Tín ngưỡng “lên đồng” – một phần trong văn hóa của người Hàn

Giữa các nước châu Á có khá nhiều nét tương đồng khi người ta thường hướng đến đời sống tâm linh với những hi vọng, những tôn kính về đấng thiêng liêng sẽ luôn che chở, bảo hộ cho đời sống của họ. Ở Hàn Quốc từ xa xưa cũng đã có một tín ngưỡng truyền thống đó là “lên đồng”. Tuy ngày nay tập tục này đã bị cho là mê tín dị đoan và còn lại rất ít những người hành nghề “lên đồng” nhưng nó vẫn là một phần trong văn hóa của người Hàn. 

Musok – văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống của Hàn Quốc

Hàn Quốc gọi tín ngưỡng “lên đồng” là Musok và nghi lễ của tín ngưỡng “lên đồng” này là Gut. Từ xa xưa, người Hàn đã tin rằng thần linh tồn tại trong mọi sự vật trên thế gian. Vậy nên, tại các nghi lễ cúng tế thần hoàng làng và thần canh giữ thổ công của gia đình của người Hàn Quốc đều có sự xuất hiện của thầy đồng. Trong những lúc gia đình có chuyện đại sự, chuyện buồn hay có người đau ốm, họ cũng tìm tới thầy đồng để xin hóa giải.

tin nguong len dong cua han quoc 2

Đây là một loại tín ngưỡng dân gian truyền thống có ý nghĩa nhất định và tầm quan trọng trong cuộc sống tâm linh của người dân Hàn Quốc. Ở một số nơi, đặc biệt là các vùng nông thôn, người dân vẫn mời “thầy đồng – Shaman” về để cúng khi nhà có chuyện không may xảy ra. Thỉnh thoảng khi đến các làng quê Hàn Quốc, khách du lịch vẫn có thể chứng kiến một buổi lễ lên đồng sinh động.

Shaman của tín ngưỡng Hàn Quốc

Trong văn hóa tín ngưỡng dân gian ở Hàn Quốc, nhắc đến pháp sư thường sẽ là những người gắn liền với một loại hình tín ngưỡng dân gian độc đáo – Shaman giáo. Shaman giáo là một tín ngưỡng dân gian bản địa tại Hàn Quốc hiện diện trong đời sống tâm linh của người dân từ thời tiền sử, tuy nhiên đây vẫn không phải là tín ngưỡng duy nhất và chủ đạo của Hàn Quốc.

Trong Shaman giáo, những người hành nghề được gọi là pháp sư – shaman, họ là những người có khả năng đặc biệt, có thể giao tiếp được với thế giới thần linh, ma quỷ, có thể mời gọi những lực lượng này đến hoặc xua đuổi họ đi. Shaman là những người giúp truyền đạt tâm nguyện của người sống đến thế giới tâm linh và ngược lại, truyền mệnh lệnh của thần linh đến người đang sống.

tin nguong len dong cua han quoc 4

Ở Hàn Quốc, có hai loại pháp sư được gọi là Mu Dang – pháp sư nữ và Pak Su – pháp sư nam. Nhưng phần lớn là những pháp sư nữ hoạt động trong lĩnh vực này. Trong Mu Dang lại được chia ra làm 2 loại là Kang Sin Mu và Se Seum Mu. Sự phân chia này dựa trên “nguồn gốc quyền năng” của họ. Kang Sin Mu là những người có khả năng nói được tiếng nói của linh hồn tổ tiên trong khi Se Seum Mu là những Mu Dang được mẹ truyền nghề và được thừa kế vị trí của mẹ.

Âm nhạc “lên đồng” và lễ cúng cầu siêu vùng miền trong dân gian Hàn Quốc

Jindo Ssitkimgut (Cúng cầu siêu của vùng đảo Jindo) là di sản văn hóa phi vật thể quan trọng số 72 của Hàn Quốc, nó mang ý nghĩa là cầu khấn tẩy rửa mọi oán hận ở đời để hương hồn người chết được siêu thoát và lên với cõi cực lạc. Đóng góp cho dòng nhạc tế lễ “lên đồng” chủ yếu có phong cách hát bài chòi Pansori, Sinawi và Sanjo. Trong thời kì Nhật đô hộ và Cải cách làng văn hóa mới, nhiều tín ngưỡng địa phương và Gut đã bị coi là mê tín dị đoan và bị ngăn cấm truyền bá nên đã phai mờ dần. Vùng Jindo đã và đang phát huy tinh thần bảo tồn lưu truyền văn hóa truyền thống dân tộc. Thời nay, chúng ta vẫn có thể bắt gặp các nghi lễ cúng cầu siêu tại nhiều đám tang vùng Jindo.

Ngoài dòng nhạc cúng cầu siêu vùng Jindo ra, không thể không nhắc đến dòng nhạc cúng cầu siêu vùng Seoul, tiêu biểu là bài Barigongju. Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa có một vị vua sinh thành được 7 nàng công chúa, vì quá bực tức nên nhà vua đã đem vứt bỏ nàng công chúa út. Ngày tháng trôi qua, nhà vua lâm bệnh nặng và phải uống thuốc thần lấy từ diêm vương về thì mới mong cứu được mạng sống. Sáu nàng công chúa chị và mọi cận thần đều từ chối xuống Diêm Vương tìm thuốc cho nhà vua. Duy chỉ có nàng công chúa út, người bị nhà vua vứt bỏ, hắt hủi, đã chấp nhận vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy để tìm được thuốc quý về cứu phụ hoàng. Nhờ công này mà công chúa út được phong làm thần tổng quản diêm vương. Câu chuyện Baridyegi chính là một nhạc phẩm của dòng nhạc cúng cầu siêu vùng Seoul. Nội dung các bài hát cúng cầu siêu của Hàn Quốc bao hàm cả các câu truyện thần thoại dân gian.

tin nguong len dong cua han quoc 3

Gut không chỉ là âm nhạc được tấu trong các lễ cúng cầu siêu mà còn được chơi cả trong các lễ cầu khấn bình an, thịnh vượng cho làng mạc. Bây giờ, chúng ta sẽ cùng đến với dòng nhạc Donghaean Byeonsingut, di sản văn hóa phi vật thể quan trọng số 82 của Hàn Quốc. Donghaean Byeonsingut là lối hát Gut của khu vực kéo dài từ Goseong Gangwon qua Dongnae Busan tới tận phía đông dãy núi Taebaek. Ở khu vực này, làng nào cũng có đền thờ thần thổ công làng gọi là Golmaegidang. Tại đền thờ, mỗi năm hoặc 2 đến 3 năm một lần, lại diễn ra lễ cầu nguyện cho sự thái bình, giàu sang và no ấm của dân làng. Khu vực này nằm dọc ven biển, nên các bài hát cầu xin thần linh cho người dân đánh bắt được nhiều cá xuất hiện khá nhiều như Pungoje, Pungogut và Golmaegije.

Nói đến tín ngưỡng lên đồng, chúng ta thường liên tưởng tới cảnh người ngồi đồng rơi vào trạng thái nhập đồng, hay bị vong hồn người khác nhập vào để phán bảo. Nhưng ở vùng duyên hải Donghaean và Namdo của Hàn Quốc, lên đồng đã trở thành nghề cha truyền con nối. Thầy đồng chủ yếu là phụ nữ, nam giới thì chuyên chơi nhạc. Thế nên lên đồng đã vượt xa cái gọi là tín ngưỡng và trở thành một mạch nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Hàn Quốc. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa hát, nhạc và múa. Giờ đây, các tác phẩm của dòng nghệ thuật này rất phong phú đa dạng. Ví như nhạc phẩm Sejongut trong dòng Donghaean. Lời bài hát là nội dung truyền thuyết Danggeumahgi. Chuyện kể rằng Danggeum là người con gái được cưng chiều nhất trong gia đình. Sau khi phải lòng và có thai với một nhà sư, Danggeum bị gia đình ruồng bỏ. Nhưng về sau này, Danggeum đã trở thành vị thần bảo hộ cho bà mẹ và trẻ sơ sinh có tên là Samsin mà người Việt Nam vẫn quen gọi là Bà Mụ.

Ở Hàn Quốc đã từng trình chiếu một bộ phim với nhan đề “Thank you master Kim-Cảm ơn thầy Kim”. Bộ phim kể về chuyện một nghệ sĩ trống quốc tịch Úc, vô tình nghe được khúc nhạc của một người Hàn Quốc. Người nghệ sĩ trống đã cất công lặn lội tìm đến tận đất nước này để học về âm nhạc Hàn Quốc. Nhân vật chính của bộ phim do nghệ sĩ Kim Seok-chul đảm nhận. Sinh ra và lớn lên là một thầy đồng, chịu bao sự dè bỉu, kì thị, hắt hủi của người đời, nhưng nghệ sĩ Kim Seok-chul vẫn một lòng cầu nguyện cho vận mệnh và phúc lộc của mọi người. Trong cái gọi là tín ngưỡng đó hàm chứa một giá trị thanh cao và tính nghệ thuật của thời đại.

“Lên đồng” bị cho là mê tín dị đoan nhưng nó từng là một tín ngưỡng truyền thống lâu đời của người Hàn Quốc. Nếu du khách yêu đất nước và văn hóa “xứ sở Kim Chi” thì hãy đặt ngay cho mình một tour du lịch Hàn Quốc của Viet Viet Tourism để cơ hội khám phá những điều độc đáo có ở mảnh đất xinh đẹp này nhé!