảng 1.200 – 3.000 JPY (tương đương với 240,000 – 610,000 VND). Còn với kẹo thì sao? Ở Nhật Bản cũng có nhiều loại kẹo ngon, đẹp mắt lại chất lượng để du khách mua về làm quà như: Kẹo Kit Kat vị Sakura Matcha, Metly Kiss,…

* Rượu Sake chính là tên một loại rượu nổi tiếng nhất của Nhật Bản và được nhiều người nước ngoài biết đến nhất. Thế nhưng ngoài Sake, Nhật Bản còn sở hữu những loại rượu cũng vô cùng đặc sắc khác, đó là Umeshu, Amazake, Awamori. Với cách chưng cất truyền thống làm cho rượu mang hương vị thanh mát, rượu của Nhật Bản chính là câu trả lời tuyệt nhất cho câu hỏi đi du lịch Nhật Bản nên mua gì làm quà?

* Bột trà xanh (Matcha): Khỏi cần nói ai cũng sẽ biết Nhật Bản là đất nước của Matcha. Người người dùng Matcha, nhà nhà chuộng Matcha. Với công dụng giải độc, chống lão hóa, giảm cân,… Matcha được dùng để chế biến rất nhiều món ăn, thức uống và thậm chí cả làm đẹp nữa. Các du khách có thể mua quà này ở bất kỳ siêu thị nào hoặc tốt nhất là nên vào AEON Mall vì trong đó sẽ có rất nhiều loại Matcha cho các du khách tha hồ lựa chọn nhé!

* Gia vị và nguyên liệu nấu ăn: Hiện nay đồ ăn Nhật khá phổ biến ở Việt Nam nên nguyên liệu làm món ăn Nhật, đặc biệt là gia vị cũng được nhiều người Việt Nam ưa chuộng và sử dụng khi nấu ăn. Nếu người thân hoặc bạn bè của bạn thích đồ ăn Nhật, du khách có thể mua tặng những nguyên liệu nấu ăn rất đặc trưng của Nhật như Miso, rong biển khô hoặc gói nguyên liệu khô có cả rong biển để nấu canh Miso, hạt nêm, gia vị ướp thịt hoặc nước chấm các loại (chấm lẩu, chấm đồ nướng). Tất nhiên đây là món quà không phù hợp với nhiều đối tượng, nhưng nếu gia đình và bạn bè của du khách chuộng đồ ăn Nhật hoặc thích thử nghiệm các món mới thì đây là một món quà khá là thú vị. Gia đình mình trước giờ không bao giờ ăn canh miso, nhưng từ hồi mình mua thử một hộp Miso, hạt nêm Dashi và gói rong biển khô về nấu thử là mọi người cũng thích món đó luôn. Giờ cứ về Việt Nam là lại có người nhờ mua đấy!

NHỮNG ĐỊA ĐIỂM MUA SẮM NỔI TIẾNG Ở NHẬT BẢN

Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng bởi đức tính tiết kiệm nhưng lại có mức chi tiêu dùng hàng hóa ở mức rất cao là do người dân Nhật luôn ý thức được rằng việc tăng cường chi tiêu là góp phần vào sự phát triển kinh tế của cả nước. Chính vì thế, ở Nhật Bản có rất nhiều các khu siêu thị, trung tâm thương mại mà các hoạt động mua bán, shopping diễn ra vô cùng tấp nập. Các sản phẩm thủ công, đồ công nghệ mới nhất, mỹ phẩm hay các đồ dùng truyền thống Nhật Bản là những sản phẩm không thể bỏ qua của bất kỳ du khách nào khi đến nước Nhật. Sau đây là tổng hợp 6 khu “thiên đường mua sắm” tại Nhật Bản sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm khó quên.

1. Ginza

Khu mua sắm Ginza Nhật Bản có từ thời kỳ Edo và ngày nay Ginza được xem là khu mua sắm xa xỉ bậc nhất ở thủ đô Tokyo. Ở Ginza, du khách sẽ được thỏa sức lựa chọn các thương hiệu cao cấp, cũng như các cửa hiệu vừa phải. Đây là điểm mua sắm ở Nhật Bản dành dành cho những tín đồ mua sắm với hầu bao rủng rỉnh.

Nếu du khách thích những mặt hàng thời trang, trang sức nổi tiếng thì Ginza Wako chính là sự lựa chọn tốt nhất, hay du khách muốn tìm hiểu và mua vài món hàng điện tử thì hãy ghé qua Sony Building với các mặt hàng mới nhất của Sony sẽ được trưng bày ở đây.

Tuy nhiên du khách cũng không cần lo nếu du khách không phải đại gia thì vẫn có thể thỏa mãn thú vui mua sắm của mình bằng cách mua sắm ở các cửa hàng bình dân ở Ginza như cửa hàng thời trang Uniqlo, Forever21, GU…

2. Shibuya

Đây là trung tâm mua sắm, vui chơi, giải trí lớn nhất dành cho giới trẻ tại Tokyo cùng như Nhật Bản. Tại đây, du khách có thể tìm thấy những xu hướng thời trang mới nhất dành cho giới trẻ tại Nhật Bản.

Đến Shibuya, du khách có thể tham khảo một số thông tin mua sắm hữu ích sau:

Khu vực Center Gai: là nơi tập trung những xu hướng thời trang trẻ mới nhất với vô số các gian hàng, cửa hiệu lớn nhỏ và những cửa hàng ẩm thực, club dành cho giới trẻ. Nơi đây được coi như là trái tim, trung tâm mua sắm của Shibuya.

Tòa nhà Shibuya 109: với hơn 1000 gian hàng lớn nhỏ, đây chính là biểu tượng thời trang dành cho giới trẻ tại Tokyo.

Haraijuku: là nơi tập trung những xu hướng thời trang của giới trẻ mang phong cách mạnh mẽ, cá tính. Du khách có thể tìm thấy rất nhiều những cửa hàng thời trang, những quán chuyên phục vụ đồ ăn nhanh cho giới trẻ.

Ngoài ra, du khách cũng có thể đến tham quan, mua sắm tại một số địa điểm khác tại Shibuya như: Takeshia Dori, Omotesando,…

3. Asakusa

Asakusa là nơi duy nhất ở Tokyo được đánh giá là vẫn còn lưu giữ không khí trầm mặc và cổ kính của Đông Kinh thời xưa cũ. Đến Asakusa nếu bạn hỏi những người dân địa phương địa điểm nào nổi tiếng nhất ở đây thì câu trả lời chính là ngôi chùa Asakusa Kannon ngôi chùa cổ nhất ở Tokyo và con đường mua sắm Nakamise nối liền với cổng Kaminara-mon hấp dẫn những ai du lịch Nhật Bản.

Tại Asakusa, Nakamise là khu vực mua sắm sầm uất nhất với rất nhiều gian hàng, cửa hiệu chuyên bày bán các sản phẩm truyền thống, đồ lưu niệm: đồ chơi thời kỳ Edo, quạt, nơ,… và phục vụ ẩm thực địa phương.

Tại Asakusa, một số khu vực mua sắm du khách nên ghé thăm một số khu vực mua sắm như: Tokyo Hotarudo là nơi chuyên bày bán các sản phẩm theo phong cách vintage và đồ cổ, khu vực Kappabashi-dori là nơi chuyên bày bán các món ăn, ẩm thực địa phương,…

4. Shinjuku

Shinjuku nằm ở phía Tây hoàng cung khoảng 6 km, vừa là một nơi có thương mại, buôn bán phát triển, vừa là địa điểm ăn chơi và giải trí có tiếng của Tokyo. Ở Shinjuku, du khách có thể tìm thấy những món đồ truyền thống thú vị như Geta (guốc gỗ Nhật Bản) hay những chiếc túi từ vải Kimono sang trọng…

5. Roppongi

Roppongi có cả các yếu tố như là một thị trấn văn phòng và một trung tâm giải trí không bao giờ ngủ với các tụ điểm ăn chơi, bar, pub, Roppongi cũng sở hữu rất nhiều trung tâm mua sắm lớn như Roppongi Hills và Tokyo Midtown. Nổi tiếng phải kể đến là Japan Sword, nơi trưng bày và bán những thanh kiếm tanaka nổi tiếng của Samurai.

Roppongi Hills là một tòa nhà trung tâm mua sắm và tham quan cực kỳ nổi tiếng khác nữa ở Tokyo (có 54 tầng). Đến du khách, bạn sẽ tìm thấy đủ các loại mặt hàng thời trang nổi tiếng thế giới, từ nước hoa Hugo Boss đến các hãng quần áo thời trang dành cho nam và nữ như Diane von Furstenberg, Banana Republic, Zara… Hơn thế, nơi đây còn có các cửa hàng Nhật Bản độc đáo chuyên bày bán những mẫu thiết kế đồ trang sức của hãng Yoshinob. Ngoài ra, Roppongi Hills còn có khách sạn 5 sao Grand Hyatt Tokyo, một rạp chiếu phim, một đài quan sát toàn thành phố, cho du khách và những người thân của mình những giây phút giải trí không thể nào quên.

Khu mua sắm ở Nhật Bản này là khu thương mại phát triển mới nhất của Nhật Bản có trên 200 cửa hàng và nhà hàng khiến cho nó trở thành một nơi lý tưởng dành cho ngày khám phá văn hóa địa phương Nhật Bản.

6. Shimokitazawa

Nếu yêu thích phong cách thời trang Bohemia phóng khoáng mang hơi hướng cổ điển thì khu mua sắm nổi tiếng Shimokitazawa là điểm đến lý tưởng dành cho du khách.

Với hệ thống cửa hàng như Shimokitazawa Garage Department, Village Vanguard… bày bán đủ các loại mặt hàng từ quần áo thời trang vintage, đồ trang sức, mũ, túi xách, xe đạp,… Shimokitazawa còn được xem là “Thiên đường đồ cũ”, nơi tập trung rất nhiều cửa hàng bán đồ hiếm và đồ cổ điển.

Nơi này lúc nào cũng tấp nập các bạn trẻ tại các trường đại học gần kề và khách du lịch khắp nơi qua lại và mua sắm.

7. Harajuku & Aoyama

Nổi tiếng với các cô gái theo phong cách Harajuku, khu phố được xem là điểm mua sắm nổi tiếng tại Nhật Bản này luôn chật kín những cửa hàng bán trang phục tự thiết kế. Nếu là fan của phong cách thời trang Harajuku, Lolita,… du khách có thể tới khu phố này để sắm cho mình những trang phục độc đáo, lạ mắt. Các cửa hàng thời trang cao cấp nhỏ của Harajuku và các cửa hàng có thương hiệu làm cho khu vực này trở thành điểm nóng của văn hóa Pop và các phong cách mới nổi trội.

Trên “đồi Omotesando”, du khách sẽ thấy khoảng 100 của hàng với các nhãn hiệu nổi tiếng bao gồm “Anniversaire Omotesando” phổ biến với rượu sâm panh và sô-cô-la với số lượng có hạn cũng như các cửa hàng nhỏ của Prada, Louis Vuitton và Dior cạnh tranh để bộc lộ nét riêng của họ thậm chí qua lối kiến trúc.

8. Ikebukuro

Ở Ikebukuro, giá cả các đồ dùng rẻ hơn một chút, dành cho những người có hầu bao eo hẹp và không cần mua hàng hiệu. Ikebukuro có nhiều cửa hiệu tạp hóa lớn nơi du khách hoàn toàn có thể mặc cả hạ giá các món đồ được bán trong quầy.

Ở Ikebukuro có 7 địa điểm mua sắm nổi tiếng, đó là:

* Seibu Ikebukuro Main Store

Trung tâm bao gồm tòa nhà phía Bắc, tòa nhà trung tâm và tòa nhà phía Nam – một thiên đường mua sắm với đầy đủ tất cả các mặt hàng từ đồ bách hóa, đồ ăn ở tầng hầm cho đến thương hiệu thời trang, nội thất ở tầng trên. Rất nhiều cửa hàng có mặt ở trung tâm bách hóa này, ở tòa nhà phía Nam còn có cửa hàng LoFt lớn nhất Nhật Bản, chiếm từ tầng 9 đến tầng 12.

Nếu du khách không có thời gian để đến chỗ này chỗ kia mua văn phòng phẩm, đồ gia dụng, mỹ phẩm hay đồ du lịch, hãy cứ đến cửa hàng “tất cả trong một” LoFt ở Ikebukuro.

* Esola Ikebukuro/Echika Ikebukuro: Một trong những điểm thu hút của trung tâm mua sắm này chính là cách bố trí đơn giản nhưng “chất”. Ở một lầu chỉ có 4 cửa hàng do đó du khách sẽ không thể nào đi lạc được đâu. Còn Echika được chia thành 5 khu vực khác nhau như thời trang, ẩm thực… Khu vực này chỉ có một tầng nhưng du khách đi bộ khám phá cũng rất vui nhộn rồi.

* Ikebukuro PARCO kế ngay bên nhà ga. Với nhiều cửa hàng bán các phụ kiện và giày dép nổi tiếng, PARCO là một trung tâm thương mại dành cho chị em phụ nữ. Một trong những đặc điểm nổi bật của khu mua sắm này chính là tầng trệt là nơi tập trung của các thương hiệu thời trang phái nữ.

* Tobu Ikebukuro: Trung tâm thương mại này tập trung cả thương hiệu quốc tế lẫn nội địa, ví dụ: Uniqlo. Từ tầng 11 đến tầng 15 là khu nhà hàng với thế giới ẩm thực đa dạng cho bạn thỏa thức tùy chọn.

* Lumine Ikebukuro có nhiều tầng nối liền với trung tâm thương mại Tobu. So với Tobu, ở Lumine Ikebukuro, du khách có thể tìm được nhiều món đồ dành cho giới trẻ hơn, cụ thể: mỹ phẩm, thời trang và những món đồ lặt vặt. Ở lầu 8 là trung tâm ăn uống với nhiều quán cafe, nhà hàng, có cả một khu nghỉ ngơi miễn phí riêng nữa, do đó, nếu du khách đã đi mua sắm mệt rồi, hãy nghỉ chân ở đây.

* Sunshine City: Đây là một khu phức hợp cực lớn có thủy cung, cung thiên văn, rạp chiếu phim, bảo tàng, trung tâm văn hóa, khách sạn và những cửa hàng khác. Chỉ cần đi bộ 5 phút từ cổng thoát phía Tây của ga Ikebukuro, đi xuống thang cuốn thì du khách đã đến Sunshine City rồi. Kế bên thang cuốn chính là cửa hàng Tokyu Hands. Điều đặc biệt là ở Sunshine City có đài quan sát Sunshine 60, từ đây du khách có thể nhìn toàn cảnh thành phố Tokyo.

* Bic Camera Ikebukuro: Bán tất tần tật tất cả các mặt hàng điện tử gia dụng, Bic Camera Ikebukuro là nhà bán lẻ điện thoại di động và các loại đồ dùng điện tử khác, nổi tiếng với mẫu mã đa dạng và hợp thời. Đối với những du khách đang tìm mua SIM card hay những món đồ lặt vặt, cửa hàng này cực kì tiện lợi. Nếu không rành tiếng Nhật, du khách cũng có thể dễ mua đồ ở đây vì Bic Camera Ikebukuro có nhiều nhân viên biết nói đủ các ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Hàn và tiếng Trung Quốc.

9. Koenji

Là khu mua sắm nổi tiếng với các mặt hàng quần áo second-hand, Koenji không chỉ có các loại quần áo cũ trong nước mà còn bán các loại quần áo cũ nhập từ các nước khác như Anh, Pháp, Mỹ, Italy… Ngoài quần áo cũ là mặt hàng chủ yếu, nơi này còn có rất nhiều các cửa hàng bán phụ kiện, thực phẩm và dịch vụ.

10. Akihabara

Đây là khu chợ điện tử nổi tiếng ở Nhật với hàng trăm cửa hàng bán đồ điện tử với mức giá thấp hơn từ 20% đến 30% so với giá thông thường. Bên cạnh các mặt hàng điện tử, Akihabara còn cung cấp các mặt hàng văn hóa đương đại Nhật Bản như: anime, manga, video game,…

11. Vịnh Tokyo

Nằm ngay trung tâm thành phố, Vịnh Tokyo là khu thương mại hoành tráng với hàng trăm cửa hàng mua sắm và giải trí. Du khách có thể dành cả ngày để lang thang các cửa hiệu, nhà hàng, quán cà phê tại đây. Ngoài ra còn có rạp chiếu phim để mọi người đến thư giãn sau khi mua sắm.

12. Odaiba

Là thánh địa mua sắm nổi tiếng ở Nhật Bản với đầy đủ các thương hiệu danh tiếng cũng như cửa hàng nhỏ, Odaiba là điểm đến rộng cửa chào đón tín đồ du lịch thích tiêu pha lẫn tiết kiệm.

13. Trung tâm nghệ nhân truyền thống Japan

Nằm trong thành phố Tokyo, đây là một địa chỉ không thể không đến nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn về văn hóa Nhật Bản.

Du khách sẽ được tìm hiểu về những món quà lưu niệm đặc biệt của Nhật như là búp bê, dù che, nón, quạt, áo kimono, túi xách… mang về làm quà sau hành trình du lịch Nhật Bản.

Tại đây, du khách sẽ xem các triển lãm thường trực về thủ công mỹ nghệ, các tạp chí truyền thống và đời sống, tìm hiểu những thông tin thủ công mỹ nghệ qua các hình ảnh, hiện vật, thư viện và video, tìm hiểu các khu vực sản xuất, các dịch vụ tiêu dùng…

KINH NGHIỆM MUA HÀNG MIỄN THUẾ Ở NHẬT BẢN

Du lịch Nhật Bản đang ở trong giai đoạn hưng thịnh thu hút nhiều du khách quốc tế. Một trong những chính sách thúc đẩy du lịch đó là cởi mở hơn trong các thủ tục mua hàng miễn thuế. Ở phần này, chúng tôi xin chia sẻ cụ thể về những kinh nghiệm mua hàng miễn thuế ở Nhật để các du khách có thể tham khảo khi mua sắm:

1. Đối tượng và điều kiện mua hàng miễn / hoàn thuế

Đối tượng được mua hàng miễn thuế ở Nhật là khách du lịch ngắn ngày ở đây. Mọi đối tượng khác từ công dân Nhật Bản, hay người nước ngoài sinh sống, làm việc, du lịch ở đây trên 6 tháng đều không được áp dụng ưu đãi này.

Điều kiện: Với các mặt hàng hóa mỹ phẩm, đồ ăn, thức uống hay thuốc bổ thì du khách phải mua ít nhất từ 5.000 Yên trở lên và không được mua quá 500.000 Yên trong một ngày tại cùng một địa điểm thì mới đủ điều kiện để được hoàn thuế. Với những mặt hàng điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng thì mức mua tối thiểu của du khách phải trên 10.000 Yên mới được giảm thuế, Chính phủ Nhật không có quy định về hạn mức tối đa cho những mặt hàng này. Du khách cũng không được kết hợp hàng tiêu dùng và hàng hóa khác vào hóa đơn để được hoàn thuế. Vì vậy, một hóa đơn mà có 4.000 Yên mua hàng tiêu dùng và 6.500 Yên các hàng hóa khác thì cũng không được miễn.

2. Phần trăm thuế được miễn giảm khi mua hàng

Theo thông lệ cơ bản thì khi mua hàng miễn thuế tức là du khách được miễn toàn bộ thuế tiêu dùng tương ứng với 8%, và tại Nhật Bản nhiều cửa hàng của các hãng lớn như Uniqlo, các Drug Store sẽ giảm cho du khách toàn bộ 8%, nhưng có nhiều nơi lại tính phí đi làm thủ tục và trừ bớt của du khách 1-2% do vậy du khách hãy chuẩn bị tâm lý trước là sẽ được giảm ít nhất là 5% cho mặt hàng mình mua nhé!

Ngoài việc được miễn thuế tiêu dùng, một vài cửa hàng còn áp dụng chính sách riêng của họ để giảm giá thêm cho du khách. Ví dụ, du khách sẽ được giảm thêm 6% nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng của VISA tại các cửa hàng điện máy, hoặc giảm thêm 5% khi mua sắm tại chuỗi cửa hàng Tokyu Hands.

3. Những mặt hàng được mua miễn / hoàn thuế

Hầu hết tất cả các mặt hàng du khách cần mua khi đi du lịch Nhật Bản đều được hoàn lại thuế như điện máy, điện tử, gia dụng, mỹ phẩm, thuốc bổ, quần áo… Nên du khách không cần quá lo lắng khi phải cân nhắc nên mua gì hay không mua gì để được miễn thuế tiêu dùng.

4. Các địa điểm mua hàng miễn / hoàn thuế ở Nhật Bản

Du khách nên nhớ là không phải bất kỳ cửa hàng nào khi du khách mua hàng họ cũng miễn thuế cho du khách nhé! Du khách chỉ được miễn thuế nếu mua sắm tại những cửa hàng có dán sticker hoặc để bảng ghi “Tax Free”, “Tax Refun” phía trước cửa. Tuy nhiên, tại Nhật Bản không chỉ là các cửa hàng miễn thuế, các chuỗi cửa hàng, cửa hàng bách hóa lớn mà ngay cả một số cửa hàng nhỏ cũng áp dụng mặt hàng mua sắm miễn thuế. Du khách nên hỏi trước khi mua sắm.

5. Thủ tục hoàn thuế

Bước 1: Lựa hàng có tổng giá trị ít nhất 5.000 Yên (chưa gồm thuế) trên 1 hoá đơn – hoá đơn không gộp hàng general và hàng tiêu dùng.

Bước 2: Mang đồ đến quầy thanh toán có đề biển TAX FREE cùng với hàng đã chọn + hộ chiếu + thẻ thanh toán/tiền mặt.

Bước 3: Thuế được hoàn trực tiếp trên hóa đơn nên phần tiền trả chỉ là giá chưa gồm thuế.

Bước 4: Hàng hoá mua xong được nhân viên quầy bọc và dán kỹ càng – “BẠN KHÔNG ĐƯỢC MỞ TÚI RA” – Du khách được phép bỏ túi đồ này vào hành lý ký gửi và gửi luôn ở sân bay. Giấy tax-free đính trong hộ chiếu sẽ được nhân viên quầy hải quan (sau khi qua cổng an ninh) kiểm tra và thu lại tại ngay quầy làm thủ tục.

6. Những lưu ý quan trọng

– Không được sử dụng ngay những hàng hóa giảm thuế đã mua: Theo quy định của Nhật Bản thì khi du khách mua hàng miễn thuế thì hàng hóa sẽ được đóng gói cẩn thận và chỉ được sử dụng khi đã về nước, quy định này đề ra nhằm hạn chế việc người dân trong nước mượn passport du khách để mua hàng trục lợi. Tuy nhiên chính những quy định này gây khó khăn cho các du khách khi họ muốn dùng luôn hàng hóa mới mua hoặc sắp xếp vào hành lý để mang về cho tiện. Nhưng du khách cũng không nên quá bận tâm do tại Nhật Bản không có cơ quan nào kiểm tra việc này nên du khách hoàn toàn có thể sử dụng mà không gặp phải bất kỳ khó khăn gì.

– Số lượng hàng hóa bị giới hạn: Một lưu ý khá quan trọng khi du khách mua sắm hàng miễn thuế ở Nhật Bản là bị hạn chế về số lượng. Nếu du khách mua hàng tại các drug store (Nơi chuyên bán mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc da, làm đẹp, thực phẩm chức năng…) thì có khá nhiều mặt hàng du khách không được mua nhiều như lotion. Một người không được mua qua 3 chai, nhưng nếu du khách đi với một nhóm thì số lượng mua tối đa sẽ là 3 nhân với số người có trong nhóm.

Với những kinh nghiệm mua sắm tại Nhật Bản như chúng tôi đã chia sẻ trên đây, hi vọng du khách đã chuẩn bị thêm cho mình hành trang bổ ích để bắt đầu tour du lịch Nhật Bản nhiều ý nghĩa và vui vẻ. Hãy liên hệ với chúng tôi để biết thêm chi tiết và lựa chọn cho mình lịch trình phù hợp nhất nhé!