Nằm ở phía Bắc bờ biển Pattaya, tòa lâu đài Prasat Sajjatham, hay “Ngôi đền chân lý” (The Sanctuary of Truth) không những là một phiên bản hoàn hảo của nghệ thuật kiến trúc cổ mà còn là một minh chứng cho sự sáng tạo của nền nghệ thuật hiện đại Thái Lan.
Công trình này được khởi công vào ngày 13/8/1981, xuất phát từ ý tưởng của một nhà tỷ phú Thái Lan – Lek Viriyaphan, chủ nhân Công ty Mô tô Thonburi và Công ty Bảo hiểm Viriya.
Tòa lâu đài tuyệt đẹp này có chiều cao 105 m, chiều dài 100 m, diện tích bên trong lâu đài là 2.115 m², còn diện tích toàn bộ khu vực là 12,8 hecta, bao gồm cả hồ nuôi cá heo, vườn lan, trại nuôi cá sấu, trại voi.
Prasat Sajjatham luôn để lại ấn tượng độc đáo và tinh tế trong lòng người xem về nghệ thuật điêu khắc thời bấy giờ. Lối kiến trúc của Prasat Sajjatham được lấy cảm hứng từ niềm tin Phật Giáo, Ấn Độ giáo và được phân chia thành 4 cánh khác nhau hướng ra 4 phía. Thoạt nhìn tổng thể ngôi đền, tưởng chừng nó được thiết kế theo lối kiến trúc Thái nhưng mỗi chi tiết điêu khắc của Đền Chân lý lại chịu ảnh hưởng bởi 4 nền nghệ thuật và triết lý khác nhau của Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc và Ấn Độ. Cánh này khắc họa thần thái Trung Hoa. Cánh khác lại khiến ta liên tưởng đến lối kiến trúc hoành tráng của Angkor Wat. Cánh thì mang đậm nét thần thoại Ấn Độ. Cánh thì ghi tạc phong cách truyền thống Thái Lan.
Nước Thái đã huy động cả ngàn khối danh mộc và một lượng lớn với 250 người thợ điêu khắc ngày đêm nỗ lực làm việc để có thể cho ra đời một Prasat Sajjatham độc đáo như ngày nay. Chính bởi sự tỉ mỉ và công phu này, mãi 25 năm sau thì công trình mới có thể hoàn thành xong 90%. Đây thực sự là biểu tượng hoàn hảo nhất, đậm nét nhất, độc đáo nhất trong nghệ thuật kiến trúc của người Thái.
Lâu đài được bao quanh bằng hàng nghìn tượng gỗ được chạm khắc từ rất nhiều các loại gỗ khác nhau như gỗ lim, gỗ hồng sắc, những loại gỗ này đều được nhập từ Lào và Campuchia. Hàng ngàn nghệ nhân điêu khắc tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ, đặc biệt họ hoàn toàn không dùng bất cứ một cây đinh sắt nào và những khúc gỗ được gắn với nhau bằng các loại chốt cũng đều được làm từ gỗ. Tất cả được kết nối với nhau nhờ sự tính toán tỉ mỉ, logic đến từng milimet.
Phía trong đền thờ treo dày đặc những bức phù điêu chạm trổ và những hình tượng, biểu tượng điêu khắc… phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan của phương Đông. Dưới góc nhìn nghệ thuật và khía cạnh triết lý thì “Ngôi Đền Chân Lý” quả là một tuyệt tác thế kỷ của công trình kiến trúc cũng như nghệ thuật vĩ đại của loài người.
Nghệ thuật bằng gỗ được sử dụng để diễn tả niềm tin về triết học Đông phương, tín ngưỡng Phật giáo và Hindu. Những cảnh sử thi Ấn độ một thời của Mahabharata và Ramayana, những câu chuyện về cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, giữa sự khôn ngoan và sự thiếu hiểu biết… đều sống dậy tại Prasat Sajjatham cổ đại này. Một số phù điêu khác thì ghi tạc trí tuệ và niềm tin của phương Đông cổ đại: vật chất chỉ là tạm thời còn điều tốt lành và hạnh phúc sẽ tồn tại vĩnh hằng… Tất cả đều được khắc họa một cách tinh tế và tỉ mỉ nhất.
Nằm bên bờ biển Pattaya quanh năm nắng ấm, Prasat Sajjatham hiện ra uy nghi, tĩnh mịch, trang nghiêm để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách. Đặc biệt nơi đây có biểu diễn điệu múa Thái diễn ra hai lần một ngày giúp du khách thư giãn sau khi chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc.
Tòa lâu đài Prasat Sajjatham thực sự là một điểm tham quan độc đáo đáng để du khách khám phá. Vậy còn chần chừ gì nữa mà du khách không đồng hành cùng chúng tôi trong tour du lịch Thái Lan để có cơ hội tham quan công trình độc đáo này và đặc biệt là khám phá những điều thú vị, độc đáo của “xứ sở Chùa Vàng”?