Nhắc đến La Mã cổ đại, chúng ta nghĩ ngay đến những công trình kiến trúc tuyệt tác tinh xảo trải dài khắp nước Ý. Trong đó, ngoài Đấu trường La Mã Colossseum, Khải Hoàn Môn Constantinus thì cũng không thể không nhắc đến Đền thờ Pantheon huyền thoại, nơi được mệnh danh là “Đền thờ của các vị thần”.

Đền Pantheon (Rome, Italy) thu hút hàng triệu khách tới thăm mỗi năm.
1. Đền thờ 2.000 năm tuổi
Điện Pantheon là một trong những di tích thuộc La Mã cổ đại được bảo tồn nguyên vẹn nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Theo ghi chép, công trình này được hoàn thành vào khoảng năm 126-128 sau Công Nguyên, dưới thời trị vì của Hoàng đế Hadrian. Điện Pantheon nằm trên địa điểm của một công trình kiến trúc cùng tên trước đó, được xây dựng vào khoảng năm 25 trước Công nguyên. Đây là di tích lịch sử lâu đời nhất trên thế giới vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Trước đó, đây là đền thờ các vị thần La Mã và trở thành Giáo hội Công giáo La Mã từ thế kỷ 7.

Khung cảnh bên trong Pantheon
Được biết đến là “Đề thờ của các vị thần La Mã”, tên của công trình này có nguồn gốc từ tiếng La-tinh với “pan” có nghĩa là “tất cả” và “theos” nghĩa là “các vị thần”.
2. Đền Pantheon sẽ thu phí vào cửa
Trong buổi thỏa thuận ký kết hôm 16/3, Bộ trưởng Văn hóa Italy, Gennaro Sangiuliano, cho biết việc thu phí là rất cần thiết. Năm năm trước, chính phủ nước này cũng đã có kế hoạch thu phí vào tham quan đền 3,5 USD đối với khách du lịch, nhưng đã gác lại do vấp phải sự phản đối gay gắt. Khách du lịch đến tham quan đền Pantheon (Rome, Italy) sẽ sớm phải trả 5,28 USD phí vào cửa, ngoại trừ cư dân thành phố Rome, trẻ vị thành niên và những người tham dự Thánh lễ.

Du khách sẽ sớm phải trả 5,28 USD phí vào cửa khi tham quan đền Pantheon
Các quan chức cho biết 70% số tiền thu được thuộc về Bộ văn hóa và giáo phận thành phố Rome sẽ nhận được 30%.
Hiện, các quan chức vẫn chưa công bố ngày áp dụng thu phí khi vào địa điểm này. Ở Italy, thành phố Venice cũng áp dụng phí tham quan gần 10 USD từ tháng 1 nay năm, nhằm giải quyết vấn đề quá tải du lịch.
3. Kiệt tác kiến trúc của điện Pantheon
Thiết kế kiến trúc của Pantheon đã tạo nguồn cảm hứng cho vô số công trình kiến trúc quan trọng trong lịch sử, trải dài từ châu Âu cho đến châu Mỹ. Ngày nay, Pantheon vẫn tiếp tục hoạt động như một nhà thờ, đồng thời là một địa điểm du lịch đặc trưng của thủ đô Rome (Ý).

Cấu trúc của đền Pantheon
Về kiến trúc xây dựng nên Pantheon, đền thờ này chủ yếu làm từ gạch và bê tông. Đền Pantheon bao gồm ba phần: một mái hiên với các cột đá granit, một nhà thờ lớn có mái vòm và một khu vực hình chữ nhật nối hai phần còn lại.
Với đường kính 43,2 mét, trần nhà hình vòm là trần nhà lớn nhất trên thế giới vào thời điểm nó được xây dựng. Trên đỉnh của mái vòm có một lỗ hổng, hay còn gọi là “oculus” có chiều rộng 8,2 mét. Bên cạnh đó, các bức tường và sàn của nhà thờ cũng được trang trí bằng đá cẩm thạch và mạ vàng.

Lỗ hổng “oculus” trên mái vòm
Khi nghệ sĩ tài ba bậc nhất thời Phục Hưng Michelangelo nhìn thấy Pantheon, ông đã nói rằng đó là thiết kế của các thiên thần, không phải của con người. Điện Pantheon cũng đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng quan trọng đối với kiến trúc sư vĩ đại thời Phục hưng Andrea Palladio, cũng như vô số kiến trúc sư sau này, ở châu Âu và hơn thế nữa.
Ngày nay, đền Pantheon là một điểm đến du lịch chính cho du khách từ khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh hoạt động như một điểm du lịch, nơi đây cũng vẫn đảm nhận vai trò như một thánh đường Công giáo.