Sushi – tinh hoa ẩm thực Nhật Bản

Nếu nói đến nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của Nhật Bản, hẳn không thể không nói đến Sushi – một món ăn kết hợp cơm với hải sản sống hoặc chín, sử dụng phương pháp bảo quản cá bắt nguồn từ Trung Hoa cổ. Nếu tham gia tour Nhật Bản cùng chúng tôi, du khách hãy tìm hiểu và thưởng thức hương vị cũng như những cách khéo léo bày trí món ăn “tinh hoa” này nhé!

Sushi là món ăn truyền thống của Nhật Bản. Cùng với trà đạo, nghệ thuật cắm hoa ikebanna, sushi đã thực sự trở thành nét văn hóa đặc trưng của xứ sở mặt trời mọc.

1 – Nguồn gốc món Sushi

Dựa vào lợi thế vị trí địa lí nằm xoải theo bên sườn phía đông lục địa Châu Á, có đường bờ biển kéo dài khoảng 29750km bao gồm nhiểu vũng, vịnh, biển có nhiều ngư trường lớn vì vậy nguồn hải sản tự nhiên ở đất nước Nhật Bản vô cùng lớn. Mặc dù hàng ngày ngư dân có thể đánh bắt được rất nhiều cá nhưng ngày xưa công nghệ chưa phát triển, để bảo quản cá con người chỉ có cách phơi khô hoặc chế biến thành món ăn có khả năng tích trữ trong thời gian dài.

Người Nhật đã khéo léo dựa trên cách thức của người Trung Hoa cổ, cá sẽ được ướp muối bọc trong cơm để lên men tự nhiên trong khoảng từ 2 tháng đến 1 năm. Sau thời gian lên men, người ta bỏ cơm đi và chỉ ăn cá muối không. Phương pháp này được truyền vào Nhật Bản cùng với việc trồng lúa nước trong thời kỳ Yayoi (năm 300 trước công nguyên đến năm 300 sau CN).

Sau này, ngoài việc phát triển các phương pháp lên men và tẩm ướp khác nhau, người Nhật đã trực tiếp sử dụng cá sống, thưởng thức với các gia vị chế biến bổ trợ để tạo nên độ tươi, hương vị nguyên chất, và cảm nhận hết cái ngon của các loại hải sản giàu protein này. Sushi chính là một kiệt tác thành công trong cách chế biến ẩm thực của người Nhật Bản.

Sushi 2

2 – Sự phát triển của Sushi

Tuy nhiên, sự phát triển của Sushi không phải nghiễm nhiên trở nên phổ biến và thành biểu tượng văn hóa ẩm thực của đất nước hoa anh đào như bây giờ. Vào khoảng đầu thế kỉ thứ 19, hệ thống các cửa hàng dịch vụ đồ ăn nhanh chiếm lĩnh trong thị trường ngàng công nghiệp ăn uống. Người Nhật luôn sống trong vòng xoáy hối hả của cuộc sống, dường như họ không có bất kì khoảng thời gian dư giả dành cho việc ăn uống, Vì vậy, điều kiện thiết yếu của các món ăn thời đại này phải đặt tiêu chí nhanh, chất lượng lên hàng đầu. Bếp trưởng Yohei Hanaya một bậc kì tài sáng tạo đã chế biến Sushi với những nắm cơm nhỏ kết hợp với nguyên liệu hải sản sống, hoặc cuốn cơm trộn với rau củ quá, hải sản trong là rong biển, cắt từng khoang đựng vào các hộp nhỏ rất tiện lợi.Từ đó, rất nhiều người đã chọn sushi cho bữa ăn của mình bởi nó đầy đủ chất dinh dưỡng, không béo phì như các đồ ăn nhanh của phương tây.

3 – Sự hấp dẫn của Sushi

Để làm đươc một đĩa Sushi đúng vị và đúng nghĩa không phải là một điều dễ dàng, đòi khỏi rất nhiều khâu chế biến. Nước dùng để nấu cơm phải là nước tinh khiết như vậy chúng ta mới có được những hạt cơm dẻo, thơm mùi gạo, không bị nát, độ mềm vừa phải tạo sự kết dính. Nguyên liệu hải sản phải tươi, nhất là lúc vừa bắt, như vậy độ ngậy và hương vị khi thưởng thức sẽ nguyên chất, không pha tạp. Một điều đặc biệt, người dân Nhật Bản thường chọn các loại hải sản được đánh bắt tại các vùng duyên hải, bởi lẽ cá ở đây vô cùng ngon và đậm chất dinh dưỡng. Khi tiến hành công việc chế biến, để món ăn giữ được độ tinh khiết và vị ngon, các đầu bếp thường sử dụng các dụng cụ làm bằng gỗ bởi chất chua trong gạo khi trộn cơm với dấm sẽ phản ứng nếu như dùng bằng chất liệu bằng kim loại. Ngoài ra, họ còn sáng tạo trong cách trang trí tỉa hoa quả, nắm cơm theo hình thù nghệ thuật, kết hợp màu làm từ nguyên liệu tự nhiên để món ăn thêm màu sắc và đa dạng hương vị.

4 – Thành phần chính trong món Sushi

Sushi có rất nhiều thành phần và công thức chế biến khác nhau, tuy nhiên nguyên liệu chính để làm nên món này là cơm trộn dấm kết hợp với các loại thức ăn như cá sống, trứng cá, hải sản tươi sống, rau củ, wasabi (mù tạt).

Sushi 3

Cơm trộn dấm: gọi là sumeshi hay sushimeshi. Loại dấm sushisu chuyên dùng để trộn cơm là dấm có pha chút muối, đường, rượu ngọt mirin. Cơm không nấu chín hoàn toàn được trộn với dấm.

Các loại hải sản dùng để làm sushi gọi là tane, bao gồm cá ngừ, cá hồng, cá bơn, cá mũi kiếm, cá mú, cá trình, cá cóc, cá thu, tôm, mực, bạch tuộc, các loại ốc biển, cua biển, trứng cá hồi…

Ngoài ra còn có các thành phần khác như các loại rau, củ quả, đậu phụ, và các gia vị kèm theo: nước tương, wasabi.

5 – Các loại sushi

Sushi rất đa dạng với nhiều loại nguyên liệu được sử dụng để chế biến, điểm chung giữa các loại sushi đó là phần cơm trộn giấm thì không thay đổi.

* Nigirizushi: là loại sushi với hình dạng chúng ta thường thấy nhất. Loại sushi này bao gồm phần cơm được nặn bằng tay thành dạng hình khối chữ nhật dài, góc cạnh hơi tròn, và miếng cá sống, tôm sống, mực sống, bạch tuộc, hoặc trứng rán được đặt lên trên (topping). Giữa miếng topping và cơm có thể có phết thêm một chút.

Gunkanmaki: đây là một dạng đặc biệt của nigirizushi, khi có thêm một miếng rong biển cuốn xung quanh miếng cơm. Loại sushi này, phần topping thường được sử dụng là các loại trứng cá, nhím biển…

Temarizushi: cũng là dạng nigirizushi nhưng được tạo dáng hình cầu. Bất kì loại topping nào cũng được sử dụng khi làm temarizushi, thậm chí là thịt nguội cho trẻ con hoặc hoa quả cho những người ăn chay.

Sushi 4

* Makizushi: là loại sushi có dạng hình trụ, được tạo hình bằng việc sử dụng tấm mành tre để cuộn các nguyên liệu vào với nhau thành một hình trụ dài, sau đó sẽ dùng dao sắc để cắt thành những miếng ngắn hơn (thông thường là cắt thành 6 hoặc 8 miếng) vừa ăn. Loại sushi này thường được gói trong tấm rong biển khô, thỉnh thoảng trứng tráng mỏng, dưa chuột bào mỏng, lá tía tô cũng được dùng để thay cho tấm rong biển.

Futomaki: là loại maki “béo”, với cơm và nhân được gói bên trong tấm rong biển. Miếng sushi thường lùn hơn, đường kính lớn hơn (5-6cm). Phần nhân thường gồm nhiều loại nguyên liệu với những màu sắc khác nhau hoặc mùi vị bổ trợ cho nhau.

Hosomaki: là loại sushi “gầy”, với cơm và nhân được cuộn bên trong tấm rong biển. Phần nhân thường chỉ là một nguyên liệu, phổ biến nhất là cá hồi, cá ngừ, dưa chuột, cà rốt, quả bơ.

Temaki: đây là loại sushi hình nón với tấm rong biển cuốn bên ngoài, bên trong là cơm và các nguyên liệu sẽ được để lộ ra trông rất hấp dẫn. Temaki khá to nên phải dùng tay cầm ăn, không gắp được bằng đũa, và temaki thường được ăn ngay sau khi gói, vì tấm rong biển sẽ rất nhanh chóng bị ngấm ẩm và mềm ra khiến cho người ăn khó cầm. Vì thế, du khách để ý là những miếng temaki được làm sẵn và bán theo dạng fastfood luôn có một lớp nylon bao lấy tấm rong biển, khi ăn chúng ta sẽ rút miếng nylon này ra.

Uramaki: đây là loại sushi mà phần cơm sẽ ở bên ngoài, lá rong biển và nhân sẽ được cuộn vào bên trong. Vì cơm ở phía ngoài nên để chống dính và cho đẹp, ngon mắt hơn, miếng sushi sẽ được lăn qua lớp trứng cá, trứng tôm hay vừng.

Sushi 5

* Inarizushi: là loại sushi đơn giản và rẻ tiền nhất, bởi vì nó chỉ là cơm được nhồi vào bên trong 1 chiếc “túi” là đậu phụ rán (aburaage). Loại sushi này khi ăn cũng cho cảm giác khá thú vị, với vỏ đậu phụ dai dai nhai, hơi có vị chua một chút, hoà quyện với cơm dẻo, thơm, vị chua dịu.

* Chirashizushi: là suất sushi lớn, gồm một bát cơm sushi lớn, bên trên xếp đều các loại hải sản sống, nấm, rau..

* Oshizushi: được gọi nôm na là sushi “ép”, loại sushi này cần dùng khuôn gỗ để làm. Cá sống sẽ được để ở dưới đáy khuôn, sau đó cơm được phủ lên trên miếng cá, và chiếc “nắp” gỗ sẽ được dùng để ấn cơm xuống thật chặt cho dính vào miếng cá. Sau đó, khuôn được tháo ra và miếng sushi to sẽ được cắt thành những miếng nhỏ hơn.

Sushi 6

Sushi thường được sắp trên một đĩa nhỏ gồm 2 miếng cho một phần ăn, hoặc 6 miếng nếu là các loại maki, hoặc là một đĩa lớn tổng hợp nhiều loại. Khi ăn sushi, người ta thường chấm với xì dầu, ai thích thêm vị cay nồng thì hoà wasabi vào xì dầu.

6 – Cách ăn Sushi tại các nhà hàng Nhật Bản

Sushi là một trong những món ăn không bao giờ thiếu trong các bữa ăn của người Nhật. Đặc biệt là những ngày lễ truyền thống… Sushi luôn xuất hiện trên bàn tiệc với đủ màu sắc và mùi vị.

Tuy nhiên thưởng thức Sushi giờ không chỉ là “độc quyền” của người Nhật mà đã trở thành niềm đam mê của nhiều nước trên thế giới. Nhưng để thưởng thức Sushi thì phải theo đúng cách của người Nhật thì Sushi mới ngon theo đúng vị của nó. 

Sushi thường được cắt theo khoanh, dùng ngay sau khi vừa được dọn ra, và ăn kèm với nước tương, wasabi và gừng ngâm chua. Khi dùng nên cho cả miếng vào miệng để cảm nhận trọn vẹn hương vị trong từng khoanh. Cái vị là lạ của cơm trộn dấm, vị ngầy ngậy và mát của cá sống cùng vị cay nồng của wasabi xông lên mũi.

* Các bước thưởng thức như sau:

– Trước tiên, khi vào một nhà hàng du khách sẽ được cung cấp khăn nóng để lau tay cho thật sạch. Trong lúc chờ đợi, du khách sẽ gọi nước uống. Thông thường người Nhật sẽ dùng trà xanh (agari), được xem là thức uống thích hợp nhất khi ăn sushi.

– Du khách có thể chọn sushi theo từng phần (set menu) hoặc đặt riêng theo từng món yêu thích. Du khách cũng có thể hỏi người quản lý xem hôm đây có món sushi nào, nếu không rành du khách nên nhờ họ tư vấn trước.

– Nếu dùng thêm wasabi, du khách nên cho từ từ từng chút vào bát riêng, đến khi có được độ cay mong muốn. Lưu ý, cho wasabi vào một góc bát để giữ vẻ đẹp cho món ăn.

Sushi 7

– Cách chấm nước tương cũng rất quan trọng vì có thể làm ảnh hưởng đến hương vị món ăn. Nên chấm phần mặt thức ăn vào nước tương. Không nên chấm vào phần cơm vì món sushi sẽ bị mặn.

– Nên ăn nguyên cả miếng để thưởng thức trọn vẹn hương vị trong từng khoanh sushi. Nếu miếng sushi quá lớn, du khách có thể cắn đôi và bỏ phần còn lại vào đĩa riêng của mình.

– Nếu thưởng thức cùng lúc nhiều loại sushi, sau mỗi loại, du khách nên ăn lát gừng ngâm chua. Gừng có tác dụng rửa sạch vị giác, giúp hương vị sushi không trộn lẫn vào nhau.

– Du khách có thể thưởng thức sushi cùng chút rượu Sake để xóa đi vị tanh nhẹ của đồ sống và dễ tiêu hóa hơn. Sushi thường cũng được dùng kèm nước tương đậu nành.

– Các đầu bếp Nhật thường hướng dẫn thực khách nhắm mắt khi ăn sushi để cảm nhận vị mằn mặn của muối, vị chua của giấm và vị giòn ngọt của hải sản tươi sống. Bên cạnh đó là vị cay nồng của wasabi cùng hương thơm dịu ngọt của cơm.

* Một vài lưu ý khác:

– Không dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác. Nếu được mời, du khách nhớ quay đầu đũa để gắp thức ăn từ đĩa của họ.

– Gác đũa lên kệ đũa và đặt song song với khay sushi để mọi người biết du khách đã dùng xong.

– Theo phép lịch sự và để giữ vẻ thẩm mỹ cho đĩa thức ăn, du khách dùng những miếng sushi theo thứ tự từ ngoài vào trong. Không nên gắp ngay miếng ở giữa đĩa.

– Khi ăn nhà hàng có băng chuyền: Món ăn được di chuyển qua mặt khách. Du khách thích món nào thì tự lấy và thưởng thức.

– Những đĩa thức ăn được phân chia theo màu sắc khác nhau. Mỗi màu tương ứng với một mức giá. Sau khi ăn xong, du khách nhớ xếp đĩa thành từng chồng ngay ngắn.

Sushi – món ngon đệ nhất trong ẩm thực Nhật Bản, bởi vậy sẽ thật hối tiếc nếu tham gia tour du lịch Nhật Bản cùng chúng tôi mà không thưởng thức qua hương vị chính tông của món ăn tuyệt vời này.