Nghệ thuật ẩm thực Nhật Bản luôn được du khách trên thế giới biết đến với hương vị tươi ngon, tinh khiết tự nhiên của món ăn làm nên nét đẹp, hương vị riêng biệt cho nền ẩm thực nơi đây. Đặc biệt hơn, trong tour du lịch Nhật Bản, khi thưởng thức các món bánh truyền thống của đất nước xinh đẹp này, du khách không chỉ cảm thấy “ngon” mà còn chứa đựng trong đó “vẻ đẹp” của nghệ thuật chắt lọc tinh túy.
1. Những loại bánh Wagashi
Wagashi là từ dùng để chỉ các loại đồ ngọt được trình bày đẹp mắt, mang tính thẩm mĩ cao chứ không đơn thuần là ngon miệng. Người dân xứ anh đào vốn có quan niệm mĩ học rất sâu sắc, do đó cái đẹp trở thành chuẩn mực hàng đầu trong từng lĩnh vực của đời sống Nhật Bản.
Wagashi có tên Tiếng Hán là “Hòa quả Tử”, tức vẻ đẹp của tự nhiên. Do đó mỗi chiếc wagashi đều được ví như một tiểu vũ trụ tổng hòa những yếu tố tươi đẹp trong đất trời: Bột bánh thường được nhuộm màu theo các mùa trong năm, hình dạng bánh đa dạng tương ứng với các hình ảnh thiên nhiên (hoa anh đào, hoa mơ, lá phong, bông tuyết…) và đặc biệt là nhân bánh từ đậu đỏ tượng trưng cho con người đứng ở trung tâm. Với ý nghĩa triết học phương Đông sâu sắc ẩn trong từng món ăn nhỏ bé, wagashi trở thành một nghệ thuật ẩm thực đặc trưng và đáng tự hào của người Nhật.
Wagashi có thể mang vẻ đẹp cổ điển của phong, hoa, tuyết, nguyệt, nhưng cũng có thể đầy chất hiện đại với hình dạng những nhân vật manga, hoạt hình nổi tiếng, v..v… Cùng điểm qua một vài loại wagashi điển hình để hiểu thêm về văn hóa ẩm thực đặc sắc này:
Bánh Mochi
Món bánh này có tên tiếng Nhật là Mizu shingen mochi. Theo một giả thuyết, nguồn gốc của bánh nước là từ các loại bánh mochi có đường mà lãnh chúa Takeda Shingen của vùng Kai và vùng Shinano trong thời chiến quốc Nhật Bản rất yêu thích. Lại có giả thuyết khác cho rằng, loại bánh này xuất phát từ akabawa mochi – một loại bánh gạo truyền thống được dùng vào mỗi lễ hội Obon ở vùng Yamanashi.
Người Nhật luôn có những sáng tạo không giới hạn từ công nghệ cho đến thế giới ẩm thực. Những món ăn với những hình thức tinh tế, đẹp đẽ luôn làm thực khách phải trầm trồ, kinh ngạc. Và mới đây, họ lại tạo ra món tráng miệng rất đặc biệt, nhìn trong veo như giọt nước.
Mochi có công thức đơn giản từ bột gạo được nấu chín, giã nhuyễn cộng với nhân đậu đỏ và thường có hình tròn. Bột bánh mochi có nhiều màu và nhân bánh cũng hay được biến tấu với trà xanh, khoai môn, kem… Đặc biệt là nước để chế biến ra loại bánh này được lấy từ phía nam của dãy Alps (tên gọi chung của 3 dãy núi Hida, Kiso, Akaishi) – Chubu – Nhật Bản. Bằng bí quyết đặc biệt nào đó, họ làm đông nước thành những giọt nước khổng lồ, trong suốt như những viên pha lê và bảo quản dưới nhiệt độ thích hợp. Loại bánh này chỉ giữ được hình dạng của nó trong vòng 30 phút. Vì vậy, thực khách chỉ có thể thưởng thức món bánh nước ngay tại cửa hàng mà không thể mang về.
Nếu nhìn qua thực khách sẽ nghĩ đó là món thạch hoặc một thứ tráng miệng được làm từ gelatin nhưng trên thực tế nó được làm hoàn toàn từ nước và nó được gọi là bánh nước. Phiên bản gốc của món bánh này là Shingen mochi – một loại bánh tráng miệng ngon, cực kỳ nổi tiếng với phần phủ trên bánh là bột đậu nành và si-rô đường nâu. Với kỹ thuật làm bánh vô cùng tinh tế, bánh có kết cấu chặt chẽ như Shingen Mochi nhưng lại tan trong miệng nhanh hơn. Bánh nước là thương hiệu độc quyền của một công ty Nhật Bản.
Bánh nước được bán theo mùa. Chỉ mới xuất hiện ở Nhật vào mùa hè năm 2013 nhưng nó đã trở nên vô cùng nổi tiếng. Dù vậy, vì Công ty Kinseiken Seika đã mua bản quyền và chỉ bán duy nhất tại 2 cửa hàng của Kinseiken Seika ở tỉnh Yamanashi, trung tâm đảo Honshu cách Tokyo 2h đi tàu nên không ít người phải lặn lội một quãng đường xa xôi để nếm thử.
Bánh Yokan
Yokan là một loại thạch làm từ bột rau câu truyền thống ở Nhật – kanten. Điều đặc sắc nằm ở chỗ, mỗi miếng yokan trong suốt sẽ lưu giữ một “bức tranh” đầy nghệ thuật, điển hình là cách trang trí yokan với những cánh hoa đào bên trong.
Bánh Namagashi
Namagashi thực chất là một loại mochi đặc biệt, bởi nó mô phỏng hình dáng các loài hoa cỏ đặc trưng cho 4 mùa trên nước Nhật: Như hoa đào cho mùa xuân, quýt vàng cho mùa hạ, lá phong cho mùa thu, hoa mơ cho mùa đông… Qua namagashi, thiên nhiên Nhật Bản hiện lên sinh động, tươi đẹp và mang đậm dấu ấn của riêng mình.
Người Nhật rất chuộng dùng namagashi để đem biếu, tặng. Một hộp bánh Namagashi điển hình thường có đủ 4 chiếc bánh tượng trưng cho 4 mùa trong năm, với ý nghĩa cầu chúc người nhận quanh năm được yên ổn, hạnh phúc.
Bánh Ukishima
Gần giống với bánh bông lan của phương Tây, bánh Ukishima được tạo nên từ bột, trứng và đường. Song bánh lại được hấp thay vì nướng và việc sử dụng nguyên liệu quen thuộc đậu đỏ đã tạo cho ukishima một phong vị Nhật Bản rất riêng. Ukishima thường có nhiều tầng, vẻ đẹp của nó được thể hiện qua cách bài trí hài hòa mà vẫn phong phú giữa các tầng bánh.
Bánh Higashi
Higashi còn được gọi là wagashi khô, bởi chúng được nén lại trong khuôn giống như bánh in. Higashi có vị ngọt thanh đặc trưng của đường mía wasambonto (loại đường thượng hạng quý hiếm từ quận Tokushima). Cách thức trang trí trên “bánh in” higashi rất đậm chất điêu khắc, tạo cho higashi một vẻ đẹp độc đáo giữa muôn vàn loại wagashi khác.
Bánh Manju
Vỏ bánh manju làm từ bột jojo (củ từ), ở giữa là nhân đậu, được nặn thành hình tròn gần giống với bánh bao của Việt Nam. Manju là loại bánh ưa thích của trẻ em, bởi chúng thường có hình dạng ngộ nghĩnh và bắt mắt. Loại manju nổi tiếng nhất là usagi manju – tức manju hình chú thỏ mặt trăng.
Wagashi được xây dựng trên nền tảng những nguyên liệu gần gũi, quen thuộc trong đời sống Nhật Bản. Từ những điều rất giản dị như vậy, món bánh ngọt này đã thăng hoa thành một nghệ thuật rất mực trang nhã. Tính chất này phần nào phản ánh nét đẹp trong văn hóa tinh thần của xứ anh đào: đề cao cái đẹp và khéo léo biến mọi khía cạnh của đời sống thường nhật – dù là vụn vặt nhỏ bé nhất trở nên đẹp hơn, tinh tế hơn.
2. Bánh Xèo Nhật Bản
Nếu như bánh Wasaghi được xem là đại diện cho nét tinh hoa đầy nghệ thuật và quyến rũ thì bánh xèo Nhật Bản lại đại diện cho sự đơn giản, tinh tế. Bánh xèo Nhật Bản là sự hòa quyện của rau, tôm, thịt, trứng gà, mực, bạch tuộc, mì sợi, bắp cải, rong biển. Sẽ là một điều thú vị khi trong tour du lịch Nhật Bản, du khách được một lần trong đời thưởng thức món ăn tinh tế của người dân nơi đây.
3. Bánh rán Dorayaki
Những “tín đồ” của bộ truyện tranh Doremon chắc chắn đã quá quen thuộc với chiếc “bánh rán Doremon” vô cùng hấp dẫn này. Bánh rán Dorayaki là một món ăn truyền thống của Nhật Bản có hình dạng giống như một chiếc bánh bao, ngày nay không chỉ người dân đất nước này mà còn có rất nhiều các bạn trẻ các nước Châu Á yêu thích.
Nguyên liệu chính của Bánh Dorayaki là bột mỳ và trứng, nhân là đậu đỏ, tuy nhiên có thể biến đổi là đậu xanh hoặc khoai môn để hợp khẩu vị. Sau khi được nướng lên, bánh sẽ có một lớp vỏ mịn như lụa, khi ăn thì mềm, xốp và rất thơm ngon. Đặc biệt nhân bánh làm từ đậu đỏ sẽ có vị ngọt khá thanh, ăn không ngấy. Bánh có thể dùng để ăn sáng với một cốc sữa hoặc ăn vặt nhâm nhi với một tách trà đều rất tuyệt.
Từ những đôi bàn tay khéo léo và tài hoa của người Nhật, những chiếc bánh bé nhỏ đã thăng hoa thành một nghệ thuật ẩm thực đỉnh cao và vô cùng tinh tế. Những chiếc bánh truyền thống Nhật Bản này đã thể hiện sự tinh tế, cầu kỳ từ những thứ tưởng như vô cùng nhỏ nhặt trong cuộc sống, hơn nữa còn chứng tỏ một tinh thần yêu cái đẹp, yêu thiên nhiên thiên trong mỗi con người Nhật Bản. Nếu có dịp đi du lịch Nhật Bản, du khách hãy thưởng thức những chiếc bánh truyền thống để lưu lại những hương vị đáng nhớ cùng nghệ thuật ẩm thực đỉnh cao của đất nước xinh đẹp này nhé!