Hoa cúc là loài hoa đại diện cho mùa thu ở Nhật Bản. Xét về tính văn hóa, từ xa xưa, người Nhật đã xem hoa cúc là biểu tượng quan trọng mang những ý nghĩa đặc biệt. Chính vì vậy mà khi Nhật Bản bước vào mùa thu với những hàng cây, cánh rừng bắt đầu chuyển mình thay lá, rủ bỏ sắc xanh và mang lên chiếc áo mới bằng những gam màu sặc sỡ đỏ, cam, vàng thì lễ hội Hoa cúc (lễ hội Choyo) được diễn ra.
Lễ hội Choyo được tổ chức trong hơn một tháng từ 15/10 tới 23/11 hàng năm tại đền Kasama Inari, thuộc thành phố Kasama, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản. Đây là lễ hội truyền thống có từ hơn một trăm năm qua nhằm tôn vinh cảnh đẹp mùa thu ở Nhật, ứng với loài hoa cúc, một loài hoa phổ biến bên cạnh hoa anh đào. Quy tụ hơn 300 loài hoa cúc khác nhau, với đủ màu sắc, hình dáng.
Mặc dù bắt nguồn từ Trung Quốc, tuy nhiên, hoa cúc và hoa anh đào đều trở thành những loài hoa chính thức của người Nhật. Trong đó, hoa cúc được người Nhật gọi là hoa Cát Tường, biểu thị cho sự trường thọ, thanh xuân bất tử, cũng được sử dụng làm dược thảo chữa bệnh. Ngoài ra, hoa cúc còn được cho là gắn kết với Hoàng gia Nhật, cánh hoa cúc được dùng làm hình tượng của Huy chương Nhật Bản. Hoàng gia Nhật thường tổ chức một bữa yến tiệc thịnh soạn chỉ để thưởng ngoạn hoa cúc nở rực rỡ vào đúng ngày Hội hoa cúc (Choyo).
Lễ hội Hoa cúc được bắt đầu từ năm 1908 do vị chủ trì của ngôi đền Kasama Inari khởi xướng nhằm xoa dịu nỗi đau sau chiến tranh. Từ đó, như đã thành thông lệ, mỗi năm lễ hội thường diễn ra từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 tại chính ngôi đền này. Và hoa cúc dùng trong lễ hội do học sinh các trường và người dân trong thành phố trồng rồi gửi đến đền. Mỗi năm lễ hội đều có chủ đề riêng, đều xoay quanh cuộc sống của người dân và các nhân vật lịch sử.
Tại lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào thế giới của hoa cúc. Được chiêm ngưỡng những loại hoa cúc lạ, tuyệt đẹp trong ánh nắng dịu dàng của mùa thu Nhật Bản.
Điểm nhất đặc biệt nhất lễ hội là hàng trăm con búp bên được khoác lên người trang phục kết bằng hoa cúc lộng lẫy với các gam màu tươi sáng và thanh thoát, mỗi năm thu hút nhiều hơn lượt khách tới tham quan.
Ở Nhật Bản, búp bê hoa cúc được gọi là Kiku Ningyo. Nghệ thuật làm búp bê bằng hoa cúc sống từ lâu đã trở thành một ngành thủ công, nghệ thuật truyền thống đặc sắc và duy nhất của Nhật Bản. Để rồi, cứ mỗi mùa thu đến, các nghệ nhân lại dâng hiến cho đời những kiệt tác bất hủ nhằm tôn vinh sắc đẹp của mùa thu.
Bằng bàn tay khéo léo và tinh tế của mình, các nghệ nhân đã “phù phép” cho những con ma-nơ-canh cứng ngắc thành những con búp bê làm từ hoa cúc sống với kích cỡ như người thật, trông rất sống động. Chính giữa bộ khung mỗi con búp bê sẽ là một khối xoắn làm từ rễ và thân cây cúc sống, chỉ để lại những bông hoa ở mặt ngoài khung, mang lại cho người xem một ấn tượng khó phai.
Hàng ngày các nghệ nhân tưới nước và chăm sóc cầu kỳ nhằm kéo dài thời gian tươi lâu của các búp bê hoa. Sự thăng hoa và tàn úa của Kiku Ningyo phản ánh các mùa trong văn hóa nhân loại. Với Kiku ningyo, nghệ thuật búp bê làm từ hoa cúc sống đã toát lên được phong cách sống của người Nhật – kiên nhẫn, tinh tế và cầu kỳ.
Sự độc đáo của lễ hội hoa cúc (Choyo) dần thu hút du khách khắp nơi về tham quan. Giờ đây lễ hội này không chỉ thu hút người dân Nhật, mà còn thu hút một lượng lớn khách du lịch nước ngoài. Nếu du khách tham gia tour du lịch Nhật Bản vào mùa thu và đến với lễ hội Choyo, chắc chắn vẻ đẹp của hoa cúc sẽ khiến du khách phải mê mẩn.