Với những du khách đam mê khám phá lịch sử, gắn với biết bao câu chuyện thú vị xung quanh các triều đại vua, cũng như kiến trúc các công trình thì trong hành trình du lịch Trung Quốc không thể bỏ qua khu di tích Thập Tam Lăng. Đây là khu lăng mộ của 13 vị vua trong triều đại phong kiến nhà Minh với nhiều giá trị được bảo tồn đến ngày nay.
Khu di tích Thập Tam Lăng rộng hơn 40km2, nằm ở chân núi Thiên Thọ thuộc huyện Xương Bình, cách thủ đô Bắc Kinh 50 km về phía Tây Bắc. Đây là nơi yên nghỉ của 13 vị hoàng đế, 23 vị hoàng hậu và một số phi tần khác triều nhà Minh. Các công trình trong quần thể di tích này được xây dựng liên tiếp trong hơn 200 năm (1409 – 1644), qua nhiều triều đại, từ thời Minh Thành Tổ Chu Đệ đến khi nhà Minh sụp đổ. Với đa phần kiến trúc còn nguyên vẹn, Thập Tam lăng là một kho báu to lớn về văn hóa, khảo cổ và du lịch, được UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 2003.
Thập Tam Lăng không chỉ là sự hoà quyện độc đáo giữa kiến trúc lăng tẩm và cảnh quan thiên nhiên kì vĩ, mà còn ẩn chứa những thách đố chưa có lời giải đáp hoàn chỉnh về kỹ thuật xây dựng lăng của người xưa.
Lăng mộ đầu tiên trong quần thể Thập Tam lăng được xây dựng vào năm 1409 bởi Vĩnh Lạc Đế, hoàng đế thứ ba của nhà Minh. Vị trí lăng mộ được lựa chọn theo thuật phong thủy. Theo quan niệm của người xưa, vị trí hợp phong thủy phải là nơi hóa giải được ma quỷ và phong tà từ phương Bắc xuống. Vì vậy, người xưa đã chọn khu vực hình vòng cung ở chân núi Thiên Thọ để xây lăng. Khu vực này là một thung lũng yên tĩnh, bốn bề có núi bao bọc, rất lý tưởng để làm nơi yên nghỉ của các vị hoàng đế nhà Minh. Không chỉ có địa thế hợp phong thủy và phong cảnh hữu tình, khu vực này còn có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự bởi có núi như bức bình phong bảo vệ.
Trong suốt giai đoạn nhà Minh cai trị, dân thường không được phép đặt chân đến quần thể lăng mộ này. Tuy nhiên, vào năm 1644, quân nổi dậy do Lý Tự Thành lãnh đạo đã đến cướp phá và thiêu rụi nhiều lăng mộ ở đây trước khi tiến vào Bắc Kinh. Ngày nay, quần thể này mở cửa cho du khách đến tham quan.
Lối đi dẫn đến các lăng dài 7 km và có tên gọi là Thần Đạo. Nó tượng trưng cho phẩm giá và uy quyền của hoàng đế nhà Minh ngay cả sau khi mất. Lối vào Thần Đạo là một cổng vòm được xây bằng đá vào năm 1540. Dọc hai bên Thần Đạo có đặt 36 bức tượng bằng đá, bao gồm 24 tượng sư tử, voi, lạc đà và 12 tượng quan văn, võ trong triều. Người ta nói rằng những bức tượng này tham gia vào các nghi lễ của triều đình và cung nghinh các vị thần thuộc thế giới bên kia.
Tiến vào bên trong, du khách sẽ bắt gặp Lăng Ân Điện – tòa kiến trúc hiển hách nhất Thập Tam Lăng vào thời Trung Quốc cổ đại. Lăng Ân có ý nghĩa cảm tạ ơn đức, vua chúa đời sau đến đây bái tế tổ tiên và cầu xin quốc thái dân an. Lăng Ân Điện được xây dựng phỏng theo kiến trúc Thái Hòa Điện với hàm ý ở cõi âm, hoàng đế vẫn có uy quyền tối cao. Đây là tòa cung điện vô cùng hùng vĩ.
Hoa văn trang trí của cung điện không phức tạp mà theo khuynh hướng mộc mạc, đơn giản và trang nghiêm. Nhưng điều sẽ làm cho du khách phải trầm trồ khi biết cung điện được chống đỡ bởi 60 cây cột được chế tác từ cây nam mộc, mỗi cây cao 12m, đường kính 1m. Đây là loại gỗ quý chỉ mọc ở khu vực rừng núi Tứ Xuyên và Vân Nam, số lượng khai thác ít ỏi, trồng trong thời gian 400 – 500 năm mới sử dụng thân gỗ, chất lượng gỗ cứng bền chắc. Đây được xem là vật liệu xây dựng cao cấp và quý giá nhất Trung Quốc. Giá trị của cây gỗ nam mộc còn quý giá hơn vàng. Nghe nói ngày xưa, chỉ riêng việc đưa được 60 cây gỗ này từ nơi sinh trưởng về đây, triều đình phải huy động 20.000 dân công làm việc cật lực trong suốt 3 – 4 năm. Mùa hè, người ta phải đợi lũ lên rồi thả gỗ xuôi dòng. Mùa đông, dọc đường chuyển gỗ, cứ cách một quãng, người ta lại đào một cái giếng, múc nước đổ lên mặt đường, đợi cho đóng thành băng trơn trượt rồi dùng sức người từ từ kéo gỗ.
Đằng sau Lăng Ân Điện là một tòa Minh Lầu nằm kề ngọn đồi nhỏ với ngói lưu ly màu vàng rực rỡ nổi bật trên ngọn núi màu xanh, thu hút ánh mắt của nhiều người. Ngày nay, mọi người may mắn được đi lên Minh Lầu thưởng ngoạn phong cảnh nhưng mấy trăm năm trước, chỉ có hoàng đế mới có đặc quyền này.
Theo các nhà nghiên cứu, sâu bên dưới ngọn đồi đó vài chục mét có lẽ là phần mộ của Chu Đệ. Chu vi của gò đất này khoảng 1 km, xung quanh có xây bức tường thành cao 7,3 m. Người Trung Quốc cổ đại gọi nó là Bảo Thành. Ở giữa Bảo Thành là Bảo Đỉnh hình tròn. Phía dưới Bảo Đỉnh là cung điện ngầm mai táng thi hài của hoàng đế Chu Đệ.
Hiện nay, vì lý do bảo tồn và công tác khai quật, phục vụ nghiên cứu nên điểm du lịch này chỉ cho phép khách du lịch tham quan 3 trong số 13 lăng mộ thuộc quần thể này. Đó là Trường Lăng của Vĩnh Lạc Đế (hoàng đế thứ ba của nhà Minh), Định Lăng của Vạn Lịch Đế (hoàng đế thứ 13) và Chiêu Lăng của Long Khánh Đế (vị hoàng đế thứ 12).
Trường Lăng là lăng lớn nhất trong số 13 lăng nhà Minh. Chỉ mất 5 năm để xây lăng nhưng phải mất 18 năm để hoàn thành Điện Linh Ân. Công trình này có diện tích gần 1.956 m2, gần bằng Điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, về mặt kiến trúc, Điện Linh Ân hơn hẳn Điện Thái Hòa vì các cột trong điện đều được làm bằng gỗ cây tuyết tùng (một loại cây gỗ mềm rất bền và tốt) mang từ Nepal về. Mặc dù lăng mộ chưa được khai quật hết, nhưng công chúng vẫn có thể vào được hầm mộ (huyền cung) để tham quan. Người ta cũng đã tìm thấy ở đây hơn 3.000 đồ tùy táng.
Không như Trường Lăng, Định Lăng đã được các nhà khảo cổ khai quật hoàn toàn. Đây là lăng tẩm lớn thứ ba trong quần thể lăng mộ nhà Minh, chỉ sau Trường Lăng và Vĩnh Lăng. Định Lăng là lăng mộ của hoàng đế thứ 13 tên Vạn Lịch. Hoàng đế Vạn Lịch kế vị năm 10 tuổi và qua đời ở tuổi 58. Ông là vị vua có thời gian tại vị lâu nhất trong các vị hoàng đế nhà Minh.
Theo các tài liệu lịch sử, việc xây dựng lăng này tốn hơn 300 tấn bạc, tương đương thu nhập từ thuế trong hai năm của triều đình nhà Minh dưới thời hoàng đế Vạn Lịch. Hầm mộ của Định Lăng nằm sâu dưới lòng đất 27 m. Toàn bộ Định Lăng là kết cấu bằng đá mà không hề có một cột chống hay trụ đỡ nào, do 5 điện thất hợp thành gồm: tiền điện, trung điện, hậu điện và hai điện thờ phụ trái, phải. Nơi đây giống như tòa cung điện thu nhỏ. Điện to và quan trọng nhất là hậu điện, nơi đặt ba chiếc áo quan. Chiếc áo quan lớn nhất chính giữa là của Chu Dực Quân, hai bên là hai hoàng hậu. Cùng chôn chung với vua và hoàng hậu là 26 chiếc rương, chứa vô số cổ vật quý báu như ngọc, trang sức vàng, bạc, đồ sứ, gấm vóc, trang phục…
Khi tham quan Định Lăng, du khách sẽ có dịp khám phá trọn vẹn địa cung, tìm hiểu bí mật cách mở cửa lăng qua tấm bia đá nhuốm màu thời gian. Không chỉ thế, du khách sẽ còn bị thu hút bởi các cổ vật khai quật được bao gồm 3000 văn vật, trong đó có 560 đồ vật bằng vàng bạc. Những cổ vật này đang được trưng bày ở Viện Bảo tàng Định Lăng.
Trong số ba lăng tẩm mở cửa cho du khách tham quan, Chiêu Lăng có quy mô nhỏ nhất. Chiêu Lăng là lăng mộ của vị hoàng đế thứ 12 triều Minh – Minh Mục Tông nằm ở cuối thôn Chiên Lăng. Từ trong thôn đi tới lăng mộ, các du khách sẽ băng qua một đoạn đường dài khoảng 7 cây số được gọi là Thần Đạo (vé tham quan 35 NDT). Bắt đầu từ Đại Cung môn, Thần Đạo nối với Bi Đình, nơi có tượng rùa đá khổng lồ và tấm bia lớn nhất Trung Quốc. Hai bên Thần Đạo có hai hàng tượng lính gác, lạc đà, voi và quái thú để trông coi lăng mộ.
Điểm nổi bật ở lăng tẩm này là quan tài của hoàng đế được đặt ở một nơi có hình trăng lưỡi liềm độc nhất vô nhị. Điểm thú vị khác nữa là công trình trên mặt đất, dù mới được xây dựng lại, thể hiện bố cục điển hình của các lăng tẩm thời nhà Minh.
Quy mô và giá trị của Thập Tam Lăng không thể có lời lẽ nào diễn tả cho chuẩn mực được. Do đó, nếu có điều kiện, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội cùng Viet Viet Tourism thực hiện một chuyến du lịch Trung Quốc để khám phá khu di tích này nhé!