NGẮM NHÌN PHONG CẢNH HỒ BAIKAL TRONG CHUYẾN DU LỊCH NGA

Nằm ở phía Nam Siberi thuộc lãnh thổ Nga, hồ Baikal còn được biết đến với cái tên “Con mắt xanh của Siberi” hay “Biển hồ thiêng”. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất thế giới với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và nhiều loại động vật độc đáo.

Có lẽ khó có lời nào có thể lột tả hết vẻ đẹp kỳ vĩ của hồ Baikal, một hồ nước được mệnh danh là “miền đất thần tiên trên xứ sở bạch dương”. Và đây được xem là hồ nước cổ nhất trên thế giới. Thông thường, các hồ nước chỉ có tuổi thọ tối đa 14.000 năm là đã bị “lão hóa”, nhưng hồ Baikal lại có “tuổi đời” cao nhất thế giới: 25.000.000 – 30.000.000 năm. Hồ Baikal đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1996.

Trước thế kỷ 17, người Nga không gọi hồ này với cái tên là “Baikal” mà lúc bấy giờ hồ có tên gọi là “Lamu”. Theo như ngôn ngữ Evenk có nghĩa là “Biển”. Sau này hồ mới được người Buryati gọi là “Baigal”, và để cho từ “Baigal” thuận tai hơn với cách nói của người Nga, chữ “G” được đổi thành chữ “K”. 

Hồ Baikal còn được gọi là “Bắc Hải” trong các thư tịch cổ của Trung Quốc. Hồ này nằm trong lãnh thổ của Hung Nô, trải dài từ biên giới với nhà Hán ở phía Nam tới rừng taiga Siberi ở phía Bắc. Hồ này đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh giữa Hán và Hung Nô. Người Châu Âu có thông tin hạn chế về hồ nước này, cho đến khi đế quốc Nga mở rộng ra khu vực này vào thế kỷ 17. Nhà thám hiểm Nga đầu tiên tiếp cận hồ Baikal là Kurbat Ivanov vào năm 1643.

Với diện tích 31.722 km2, độ sâu 1.642 m, Baikal hiện đang giữ cả hai kỷ lục: Hồ nước ngọt sâu và lớn nhất hành tinh. Và một điểm độc đáo mà chỉ hồ Baikal mới có, đó là khả năng phát triển và mở rộng đến thần kỳ của nó. Mỗi năm, hồ nước này lại “lớn thêm” chừng 2 cm. Hồ Baikal đang chiếm giữ trữ lượng nước ngọt khoảng 20% lượng nước ngọt toàn thế giới và nếu chỉ riêng ở Nga là 90%. Nếu như có trường hợp tất cả các nguồn nước ngọt trên thế giới đều bị cạn kiệt thì hồ Baikal vẫn đủ cung cấp cho toàn nhân loại trong vòng 40 năm. Sẽ là không ngoa nếu coi nước hồ Baikal là nước cất, bởi nguồn nước trong hồ này rất ít khoáng chất và cực trong, từ trên bờ có thể nhìn thấy rõ những hòn đá cuội ở độ sâu tới 40 m.

Với làn nước màu xanh ngọc bích trong trẻo và sâu thẳm, hồ Baikal được ví như chiếc gương khổng lồ, soi bóng những núi đá hùng vĩ cùng lớp lớp bạch dương nối đuôi nhau. Đây là chốn thiên đường nghỉ dưỡng của hàng vạn du khách. Thậm chí có những người bất chấp cả cái lạnh giá của mùa đông xuống tới -50C vẫn sẵn sàng mạo hiểm ngâm mình dưới dòng nước để được “bất tử”. Bởi xung quanh hồ nước này, ngày càng có nhiều câu chuyện kì bí, từ những thế lực siêu nhiên trong truyền thuyết cho tới người ngoài hành tinh đều đã được cho là xuất hiện ở đây. Trong đó, có một truyền thuyết nổi tiếng hơn cả: Ông Baikal có 300 người con gái nhưng nàng Angara vừa xinh đẹp lại vừa ngang bướng nhưng lại được ông yêu quý nhất. Để bảo vệ con gái yêu không gặp những tai họa ông đã nhốt cô vào một tòa tháp cao. Nhưng những bức tường kiên cố đó đã không giữ nổi cô, cô đã trốn ra ngoài để đến với người yêu là Enisei. Số phận đã không cho họ được ở gặp nhau, ông bố đã nổi giận và nguyền rủa Angara sau đó ném cho người con gái bỏ trốn một mảnh núi vỡ để chắn đường không cho cô đến với Enisei. Câu chuyện này đã lý giải cho việc tại sao sông Angara không chảy vào hồ Baikal mà lại từ hồ chảy ngược ra ngoài.

Hiện nay, hồ nước ngọt này là nơi cư trú của hơn 2.500 loài động thực vật, trong đó đến 2/3 loài du khách chỉ có thể bắt gặp được ở hồ. Loài nổi tiếng nhất phải kể đến là nerpa (hải cẩu Baikal) có nguồn gốc từ đại dương vùng cực Bắc từ hơn 800.000 năm trước. Nerpa hoang dã sống ở môi trường tự nhiên rất khó bắt gặp, vì thế nhiều du khách chọn tới các khu vực nuôi hải cẩu ở Irkutsk hoặc Listvyanka để thăm loài động vật này. Loài cá Golominanka sống trong hồ Baikal cũng rất độc đáo với thân trong suốt và không đẻ trứng mà đẻ ra cá con. Loài cá khác có tên là Omul có vị ngon ngọt khác thường, và cũng chỉ ở hồ Baikal mới có.

Du khách đến chiêm ngưỡng chiếc gương lớn nhất hành tinh – biển hồ thiêng liêng Baikal, nhất định phải đến thăm làng Listvianka. Hiện tại, Listvianka mới chỉ là một ngôi làng nhỏ êm đềm gắn với những nét văn hóa phong tục đặc trưng của người dân bản địa. Trong vòng 20 năm tới, dự án Baikal City hàng tỷ ruble kỳ vọng sẽ biến nơi này thành khu phức hợp về kinh doanh và nghỉ dưỡng với nhiều siêu thị, công viên nước, sòng bài cùng các biệt thự. 

Tiếp đó, du khách hãy ghé thăm Viện bảo tàng Baikal. Đây là một trong ba viện bảo tàng về hồ của thế giới. Ở đây có 10 bể nước lớn, nơi giới thiệu các loài tôm và cá trong hồ. Có hai con hải cẩu được nuôi trong bể có trọng lượng 37 tấn. Nước hồ ở độ sâu 400 m được dẫn trực tiếp vào bể này. Trong khi đó tất cả những bể cá khác trên thế giới đều phải thay lọc nước bởi không có được khối lượng nước sạch khổng lồ như tại đây. Ngoài ra tại bảo tàng, khách tham quan có thể “lặn” xuống độ sâu 1.637 m để khám phá không gian này.

Hồ Baikal còn được mệnh danh là miền đất thần tiên bị đóng băng. Lớp băng bao phủ khoảng 4 – 5 tháng mỗi năm. Bất chấp cái lạnh buốt giá, khách du lịch đến đây hứng thú trải nghiệm những hoạt động thể thao ngoài trời như cắm tại, đạp xe, leo núi… Nếu đến hồ Baikal vào mùa đông, du khách có thể trượt tuyết ngay giữa lòng hồ và có thú vui đặc biệt khác là câu cá dưới lớp băng và thưởng thức món cá hun khói Omal của người bản địa. Từ hồ Baikal du khách cũng có thể tham gia chuyến du ngoạn chinh phục ngọn núi Barguzin hùng vĩ, đi bộ qua mặt hồ đóng băng để có được những trải nghiệm thú vị cho riêng mình.

Có thể nói hồ Baikal là một trong những địa điểm ít nhất trên hành tinh mà có sức chinh phục mọi người ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng để lại ấn tượng mãi mãi. Hồ Baikal sẽ là một điểm nghỉ dưỡng tuyệt vời dành cho du khách tại “xứ sở bạch dương” tuyệt đẹp này. Hãy dành cho Nga những tình cảm yêu mến nhất từ chuyến du lịch ý nghĩa ấy nhé!