Trong tiếng Hàn có một từ khá đặc biệt, đó là từ “Uri”, dịch nôm na có nghĩa là “của chúng ta”. Người Hàn thường dùng từ “Uri” để nhắc đến một thứ gì đó thuộc sở hữu chung của một nhóm người hay thậm chí là của cả cộng đồng. Từ “Uri” có lịch sử lâu đời và sức sống nội sinh vô cùng mạnh mẽ trong văn hóa sinh hoạt của người dân “xứ Kim Chi”.

Theo các chuyên gia ngôn ngữ, từ “Uri” xuất phát từ “ul-tha-ri” với nghĩa là (hàng rào, hàng giậu). Cũng giống như nét văn hóa của người Việt, người Hàn từ xưa cũng dựng những hàng rào để quây quanh nuôi gia súc hoặc trồng những câu leo. Hình ảnh đó tượng trưng cho tinh thần tập thể, đoàn kết, gắn bó đấu tranh trong cuộc sống sinh tồn. Khi dùng “Uri” khi giới thiệu về đất nước, gia đình sẽ không còn cảm giác nghe tách biệt là của anh hay của tôi và tạo nên không khí thân thiện, hòa đồng. Hàn Quốc đang cho cả thế giới thấy một dòng chảy văn hóa quốc gia lan tỏa mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Và văn hóa Hàn Quốc chính là tài sản chung của quốc gia mà mỗi công dân đều có quyền sở hữu cũng như có trách nhiệm giữ gìn, truyền bá, phát huy. Và từ “Uri” chính là một “khẩu đại pháo dùng để truyền bá văn hóa Hàn Quốc”, “đại diện cho tinh hoa dân tộc” của xứ Hàn, là sự thể hiện cho “văn hóa mang tính cộng đồng cao” của người Hàn Quốc.

Xứ Hàn đã qua rồi cái thời phong kiến, lạc hậu nhưng người dân vẫn giữ lại những giá trị đạo đức tốt đẹp của quá khứ, đơn cử là Nho giáo từ Trung Quốc. Theo đó, họ quan niệm mỗi cá nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều phải đặt lợi ích của cả tập thể, xã hội lên làm trọng, điều gì tốt cho tập thể chắc chắn cũng sẽ tốt cho cá nhân. Nét văn hóa cộng đồng này được hình thành qua chiến tranh. Khi đó, người Hàn Quốc đã phải dựa dẫm vào nhau để sống sót. Các nghiên cứu từ những năm 1900 cũng cho thấy người Hàn Quốc sẽ quan trọng mọi người xung quanh và gia đình hơn là những trải nghiệm riêng biệt của bản thân. Chính vì lẽ đó nên đất nước là của chung, của chúng ta, không ai có quyền sở hữu nó cho riêng mình. Tương tự như trường học, nhà cửa dù cho đích thân bỏ tiền ra mua, người đó cũng không được gọi là của mình và sẽ bị cho là tự phụ. Vợ là của mình nhưng vẫn phải nói là vợ của chúng ta bởi vì không chỉ có mỗi anh là có vợ.

“Văn hóa Uri” thể hiện tình yêu nước của người Hàn Quốc. Mỗi người sinh ra đều mang trong mình trách nhiệm to lớn đối với đất nước và dân tộc. Vì lẽ đó mà người Hàn luôn ưu tiên sử dụng những sản phẩm “cây nhà lá vườn” do đồng bào của mình làm ra. 

Trong “văn hóa Uri”, tinh thần tự tôn dân tộc không cho phép cá nhân nào làm tổn hại đến lợi ích đất nước. Ngược lại, nếu cá nhân nào đem lại danh tiếng và sự vẻ vang cho Hàn Quốc thì sẽ được tung hô như người hùng. 

Người Hàn Quốc coi trọng những buổi sum họp gia đình. Ngoài Tết Nguyên Đán thì dịp họ quây quần cùng nhau là Chuseok hay còn gọi là Tết Trung thu. Đây cũng là kỳ nghỉ dài nhất trong năm của người dân bởi Chính phủ cũng tạo điều kiện cho họ trở về và quây quần với gia đình. Vào những dịp này, người Hàn không chỉ tụ họp gia đình mà còn chuẩn bị những mâm cúng để dâng lên cho tổ tiên để thể hiện sự biết ơn dành cho những người đi trước.

Như vậy, “văn hóa Uri” luôn nhắc nhở mỗi người Hàn Quốc rằng họ là một cộng đồng có chung nghĩa vụ là cùng nhau mang lại lợi ích cho tập thể, không chỉ cho gia đình của riêng mình mà cho toàn thể dân tộc và đất nước.

“Văn hóa Uri” cùng với những nét văn hóa đặc sắc của Hàn Quốc đã góp phần thu hút khách du lịch gần xa tìm đến để khám phá và tìm hiểu về xứ sở xinh đẹp này. Hãy đến du lịch Hàn Quốc để có những trải nghiệm thú vị nhé!