Campuchia là vùng đất của các danh lam thắng cảnh và là nơi có nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng bậc nhất. Trong đó phải kể đến Hoàng cung Campuchia – nơi cư ngự của Quốc Vương, gia đình thuộc hoàng tộc, và cũng là nơi diễn ra các nghi lễ hoàng gia, nghi thức quốc gia. Không chỉ có vậy đây còn là điểm tham quan hấp dẫn bao gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau tọa lạc trong một khuôn viên rộng lớn. Hãy cùng chúng tôi ghé thăm nơi này trong chuyến du lịch Campuchia nhé!
Hoàng cung Campuchia có tên tiếng Anh là Royal Palace và theo tiếng Khmer là Preah Barom Reachea Veang Chaktomuk. Quần thể kiến trúc này được ví von như một viên ngọc quý nằm ngay trung tâm thủ đô Phnom Penh, là một tổ hợp các công trình kiến trúc kiên cố gồm nhiều tháp cao chót vót – một phong cách kiến trúc không thể lẫn vào đâu được của đất nước chùa Tháp.
Hoàng cung Campuchia được xây dựng vào năm 1866 sau khi vua Norodom dời kinh đô từ Oudong về Phnom Pênh, có tên gọi đầy đủ theo tiếng Khmer là Preah Barom Reachea Vaeng Chaktomuk. Đến năm 1871, Cung điện được xây dựng hoàn chỉnh, nhưng đến năm 1873, bức tường bao xung quanh mới được xây xong, toàn bộ công trình mới chính thức hoàn thành. Nhiều năm sau đó, một số công trình khác được tiếp tục xây dựng hoặc phá đi xây mới.
Cấu trúc của Hoàng cung chia thành nhiều khu vực như Điện Khánh Tiết, Điện Phochani, Chùa Bạc,… mỗi công trình đều đảm nhiệm vai trò và chức năng riêng biệt như phục vụ đời sống sinh hoạt của hoàng thất, quan khách nước ngoài, hay phục vụ các buổi thiết triều, các nghi thức ngoại giao và các nghi lễ cung đình quan trọng,…
Đến thăm Hoàng cung Campuchia, có rất nhiều điểm nổi trội làm du khách phải trầm trồ. Tiêu biểu nhất có thể nói là Chùa Bạc, toạ lạc ở phía bên phải Cung điện Hoàng gia, là nơi lưu giữ những bảo vật vô giá của đạo Phật; cũng như lịch sử của những vật dụng khác nhau từ các đời vua, đặc biệt là tượng Phật đứng làm bằng vàng tạc vào năm 1906 (tượng nặng 90kg và có gắn 9584 viên kim cương). Ngoài ra, đây cũng là nơi quốc vương nghe các vị hoà thượng giảng đạo, cũng như tổ chức các nghi lễ trang nghiêm.
Khác với nét đẹp cổ kính, cùng sự linh thiêng của Chùa Bạc, vẻ đẹp rất riêng của Điện Khánh Tiết như thu phục tầm nhìn của bất cứ ai khi đến tham quan cung điện. Điện Khánh Tiết được xây dựng 2 lần, lần đầu tiên xây dựng năm 1869 đến 1870 mới hoàn thành xây dựng hoàn toàn bằng gỗ dưới thời vua Norodom. Đến thời vua Sisowath ông đã cho phá hủy vào năm 1915 và khởi hành xây lại vào năm 1917 đến năm 1919 mới hoàn thành, chính là tòn nhà hiện nay vẫn còn và đưa vào khai thác du lịch.
Tòa nhà của Điện Khánh Tiết có diện tích là 30*60 được xây dựng theo hướng Đông – hướng mặt trời mọc nên buổi sáng nhìn rất rực rỡ. Trần nhà mái vòm được trang trí bằng hoa văn độc đáo và đầy tính nghệ thuật diễn tả truyền thuyết Reamker (sử thi Ramayana đã Khmer hoá), toà nhà hình chữ thập được viền 3 mái chóp với mái chóp trung tâm cao 59m màu trắng. Phía trong có ngai vàng cùng 4 bức tượng bán thân của các vị vua ngày trước; phía bên trái của toà điện có một ngai vàng hình dạng một cây kiệu cáng; một bức tượng đồng bằng người thật của vua Sisowath trong biểu chương hoàng gia, khiến người xem không khỏi thán phục vì sự cầu kỳ nhưng không mất đi vẻ tinh tế đặc trưng.
Nếu như Điện Khánh Tiết thể hiện sự lộng lẫy, thì Điện Phochani lại mang một nét đẹp rất trầm lắng và khá gần gũi, có lẽ một phần là bởi thiết kế xây dựng được thực hiện bởi những nghệ nhân làm mộc nổi tiếng đến từ làng Diệc Hưng Hà, Thái Bình, Việt Nam. Khánh thành từ năm 1912, Điện Phochani là một sân khấu rộng lớn được dùng vào mục đích biểu diễn nghệ thuật cung đình. Ngày nay, nơi này được sử dụng chủ yếu làm nơi đón tiếp và tổ chức hội nghị hoàng gia.
Ngoài ra Hoàng cung Campuchia còn có nhiều công trình khác như Điện Hor Samran Phirun, Điện Hor Samrith Phimean, Điện Napoleon III, Điện Damnak Chan,Sân khấu Chanchhaya, vườn hoa… Nếu du khách còn nhiều thời gian hãy cũng nên tham quan những công trình này nhé!
Điện Hor Samran Phirun được xây dựng 1917, từng là nơi nghỉ ngơi, thư giãn của Quốc vương và là nơi ông đợi để cưỡi voi trong các dịp lễ của Hoàng gia. Ngày nay, điện này là nơi cất giữ nhạc cụ, đạo cụ biểu diễn cũng như trưng bày quà tặng của các nhà lãnh đạo trên thế giới tặng cho Quốc vương và Hoàng gia Campuchia.
Điện Hor Samrith Phimean được xây dựng 1917 là nơi trưng bày các trang phục và vật tượng trưng của hoàng gia, này nay là nơi trưng bày các trang phục của vua chúa, hoàng hậu, chén bát và các trang phục cung nữ trong suốt một tuần lễ cũng được trưng bày tại đây.
Điện Napoleon III được xem là công trình khác biệt so với các công trình mang phong cách Khmer xung quanh. Ngôi điện trên thực tế là công trình xây dựng vĩnh cửu đầu tiên trong khu vực Hoàng Cung, được xây dựng hoàn toàn bằng sắt. Nó là một công trình độc đáo dành cho nữ hoàng Eugenie nước Pháp, vợ vua Napoleon III, năm 1869 từng được sử dụng trong lễ khánh thành kênh đào Suez. Năm 1876, hoàng đế Napoleon III gửi tặng nhà vua Norodom. Các biểu tượng hoàng gia với chữ “N” trên các cửa và các mặt của ngôi nhà vinh danh Napoleon đã không cần phải đổi lại khi ngôi nhà được tặng cho nhà vua Norodom (tên của nhà vua cũng bắt đầu bằng chữ N). Ngôi nhà được trùng tu vào năm 1991 với sự trợ giúp tài chính từ Chính phủ Pháp. Ngôi điện này ngày nay được sử dụng làm một bảo tàng nhỏ, trưng bày các bức ảnh và những sự kiện đáng nhớ của hoàng gia. Tuy nhiên, nó không được mở cửa cho du khách vào bên trong mà chỉ được chiêm ngưỡng bên ngoài. Chụp ảnh toàn cảnh ngôi điện đẹp nhất là vào buổi sáng sớm.
Điện Damnak Chan được xây dựng năm 1953 dành riêng cho Hội đồng cao cấp của nhà vua. Ngôi điện được sử dụng làm trụ sở của Bộ Văn hoá trong những năm 1980 và Ủy ban cấp cao quốc gia Campuchia từ năm 1991- 1993. Ngày nay, điện này được sử dụng làm nơi làm việc của hoàng cung.
Damnak Chan thể hiện một số mặt không hợp lý của sự pha trộn phong cách nghệ thuật phương Tây và nghệ thuật truyền thống người Khmer. Sự pha trộn kiến trúc bất hợp lý thể hiện rõ ràng nhất là mái nhà mang phong cách kiến trúc Khmer nhưng tường bao quanh lại mang phong cách kiến trúc phương Tây. Điện không mở cửa cho du khách mà chỉ ngằm nhìn từ xa.
Sân khấu Chanchhaya được xây dựng 2 lần, dưới thời vua Norodom xây dựng bằng gỗ, đến năm 1913 công trình này đã được vua Sisowath tái tạo và xây dựng công trình giống thiết kế ban đầu. Sân gấu Chanchhaya còn gọi là sân khấu Ánh Sáng, sân khấu là nơi biểu diễn các điệu múa cung đình, cũng là nơi diễn ra các bữa tiệc lớn trong cung đình, đôi khi cũng dùng là nơi để vua diễn thuyết cho nhân dân.
Vườn hoa Hoàng cung là nơi tập hợp nhiều cây kiểng quý và đẹp mắt. Hoàng Cung thu hút khách tham quan cũng nhờ vào khu vực trồng hoa cảnh được chăm chút kỹ lưỡng. Ngay cửa ra vào có trồng rất nhiều cây Sala – một loại cây của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Khu vực phía trong trồng rất nhiều cây bò cạp vàng và cây si trên trăm tuổi to lớn.
Trong chuyến tham quan Hoàng cung Campuchia, du khách cần lưu ý một số quy định như:
– Du khách ăn mặc chỉnh tề, không được phép mặc quần ngắn trên đầu gối, áo thun sát nách, hở hang, cấm mang theo súc vật, vũ khí và dép lê.
– Điện Khánh Tiết và Chùa Bạc không được phép mang dép vào.
– Điện Khánh Tiết không được ồn ào và cấm không chụp hình, quay phim.
– Hoàng Cung mở cửa hàng ngày từ 07h30 – 11h30/ 14h00 – 17h00. Toàn bộ khu hoàng cung sẽ đóng cửa khi tổ chức các nghi thức ngoại giao hoặc ngày lễ truyền thống.
Du lịch Campuchia và đến thăm Hoàng cung, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp chân thực nhất của nó hơn là chỉ được nghe mô tả qua thông tin. Bởi Hoàng cung Campuchia ẩn chứa những nét đẹp tinh tế của kiến trúc văn hóa Khmer cổ trong từng đường nét họa tiết trang trí và vẻ đẹp tráng lệ, lung linh của công trình độc đáo này.