Rượu Sake – nét tinh hoa trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản

Bên cạnh Sushi thì rượu Sake cũng là một nét tinh hoa trong văn hoá ẩm thực đặc sắc của xứ Phù Tang. Tham gia tour Nhật Bản và thưởng thức một ly Sake khi ăn các món đặc sản địa phương sẽ là trải nghiệm đầy thú vị trong hành trình du lịch Nhật Bản dành cho du khách.

Sake là một loại rượu nhẹ truyền thống của Nhật Bản được làm từ gạo. Đối với người dân Nhật Bản, rượu sake là một biểu tượng của đất nước mặt trời mọc, không đơn thuần chỉ là một loại đồ uống trong bữa ăn. Ý nghĩa văn hóa – tôn giáo đặc biệt của rượu sake là ở chỗ nó không chỉ là cầu nối giữa con người với con người mà còn là cầu nối giữa con người với thần linh.

Trong quan niệm của người Nhật Bản, thần của rượu sake chính là thần mùa màng. Vì thế, rượu sake giữ vai trò rất quan trọng trong nhiều lễ hội tôn giáo cũng như trong các sự kiện quan trọng. Nét đặc sắc của rượu sake so với các loại rượu danh tiếng khác trên thế giới bắt nguồn từ vị trí địa lý của Nhật Bản. Qua nhiều thế kỷ, người Nhật vẫn giữ phương pháp làm rượu sake độc đáo của mình như một nét văn hóa riêng không hề bị pha trộn.

ruou sake 4

Lịch sử rượu Sake của Nhật Bản

Theo như tài liệu ghi chép thì rượu Sake của Nhật Bản được sản xuất vào khoảng 300 năm TCN, khi công nghiệp lúa nước bắt đầu phát triển ở xứ sở Phù Tang. 

Ban đầu, rượu Sake chỉ phục vụ cho những người trong Hoàng thất hay các buổi lễ hội tôn giáo của đất nước. Đến khoảng cuối thế kỷ 12 thì mới trở thành thức uống phổ biến trong tầng lớp dân thường.

Cách sản xuất rượu Sake

Sake trở thành thức uống quốc hồn Nhật Bản bởi Quy trình sản xuất rượu Sake hầu như không thay đổi trong vòng 400 năm qua. Sake vốn được sản xuất theo kiểu thủ công, dưới sự chỉ đạo của một người nấu rượu chính giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên ngày nay, để tăng công suất sản xuất cũng như đơn giản hóa và giảm chi phí, nhiều hãng rượu lớn sử dụng máy móc để kiểm soát các công đoạn.

ruou sake 3

Ai cũng biết rượu Sake được làm từ gạo. Chất đường cần để tạo ra cồn phải được biến đổi từ tinh bột để làm rượu Sake. Trong quy trình ủ bia, việc hoán chuyển từ tinh bột sang đường, và từ đường sang cồn được làm trong 2 bước khác biệt, nhưng đối với rượu Sake thì việc này xảy ra liên tục. Tuy là rượu nhưng nồng độ cồn giữa rượu Sake, rượu Vang, và bia cũng khác biệt. Rượu Vang thường có nồng độ 9-16% độ cồn, và hầu hết các loại bia có nồng độ từ 3-9%, trong khi rượu Sake chưa pha thêm nước vào có nồng độ cồn khoảng 18-20%, mặc dù nồng độ này thường được pha thêm nước trước khi đóng chai để giảm xuống còn khoảng 15% độ cồn theo thể tích của nước rượu.

Giống như mọi loại rượu trên thế giới hay rượu vang, có nhiều yếu tố chi phối vị ngon của rượu Sake bởi chất lượng của các thành phần ủ nên rượu: gạo, nước, chất lượng của men, điều kiện thời tiết khi ủ rượu, nhiệt độ ủ, cũng như kỹ thuật của người ủ rượu. Nước đóng vai trò tối quan trọng trong việc làm ra rượu sake vì nước chiến 80% số nguyên liệu. Chỉ có nước ngầm mới phù hợp và thường dùng để sản xuất rượu Sake. Tuy nhiên, việc tạo nên thành công để ủ ra món rượu Sake hoàn hảo lại chính là kinh nghiệm và sự cảm nhận tinh tế của người nấu rượu chính. Thời điểm ủ rượu thích hợp nhất là vào lúc lạnh nhất của mùa đông và gạo dùng nấu rượu nên là gạo được thu hoạch vào mùa thu cùng năm.

Một số loại rượu Sake nổi tiếng

Ruou sake 5

Được làm từ gạo và có quy trình cũng tương tự sản xuất bia, lượng cồn trong rượu Sake thường từ 18% – 20% nhưng sẽ pha loãng xuống còn 15% khi đóng chai. Dưới đây là 4 loại rượu Sake nổi tiếng ở Nhật Bản để khách du lịch uống thử:

Junmai-shu là loại rượu Sake được sản xuất nguyên chất, chỉ làm từ hạt gạo xay nhuyễn khoảng 30%, không có thêm rượu hay các loại tinh bột nào khác. Hương vị của nó hơi nồng và mùi thơm nhẹ. Một lưu ý nên nhớ khi du khách thưởng thức rượu Junmai trong chuyến du lịch Nhật Bản là phải uống nóng thì mới ngon.

Honjozo-shu cũng tương tự như rượu Junmai nhưng có thêm một lượng rượu nhỏ để làm tăng hương vị. Điều này sẽ làm cho nó có mùi thơm hơn. Mức độ xay nát của gạo khi làm loại rượu này là 70%. Nếu so với những loại rượu sake khác thì Honjozo-shu có nồng độ nhẹ hơn, dễ uống hơn và người Nhật thường hâm nóng trước khi uống.

Ginjo-shu là một loại rượu Sake có thành phần gồm 40% gạo xay nhuyễn và 60% giữ nguyên để tạo hương vị đậm đà, thơm ngon. Thêm vào đó, loại rượu này còn sử dụng loại nấm men đặc biệt giúp gạo có thể lên men ở nhiệt độ thấp. Các nhà hàng thường phục vụ rượu Ginjo-shu ướp lạnh để giữ hương vị của nó. Tuy nhiên nếu quá lạnh thì cũng không tốt vì có thể giết chết vị của rượu.

Daiginjo-shu thường làm từ 50% gạo xay nhuyễn và 50% còn lại thì giữ nguyên. Vị dư sau khi uống loại rượu này ngắn hơn, ít làm người uống nhức đầu. Đôi khi, loại rượu này có pha thêm rượu chưng cất để làm loãng nồng độ cồn cho dễ uống.

Ngoài 4 loại rượu Sake nổi tiếng kể trên thì trong tour Nhật Bản, du khách còn thấy một số loại rượu Sake khác được bày bán trong cửa hàng như: Shinshu, Koshu, Namazake, Tezukuri,Nigorizake,…

Cách thưởng thức rượu Sake của người Nhật

ruou sake 6

Cách uống rượu Sake là cách thưởng thức loại rượu này ở những dạng khác nhau. Đây là một loại rượu truyền thống của người Nhật Bản khá nhẹ được chế biến từ gạo, qua nhiều công đoạn lên men mà người Nhật gọi là Nihonshu. Là một thức uống nổi tiếng của ẩm thực Nhật Bản, rượu Sake được rất nhiều người thưởng thức tuy nhiên ít ai hiểu được cách uống thế nào cho đúng. Điều đặc biệt ở loại rượu này là nó có thể thưởng thức ở cả dạng lạnh và khi được hâm nóng. Sau đây là cách uống rượu Sake ngon nhất:

Ở dạng được làm lạnh

Nhiệt độ của rượu vào khoảng từ 7 đến 10 độ sau khi qua công đoạn làm lạnh. Tuy nhiên đối với rượu Ginjou thì du khách nên thưởng thức ở nhiệt độ khoảng từ 10 đến 15 độ vì đặc trưng của loại rượu này là sẽ nhạt đi nếu ở nhiệt độ quá thấp. Với các loại Sake thông thường thì du khách chỉ cần đặt rượu vào tủ lạnh là đạt yêu cầu. Đây là cách thưởng thức khá đơn giản mà vẫn giữ nguyên được vị ngon của rượu.

Ở dạng được hâm nóng

Ở từng khoảng nhiệt độ, rượu Sake có các tên gọi khác nhau. Sake khi được hâm nóng ở nhiệt độ từ 40 đến 60℃ thì được người Nhật Bản gọi chung là Kan. Nhiệt độ rượu trên dưới 50℃ gọi là Atsukan, còn khoảng xấp xỉ 40℃ thì gọi là Nurukan, và nếu nằm khoảng giữa 45℃ được gọi là Tekion.

Ở dạng nhiệt độ phòng

Rượu Sake khi được uống ở nhiệt độ phòng thì người Nhật gọi là Hiya. Tuy nhiên cụm từ “dạng nhiệt độ phòng” này không phải là nhiệt độ phòng bất kì mà có nghĩa là tùy thuộc vào từng mùa. Mùa hè nóng thì cần làm mát rượu, mùa đông lạnh sẽ cần phải làm hâm nóng rượu lại. Nhiệt độ trung bình ở dạng phòng sẽ thường rơi vào khoảng từ 15 đến 20℃. Những người sành rượu rất ưa thích khoảng nhiệt độ này do có thể cảm nhận được hương vị rượu một cách trung thực nhất.

Ở dạng uống với đá

Ở dạng này, rượu đã được làm lạnh sẵn bằng một cục đá to trong ly dành riêng cho cách uống Sake lạnh. Khi thưởng thức, bạn chỉ nên rót chừng 50-60ml để uống vừa đủ trước khi đá tan ra làm rượu mất ngon. Genshu (rượu nguyên chất), rượu gạo hoặc rượu chưa được làm nóng (seishu) thường sử dụng cách uống này.

ruou sake 1

Thưởng thức Sake phải dùng đúng loại chén, có nhiều loại khác nhau dùng để thưởng thức Sake. Khi uống Sake theo cách tương đối trang trọng và mang tính truyền thống, người Nhật có thể dùng một cái đĩa nhỏ và nông gọi là Sakazuki, hoặc một chiếc chén nhỏ không có quai gọi là Ochoko. Trang trọng và đậm nét truyền thống hơn nữa, người Nhật dùng cốc bằng gỗ gọi là Masu. Masu thường có hình dạng như một chiếc hộp, hình vuông, có thể phủ sơn hoặc không. Ở gia đình và ở nước ngoài, Sake có thể uống bằng ly thủy tinh.

Trong những đêm trời lạnh, rót một ly rượu Sake ấm nóng vào ly, ôm ly rượu trong lòng hai bàn tay để ủ ấm, lắc nhẹ ly để cảm thấy mùi thơm nồng nàn quyến rũ của hương gạo bốc lên, sau đó nhẹ nhàng hớp một hớp rượu, để nước rượu trong miệng vài giây, sau đó đưa nhẹ nhàng qua cổ để thưởng ngoạn hết cái thơm của mùi rượu, và cái vị ngon của loại rượu này.

ruou sake 7

Người Nhật thường rót rượu sake vào Tsunodaru (thùng có sừng) – thùng màu đỏ có hai quai xách mỗi dịp vui như lễ hội hay lễ Thành niên, lễ đính hôn, lễ khánh thành… Cũng giống như Việt Nam, ở Nhật Bản có phong tục dâng cúng rượu sake lên các vị thần linh rồi sau đó mới dùng để thưởng thức trong bữa ăn. Uống rượu sake được coi như là sự đánh dấu của một cam kết, đánh dấu việc thực hiện một lời hứa nào đó. Ở lễ cưới truyền thống của người Nhật, cô dâu và chú rể sẽ được mời uống “3 hớp, 3 chén” rượu sake trong cùng một chén biểu tượng cho lời hứa chia sẻ ngọt bùi cũng như đắng cay trong cuộc sống.

Cũng như rượu souchu của Hàn Quốc, rượu sake là niềm tự hào, nét đặc trưng và tinh hoa ẩm thực của người Nhật Bản. Tham gia tour du lịch Nhật Bản du khách không nên bỏ lỡ thưởng thức một chút rượu Sake theo phong cách Nhật, và còn có thể mang về những chai sake thanh lịch làm quà ý nghĩa cho người thân quê nhà.