Nhiều doanh nghiệp du lịch cho biết nhu cầu đi lại tăng là một trong những lý do khiến chi phí du lịch tại một số điểm đến đội giá. Du lịch châu Á đang trỗi dậy mạnh mẽ khi khách du lịch tại khu vực này ngày một tăng cao, dự báo năm 2023 tiếp tục đón lượng lớn khách quốc tế. Đây là tín hiệu đáng mừng cho du lịch châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Klook Việt Nam, nhận định phân khúc du lịch nước ngoài bắt đầu sôi động trở lại. Với nhóm du khách Việt Nam, các điểm đến Đông Bắc Á là thị trường nhận được nhiều sự quan tâm.

Các nước khu vực Đông Bắc Á là điểm đến quen thuộc với khách Việt

Các nước khu vực Đông Bắc Á là điểm đến quen thuộc với khách Việt

1. Du lịch sôi động trở lại

“Trong những tháng đầu năm, chúng tôi ghi nhận số lượng đơn hàng của người Việt cho các sản phẩm du lịch tại khu vực Đông Bắc Á tăng đến 50% so với giai đoạn các điểm này vừa mở cửa trở lại”, ông Hoàng cho biết.

Theo vị này, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là các điểm đến được khách Việt yêu thích nhất. Dữ liệu công ty cũng chỉ ra một số trải nghiệm được quan tâm và đặt mua nhiều ở khu vực trên, bao gồm vé các điểm tham quan và công viên giải trí, vé tàu, thẻ di chuyển như thẻ JR Pass của Nhật, vé tàu cao tốc THSR của Đài Loan…

Mùa hoa anh đào bắt đầu nở rộ tại các điểm đến Đông Bắc Á

Mùa hoa anh đào bắt đầu nở rộ tại các điểm đến Đông Bắc Á

Tương tự, dữ liệu tìm kiếm trên nền tảng Booking.com cũng chỉ ra trong top 10 điểm đến được khách Việt quan tâm vào tháng 2, có đến 3 điểm đến thuộc khu vực Đông Bắc Á. Cụ thể, các địa điểm này gồm Đài Bắc, Đài Loan (xếp thứ 4), Tokyo, Nhật Bản (xếp thứ 5) và Seoul, Hàn Quốc (xếp thứ 7).

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vừa đưa ra nhận định, năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế có thể đạt 80% đến 95% so với mức trước đại dịch. Theo dữ liệu mới của UNWTO, hơn 900 triệu khách đã đi du lịch quốc tế vào năm 2022, gấp đôi con số được ghi nhận vào năm 2021 (nhưng vẫn bằng 63% so với mức trước đại dịch năm 2019). 

2. Giá vé ngày càng tăng cao

Du khách Hoàng Sơn (quận 7, TP.HCM) vừa đặt vé khứ hồi chặng TP.HCM – Đài Bắc (Đài Loan) hết khoảng 11 triệu đồng. Nam du khách nhận xét mức giá này chênh lệch khá nhiều so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Phan Thế Anh, travel blogger từng sinh sống tại Đài Loan 6 năm, cũng đồng quan điểm trên.

“Thời điểm trước dịch tôi thường săn được vé giá rẻ, dao động khoảng 3-4 triệu đồng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giá vé rẻ nhất thường là 5 triệu đồng. Thậm chí, vào cuối tuần, mức giá có thể lên đến gần 7 – 8 triệu đồng”, Thế Anh chia sẻ.

Nhu cầu du lịch tăng cao sau covid-19 kéo theo chi phí cũng tăng cao

Nhu cầu du lịch tăng cao sau covid-19 kéo theo chi phí cũng tăng cao

Với mức giá này, nhiều du khách sẽ chọn đi Hàn Quốc và Nhật Bản thay vì Đài Loan. Hai điểm đến này tuy thời gian bay dài hơn nhưng lại nổi tiếng hơn về mặt du lịch. Tại Nhật Bản, Tổng cục du lịch Nhật Bản cho biết, trong năm 2023, du lịch nội địa sẽ khôi phục hơn 90% lượng khách so với trước đại dịch Covid-19. Số khách nước ngoài dự kiến đến Nhật Bản khoảng 21,1 triệu người, tăng khoảng 5,5 lần so với năm 2022. Khách Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhanh từ tháng 7 trở đi và chiếm khoảng 30% khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản.

Vé máy bay chặng TP.HCM – Đài Bắc trong tháng 3 có giá thấp nhất khoảng 4,8 triệu đồng nhưng giờ bay không thuận lợi. Hành khách có nhiều lựa chọn hãng bay như Vietnam Airlines, Vietjet Air, China Airlines, EVA Air, Cathay Pacific… Giá vé tùy thời điểm dao động 4,8-9,4 triệu đồng.

Chặng TP.HCM – Seoul (Hàn Quốc) trong tháng 3 dao động 5,5 – 7,4 triệu đồng tùy theo giờ bay và hãng hàng không. Cũng trong tháng này, vé máy bay chặng TP.HCM – Tokyo (Nhật Bản) thấp nhất là 8,5 triệu đồng và cao nhất là 13,6 triệu đồng/chiều.

3. Biến động cung – cầu

Không chỉ vé máy bay, giá phòng khách sạn tại khu vực châu Á nói chung và Đông Bắc Á nói riêng cũng có sự thay đổi so với thời điểm trước dịch Covid-19. Mặc dù được nhận định sẽ có sự phục hồi nhanh vào năm 2023, du lịch trong khu vực châu Á cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức. Khó khăn chung của kinh tế toàn cầu được dự báo còn tiếp diễn trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu của du khách cho du lịch. Ngoài ra, ngành Du lịch của các quốc gia châu Á cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực.

Giám đốc chiến lược một nền tảng đặt phòng khác chia sẻ việc các khách sạn cao cấp tăng giá ồ ạt do nhu cầu về phòng khách sạn sang trọng của du khách Trung Quốc ngày càng tăng.

Khách Trung Quốc càng quan tâm đến điểm đến nào thì giá phòng khách sạn ở đó càng tăng mạnh. Việc điều chỉnh giá phòng khách sạn đang giúp các doanh nghiệp bù đắp khoản lỗ đáng kể trong ba năm chịu ảnh hưởng của đại dịch và có khả năng thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá phòng khách sạn. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất vẫn là bài toán cung – cầu. Các điểm đến ở khu vực Đông Bắc Á là minh chứng rõ ràng cho nhận xét này.

Theo ông, khi hạn chế đi lại được dỡ bỏ, nhu cầu du lịch tăng cao. Điều này đã phần nào thúc đẩy việc tăng giá phòng khách sạn nói chung.

Vị giám đốc chiến lược nền tảng đặt phòng khác cho rằng điều này có thể gây thêm khó khăn về tài chính cho khách du lịch, những người đã phải chi trả quá nhiều cho chi phí sinh hoạt và lạm phát gia tăng.

Trái lại, dữ liệu thực tế trên nền tảng Klook chỉ ra khách du lịch sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Cuộc khảo sát được đơn vị này thực hiện tại 9 quốc gia vào tháng 12/2022 cho thấy 80% du khách sẽ chi tiêu như trước đó nếu không muốn nói là nhiều hơn cho du lịch vào năm nay.

Trong các điểm đến tham gia khảo sát, Việt Nam là một trong quốc gia mà người được khảo sát hào hứng đi du lịch nhất, bất chấp những lo lắng về kinh tế.

Kết quả thu về ghi nhận 51% dự định chi tiêu nhiều hơn cho du lịch vào năm nay. 79% người Việt Nam tham gia khảo sát chia sẻ rằng họ dự định có nhiều hơn một chuyến du lịch quốc tế trong năm và 45% dự định du lịch nước ngoài trong hơn 10 ngày.

Năm 2023, các quốc gia trong khu vực châu Á đều lên các kế hoạch để đón lượng khách lớn, tiến tới phục hồi du lịch hoàn toàn. Trong đó, các quốc gia trong khu vực Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cũng đang dần thúc đẩy các hoạt động xúc tiến với kỳ vọng phát triển du lịch chào đón nhiều du khách quốc tế.