Lễ hội ''dọa trẻ khóc'' tại Nhật Bản

Lễ hội ”dọa trẻ khóc” tại Nhật Bản

Ở Nhật Bản có một nghi lễ truyền thống khá kỳ lạ có tên Naki Sumo Baby Crying được diễn ra trên võ đài ở đền Sensoji, Tokyo, ngày 5/5, trùng với ngày Thiếu nhi vào cuối Tuần lễ Vàng. Theo đó, các em bé được bế trên tay của các đô vật sumo trong một võ đài sumo lộ thiên. Hai em bé thi đấu trong một trận đấu ngắn, trong đó em nào khóc đầu tiên được tuyên bố là người chiến thắng. Các bậc cha mẹ phải trả 15.000 yen (tương đương 2,6 triệu VNĐ) để cho con tham gia cuộc thi này.

Lễ hội sumo dọa trẻ con khóc có truyền thống lâu đời tại Nhật Bản
Lễ hội sumo dọa trẻ con khóc có truyền thống lâu đời tại Nhật Bản

Nhiều người tin rằng tập tục này sẽ đem lại sức khỏe cho các bé. Đây là lễ hội sumo truyền thống đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản sau 4 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Năm nay, các em bé được cha mẹ bế, thay vì các đô vật sumo.  

Những em bé mới chập chững biết đi sẽ mặc trang phục sumo truyền thống, sau đó được đưa đến các đền Shinto giáo trên toàn Nhật Bản. Các nhân viên đeo mặt nạ quỷ cố gắng dọa những đứa trẻ khóc. Em bé đầu tiên cất tiếng khóc sẽ được trọng tài tuyên bố chiến thắng. Nhưng nếu cả hai bên đều khóc cùng lúc, trọng tài sẽ căn cứ xem em bé nào khóc to hơn để tuyên bố chiến thắng.

Ngoài ra, những người phục vụ cuộc thi sẽ tự tay làm một chiếc mũ bảo hiểm bốn cạnh kabuto cho các em bé đội khi tham gia thi đấu cũng như làm quà lưu niệm tặng cha mẹ. Lễ hội sumo dọa trẻ con khóc được tổ chức tại các đền chùa trên khắp Nhật Bản, trước sự thích thú của các bậc cha mẹ và người xem. 

Đứa trẻ khóc càng to thì sẽ dành chiến thắng.
Đứa trẻ khóc càng to thì sẽ dành chiến thắng.

Hisae Watanabe, mẹ của một bé gái 8 tháng tuổi chia sẻ: “Chúng ta có thể biết tình trạng sức khỏe của một đứa trẻ bằng cách lắng nghe tiếng khóc. Hôm nay có thể do lo lắng nên con tôi chắc sẽ không khóc nhiều, nhưng tôi vẫn muốn được nghe con tôi khóc thật to”. 

Shigemi Fuji, chủ tịch Liên đoàn Du lịch Asakusa, đơn vị tổ chức sự kiện này giải thích: “Một số người không thích, thậm chí tỏ ra khó chịu khi nghe tiếng trẻ em khóc.

Nhưng ở Nhật Bản, chúng tôi tin rằng những đứa trẻ khóc càng to thì khi lớn lên sẽ càng mạnh khỏe”. Ban tổ chức cho biết, năm nay sẽ có tổng cộng 64 em bé tham gia thi đấu.

Truyền thống này đã tồn tại ở Nhật Bản hơn 400 năm, lấy cảm hứng từ câu ngạn ngữ “naku ko wa sodatsu” (Những em bé hay khóc thì lớn nhanh). Ngoài ra, nhiều người tin rằng tiếng khóc của trẻ em sẽ xua đuổi ma quỷ và những linh hồn ô uế.

Cách thức thi đấu cũng sẽ có sự khác biệt tuỳ thuộc vào những vùng. Ở một số nơi, các đô vật sumo sẽ bế em bé trên tay và hô liên tục “Naki! Naki! Naki!” (Khóc! Khóc! Khóc!), hoặc sẽ lắc nhẹ các bé để “khuyến khích” các bé khóc to hơn.

Có những nơi sẽ để các em bé ngồi lên trên gối để thi đấu. Cũng có vùng lại quy định em bé khóc cuối cùng sẽ là người chiến thắng. Vào cuối mỗi trận đấu, một số gia đình và khán giả hét lên cụm từ banzai raku có nghĩa là “sống lâu”.

Mọi người đều được đến xem thi đấu miễn phí, nhưng ở một số nơi, cha mẹ muốn đăng ký cho con mình dự thi phải nộp một khoản lệ phí lên tới 5000 Yên (hơn 860.000 đồng).