Khám phá ẩm thực Nhật Bản

Nhật Bản là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng và phong phú bậc nhất. Nhắc đến văn hóa Nhật Bản thì không thể không kể đến nền ẩm thực – một trong những đặc trưng nổi bật trong văn hóa của “xứ sở mặt trời mọc”. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem điều gì tạo nên sự độc đáo và khác biệt trong ẩm thực Nhật Bản nhé!

NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG TRONG VĂN HÓA ẨM THỰC CỦA NGƯỜI NHẬT

* Tính thiên nhiên trong ẩm thực Nhật Bản

  • Món ăn theo mùa

Nhật Bản là một hòn đảo dài – khoảng 3500 km từ Tây Bắc tới Đông Nam, án ngữ trên biển Thái Bình Dương, phía Đông của khối Đông Á. Bao quanh là vùng biển được kết hợp bởi hai dòng chảy nóng và lạnh, đem lại nguồn cá phong phú và đa dạng. Những cơn gió mùa ẩm chính là đặc trưng của khí hậu Nhật Bản, ngoại trừ khu vực phía Bắc với khí hậu ôn hòa và các đảo phía Nam với khí hậu cận nhiệt đới.

Kết quả là, có thể nhận thấy sự thay đổi khác biệt rõ rệt trong bốn mùa, điều này chính là một yếu tố quan trọng tạo nên đặc trưng của văn hóa ẩm thực Nhật Bản.

Vào mùa xuân, để báo hiệu cho mùa đông lạnh giá đã kết thúc, người Nhật ăn món cá Shirouo và đón mùa anh đào nở bằng bánh Sakura Mochi và gạo anh đào. Mùa hè, người Nhật ăn nhiều món ăn mát lành như món lươn, cà tím nướng, đậu Edamame, các loại mì lạnh như: mì sợi mỏng Somen, mỳ tôm lạnh, các món đậu hũ như: tào phớ Nhật Bản và khổ qua xào đậu hũ của vùng Okinawa. Tháng 5 là mùa cá ngừ, còn tháng 6 là mùa cá Ayu chính vì vậy khách du lịch vào mùa hè phải tới Nhật Bản cho bằng được để thưởng thức những món ăn cực ngon của Nhật Bản vào mùa hè. Mùa thu, người Nhật ăn khoai lang nướng, món lăn bột chiên Tempura và loại bánh Nama-gashi hình quả hồng chín hoặc hình bạch quả. Tháng 9 là tháng của mặt trăng nên những món hầm màu trắng được ưa chuộng như bào ngư, dưa chuột và măng. Để xua tan cái lạnh của mùa đông, người Nhật ăn lẩu, canh Oden và món chè đậu đỏ ăn khi còn nóng Shiruko. Ngoài ra, người Nhật còn ăn bánh Higashi có hình tuyết. Vào mùa đông, người Nhật cũng chuộng ăn các loại quýt, tượng trưng cho mặt trời và dùng để làm quà năm mới.

  • Món ăn tươi sống

Đặc trưng nguyên thủy của văn hóa ẩm thực Nhật là thưởng thức hương vị của thức ăn sống, mà không sử dụng nước sốt mùi vị mạnh. Ví dụ điển hình là Sashimi (các lát cá sống) và Sushi (cơm trộn giấm phủ cá sống). Sashimi được chuẩn bị khá đơn giản bằng việc cắt cá tươi. Bằng nhiều phương pháp có thể kiểm tra độ tươi của thực phẩm, và việc vệ sinh thực phẩm được thực hiện một cách cẩn thận. Các phương pháp cắt cũng được phát triển một cách đặc biệt nhằm giữ lại mùi vị tuyệt hảo của thực phẩm. Những lát cá được cắt có chiều rộng khoảng 2.5 cm, chiều dài 4 cm và dày chừng 0.5 cm.  

Dao được sử dụng để cắt Sashimi là một con dao dài được làm xiên một cạnh. Độ sắc của cạnh dao và phương pháp lát cắt cùng với việc đẩy dao trên cá sẽ không làm hỏng các mô, giữ lại Umami (hương vị) của cá. Itamae (các đầu bếp ẩm thực Nhật) tạo ra kỹ thuật trông tưởng chừng như rất dễ dàng nhưng lại yêu cầu sự luyện tập kỹ lưỡng. Sushi cũng tương tự, giữ lại các mô mỏng trên từng lát cá, vì thế mùi vị của nó khi kết hợp với Sushi đã được đánh giá cao.

  • Món ăn ngày lễ và ngày chúc mừng

Bữa ăn ngày Tết Nguyên đán của Nhật Bản được gọi là Osechi, với món không thể thiếu là bánh dầy Ozoni. Có nhiều món ăn ở Nhật tượng trưng cho các lời chúc tốt lành gửi đến mọi người trong dịp năm mới: rượu Sake để trừ tà khí và kéo dài tuổi thọ, món đậu phụ chúc mạnh khỏe, món trứng cá tuyết nướng chúc gia đình đông vui, món sushi cá tráp biển chúc sung túc thịnh vượng, món Tempura chúc trường thọ. Tôm biểu trưng cho sự trường thọ, lưng tôm càng cong càng trường thọ.

* Sự tinh tế trong trình bày món ăn và sắp xếp trên bàn ăn

Nhật Bản nghiêng về sự bắt mắt tinh tế, đó là sự hòa trộn khéo léo và tinh tế của màu sắc, hương vị cũng như tôn giáo truyền thống. Những món ăn được chế biến nhỏ nhắn, xinh xắn, hương vị thanh tao, nhẹ nhàng không quá nồng đậm. Các món ăn màu sắc được trình bày theo kiểu truyền thống rất đẹp mắt, kích thích ngon miệng. Đĩa và bát được bày biện rất cẩn thận, hấp dẫn thị giác kết hợp với nội dung về cảm giác mùa. Người Nhật cũng nổi tiếng với những loại đĩa và bát phong phú về kích cỡ và khác biệt trong cách thiết kế.

Trên bàn ăn, các món ăn thường được sắp xếp theo món khai vị với Sashimi gồm mực, tôm, sò, cá hồi, cá ngừ sống… sẽ được thái lát mỏng và xếp trên những khay gỗ đẹp mắt với nhiều màu sắc, tiếp theo là những món chiên hoặc nướng và kế đến là Sushi, món ăn trứ danh của Nhật Bản.

* Umami (hương vị) – một vị đặc trưng trong món ăn Nhật.

Cảm thụ ban đầu về cảm giác ngọt, chua, mặn, đắng đã được biết đến từ lâu (vị nóng của gia vị được cảm nhận bởi cảm biến đâu, vì thế nó không được xem như là hương vị được xác định trong khoa học).

Cảm thụ Unami được phát hiện và xác nhận bởi các nhà nghiên cứu Nhật Bản. Thành phần chính của Umami là axit glutamic, axit inosinic và axit guanyl, các axit này phổ biến có trong tảo biển (Kombu), thịt cá ngừ khô (Katsuo) và nấm khô (Shiitake). Umami từ cá ngừ, tảo biển là những thức chủ yếu trong ẩm thực Nhật, và được dùng dưới nhiều dạng như súp, rau phơi khô, Sushi,…

* Quy tắc “tam ngũ” trong ẩm thực của người Nhật

“Tam ngũ” là quan niệm của người Nhật trong các món ăn, đó là “Ngũ vị, ngũ sắc, ngũ pháp”.

+ Ngũ vị bao gồm: ngọt, chua, cay, đắng, mặn

+ Ngũ sắc có: trắng, vàng, đỏ, xanh, đen

+ Ngũ pháp có: để sống, ninh, nướng, chiên và hấp.

Mùi vị các món ăn Nhật đơn giản hơn so với các món ăn của phương Tây. Đồ ăn Nhật chú trọng đến đặc sản theo từng mùa và sự lựa chọn các bát đĩa đựng thức ăn một cách nghệ thuật. Các món ăn của Nhật nhằm giữ lại nhiều nhất hương vị, màu sắc của thiên nhiên.

So với những quốc gia khác, khi nấu nướng người Nhật họ hầu như không sử dụng đến gia vị mà thay vào đó các đầu bếp sẽ tập trung vào các hương vị tinh khiết của những thành phần món ăn như: cá, rong biển, rau, gạo và đậu nành.

* Sự góp mặt của Tương đậu nành, Xì dầu (Shoyu, Soy Sauce) trong các món ăn Nhật Bản

Shoyu (tương đậu nành) làm tăng hương vị của cá sống. Shoyu được làm từ đậu nành lên men trong thời gian dài. Để thưởng thức vị tươi của các thực phẩm theo mùa, thời gian nấu ăn của người Nhật dành cho món nướng rất ngắn. Trái lại, Shoyu và Miso (đậu tương lên men) yêu cầu thời gian lên men lâu, từ 3 tháng tới hơn 1 năm để cho chín.

Shoyu bắt đầu xuất hiện trong các thực đơn là vào khoảng giữa thời kỳ Muromachi (1333-1568), và vào cuối thế kỷ 16 thì Shoyu trở thành phổ biến đối với người Nhật. Tuy nhiên, vào trước thời kỳ Nara thì Hishio, được coi là nguồn gốc của Shoyu, đã xuất hiện tại Nhật. Hishio được làm bằng cách cho lên men hỗn hợp gồm gạo, thịt, cá, rau và tảo biển. Shoyu và Miso chính là các biến thể khác nhau của loại nước chấm này.

Có rất nhiều loại nước chấm khác nhau như Tamari, Koiguchi, Usuguchi, được chế biến từ Hishio vào thời kỳ Edo và hiện nay vẫn được sử dụng rộng rãi.

* Cơm và canh Miso không thể thiếu trong mỗi bữa ăn

Bữa ăn điển hình của người Nhật về cơ bản dựa trên 4 thành phần: cơm, canh Miso, các món chính và đồ muối. Cơm là thành phần cố định và là trung tâm của văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Cơm của người Nhật nấu từ loại gạo dính Japonica; khi được nấu, nó có vị ngọt dịu đặc trưng. Nó chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng cần thiết, vì thế chỉ cần thêm vào một lượng phù hợp protein từ động vật và chất béo là đã tạo ra một khẩu phần ăn đầy đủ. Canh thường được ăn nhấm nháp chậm rãi trong suốt bữa ăn. Canh Miso được chế biến bằng cách làm tan Miso trong Dashi – jiru (một loại canh nhiều Umami). Một lượng nhỏ tảo biển hoặc các loại rau theo mùa được cho thêm vào; tôm và trai cũng được sử dụng. Cơm và canh được đựng trong bát trình bày theo dạng một cặp cơ bản.

Bên cạnh món phụ là một bát chính là cơm. Ba món phụ được chuẩn bị tại nhà là: cá, rau và đồ muối. Những thay đổi xã hội đã khiến số lượng món phụ tăng lên, và việc dùng cơm giảm đi, vì thế sự khác biệt giữa món chính và món phụ trở nên không rõ ràng. Đồ muối của người Nhật là rau được lên men, và có các loại khác nhau như rau củ giầm cám, rau củ giầm muối, và hoa quả giầm Sakekasu (cặn rượu Nhật Bản). Trọng lượng phù hợp được sử dụng với các loại rau trong suốt quá trình lên men, làm giảm lượng nước chứa trong rau củ và tăng Umami và hương vị của chúng.

Ko-no-mono thích hợp dùng trong món rau củ giầm để đem lại hương vị ngon, nó làm sạch miệng và kích thích ăn ngon.

Thành phần đặc trưng của cơm (thành phần cố định) cùng với Ichi – Ju – Sansai (canh Miso và ba đĩa phụ) là dạng cơ bản của ẩm thực gia đình truyền thống.

* Sushi – Biểu tượng của văn hóa ẩm thực Nhật Bản

Ngày nay Sushi là một món ăn đã quá phổ biến không chỉ đối với người Nhật. Không khó để có thể tìm được một quán bán Sushi ở bất kì đâu. Vậy điều gì đã tạo nên sự nổi tiếng và biến sushi trở thành biểu tượng của “xứ sở mặt trời mọc”?

  • Nguyên liệu tạo nên món ăn

Vị trí địa lý đặc trưng của Nhật Bản là biển nên nguyên liệu chính trong các món ăn của người Nhật là hải sản và rong biển. Sushi là sự kết hợp giữa cơm trộn dấm và Neta, và thông thường Neta sẽ là hải sản. Và tùy vào mỗi mùa mà Neta sẽ là khác nhau. Nếu như mùa hè nguyên liệu đặc trưng để làm Sushi là bào ngư thì đến mùa đông tuyết bắt đầu rơi dày thì Sushi hải sản mà người dân Nhật ưa thích lại là loại được làm từ bạch tuộc và cá mực. Hải sản được lựa chọn để làm Sushi thường là những loại rất tươi ngon được ngư dân đánh bắt trong ngày, cùng với sự chế biến khóe léo của các đầu bếp để đảm bảo món ăn giữ được độ tinh khiết và vị ngon. Chính vì vậy có rất nhiều người lựa chọn Sushi cho bữa ăn chính của mình vì tính dinh dưỡng và không gây béo phì của món ăn.

  • Các loại Sushi

Có 6 loại sushi phổ biến nhất trong các bữa ăn của người Nhật là: Nigirizushi, Chirashizushi, Makimono, Gunkan, Oshizushi, và Temaki.

Nigirizushi: là loại Sushi nắm. Các đầu bếp khóe léo đặt bên trên đặt một miếng hải sản có thể là cá hồi, cá ngừ hoặc các loại hải sản khác và xen kẽ bên trong là một chút wasabi.

Makimono: tương tự với cách làm của Gimbap của Hàn Quốc. Bên ngoài sẽ là lớp rong biển đã được tẩm ướp, sau đó các nguyên liệu như hải sản và các củ quả sẽ được gói trong lớp rong biển rồi cắt thành từng khoanh nhỏ vừa ăn.

Gunkan: tương tự với cách làm Makimono chỉ khác ở chỗ thức ăn sẽ không được trộn cùng cơm cuốn trong rong biển mà được các đầu bếp xếp trực tiếp lên bề mặt của miếng Sushi. Thông thường nguyên liệu sẽ là các loại trứng như thịt cá, trứng cá hồi, trứng cá tuyết…

Temaki: Sushi có dạng hình nón với lá rong biển được cuộn bên ngoài còn các nguyên liệu khác sẽ được cuốn bên trong tronng rất đẹp mắt. Sushi dạng này sẽ không được cắt khoanh mà người ăn phải dùng tay để cầm ăn cả cái.

  • Cách thưởng thức Sushi

Sushi thường được cắt theo miếng vừa ăn, và tùy vào khẩu vị mỗi người mà có thể chọn ăn kèm với nước tương hoặc Wasabi. Khi ăn Sushi nên ăn cả miếng để cảm nhận hết được các hương vị của từng thành phần hòa quyện với nhau.

* Cách ăn và phép lịch sự trên bàn ăn của người Nhật

Hashi (đũa) là dụng cụ dùng để ăn. Điều quan trọng bắt buộc đối với người Nhật là sự sạch sẽ, vì thế đũa có thể được bỏ đi trong một số quán ăn. Đũa cá nhân dùng tại nhà trông rất đẹp, được làm từ gỗ và được sơn nước bóng. Đũa của người Nhật ngắn và mỏng hơn so với đũa của người Trung Quốc. Một số loại đũa của người Hàn Quốc được làm từ kim loại, nhưng đũa của người Nhật thì thường được làm từ gỗ hoặc tre hoặc nhựa. Đũa rất tiện lợi để gắp những miếng nhỏ và tách các miếng lớn thành những miếng nhỏ. Món ăn Nhật Bản được làm để dùng cho đũa, vì thế các món ăn chính được cắt thành những miếng nhỏ trước khi đem ra phục vụ, hoặc được nướng cho đến khi mềm giúp chúng có thể được cắt bằng đũa.

Thìa không được sử dụng thường xuyên trong ẩm thực Nhật Bản, vì thế canh Miso thường được húp trực tiếp qua cạnh bát. Canh rất nóng, vì thế mà người Nhật cẩn thận nhấm nháp từng ít một. Cách cầm bát bằng một tay và uống trực tiếp là phép xã giao ở Nhật Bản.

Cách cầm đũa chuẩn người Nhật: đầu tiên hãy tách 2 cây đũa ra, sau đó để chúng song song với nhau trên ngón trỏ và dưới ngón cái. Đặt phần giữa của cây đũa trên giữa đầu ngón trỏ và phía trên phần móng ngón giữa, đặt ngón cái đè lên trên cây đũa trên đó. Dùng đầu ngón giữa và phần móng ngón đeo nhẫn giữ phần giữa của cây đũa phía dưới. Tận dụng nguyên tắc của đòn bẩy, chỉ cần dịch chuyển cây đũa trên là có thể gắp thức ăn dễ dàng.

Văn hóa Nhật Bản nổi tiếng với nhiều quy cách, lễ nghi và ẩm thực cũng không phải ngoại lệ, có lẽ du khách sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi người Nhật cho là lịch sự khi “phát ra tiếng động” khi ăn uống. Theo người Nhật, việc cắm đôi đũa thẳng đứng vào giữa bát cơm được xem là hành động thô lỗ.

Khi rót rượu Sake thì phải rót cho người khác, chỉ có khi dốc cạn chai thì mới được rót cho chính mình.

Để bày tỏ lòng biết ơn đối với chủ nhà, một vị khách sẽ nói “ ita – daki – masu” trước khi ăn, và “gochi – so – sama” sau khi kết thúc bữa ăn – đây là những phép tắc cơ bản thậm trí khi ở nhà, bao gồm cả lời cám ơn không chỉ với mọi người mà còn với thiên nhiên vì đã ban tặng bữa ăn.

NHỮNG MÓN ĂN TRUYỀN THỐNG PHỔ BIẾN NHẤT Ở NHẬT BẢN

Trong những năm gần đây, Ẩm thực Nhật Bản đã trở nên quen thuộc và được đánh giá cao trên toàn thế giới. Nhiều du khách khi đến Nhật Bản được nếm thử và cảm thấy thỏa mãn với những con cá sống hay như tôm chiên tẩm bột. Tuy nhiên, có rất ít khách du lịch lần đầu tiên đến với Nhật Bản được thưởng thức và cảm nhận đầy đủ về sự đa dạng và bề ngoài lộng lẫy trong Các món ăn nổi tiếng của Nhật Bản đúng như các món ăn truyền thống chính cống. Ăn uống tại Nhật là một trải nghiệm vô cùng thích thú và đáng để nhớ cho chuyến đi du lịch Nhật Bản của mỗi người.Văn hóa Nhật bản ngoài trà đạo ra chúng ta cần phải nói đến các món ăn của Nhật Bản trong đó cần phải kể đến rất nhiều các món ăn và đặc sản địa phương. Một số món ăn phổ biến nhất của Nhật Bản, hoặc các món được Nhật hóa sẽ được liệt kê dưới đây:

* Sushi: Đây là một trong những món không bao giờ thiếu trong các bữa ăn của người Nhật. Đặc biệt, những ngày lễ truyền thống, Sushi xuất hiện trên bàn tiệc với đủ màu sắc, mùi vị. Sushi là một món ăn có phần hải sản nhỏ còn tươi sống đặt ở bên trên nắm cơm đã nhỏ giấm ăn. Thành phần chủ yếu được dùng là cá ngừ, mực và tôm. Dưa chuột, dưa muối và trứng rán ngọt cũng sẽ được phục vụ kèm theo.

* Sashimi: Nếu như Sushi là biểu tượng của văn hóa ẩm thực Nhật Bản trong các bữa tiệc truyền thống kết hợp hương vị của đồng xanh và biển cả thì Sashimi chính là “nữ hoàng” của hương vị tinh khiết đến từ đại dương bao la. Sashimi là một món ăn truyền thống Nhật Bản mà thành phần chính chủ yếu là các loại hải sản tươi sống. Hải sản dùng để làm Sashimi phải có “tiêu chuẩn Sashimi”, được đánh bắt bằng các dụng cụ riêng biệt, ngay sau khi bắt được phải được xử lý luôn theo quy trình đặc biệt để đảm bảo sự tươi ngon của từng miếng Sashimi.

* Sukiyaki: là món ăn của ẩm thực gia đình, thể hiện sự quây quần ấm cúng khi cả gia đình cùng ngồi quanh bàn bếp gắp cho nhau thức ăn từ nồi Sukiyaki thơm lừng nghi ngút khói. Sukiyaki được chế biến ngay tại trên bàn ăn bằng cách nấu chung những lát thịt bò xắt mỏng cùng các loại rau, đậu phụ và mì sợi.

* Tempura: là một trong những món ăn điển hình của “xứ sở mặt trời mọc”. Tuy nó ra đời sau Sushi nhưng Tempura lại mang đến hương thơm, vị mới lạ nên nó được người Nhật đặc biệt yêu thích. Tempura là món ăn được chiên trong dầu thực vật sau khi đã lăn trong hỗn hợp trứng, nước và bột mì. Các thành phần hay được sử dụng như, tôm, cá theo mùa và các loại rau củ.

* Kaiseki Ryori được nhắc đến như phần ẩm thực tinh tế và tinh túy nhất của Nhật Bản. Đó là bữa ăn gồm rất nhiều loại rau, và cá cùng với gia vị làm từ rong biển và nấm, những món ăn toát lên được ra hương vị đặc trưng của từng món.

* Yakitori được làm từ những miếng thịt gà nhỏ, gan gà và nhiều thứ rau rồi được xiên cùng vào đũa tre và được nướng bằng than.

* Tonkatsu ra đời vào cuối thế kỷ 19 và là một món ăn nổi tiếng Nhật Bản. Nguyên liệu bao gồm một gói bột chiên, thịt thăn lợn dày từ một đến hai centimet và được thái lát thành những miếng vừa ăn, thường được ăn kèm với bắp cải và súp Miso. Ta cũng có thể dùng phần thịt lườn và thịt lưng; thịt sẽ được ướp muối, tiêu và được rắc nhẹ một lớp bột mì, sau đó ta nhúng vào trứng và tẩm bột chiên xù trước khi cho vào rán.

* Shabu-shabu: là món ăn có những lát thịt bò vừa mỏng lại mềm được kẹp vào đũa và hơ xung quanh nồi nước sôi, sau đó sẽ nhúng vào nước sốt trước khi ăn.

* Takoyaki: Đây là một loại bánh bột mì nhân bạch tuộc, đậm đà hương vị mặn mòi của biển cả, thăng hoa cùng sự thanh mát của đồng quê. Khác với hầu hết những món ăn khác của “xứ xở Phù Tang” vốn rất cầu kỳ, bánh Takoyaki lại khá đơn giản đến mức hầu như ai cũng có thể xắn tay vào bếp. Bình dị từ cách chế biến, lối trình bày cho đến kiểu thưởng thức, Takoyaki bộc lộ một phần tính cách của người dân vùng đất Osaka huyền bí: mộc mạc, đơn giản, bộc trực.

* Mì Ramen hay vẫn còn gọi là mì gõ, có thể được thấy khắp nơi trên đất nước Nhật Bản, từ những chữ viết trên đèn lồng đỏ của các quán hàng rong, trên biển của những cửa hàng ăn uống, trong những lễ hội, hay thậm chí cả những tác phẩm nghệ thuật như phim ảnh, sách báo, truyện tranh. Mì Ramen có nguồn gốc từ Trung Quốc, được du nhập vào Nhật Bản trong thời Meiji. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, Ramen đã trở thành một trong các món ăn đặc trưng Nhật Bản và trở nên cực kỳ nổi tiếng không chỉ ở nước Nhật. Sợi mỳ Ramen nhỏ như Spaghetti, được chan nước dùng với nhiều loại đồ ăn kèm khác nhau, như: thịt lợn thái lát (Chaashuu), rong biển khô (Nori), Kamaboko (chả cá Nhật Bản), hành xanh, thậm chí cả ngô nữa.

* Cơm cà ri Curry: là một trong món ăn nổi tiếng Nhật Bản mang nét rất đặc biệt của ẩm thực Nhật Bản. Tuy nhiên, nói về nguồn gốc của món ăn này, phải kể từ thời kì Minh Trị. Vào thời kì này, các thương nhân Ấn Độ đã đến đây và đem theo món ăn này. Sau đó, người ta đã khéo léo cho vào những hương vị và công thức đặc trưng chỉ có ở Nhật Bản. Dần dần nó đã trở thành món ăn tinh tế và đậm hương vị Nhật. Nếu so sánh với Cà Ri Ấn Độ, món Cà Ri Curry có vị ngọt hơn, và đậm đà hơn, nguyên liệu phối hợp cũng phong phú hơn. Các nguyên liệu phối hợp đó có thể là các loại thịt, rau hoặc hải sản khác nhau, ngoài ra còn có thể dựa theo sở thích người dùng mà thêm vào món ăn chút vị cay.

* Bánh Okonomiyaki: Trong tiếng Nhật, ý nghĩa của từ Okonomiyaki là “nướng tự do”. Đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến cho chiếc bánh nướng này được rất nhiều thực khách yêu thích. Đây là một loại bánh được kết hợp giữa trứng tráng và nhiều nguyên liệu khác… Khi nướng bánh, ta sẽ thêm rau bắp cải hoặc các loại rau khác ưa thích lên bề mặt trứng, cũng có thể thêm vào kim chi, thịt lợn, mực. Nướng bánh xong, có thể rưới nước sốt thịt nướng hoặc Mayonnaise lên trên, sau đó thêm một chút rong biển hoặc phần thịt cá ngừ chín làm tăng hương vị cho món.

* Soba và Udon: Đây là hai loại mì của Nhật Bản. Soba được làm từ bột kiều mạch và Udon làm từ bột mì. Chúng được ăn kèm với nước dùng hoặc được dùng với nước sốt và luôn có sẵn cả trăm kiểu biến thể đặc biệt ngon của 2 loại mì này.

* Tamago Kake Gohan: là món cơm sáng truyền thống rất được ưa chuộng tại “xứ sở hoa anh đào”. Vào bữa sáng, người Nhật thường ăn cơm trộn với trứng sống và nước tương, hoặc trộn với Natto hoặc các món ăn mặn khác.

* Donburi là từ dùng để chỉ món gồm một bát cơm đơn giản với một số thực phẩm khác được trộn bên trong bát cơm. Donburi xuất hiện tại cả những nhà hàng đặc sản, nhưng đồng thời cũng là một món ăn phổ biến mà du khách có thể tìm thấy trên thực đơn của tất cả các loại nhà hàng quán ăn. Một số loại Donburi phổ biến nhất là Gyudon (cơm thịt bò), Katsudon (cơm với Tonkatsu), Tendon (cơm với Tempura), Oyakodon (cơm với thịt gà và trứng), Tekkadon (cơm với thịt cá ngừ – Maguro), và Kaisendon (cơm với hải sản sống).

* Cơm nắm Onigiri được làm từ cơm, được nắm chắc lại và thường được gói trong rong biển nori. Chúng thường nhỏ vừa ăn, được nêm thêm muối và thường chứa nhân như umeboshi (quả mơ muối Nhật Bản), Okaka (cá ngừ và rong biển Konbu khô bào mỏng), hoặc cá hồi. Cơm nắm Onigiri là một món ăn cầm tay phổ biến và rẻ tiền có bán nhiều tại cửa hàng tiện lợi, nhưng cũng thường được phục vụ tại nhà hàng và các quán rượu – Izakaya nói chung.

* Cơm chiên Chahan: là một món ăn mà ban đầu được du nhập vào Nhật từ Trung Quốc. Có vô vàn các thành phần có thể được thêm vào cơm chiên. Một trong số những thành phần thường gặp là đậu, trứng, hành lá (negi), cà rốt và thịt lợn. Ngoài ra, còn có thể cho thêm hải sản như tôm, cua, mực,…

* Chazuke (hay Ochazuke): là một món ăn rất đơn giản bao gồm nước nóng, trà, hoặc nước cốt cá loãng chan với cơm (đôi khi được làm từ cơm nguội thừa). Chazuke thường được trang trí với các loại topping như Umeboshi (quả mơ muối), cá hồi nướng, hoặc dưa chua. Chazuke thường được phục vụ tại Izakaya (quán rượu), và là một món ăn phổ biến để ăn sau khi uống rượu. 

* Cháo Kayu: là cháo gạo Nhật Bản được nấu bằng cách hầm gạo trong nước loãng. Kayu thường đặc hơn cháo bình thường, và cũng là một món ăn thích hợp để xử lý cơm nguội còn thừa. Kayu thường được trang trí với Umeboshi, và thường được phục vụ cho người bệnh vì nó là món dễ tiêu hóa.

* Cá nướng Yakizakana: Nhiều loại cá có thể được chế biến theo cách này, bao gồm cả cá thu (saba), cá hồi (sake), cá Sanma, cá thu ngựa (aji), cá thu Okhotsk Atka (Hokke), cá tráp biển (tai) và một loại cá nước ngọt tên Ayu. Ở Nhật, người ta nói rằng cách ăn và thứ tự ăn một con cá nướng đúng quy tắc có thể nói lên sự thanh lịch, có học thức của người ăn.

* Yakisoba: là mì ăn kiểu Trung Quốc, được nướng hoặc chiên với thịt thái miếng, bắp cải, cà rốt, hoặc các loại rau khác, và trang trí với gừng đỏ. Đây là một món ăn phổ biến trong các dịp lễ hội.

* Oden: Một món ăn Nabe được làm từ thịt của các loại cá khác nhau, củ cải, trứng luộc, Konyaku và rong biển Kombu, được ninh trong nước súp vị nước tương. Oden là một món ăn phổ biến có thể tìm thấy tại các cửa hàng tiện lợi trong mùa đông.

* Lẩu Chanko: là thức ăn chính truyền thống của các đấu sĩ đô vật Sumo. Có rất nhiều loại lẩu Chanko, và du khách có thể nếm thử tại một trong nhiều nhà hàng đặc sản lẩu Chanko ở xung quanh Ryogoku – khu sumo ở Tokyo.

* Yakiniku có nghĩa là “thịt nướng”, là món thịt cắt nhỏ – chủ yếu là thịt bò và thịt lợn – được nướng trên một chiếc vỉ đặt tại bàn. Các nhà hàng chuyên Yakiniku là một trong những loại nhà hàng nổi tiếng nhất ở Nhật Bản, và thường phục vụ thịt ở các phần khác nhau, cũng như các loại thịt chất lượng cao cũng như thấp.

* Nikujaga: là một món ăn tại nhà, làm từ thịt (Niku) và khoai tây (Jagaimo) hầm trong nước dùng vị nước tương ngọt. Trước đây người Nhật thường nói: “nếu bạn biết nấu Nikujaga giỏi thì bạn sẽ ghi điểm rất nhiều trong mắt người yêu, bởi điều đó nói lên bạn là người chồng/vợ của gia đình”.

* Teppanyaki: Thịt, hải sản và rau được đặt trên một vỉ sắt lớn (Teppan) xung quanh mà thực khách đang ngồi. Các đầu bếp khéo léo chuẩn bị các món ăn ngay trước mặt khách hàng của mình. Tên gọi Teppanyaki đơn giản chỉ mang nghĩa “nướng trên bản sắt”. Các đầu bếp thường biểu diễn quá trình chế biến món ăn Teppanyaki ngay trước mặt thực khách

* Hiyayakko: là đậu phụ tươi ướp lạnh (thường là đậu phụ mềm) thường được trang trí với gừng xay nhuyễn, Katsuobushi (cá ngừ khô bào mỏng), hành lá và nước tương đậm. Thực khách có thể rưới nước tương vào đậu phụ trước khi ăn nếu nước tương quá đậm.

* Yudofu: là các đậu phụ thái nhỏ luộc trong một loại nước dùng trong và nhạt, và được chấm vào nước tương hoặc sốt Ponzu trước khi ăn. Yudofu là một đặc sản của Kyoto và thường được ăn nhiều trong những tháng mùa đông lạnh.

* Agedashidofu được làm bằng đậu phụ tẩm một chút bột, chiên lên và được ăn nóng với nước dùng (Dashi), thường được trang trí bằng hành lá hoặc củ cải xay nhuyễn. Agedashidofu được phục vụ trong nhiều nhà hàng và là món ăn phổ biến ở các quán rượu – Izakaya.

* Miso Soup được chế biến bằng cách hòa tan tương Miso với nước cốt cá (Dashi), thường được cho thêm rong biển Wakame, đậu phụ xắt miếng nhỏ, hay đậu phụ chiên thái lát,…

* Korokke có nguồn gốc từ món Croquettes của Pháp, được du nhập đến Nhật Bản vào thế kỷ 19. Korokke bao gồm nhân được tẩm bột và chiên, và được ăn kèm với nước sốt Worcestershire và bắp cải thái sợi. Có nhiều loại Korokke khác nhau tùy vào nguyên liệu của nhân, và phổ biến nhất trong số đó là thịt băm trộn với khoai tây nghiền.

* Omuraisu viết tắt của Omelete-rice, là cơm chiên bọc trong một lớp trứng ốp lết mỏng. Omuraisu thường có hình quả trám và có thể được trang trí với nước sốt cà chua hoặc nước sốt Demi-glace. Đó là một món ăn hết sức phổ biến ở quán ăn hay quán cà phê, và ở một số nơi cũng có các nhà hàng đặc sản Omuraisu.

* Hambagu: là món nhân hăm bơ gơ rán lên và ăn như thức ăn mặn. Khác với bánh hăm bơ gơ gồm thịt kẹp với bánh mì, Hambagu thường được phục vụ trên một đĩa với rau bên cạnh và ăn cùng cơm hoặc bánh mì, và nước sốt Demi-glace đậm.

* Bento hay cơm hộp, là món cơm phần dành cho 1 người ăn và đựng trong hộp. Các thức ăn trong cơm hộp thường bao gồm thịt thái nhỏ, rau, cá, hoặc dưa chua và cơm. Bento cả nóng và nguội – có thể được bán ở từ các nhà hàng đặc sản, siêu thị cho đến các cửa hàng tiện lợi, và là một món ăn được yêu thích tại các ga tàu (Ekiben) và sân bay (Soraben). Được bán ở các nhà ga và là sản phẩm có giá cao, Ekiben luôn được trình bày đẹp mắt, và nếu được bán ngay trên tàu thì giá của nó còn cao hơn nữa.

* Gyoza: là bánh bao có vỏ bột nếp, nhồi với nhân gồm có rau thái nhỏ và thịt xay.Gyoza du nhập đến Nhật Bản từ Trung Quốc. Gyoza Nhật Bản thường được chiên chứ không hấp giống như Trung Quốc, và là món phổ biến để ăn cùng với Ramen. Gyoza là món ăn phổ biến đến mức thông thường, Du khách luôn có thể gọi món Gyoza ở một nhà hàng Trung Hoa, hoặc một quán Ramen, hoặc một quán nhậu bất kỳ.

* Chawanmushi: là món trứng hấp thập cẩm thường chứa thịt gà thái miếng, tôm, cá và một hạt cây Ginko trộn lẫn bên trong. Chawanmushi thường được trình bày trong một cốc nhỏ có nắp, và ăn bằng thìa.

* Dưa chua Nhật Bản Tsukemono: có nhiều loại, và được phục vụ như một món khai vị, món ăn mặn, hoặc ăn nhẹ, hoặc dùng để trang trí các món khác. Các món dưa chua được cho là hỗ trợ tiêu hóa, và một đĩa dưa chua nhỏ thường xuất hiện trong các bữa ăn truyền thống Nhật Bản. Trong các quán rượu hoặc trong các bữa ăn kiểu Nhật truyền thống, các món dưa chua thường được phục vụ đầu tiên.

* Wagashi: là những tác phẩm nghệ thuật nho nhỏ làm thỏa mãn nhu cầu sâu xa về cái đẹp của khách ẩm thực. Nó có thể là một cánh bướm nhỏ, một nụ hoa anh đào chớm hé, một chú họa mi xinh xinh… chỉ vài chiếc bánh đã đủ làm cho người ta cảm thấy mùa xuân đâu đây đang tới gần. Nhưng không chỉ có mùa xuân, “mùa nào thức ấy”, những chiếc bánh Wagashi thường thay đổi theo mùa về hình dáng, về màu sắc, về thành phần, về hương vị. Wagashi có thể làm từ bột mì, bột gạo, bột các loại đậu trắng, đậu xanh, đậu đỏ… Thêm vào đó là những thứ trái cây sấy khô các loại thạch tảo, nước trái cây… cho bánh nhiều hương vị khác nhau. 

* Dorayaki có hình dáng như bánh rán, bao gồm 2 lớp vỏ bánh tròn dẹt làm từ bột, phết mật ong, được nướng lên và bao lấy nhân thường làm từ bột nhão đậu đỏ. Ban đầu loại bánh này chỉ có một lớp, hình dạng như ngày nay là do Ueno Usagiya sáng tạo ra vào năm 1914. 

* Bánh Taiyaki: Taiyaki trong tiếng Nhật có nghĩa là “bánh nướng cá tráp”, một loại cá nước mặn rất thường xuất hiện trong các bữa ăn của người Nhật. Đúng như cái tên, Taiyaki nổi tiếng với hình dạng con cá cùng những vệt vẩy rõ nét trên thân bánh. Trong khi đó thì nhân bánh được làm từ mứt đậu đỏ, thơm và ngọt dịu cộng với cách thức chế biến khiến nó được coi là loại bánh anh em của Dorayaki. 

NHỮNG THỨC UỐNG ĐƯỢC ƯA THÍCH Ở NHẬT BẢN

Rượu Sake

Rượu Sake chính là đồ uống nổi tiếng của Nhật Bản mà nhiều du khách khi đến đây đều muốn nếm thử. Rượu Sake đóng một vai trò quan trọng trong đời sống và văn hóa Nhật Bản suốt hai ngàn năm qua. Ngày nay, khoảng 2.000 lò rượu lớn nhỏ sản xuất khoảng 10.000 chủng loại Sake khác nhau, với mục đích giới thiệu cho người nước ngoài những đặc trưng và sự đa dạng của loại rượu quốc hồn quốc túy này.

Lịch sử phát triển của Sake gắn chặt với các mặt của đời sống Nhật Bản đến độ nếu người ta hiểu về rượu Sake sẽ hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa, xã hội và môi trường vật lý của Nhật Bản.

Ban đầu, loại rượu này chỉ phục vụ những người trong Hoàng tộc hay các buổi lễ hội tôn giáo của đất nước. Đến cuối thế kỷ 12 mới trở thành thức uống phổ biến trong tầng lớp dân thường.

Một vài loại rượu Sake phổ biến mà khi du lịch Nhật Bản, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội nếm thử như:

Junmai là loại rượu Sake được sản xuất nguyên chất, chỉ làm từ hạt gạo xay nhuyễn khoảng 30%, không có thêm rượu hay các loại tinh bột nào khác. Hương vị của nó hơi nồng và mùi thơm nhẹ. Một gợi ý dành cho du khách thưởng thức rượu Junmai là phải uống nóng thì mới ngon.

Honjozo cũng tương tự như rượu Junmai nhưng có thêm một lượng rượu nhỏ để làm tăng hương vị. Điều này sẽ làm cho nó có mùi thơm hơn. Mức độ xay nát của gạo khi làm loại rượu này là 70%. Rượu Honjozo thì du khách có thể uống bình thường, không cần hâm nóng.

Ginjo là loại rượu Sake có bổ sung thêm nấm men nên nhiệt độ lên men của nó sẽ thấp hơn và giữ được hương thơm nhiều hơn. Hạt gạo nấu loại rượu này được xay nhuyễn 40%. Các nhà hàng thường phục vụ rượu Ginjo ướp lạnh để giữ hương vị của nó. Tuy nhiên nếu quá lạnh thì cũng không tốt vì có thể giết chết vị của rượu.

Daiginjo là loại rượu Sake mà gạo được xay khoảng 60% và có mùi thơm hơn 3 loại còn lại. Vị dư của rượu cũng ngắn hơn làm người uống cảm thấy dễ chịu, ít bị nhức đầu. Loại rượu này có pha thêm rượu chưng cất để làm loãng nồng độ cồn.

Ngoài 4 loại rượu Sake nổi tiếng kể trên thì trong chuyến du lịch Nhật Bản, du khách sẽ còn thấy một số loại rượu Sake khác được bày bán trong cửa hàng. Ví dụ như: Shinshu, Koshu, Namazake, Tezukuri,Nigorizake,

Rượu Hoppy

Ở Asakusa Tokyo có một nơi uống rượu mang đậm nét không khí ngày xưa của Nhật Bản tên gọi là Shitamachi. Chỉ trong giới hạn khu phố này, có một loại rượu đặc biệt với tên gọi “Hobby”. Đây là dạng thức uống hơi mang hương vị của bia nhưng không có chất cồn, được sản xuất bởi công ty Kokuha. Theo như nghiên cứu thì Hoppy là một loại thức uống tốt cho sức khỏe ở Nhật Bản vì nó có thể giúp cơ thể tránh được những bệnh theo mùa ở người lớn như: cảm cúm, nhức đầu,…

Ngày xưa, ở Nhật, bia rất đắt đỏ, người ta mới sáng tạo ra loại rượu Hobby để trộn vào rượu Shochu (một loại rượu gạo tương tự như Sake) uống cho giống bia. Có loại Hobby màu giống màu bia thông thường và một loại Hobby đen giống bia Đức.

Người uống có thể điều chỉnh nồng độ cồn theo ý thích bằng việc điều chỉnh lượng pha chế rượu Shochu vào Hobby. Vậy nên, người uống giỏi rượu và người uống yếu đều có thể thưởng thức loại đồ uống này theo khả năng của mình.

Đây là loại thức uống của vùng Kanto Nhật Bản, ngoài ra du khách khó có thể tìm thấy ở đâu trên trái đất này. Loại đồ uống này mà ăn với thịt gà nướng thì không còn từ nào diễn tả độ ngon của nó.

Trà Sakura

Trà Sakura là đồ uống nổi tiếng của Nhật Bản lấy cảm hứng từ loài hoa anh đào mỏng manh. Pha loại trà này cần có sự tinh tế để giữ nguyên hương thơm nhẹ nhàng của cánh hoa. Người Nhật thích uống trà Sakura vì nó không chỉ giúp thư giãn mà còn giúp trẻ hóa tế bào, tăng cường hệ thống miễn dịch.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Rất nhiều quán nước, nhà hàng ở Tokyo hay một vài thành phố lớn khác đều có bán loại trà này. Du khách có thể thử thưởng thức một tách trà Sakura trong chuyến du lịch Nhật Bản để cảm nhận được vị ngọt ngào hòa lẫn hương thơm dịu nhẹ của nó.

Trà Ryokucha

Từ “Ryoku” có nghĩa là màu xanh và “cha” có nghĩa là trà nên Ryokucha là một thuật ngữ dùng để gọi chung các loại trà xanh được đun sôi ở Nhật Bản. Có nhiều loại trà xanh với vị đắng khác nhau. Nhìn chung thì trà xanh là một thức uống được người dân địa phương uống mỗi ngày vì nó giúp chống oxy hoá, tăng cường sức khoẻ và còn có thể giảm cân.

Matcha Latte

Người Nhật thường bắt đầu buổi sáng bằng một tách Matcha Latte. Đây là loại thức uống pha từ bột trà xanh Matcha với sữa. Hương vị của nó chỉ hơi đắng nhẹ do được trung hòa bởi vị ngọt của sữa. Tùy theo sở thích mà du khách có thể pha ngọt, ít ngọt hoặc uống nóng hay uống lạnh. Và theo nghiên cứu thì trà xanh có thể giúp tăng cường hệ tim mạch, chống oxy hoá và phòng ngừa ung thư. Do vậy nên bột trà xanh Mattcha cũng là món quà thường được mua khi đi du lịch Nhật Bản.

Nước Aojiru

Trong mấy năm gần đây tại Nhật Bản có một cuộc bùng nổ của thứ đồ uống màu xanh tên là Aojiru. Khắp các siêu thị, hàng chục loại Aojiru được bày bán.

Trong tiếng Nhật, Aojiru có nghĩa đen là “nước xanh” vì nguyên liệu để làm ra loại thức uống này gồm rau cải xoăn, lúa mạch, lá trà xanh. Tuy vị khá đắng nhưng nước Aojiru lại vô cùng tốt cho sức khỏe. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì thức uống này giàu vitamin và khoáng chất giúp bổ sung dinh dưỡng, tăng cường tuổi thọ.

Trên đây, chúng tôi đã giới thiệu tới du khách những văn hóa ẩm thực Nhật Bản rất đặc trưng. Nếu du khách có nhu cầu đi tour du lịch Nhật Bản giá rẻ hãy liên hệ ngay với chúng tôi nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi vui vẻ và thú vị!