Sumo – nét văn hóa riêng của Nhật Bản

Nếu như ẩm thực có món ăn Sushi nổi tiếng, địa danh du lịch có ngọn núi Phú Sĩ thì Sumo được xem là môn võ truyền thống tại đất nước Nhật Bản. Tham gia tour du lịch Nhật Bản của Viet Viet Tourism sẽ là cơ hội tuyệt vời để du khách tìm hiểu những nét độc đáo về môn võ truyền thống này.

Sumo – môn võ truyền thống của Nhật Bản. Nó không chỉ là môn võ để tranh tài mà nó thể hiện tinh hoa văn hóa Nhật Bản, tín ngưỡng truyền thống của Nhật. Với người Nhật Bản thì Sumo không chỉ là một môn thể thao thuần túy nó còn là một tôn giáo của dân tộc, nó khởi đầu như một nghi thức thần đạo. Từ thuở sơ khai, Sumo được biểu diễn như là một hình thức tế lễ trong nông nghiệp với ước mong một mùa màng tươi tốt của nông dân Nhật Bản.

Lịch sử phát triển của môn võ Sumo

Trận đấu Sumo đầu tiên được ghi nhận vào năm 642, lúc này nó được coi là một nghi lễ tôn giáo nhằm dự đoán xem vụ mùa có bội thu hay không và sau đó trở thành một nghi lễ trong cung đình, dưới sự bảo trợ của Thiên hoàng vào thế kỉ thứ 9.

Đến thế kỉ 12, khi các samurai nắm quyền chính trị thì võ Sumo mới chính thức được ứng dụng trong các trận chiến. Vào thời kỳ Edo (1603-1868) các cuộc đấu võ sumo thường có mặt trong các lễ hội đền.

Cuối cùng, đến cuối thời Minh Trị (1868-1912), võ Sumo mới được công nhận là môn thể thao của dân tộc. Được Thiên hoàng bảo trợ, sumo ngày càng phát triển, được tôn sùng và lan rộng thành môn thể thao của nước Nhật và vẫn được duy trì tinh thần ấy cho đến tận ngày nay.

Những năm gần đây, võ sumo ngày càng đón nhận sự quan tâm của bạn bè thế giới với số lượng võ sĩ sumo ngoại quốc không ngừng gia tăng.

sumo net van hoa rieng cua nhat ban 3

Điều kiện trở thành võ sĩ Sumo

Võ sĩ Sumo luôn được người Nhật Bản coi trọng bởi những đức tính của họ nhưng có ai biết con đường trở thành võ sĩ Sumo luôn đầy chông gai, khắc nghiệt mà không phải ai cũng có thể làm được.

Tiêu chuẩn để được chọn vào nơi đào tạo võ sĩ Sumo tại Nhật là thanh thiếu niên ở độ tuổi 15 – 23 tuổi, học vấn từ trung học cơ sở trở lên, chiều cao tối thiểu là 1,67 mét và cân nặng tối thiểu là 67 kg. Không những thế, võ sĩ Sumo phải là người xuất thân từ gia đình nề nếp, gia giáo, phải có sự tiến cử từ những người trong giới Sumo Nhật Bản thì mới được bước chân vào con đường trở thành võ sĩ Sumo.

Một Sumo sẽ chẳng bao giờ phải lo lắng về tiền bạc cho việc ăn ở, đào tạp, huấn luyện và cả thi đấu, bởi tất cả mọi hoạt động đều được các doanh nghiệp lớn ở Nhật tài trợ cho họ thông qua Hiệp hội Sumo Nhật. Cái mà các võ sĩ Sumo cần chính là sự kiên trì, bền bĩ, quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình và cả ý chí để vượt qua quá trình tập luyện gian khổ.

Vượt qua các vòng loại, tiếp đến là các kỳ kiểm tra về sức khỏe như thị lực, tốc độ, sức bền, sự nhanh nhạy… Những người không đạt được tiêu chuẩn sẽ phải trở về nhà. Các võ sinh còn lại bước vào quá trình luyện tập, ăn uống cùng nhau dưới sự điều hành bởi một Oyakata trong vòng hai năm để tăng trọng lượng mà một Sumo cần phải có.

sumo net van hoa rieng cua nhat ban 5

Thời gian tập luyện mỗi ngày của các võ sinh bắt đầu từ 5 giờ sáng tới 11 giờ trưa, sau đó họ mới ăn bữa sáng. Sau khi ngủ trưa, đến chiều, các võ sinh có thời gian thư giãn theo sở thích riêng, như xem TV, đọc sách. Ngủ sau khi ăn no là cách để các võ sĩ tăng cân nhanh. Bởi bên cạnh chiến thuật thì cân nặng có vai trò quan trọng góp phần làm nên chiến thắng của võ sĩ sumo trong các trận thi đấu.

Như vậy, Sumo không dành cho tất cả mọi người bởi chỉ những ai hội đủ các điều kiện mới được nhập môn, phải khổ công tập luyện mới có thể trở thành võ sĩ có hạng và được lên võ đài.

Các cấp bậc của lực sĩ Sumo chuyên nghiệp

Sau hai năm đào tạo, các võ sinh lúc này đã trở thành các võ sĩ Sumo và được xếp vào các cấp bậc khác nhau tùy theo năng lực, thành tích và kinh nghiệm thi đấu của mỗi người. Cụ thể cấp bậc trong Sumo sẽ phân thành 6 cấp bao gồm:

Yokozuna: Đây là danh hiệu cao quý nhất trong Sumo. Muốn đạt đến đẳng cấp này, võ sĩ Sumo phải có một thành tích thật ổn định, mỗi vòng đấu phải thắng ít nhất 12/15 trận. Có riêng một hội đồng từ Hiệp hội Sumo Nhật Bản sẽ quyết định cho việc phong cấp bậc này. Cả lịch sử Sumo tính đến nay hơn 1500 năm nhưng chỉ có 67 người được phong cấp bậc Yokozuna.

Ozeki: cấp bậc phong cho các lực sĩ bậc Sekiwake từng thắng khoảng 33 trận hay đoạt chức vô địch ba mùa đấu Sumo liên tục. Trong trường hợp hai giải đấu liên tiếp, Ozeki có số trận thắng ít hơn số trận thua sẽ bị mất cấp bậc này và trở về cấp bậc Sekiwake. Trước khi có cấp bậc Okozuna, thì Ozeki là cấp bậc cao nhất trong Sumo.

sumo net van hoa rieng cua nhat ban 4

Sekiwake: là cấp bậc phong cho các lực sĩ Komusubi liên tục trong nhiều mùa giải có số trận thắng nhiều hơn số trận thua trong mỗi mùa hoặc có một mùa giải có số trận thắng rất nhiều (thường là 10 trận thắng trở lên). Nếu đang là Sekiwake mà có một mùa giải có số trận thắng ít hơn số trận thua, lực sĩ sẽ bị mất cấp bậc này và trở về cấp bậc Komusubi.

Komusubi: là cấp bậc phong cho lực sĩ Maegashira nào có 10 hay 11 trận thắng hay thắng một lực sĩ có cấp bậc cao hơn mình.

Maegashira: là cấp bậc thấp nhất trong nhóm lực sĩ năm cấp kể trên (được gọi là Makuuchi).

Juryo: là cấp bậc của các võ sĩ chưa lọt được vào nhóm Makuuchi. Các lực sĩ Juryo được phép tham gia thi đấu các giải chuyên nghiệp 15 trận, nhưng đấu riêng giữa họ với nhau. Trong trường hợp một lực sĩ trong nhóm Makuuchi bị chấn thương phải từ bỏ giải đang đấu, thì Lực sĩ Juryo có thành tích tổt nhất có thể được phép lên đấu cùng nhóm Makuuchi. Thấp hơn cấp Juryo chỉ còn những người đang học Sumo.

Những người nào đã đạt đến đẳng cấp Juryo trở lên mới được xem là võ sĩ Sumo chuyên nghiệp thật sự và được Hiệp hội Sumo trả lương. Còn những Sumo từ cấp Juryo trở xuống được nhận lương dựa vào số lượng trận mình đấu, hoặc ăn lương từ lò võ với số tiền ít ỏi. 

Trận đấu Sumo

Mỗi năm có 6 giải đấu sumo chính,tổ chức 2 tháng 1 lần vào các tháng 1,3,5,7,9,11 tại các sàn đấu trong cả nước gồm có Osaka, Aichi, Fukuoka, riêng tại Tokyo 3 lần đều ở Shin-kokugikan. Mỗi lần kéo dài trong 15 ngày, mỗi ngày một võ sĩ chỉ ra đấu một trận. Trận đấu có võ sĩ nổi tiếng, thường có tiền thuởng do khán giả hâm mộ tặng. Trước khi nhận tiền thưởng, tay võ sĩ vẽ hình chữ “tâm”. Ai thắng nhiều trận nhất sẽ là vô địch, được nhận tiền thưởng của ban tổ chức khoảng 3.000.000 Yen (23.000 USD) và rất nhiều giải thưởng khác, ngoài ra còn có cúp “Sumo” nặng tới 20-30kg. Giá vé vào cửa hạng nhất là 45.000 Yen (300 USD). Nguời xem có khi còn tặng tiền cho trận đấu trong dó có võ sĩ mình ái mộ. Nếu thắng trận đó thì đương nhiên võ sĩ được ái mộ đó nhận tiền, nếu thua thì khoản tiền ấy sẽ về tay địch thủ.

Võ đài là một nền đất vuông cao, với vòng rơm bện rộng 4,55 mét chôn một nửa duới đất. Võ sĩ thì tóc vấn nguợc kiểu cổ, chỉ đóng khố, trong các buổi lễ còn mặc thêm một khăn lớn phía truớc gọi là “kesho-mawashi” bản to thật dày với hoa văn riêng của từng võ sĩ và đai bện bằng vải và giấy và cắt theo các hoa văn trong Thần Ðạo. Trước khi đấu thì các võ sĩ đều bốc một nắm muối tung lên để trừ tà, và chồm mình tại hai vạch rơm cách nhau khoảng 80 cm, nghênh nhau 3 lần mới thực sự đấu. Khởi đầu trận đấu, hai bên phải cùng động thủ thì mới hợp lệ, nếu chỉ có một bên động thủ thì phải đấu lại từ đầu.

sumo net van hoa rieng cua nhat ban 2

Trọng tài trong trận đấu sumo được gọi là Gyoji, thường là một người chỉ khoảng 45-55 kg, mặc như một thầy cúng Thần đạo, miệng thì hò hét “nhào vô”, tay cầm thẻ lệnh trông giống cái “quạt” gọi là “gunbai” để ra lệnh. Bốn góc có 4 trọng tài phụ, đều là các tay võ sĩ nổi tiếng đã về hưu.

Những pha đụng độ đầu tiên sẽ là những “cái ôm” sấm sét! Để chiến thắng, các võ sĩ cần phải đẩy ngã đối thủ hoặc đẩy họ ra khỏi “dohyo” hay vòng tròn trên võ đài. Chỉ được phép kéo dây đai Mawashi của đối thủ, nhưng không được phép kéo dây đeo quanh háng. Cuộc đấu diễn ra ngắn nhưng với cường độ cao, hầu hết chỉ dưới 1 phút.

Nhìn những võ sĩ Sumo to béo dữ dội, chắc du khách sẽ nghĩ đây là trò chơi bắp thịt, nhưng sự thật thì hoàn toàn trái ngược. Sumo là môn thể thao đầy tính thẩm mỹ và nghệ thuật. Trong Sumo không phải sức mạnh bắp thịt mà chính sự khéo léo và khôn ngoan mới là yếu tố quyết định thắng lợi cuối cùng. Hiện nay môn võ Sumo – một đại biểu của tinh thần văn hoá Nhật Bản không chỉ phát triển ở đất nước hoa Anh Đào mà còn mở rộng trên toàn thế giới.

Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, du khách hãy dành thời gian tìm hiểu và xem một trong những trận đấu Sumo đầy kịch tính được diễn ra nhé!