5 MÓN CƠM NGON TRỨ DANH CỦA HÀN QUỐC

Đối với Hàn Quốc hay một số quốc gia Châu Á khác thì cơm là món ăn dân dã và không thể thiếu trong những bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, tại mỗi quốc gia lại có một cách làm món cơm riêng với những hương vị khác nhau. Với người Hàn Quốc thì làm cơm với đủ loại hấp dẫn khác nhau. Du khách đang tò mò muốn biết đúng không? Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

1. CƠM NIÊU ĐÁ (YEONGYANG-DOLSOTBAP)

Yeongyang-dolsotbap (영양돌솥밥) là món cơm được nấu với nhân sâm, táo tàu và hạt dẻ nên có nhiều dưỡng chất. Điều đặc biệt, món này sẽ được nấu bằng niêu đá để đảm bảo cho cơm chín đều và giữ được độ nóng rất lâu.

Trong tiếng Hàn, “Dolsot” có nghĩa là niêu làm bằng đá. Loại công cụ này được các nhà khảo cổ học Hàn Quốc phát hiện có từ thời Baekje khoảng 1.300 năm trước. Giờ đây cơm niêu đá đã trở thành món ăn đặc sản của “xứ sở Kim Chi” vì từ năm 1920, người Hàn Quốc bắt đầu sử dụng các loại nồi nấu theo kiểu Nhật Bản có tên gọi là “Nembi”, rồi sau năm 1960 sự xuất hiện của nồi cơm điện đã gần như đặt dấu chấm cho thời đại nấu cơm bằng nồi đá. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển các công cụ nấu nướng, người ta đã dần nhận thức được giá trị và tác dụng của đá trong chế biến thức ăn. Như cơm nấu bằng niêu đá sẽ thơm ngon hơn rất nhiều vì vung nồi bằng đá có tác dụng tạo áp suất rất lớn sẽ duy trì dường như tuyệt đối hương vị vốn có của hạt gạo. Trong món cơm dinh dưỡng Yeongyang-dolsotbap thì ngoài gạo trắng, người Hàn Quốc còn cho thêm cả hạt thông, hạt dẻ và nhiều loại hạt khô khác nữa.

Không khó để người dân Hàn Quốc chế biến ra món ăn đặc biệt này. Trước tiên họ sẽ chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu cần thiết như: Vo sạch nếp và gạo, ngâm trong nước rồi lấy ra để ráo; Rửa đậu đen, ngâm nước rồi lấy ra để ráo; Gọt vỏ hạt dẻ và cắt thành những miếng nhỏ; làm sạch táo tàu và cắt lấy phần thịt rồi chia thành nhiều miếng; Lột vỏ nấm thông, cắt thành miếng nhưng sao cho giữ lại hình dạng nấm; Làm nóng chảo dầu, xào bạch quả trong 2 phút với lửa vừa, đảo đều tay, sau đó bóc vỏ, cắt bỏ ngọn hạt thông, làm sạch; Rửa sạch nhân sâm, cắt bỏ phần cuống, cắt thành từng khoanh.

Khi có đầy đủ nguyên liệu, họ bắt đầu cho gạo, nếp, đậu đen, hạt dẻ, nấm thông, nhân sâm và nước vào nồi, bật lửa lớn cho đến khi sôi thì giảm nhỏ lửa, thêm táo tàu, bạch quả và hạt thông vào, rồi nấu tiếp cho đến khi cơm vừa chín thì xới đều. Thế là đã có một món Yeongyang-dolsotbap thơm ngon đầy dinh dưỡng.

2. CƠM NGŨ CỐC (OGOKBAP)

Cơm ngũ cốc “Ogokbap” là một trong những món ăn tiêu biểu vào ngày Rằm tháng Giêng “Jeongwol Daeboreum”.

Ngày Rằm tháng Giêng 15/1 Âm lịch là ngày trăng tròn và sáng nhất trong một năm. Rằm tháng Giêng năm nay rơi vào ngày 22/2 Dương lịch. Vào sáng ngày Rằm, người Hàn Quốc ăn “boreum”, các loại hạt có vỏ cứng như lạc, quả óc chó, sau đó ăn cơm ngũ cốc “Ogokbap” với các loại rau và chia sẻ với hàng xóm. Đêm đến, họ ngắm trăng trên trời và gửi lời cầu ước cho một năm.

Cơm ngũ cốc “Ogokbap” là một trong những món ăn tiêu biểu nhất vào ngày Rằm tháng Giêng, gồm có trên năm loại ngũ cốc như gạo nếp, đậu đỏ, đậu đen, hạt kê châu Phi (lúa miến), hạt kê.

Món ăn này bắt nguồn từ thời đại Silla. Khi vua Soji (479-500), vua đời thứ 21 triều đại Silla, được một con quạ cứu mạng vào ngày Rằm tháng Giêng, vua đã cho làm món cơm thuốc “Yaksik” để cảm tạ ơn cứu mạng của con quạ. “Yaksik” là một món ăn ngọt gồm những loại hạt mà quạ thích ăn và táo ta, mật ong. Tuy nhiên, những người dân thường rất khó tìm các loại nguyên liệu như mật ong, hạt thông, hạt dẻ, táo ta nên họ làm cơm ngũ cốc “Ogokbap” thay cho cơm thuốc “Yaksik”. Người ta cho rằng, bạn phải ăn cơm ở ba nhà khác họ trở lên vào ngày Rằm tháng Giêng để có may mắn trong năm mới. Vì vậy, món cơm ngũ cốc còn được gọi là “Baekgaban” (món ăn nên chia cho một trăm nhà cùng ăn).

Vào ngày Rằm tháng Giêng “Jeongwol Daeboreum”, người Hàn Quốc ăn các loại rau đã phơi khô từ năm trước cùng với các loại hạt trong cơm ngũ cốc “Ogokbap”. Họ cầu mong được mạnh khoẻ, tránh bị nóng nực trong mùa hè sắp tới.

3. CƠM TRỘN THẬP CẨM (BIBIMBAP)

Không chỉ nổi tiếng trong nước, Bibimbap còn là món ăn cực kỳ được ưa chuộng ở nước ngoài. Tuy nhiên, Bibimbap ngon nhất, đặc biệt nhất và đậm vị nhất vẫn là khi được chế biến và thưởng thức ngay tại đất nước Hàn Quốc xinh đẹp.

Bibimbap được chú ý trước hết bởi nghệ thuật pha trộn màu sắc: màu trắng của cơm, màu vàng của trứng, màu xanh của rau, màu nâu của thịt… Sự pha trộn này đã tạo ra cái tên “cơm trộn”. Bibimbap bao gồm cơm và đặt bên trên là các loại rau khác nhau (có thể lên tới 30 loại rau), tảo biển, trứng, thịt… Các loại rau xuất hiện trong món Bibimbap thường là dưa chuột, cà rốt, rau bina (rau chân vịt), giá, tảo biển, bí xanh, nấm, củ cải… Tất cả các loại rau cũng như nguyên liệu đặt lên trên lớp cơm trắng đều sẽ được thái chỉ và sắp xếp cạnh nhau sao cho thật đẹp mắt! Trứng trên tô Bibimbap thường là trứng ốp la hoặc trứng sống và sẽ được đặt ở giữa các loại rau.

Các hương vị không thể thiếu đối với Bibimbap đó là dầu mè và tương ớt Gojujang. Ngoài ra, Bibimbap nổi tiếng không chỉ bởi hương vị của nó mà còn vì đây là một món ăn cung cấp nhiều dinh dưỡng, đáp ứng đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như protein, vitamin, chất khoáng, chất hữu cơ và chất béo. 

Một trong những món Bibimbap phổ biến nhất tại các nhà hàng ở Hàn Quốc là Dolsot Bibimbap. Đây là loại cơm trộn được đựng trong một bát sứ nóng, trước khi cho cơm vào bát, sẽ có một lớp dầu mè ở dưới và khi cho cơm vào chiếc bát này sẽ được đặt trên bếp nóng. Vì thế, cơm khi thưởng thức sẽ có màu vàng, cháy xém cạnh và khá giòn. Thêm vào đó, phải kể đến một phiên bản biến thể khác từ Bibimbap truyền thống là món Hoedeopbap. Thay vì dùng thịt, Hoedeopbap sử dụng các loại cá sống như: cá rô phi, cá hồi, cá ngừ… Món Bibimbap này đặc biệt phổ biến ở dọc các bờ biển tại Hàn Quốc.

Bibimbap lần đầu tiên được đề cập tới trong “Siuijeonseao” – một cuốn sách nấu ăn xuất bản từ cuối thế kỷ 19. Tên gọi đó xuất phát từ “Bubuimbap”. Một số nhà nghiên cứu thì cho rằng, Bibimbap bắt nguồn từ kiểu ăn truyền thống của người Hàn – trộn tất cả thức ăn với nhau để tạo ra Jesa trong một tô lớn trước khi chia phần cho các thành viên. Kể từ đó, cơm trộn Bibimbap trở thành món ăn thường ngày, được chuẩn bị từ cơm, rau và thịt. Đến cuối thế kỷ 20, Bibimbap bắt đầu lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới vì công thức chế biến đơn giản. 

Ngày nay, Bibimbap có thể tìm thấy trên khắp các đường phố hay nhà hàng tại Hàn Quốc. Với cách chế biến đơn giản và khá tùy hứng, Bibimbap còn trở thành một món ăn trong top thực đơn quen thuộc của người dân “xứ sở Kim Chi”. Thậm chí, trên các chuyến bay đến Hàn Quốc hoặc từ Hàn Quốc đến các quốc gia khác, du khách cũng có thể được phục vụ món ăn dân tộc này.

4. CƠM GÓI (SSAMBAP)

Ssambap có nghĩa là cơm được gói trong một cái gì đó. Món cơm gói này dùng miếng tảo, lá cải bắp, cà rốt thái lát mỏng, dưa chuột để gói miếng cơm có chút tương.

Các món gói khá đa dạng trên thế giới, nhưng cơm gói Ssambap của Hàn Quốc thì lại có màu sắc và hương vị đặc trưng của văn hóa ẩm thực Hàn. Trong thời đại Goryeo (Cao Ly), nhà Nguyên Mông (Trung Quốc) đã đưa rất nhiều cung nữ người Cao Ly tới hoàng cung của nhà Nguyên Mông. Vốn dĩ người Mông Cổ không hay ăn rau, nên các cung nữ, những người thường ăn nhiều rau, đã dùng món cơm cuộn với rau xà lách hay rau diếp và các loại rau thơm khác. Sử sách của Trung Quốc có ghi cụm từ “Cơm cuộn Cao Ly” để mô tả cơm gói Ssambap. Điều này cho thấy Cơm gói Ssambap là món ăn truyền thống lâu đời của Hàn Quốc.

5. CƠM CUỐN LÁ RONG BIỂN (KIMBAP)

Kimbap được xem như là món ăn truyền thống của đất nước Hàn Quốc xinh đẹp. Người Hàn có câu: “thứ nhất kim chi, thứ nhì kimbap” quả thật không sai.

Kimbap có xuất xứ từ một loại Sushi của Nhật Bản là Makisushi (1910 – 1945). Tên gọi của món ăn rất đơn giản, “kim” là tên gọi của lá rong biển khô; “bap” đơn giản là “cơm”, như vậy Kimbap là cơm gói trong lá rong biển. Về hình dạng, kimbap “có vẻ” giống món Makisushi – cũng là món cơm cuốn trong lá rong biển của Nhật. Nhưng Kimbap thường to hơn (béo hơn) vì bên trong, “nhân” gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau. Kimbap cũng được cắt khoanh tròn với độ dày mỏng hơn so với Makisushi. Nếu như cùng chiều dài của một tấm rong biển, Maki được cắt đều làm 6 khoanh, thì Kimbap có thể được cắt thành 12 khoanh hoặc hơn.

Đây là món ăn được xem là rất phổ biến và thường xuyên xuất hiện ở hầu hết mọi bữa ăn tại xứ sở này với mọi đối tượng và nhất là với Sinh viên Hàn Quốc cũng ăn Kimbap rất thường xuyên. Tại sao món ăn này lại phổ biến đến vậy? Có lẽ lý do hai lý do: đầu tiên là do cách làm rất đơn giản và rất nhanh; thứ hai các nguyên liệu dùng trong món Kimbap đều là những thực phẩm tốt cho sức khỏe và có cân bằng các giá trị dinh dưỡng. Món này lại gồm rất nhiều rau, theo nguyên tắc thì thực phẩm rau phải chiếm khoảng 70% cả chiếc Kimbap. Vì vậy mà Kimbap ăn rất thanh và không hề ngán. Cơm dùng trong món Kimbap là cơm gạo trắng trộn với ít muối và dầu vừng, khác với cơm cho món Makisushi, vì thế cơm thơm mùi vừng rất hấp dẫn.

Khi thưởng thức, thực khách có thể chấm thêm một ít nước mắm hoặc tương ớt, xì dầu hoặc gia vị mà mình ưa thích… Ở Hàn Quốc, người dân có thể làm món này để đi dã ngoại cuối tuần cùng bạn bè hoặc có thể mang đến văn phòng ăn trưa… Thật tiện lợi và đầy đủ dinh dưỡng.

Nếu có thời gian và dịp thích hợp, du khách hãy đồng hành cùng chúng tôi trong tour du lịch Hàn Quốc để thực hiện ngay một chuyến tham quan, khám phá “xứ sở Kim Chi” và thưởng thức những món cơm trứ danh này nhé!