Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia có nhiều phong cảnh đẹp và không thể không kể đến quần thể kiến trúc phật giáo chùa Horyuji. Nơi đây từng được xem là quốc bảo và là chiếc nôi phật giáo của đất nước Nhật Bản xinh đẹp. Nếu du khách có dịp du lịch Nhật Bản, đừng quên dành thời gian ghé đến chiêm ngưỡng cảnh đẹp trầm mặc của quần thể kiến trúc này.
Quần thể kiến trúc Phật giáo chùa Horyuji được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm vào năm 2003. Đây là một trong những điểm tham quan Nhật Bản nổi tiếng trên thế giới; hàng năm chào đón hàng triệu lượt du khách cả trong và ngoài nước.
Quần thể kiến trúc Phật giáo chùa Horyuji được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 7 theo lệnh của Thánh Đức Thái tử Shotokubao, người đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc truyền bá Phật giáo vào Nhật Bản. Quần thể này bao gồm 48 vật thể và kiến trúc thuộc chùa Horyuji và chùa Hokiji ở thị trấn Ikaruga, tỉnh Nara. Phần chính điện, cổng trong và một phần của hành lang bao quanh của ngôi chùa được làm từ những loại gỗ lâu đời nhất trên thế giới, có niên đại khoảng cuối thế kỷ thứ 7 đầu thế kỷ thứ 8. Những kiệt tác kiến trúc bằng gỗ không chỉ quan trọng đối với lịch sử nghệ thuật, minh họa cho sự thích nghi của kiến trúc Phật giáo Trung Quốc vào bố trí văn hóa Nhật Bản, mà còn đối với lịch sử của tôn giáo, vì quá trình hình thành của những di tích này trùng hợp với thời điểm du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản từ Trung Quốc bằng cách qua bán đảo Triều Tiên.
Phần lớn du khách đến đây để chiêm bái kho tàng tượng Phật lâu đời và tuyệt đẹp, vô cùng quý giá đối với nền văn hoá Phật giáo Nhật Bản. Ngoài ra, du khách đến tham quan khu quần thể này còn có dịp chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc chùa chiềng, lăng tẩm mềm mại, đẹp tinh tế; cũng như mở mang tầm mắt với bảo tàng cổ vật lớn của Nhật Bản, với nhiều di sản được xếp hạng bảo vật quốc gia.
Trong số các công trình trong quần thể này, đáng chú ý nhất phải kể đến chùa Horyuji (Pháp long tự) với các toà kiến trúc bằng gỗ có tuổi đời cổ nhất thế giới, mang đậm nét đẹp cổ xưa, bình dị. Đây cũng là nơi diễn ra các nghi lễ thờ cúng nhiều nhất và lớn nhất tại Nhật Bản. Và chùa Hokkiji với tượng Bồ tát Quán Thế Âm 11 mặt độc đáo, linh thiêng và vô cùng sống động.
Có thể nói chùa Horyuji là một bảo tàng cổ vật lớn của Nhật Bản với nhiều di sản được xếp hạng bảo vật quốc gia. Chùa gồm có Già lam Tây viện và Già lam Đông viện. Tây viện không phải là một tòa nhà mà là một tu viện lớn, gồm trung tâm là Kim đường (điện thờ chính của tự viện với màu sắc chủ đạo là màu vàng), Ngũ trùng tháp (tòa tháp 5 tầng), Trung môn được bao bọc bởi một hệ thống hành lang xây dần thêm cho đến thế kỷ 13. Già lam Đông viện với trung tâm là Mộng điện có niên đại cuối thế kỷ thứ 8 cũng được bao bọc bởi một hệ thống hành lang.
Ngũ Trùng tháp và Kim đường của Già lam Tây viện được bố trí đối xứng trái phải. Cách sắp xếp đối xứng của Ngũ Trùng Tháp và Kim đường như vậy tạo nên một phong cách kiến trúc riêng biệt gọi là “Phong cách Pháp Long tự”. Tuy nhiên theo dấu vết thời gian ngày nay khách du lịch chỉ còn có thể nhìn thấy vết tích của Tâm sở tháp ở Đông Nam Già lâm Tây viện.
Ở Kim đường (Già lam Tây viện) có bộ tam tượng Thích Ca với nghệ thuật chạm khắc tạo hình hào quang hết sức tinh tế, hào quang lớn phủ lấy cả 3 tượng với rìa hào quang có chạm khắc các phi thiên được gọi là “3 tượng 1 hào quang” với tổng trọng lượng 236,5kg. Bộ tam tượng Thích Ca được tạo nhằm mục đích cầu cho Thánh Đức thái tử khỏi bệnh. Tượng được tạo nửa chừng thì thái tử băng, nên hoàn thành vào năm 623 (năm Suy cổ thiên hoàng 31).
Gian phía Đông của Kim đường có tượng Phật Dược Sư, gian phía Tây có tượng Phật A Di Đà. Ở 4 góc Tu Di Đàn của Kim đường có tượng Tứ Thiên Vương bằng gỗ. Ở hai phía trái phải bộ tam tượng Thích Ca có Cát Tường Thiên và Tỳ Sa Môn Thiên với niên đại từ thời Bình An (Hean). Phía sau mặt Bắc của Kim đường là tượng đắp có niên đại thời Nại Lương (Nara)… Ngoài ra, ở Kim đường còn có các bích họa mô tả cảnh Tịnh độ A Di Đà, tượng Cửu Diện Quan Âm, tượng Quan Âm Bách Tế, tượng Quan Âm cứu thế, tượng Quan Âm đảo mộng, tam tượng A Di Đà…
Ở Mộng điện có tượng Đạo Thuyên đại sư, tượng Hành Tín đại sư và tượng Quan Âm cứu thế. Tượng Quan Âm cứu thế cũng là một trong những quốc bảo Nhật Bản của chùa Horyuji…
Để đến thăm khu quần thể kiến trúc chùa Horyuji, du khách có thể đăng ký và tham gia tour du lịch Nhật Bản của chúng tôi. Ngoài ra, các du khách còn có cơ hội viếng thăm những ngôi chùa nổi tiếng khác khi đến Nhật Bản.