Một trong những điểm thu hút du khách bậc nhất ở Thái Lan là những công trình kiến trúc cổ kính, trang nghiêm, đặc biệt là những đền vàng, tháp vàng, chùa vàng. Cũng vì lẽ đó Thái Lan được gọi là “xứ sở Chùa Vàng”. Và ngày nay nhắc tới Chùa Vàng ở Thái Lan là người ta nhắc ngay tới quần thể kiến trúc nằm trong khu Cung điện Hoàng gia – Grand Palace.
Hoàng Cung Grand Palace hay theo tên gọi của người bản xứ là Phra Borom Maha Ratcha Wang, được vua Rama I xây vào năm 1772, sau khi dời kinh đô từ Thonbari ở bên bờ Tây sông Chao Phraya sang bờ Đông. Grand Palace là quần thể kiến trúc hoành tráng nằm ngay trung tâm Bangkok, được xây dựng trên diện tích hơn 200.000m2, bao bọc bởi bốn bức tường thành được xây dựng năm 1782 với tổng chiều dài lên đến 1.900m, cấu thành bởi 3 khu vực chính. Khu vực cung điện bên ngoài có văn phòng hoàng gia; các công trình công cộng và Chùa Ngọc Bích. Khu vực ở giữa gồm các công trình phục vụ các nghi lễ quan trọng với phong cách kiến trúc kếp hợp kiến trúc Châu Âu và truyền thống trong kiến trúc Thái Lan, có nội thất được chăm chút tỉ mỉ, chủ yếu lấy từ cảm hứng thời kỳ phục hưng Châu Âu, cùng các bức chân dung của hoàng gia Vương triều Chakri được trưng bày. Tiếp đến là Khu vực bên trong dành riêng cho hoàng thất.
Trong Hoàng Cung có bốn tòa kiến trúc vô cùng hùng vĩ, đó là Tiết Cơ Cung (Hakri Maha Prasad), Luật Thật Cung (Dusit Maha Prasad), A Mã Lâm Cung (Amarin Winitchai Hall) và chùa Ngọc Phật (Wat Phra Kaeo).
Chùa Ngọc Phật trong nội cung có thờ tượng Ngọc Phật – Quốc bảo đệ nhất của Thái Lan, mỗi năm đều thu hút tín đồ Phật giáo và khách du lịch trên thế giới đến tham quan. Pho tượng phật được tạc từ một khối ngọc bích nguyên chất, Tượng có kích thước 48cm x 46cm, đặt trên bệ cao 2m. Người ta tin rằng tượng này được đặt ở đâu thì ở đó nhiều may mắn, mọi sự phát đạt. Tượng được đặt trong Hoàng Cung thì Hoàng gia may mắn, đất nước phồn vinh, hưng thịnh.
Đến thăm Hoàng Cung Grand Palace, bất cứ du khách nào cũng bị choáng ngợp bởi các công trình kiến trúc ở đây. Không chỉ có sự rực rỡ kiêu kì với sự phát sáng ngày đêm từ những lá vàng 24 cara dát trên tháp chùa, hay các tòa tháp rộng lớn bề thế như tháp Phra Sri Rattana. Tháp như một biệt thự cao tầng hình ngọn núi được bao bọc bởi hàng triệu lá vàng dát mỏng chuyển về từ Italia. Tháp này dùng để quàn ướp thi hài các nhà vua vừa qua đời. Bảo vệ quanh tháp là tượng những chú voi linh thiêng của đất nước Thái Lan. Ngay bên cạnh tháp Phra Sri Rattana là thư viện Phra Mondop, dùng để bảo quản bộ kinh phật Thái và những bộ kinh phật tiêu biểu trên thế giới. Ngoài ra xung quanh các điện trong tổ hợp kiến trúc này đều có tượng chim thần Garuda đứng ưỡn ngực bảo vệ, chấn giữ và còn có các Chedi vàng đeo hài lẫn không đeo hài, tượng trưng cho nhiều tầng lớp góp sức cùng chống đỡ. Cạnh chùa Ngọc Phật cũng có một mô hình Angkor được bổ sung theo lệnh vua Rama III và mô hình chùa Trung Quốc khá ấn tượng, được xây dựng với chất liệu hoàn toàn chuyển về từ Tung Quốc.
Kiến trúc chùa, tháp của khu cung điện Hoàng Gia này không chỉ làm du khách kinh ngạc về quy mô đồ sộ mà còn khiến người ta trầm trồ bởi độ tinh xảo, cầu kì tới từng chi tiết nhỏ, tưởng chừng sức người không thể tạo nên nổi sự tinh diệu mà nơi đây đã có. Nơi đây dù có pha trộn một chút phong cách kiến trúc khác đi chăng nữa, vẫn đều thể hiện lối kiến trúc tiêu biểu mang bản sắc Thái Lan đặc trưng với mái cong, đỉnh nhọn sắc nét. Các công trình này để lại khá nhiều ấn tượng sâu đậm nơi du khách tham quan vì ngoài quy mô; kiến trúc, nơi đây còn gắn liền và thể hiện rất nhiều ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử phát triển, cũng như nền văn hóa phong phú đặc sắc của đất nước này.
Để kết thúc lịch trình tham quan khu cung điện này, du khách hãy đến Nhà khách Hoàng Gia (Royal Reception Halls). Ngày nay, nơi đây được sử dụng để tổ chức các sự kiện quan trọng như lễ đăng cơ. Trong này còn có ngai vàng cổ theo phong cách truyền thống trước khi phong cách phương Tây được áp dụng. Du khách được cho phép vào sảnh tiếp khách rộng theo phong cách châu Âu – đại sảnh hoàng cung (Grand Palace Hall – Chakri Maha Prasat). Ở đó còn có Dusit Hall, được xem là công trình có kiến trúc đẹp nhất theo phong cách châu Âu, và một bảo tàng nơi trưng bày thông tin về các lần trùng tu hoàng cung, những mẫu vật và hình ảnh của Phật.
Hoàng Cung Grand Palace là điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới. Nhưng cũng được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Ngay ở cổng chính là vọng gác lớn với một đơn vị lính Hoàng gia đông đảo, tinh nhuệ, được huấn luyện công phu, ngày đêm tuần tiễu, canh giữ. Khách trong nước và nước ngoài đến tham quan đều phải mua vé. Người Thái Lan làm nghề hướng dẫn phải mua một loại thẻ riêng. Vào Hoàng Cung không được hút thuốc lá, ăn mặc chỉnh tề, đeo dép quai hậu hoặc giầy, không được đi dép lê.
Nếu một lần đến với Grand Palace, lắng mình ngắm những công trình kiến trúc thật xa hoa tráng lệ, với những nét cầu kì độc đáo trong chạm khắc, trang trí và đặc biệt là trải qua những khoảnh khắc trầm lắng bình tâm ở một không gian im vắng và thật thiêng liêng ở nơi đây chắn chắn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời mà du khách có được trong hành trình du lịch Thái Lan.