Furoshiki – nghệ thuật khăn gói quà của Nhật Bản

Khi nhắc đến đất nước Nhật Bản, người ta thường liên tưởng đến một nền văn hóa mang đậm bản sắc riêng. Không chỉ nổi tiếng bởi chiếc áo truyền thống Kimono, trà đạo (Sadou), nghệ thuật cây cảnh (Bonsai), nghệ thuật cắm hoa (Ikebana), nghệ thuật gấp giấy (Origami), Nhật Bản còn có furoshiki nghệ thuật gói quà. Du khách hãy khám phá nghệ thuật tinh tế và độc đáo này khi tham gia tour du lịch Nhật Bản cùng chúng tôi.

Người Nhật có biệt tài trong việc nâng một số việc bình thường trở thành nghệ thuật. Như kết hợp thú uống trà với tinh thần Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo, một sản phầm văn hóa thuần Nhật. Trà “đạo”, không đơn thuần là phép tắc uống trà, mà trên hết là một phương tiện nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính để đạt giác ngộ. Từ cách pha trà, uống trà, cho tới trà đạo là một tiến trình để đạt đến cái đích cuối cùng người Nhật muốn hướng tới, đó là cải biến tục uống trà du nhập từ ngoại quốc trở thành nghệ thuật sống của dân tộc mình, một “đạo” với ý nghĩa đích thực của từ này. Chưa nâng lên thành “đạo” như trà đạo, nhưng gói đồ, một công việc trong cuộc sống thường ngày của nhiều dân tộc trên thế giới, cũng đã được người Nhật sáng tạo thành một nghệ thuật cho riêng mình.

furoshiki 1

Furoshiki là tên gọi của một loại khăn vải của người Nhật, có hình vuông và làm bằng nhiều chất liệu như lụa, vải bông hoặc sợi tổng hợp. Furoshiki có đủ loại kích thước để phù hợp với các đồ vật được gói, với đủ loại hoa văn màu sắc, các họa tiết tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, thịnh vượng, mạnh mẽ, chúc phúc…

Về xuất xứ, một số tài liệu cho rằng furoshiki xuất hiện vào triều đại Nara dưới tên gọi tsutsumi (cái bọc), dùng để gói những vật phẩm quý giá như vàng bạc châu báu được cất giữ trong nhà kho Shoso-in (một nơi cất giữ vàng bạc châu báu của hoàng gia tại đền Todai-ji). Tuy nhiên, thuật ngữ furoshiki là sự kết hợp từ chữ furo và shiki, do đấy nhiều người nhấn mạnh đến giả thuyết furoshiki bắt nguồn từ tục tắm hơi ở Nhật Bản có từ thời kỳ Edo (1603-1868).

Người Nhật bước vào bồn tắm (furo) mặc chiếc áo yukata giống như kimono, sau đó dùng tấm vải (shiki) để gói bộ yukata ướt lại và mang về nhà. Một câu chuyện rất phổ biến vào thời Murochami: Khi tướng quân Yoshimitsu Ashikaga xây một một nhà tắm lớn (oyudono) phục vụ cho tầng lớp quý tộc. Những người đến nhà tắm thường gói quần áo của họ trong một tấm vải trên đó có in con dấu riêng của từng gia đình để phân biệt. Sau khi tắm xong, họ dùng những miếng vải để lau khô người. Việc làm này sau đó trở nên phổ biến khi các nhà tắm công cộng (sento) được xây dựng và sử dụng rộng rãi. Dần dần, furoshiki được sử dụng vào nhiều việc khác nhau như gói, bảo quản đồ, vận chuyển hàng hóa, dùng trải sàn nhà hay trang trí không gian sống. Chỉ là một mảnh vải vuông với nhiều kích thước, màu sắc và họa tiết đẹp, furoshiki có thể gói được rất nhiều loại đồ vật. Từ những mảnh nhỏ dùng gói chai rượu sake, đến những tấm lớn để bọc nệm futon cho sạch. Truyền thống giản dị dùng vải để gói đồ vật đã phát triển thành một phong cách rất Nhật Bản.

Furoshiki 3

Màu sắc và đồ án trang trí cũng là những nhân tố quan trọng trong nghệ thuật furoshiki. Cùng một mẫu gói, nhưng do cách dùng những tấm furoshiki có màu sắc, họa tiết khác nhau, hoặc do sự kết hợp giữa nhiều furoshiki mà đồ vật được gói gợi nên những cảm xúc thẩm mỹ khác nhau. Chẳng hạn, những người yêu vẻ đẹp trang nhã thường chọn furoshiki có họa tiết và màu sắc dịu nhẹ. Đồng thời khi gói chú trọng đến việc phối màu hay tạo những chi tiết tinh tế, hài hòa. Trong khi đó, những người muốn gây ấn tượng mạnh lại thường chọn furoshiki có màu tươi, họa tiết sắc nét, đậm nhạt tương phản. Nhiều khi người gói còn tận dụng tấm vải có đường diềm màu để làm nên những điểm nhấn đẹp mắt. Với một số người, furoshiki không dừng lại ở việc gói đồ đơn thuần, mà còn là nghệ thuật trang trí không gian nội thất. Bình hoa, chai rượu, giỏ đựng trái cây, chậu cây cảnh…đều có thể được gói bọc. Khi kết hợp bày đặt các đồ gia dụng được gói theo phong cách furoshiki với các đồ vật khác sẽ khiến các gian phòng trong nhà có một phong cách trang trí độc đáo.

furoshiki 2

Ngày nay, bên cạnh chức năng gói gém, bao bọc đồ đạc, Furoshiki còn đóng vai trò như một chiếc balo đa năng trong nhiều trường hợp. Không những thế, Furoshiki còn được ứng dụng trong thời trang để biến tấu thành khăn quàng vai, mũ đội đầu, khăn quàng cổ,…

Đối với người Nhật, món quà đặc biệt không vì giá trị, mà hình thức bên ngoài mới đáng trân trọng hơn, bởi nó thể hiện tình cảm và tâm sức người tặng quà khi chuẩn bị quà tặng. Chính vì thế, người Nhật luôn dành một tình cảm đặc biệt dành cho Furoshiki. 

Nếu có hứng thú với nghệ thuật tinh tế này, xin mời du khách tham gia tour Nhật Bản để có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn nhé. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể tìm mua những tấm vải xinh xắn này để làm quà cho người thân và bạn bè của mình sau một hành trình du lịch Nhật Bản đầy thú vị.