NHỮNG ĐIỀU KIÊNG KỴ CẦN TRÁNH KHI ĐẶT CHÂN ĐẾN TRUNG QUỐC

Bên cạnh những nét đẹp văn hóa, thì bất kỳ quốc nào cũng có những điều cấm kỵ riêng và tất nhiên Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Nếu du khách đang có kế hoạch đến đây thì việc tham khảo bài viết này sẽ giúp du khách có chuyến du lịch ý nghĩa, sẽ rất hữu ích đấy.

KHÔNG NÊN CHẠM VÀO NGƯỜI DÂN ĐỊA PHƯƠNG

Khi gặp một người lạ mặt, tốt nhất du khách nên chào hỏi thay vì cố gắng bắt tay họ bởi vì điều này được cho là không tự nhiên đối với hầu hết người Trung Quốc. Theo đó, một cái gật đầu chào nhẹ là vừa đủ. Tuyệt đối đừng cúi đầu quá sâu cũng như ôm hoặc hôn khi chào và tạm biệt.

CHỈ TAY VÀO NGƯỜI KHÁC LÀ CỬ CHỈ THÔ LỖ

Tại một số nơi ở Trung Quốc như Tây Tạng, việc chỉ tay vào người khác được xem là một hành động thô lỗ và bất lịch sự.

KHÔNG TUÂN THỦ QUY ĐỊNH NƠI CÔNG CỘNG

Nếu đến các địa điểm công cộng mà du khách không tuân thủ các quy định về an toàn, gây rối trên các phương tiện giao thông như: ăn, ngủ tùy tiện trên tàu điện ngầm, tự ý mở cửa thoát hiểm trên máy bay, hay ngắt hoa, hái lá, bẻ cành ở công viên và các địa điểm du lịch là du khách tự chuốc vạ vào thân đó bởi luật công cộng Trung Quốc rất nghiêm, ít nhất là cảnh cáo, nộp phạt,…

XÚC PHẠM VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG

Dù là vô tình, hay cố ý thì việc xúc phạm văn hóa địa phương ở Trung Quốc cũng bị phạt khá nặng, điều này áp dụng cả với người dân Trung Quốc chứ không phải nguyên khách du lịch. Khi đến tham quan bất kì địa điểm du lịch nào các du khách cũng cần chú ý đến văn hóa trong sinh hoạt, ứng xử của họ, để điều chỉnh hành vi của mình cho hợp lý. Khi đi tắm biển tuyệt đối không được khỏa thân vì sẽ bị phạt rất nặng, hay việc phá hủy các công trình kiến trúc của họ: như viết, vẽ bậy lên các bức tượng cũng tuyệt đối cấm.

THAM GIA VÀO CÁC HOẠT ĐỘNG BẤT HỢP PHÁP

Khi đến Trung Quốc, du khách tuyệt đối không tham gia vào các hoạt động như cờ bạc, mại dâm, ma túy sẽ gây ra những hậu quả lớn. Tại nhiều địa điểm ở Trung Quốc, khách du lịch chính là nguồn thu chính đối với các cơ sở cờ bạc, các ổ mại dâm,…Cho nên nếu có đến các quán bar ở Trung Quốc thì du khách cũng nên cẩn thận tránh mắc lỗi vô tình, mà nhất là cố ý.

NHỮNG HÀNH VI LỆCH CHUẨN

Biểu hiện của những hành vi này là phá hoại môi trường thiên nhiên, có hành động làm ảnh hưởng đến các loài động vật hoang dã, hay có thái độ đe dọa hành hung người khác. Trung Quốc tuyệt đối cấm không được trèo cây hay những hành động quá khích như ném đồ vật vào các con thú. Nếu vi phạm du khách sẽ bị công an Trung Quốc “làm phiền” trong thời gian khá lâu đấy. Đặc biệt không được cầm súng ở tay đi lại ngang nhiên trên đường phố, mặc dù không có ý định hại ai, cũng là hành vi phạm pháp. Nếu du khách thực sự đe dọa, và có ý chiếm đoạt tài sản của người khác thì du khách ngồi tù là chắc chắn rồi. Ngoài ra, việc thực hiện những hành vi mê tín dị đoan trong các lễ hội ở Trung Quốc nếu bị phát hiện ra thì cũng bị phạt rất nặng.

“LUẬT ĂN UỐNG”

Mỗi quốc gia có một nền văn hóa ẩm thực khác nhau, các quy tắc xử sự cũng tùy theo đó mà có những điểm đặc trưng. Trung Quốc không phải là một ngoại lệ. Tuy không được viết thẳng ra thành một quyển “Luật ăn uống”, nhưng một khi du khách đã đường hoàng bước vào một nhà hàng Trung Hoa gọi món thì nhân viên phục vụ đều mặc định rằng du khách đã am hiểu tất cả các quy tắc ăn uống của quốc gia họ.

Để không phải chịu cảnh bị người xung quanh nhìn chằm chằm, thì đừng dại dột mà làm những điều sau đây:

Rưới nước tương vào cơm chiên

Khi ăn cơm chiên, nhiều người thường có thói quen rưới thêm xì dầu (nước tương) lên cơm. Việc này không thành vấn đề, nếu như du khách ăn tại Việt Nam. Còn với các nhà hàng sang trọng của người Hoa, điều này lại thành thiếu tôn trọng với đầu bếp. Vì các đầu bếp đã nêm nếm món ăn một cách hoàn hảo, do đó việc cầm lọ nước tương mà rưới lên đĩa của mình được coi là một sự xúc phạm đối với người nấu.

Đặt chéo đũa trên bàn

Trong văn hóa của người Hoa, dấu tick (✓) tượng trưng cho sự đồng ý, còn dấu (x) mang nghĩa từ chối. Khi đặt chéo đôi đũa lên bàn, bạn đã vô tình tạo thành dấu (x). Mọi người sẽ nghĩ rằng du khách đang không vừa ý với nhà hàng.

Cắm thẳng đũa vào bát cơm

Vì trông nó giống như hình ảnh thắp nhang trên bát cơm cúng cho người chết. Điều này phạm vào chuyện kiêng kị trong ăn uống của người Trung Hoa. Hơn nữa, đang ăn uống vui vẻ thì không nên gợi lên hình ảnh chết chóc làm gì.

Gõ đũa lên bát

Việc này không những tạo nên những âm thanh khó chịu, mà đây còn là cách mà những người ăn mày ở quốc gia này xin thức ăn. Khi làm vậy, du khách đang thể hiện sự không tôn trọng mọi người trên bàn.

Lật món cá trên đĩa

Thường khi ăn một món cá nguyên con, chúng ta sẽ ăn một mặt, sau đó lật úp nó lại để gỡ thịt ăn mặt kia, và thứ còn lại là xương. Tuy vậy, du khách không được phép làm vậy khi đi ăn đồ Trung Hoa vì nó gợi lên hình ảnh thuyền đánh cá bị lật. Điều đúng đắn nên làm là khi ăn xong một mặt của con cá, hãy từ tốn… gỡ hết xương ra, rồi ăn tiếp phần còn lại.

NGƯỜI TRUNG QUỐC KHÔNG CÓ THÓI QUEN ĐỂ TIỀN TIP

Du khách phương Tây có văn hóa tiền tip, nhưng người Trung Quốc thì không. Chi phí phục vụ được tính cả trong hóa đơn thanh toán. Bởi vậy, du khách không cần để lại tiền boa cho tài xế lái xe, nhân viên phục vụ nhà hàng khách sạn.

KHÔNG ĐỘI MŨ CÓ MÀU XANH

Ở Trung Quốc, du khách có thể nhìn thấy một chiếc T-shirt xanh, một túi xanh hoặc đôi giày màu xanh lá cây, nhưng không bao giờ nhìn thấy ai đội chiếc mũ xanh. Thói quen này bắt nguồn từ một câu chuyện về người phụ nữ gian dối chồng. Để tránh bị phát hiện, cô ta đã nghĩ ra cách may cho chồng một chiếc mũ xanh. Mỗi khi người chồng đi làm về cô ta có thể nhìn thấy chiếc mũ xanh từ phía xa, kịp để người tình trốn thoát.

Mỗi khi người Trung Quốc nói một người đàn ông “đội mũ xanh” là ám chỉ anh ta bị vợ cắm sừng.

Đối với du khách là người nước ngoài, việc đội mũ màu xanh cũng không tránh khỏi những ánh nhìn tò mò của người dân địa phương về phía mình.

10 MÓN QUÀ NGƯỜI TRUNG QUỐC RẤT GHÉT ĐƯỢC TẶNG

Tặng quà là một nghệ thuật, nhất là khi người nhận là người trung Quốc vốn có rất nhiều điều mê tín và kiêng kỵ. Đồng hồ, quả lê, giày, mũ, hoa cúc… là những thứ nằm trong danh sách quà tặng bị người Trung Quốc ghét nhất.

Đồng hồ: Đây là đồ vật đứng đầu trong bảng xếp hạng những món quà bị người Trung Quốc ghét nhất, bởi hành động tặng đồng hồ trong tiếng Quảng Đông đồng âm với từ “món quà kết thúc”, nghĩa là chăm sóc hoặc chôn cất cho người thân đã chết. Điều cấm kỵ này từng dẫn đến một khủng hoảng ngoại giao khi Baroness Kramer, Bộ trưởng Giao thông vận tải Anh tặng thị trưởng Đài Bắc một chiếc đồng hồ bỏ túi như dấu hiệu của tình bạn. Tuy nhiên, ngài thị trưởng sau đó tuyên bố sẽ tặng lại món quà cho người khác hoặc bán cho người thu mua phế liệu.

Quả lê: Theo tiếng Quảng Đông, quả lê có phát âm giống như “lei”, có nghĩa là “rời đi”. Việc chia sẻ quả lê (fan lei) với người bạn yêu cũng không nên bởi nó phát âm giống với từ “chia cắt”.

Giày: Một đôi giày da nghe có vẻ là món quà tuyệt vời, nhưng nó không phải là điều nên làm tại Trung Quốc. Từ “giày” có phát âm là “xie”, đồng nghĩa với từ “tai họa”. Vì thế, tặng giày ngụ ý với việc bạn chuyển xui xẻo của mình cho người đó hoặc mong người ta gặp điều bất hạnh. Ở một số địa phương, những người yêu nhau thậm chí kiêng tặng giày bởi nó mang hàm nghĩa người được tặng sẽ rời đi nơi khác và chia tay.

Ô (dù): Trong tiếng Quảng Đông, cái ô phát âm đồng nghĩa với từ “chia xa” nên chắc chắn không phải món quà hợp lý để tặng trong ngày kỷ niệm hay lễ Valentine.

Mũ: Theo nghi thức tang lễ của người Trung Quốc, khi trong gia đình có người qua đời, người thân sẽ mặc áo trắng và đội mũ chóp nhọn, vì vậy tặng mũ biểu thị cho điềm xui xẻo. Mũ màu xanh thậm chí còn càng là điều cấm kị bởi người Trung Quốc có câu “đội mũ xanh” ám chỉ việc bị “cắm sừng”.

Hoa cúc mặc dù nằm trong 4 loại hoa quý của Trung Quốc, là biểu tượng của giới quý tộc thì cũng không thể trở thành quà tặng. Nó mang hàm ý của sự đau buồn và cũng là loài hoa thường được mang theo khi viếng mộ.

Vật mang hình người: Theo tín ngưỡng của người Trung Quốc, tặng búp bê ngụ ý cho việc mời linh hồn xấu xa vào cư ngụ trong nhà người nhận.

Những vật sắc nhọn như dao, kéo: Người Trung Quốc sẽ nghĩ rằng người tặng muốn kết thúc mối quan hệ với họ.

Khăn tay: Một chiếc khăn trong túi có thể là điều rất tuyệt vời nhưng ở Trung Quốc thì không. Những miếng vải vuông nhỏ thường được trao vào cuối đám tang, mang ý nghĩa lời chia tay cuối cùng.K

Tuy nhiên, trong trường hợp du khách trót tặng một trong số các đồ vật này cho người Trung Quốc, hãy yêu cầu họ đưa lại một số tiền nhỏ (khoảng 1 USD) và về cơ bản nó sẽ không còn là một “món quà” nữa.

QUAN NIỆM VỀ MÀU SẮC CỦA NGƯỜI TRUNG HOA

Màu đỏ

Màu đỏ biểu tượng của sự hạnh phúc và thành công, bởi theo quan điểm của người xưa truyền lại rằng, màu đỏ là tượng trưng cho lửa, đại diện cho những vẻ đẹp huyền ảo của cuộc sống “Hạnh phúc, may mắn, thành công và sức sống mãnh liệt”. Bởi vậy, ngay cả lá cờ của quốc gia này cũng đa phần toàn là màu đỏ.

Bên cạnh đó, nó còn là một sợi dây liên kết, tạo nên sự hài hòa giữa những yếu tố, sự kiện. Vì thế mà trong các đám cưới hay từng lễ hội hoa đăng đèn lồng cũng được người ta sử dụng màu đỏ làm chủ đạo. Không chỉ có vậy, ngay cả những chiếc phong bao lì xì mừng tuổi trong dịp Tết Nguyên Đán cũng càng chứng tỏ cho cái sức mạnh tiềm ẩn mà màu đỏ mang lại.

Màu vàng

Màu vàng hiện diện cho tiền tài và địa vị. Có nhiều quan niệm khác còn cho rằng đây là một màu đặc trưng cho sự vĩnh cửu trường tồn. Bởi thế, nhắc đến từ vàng truyền thống người ta thường liên tưởng ngay tới sắc màu của đế vương như: “Ngai Vàng” là chỗ ngồi cao quý của những bậc đế vương, thể hiện cho một quyền lực tối cao; vào thời nhà Tống (960-1279), gạch dát vàng thường được dùng để xây dựng cung điện; thời nhà Minh và Thanh, hoàng đế mặc những bộ hoàng bào lộng lẫy.

Không chỉ vậy, ranh giới giữa màu đỏ và vàng cũng rất gần nhau, chúng chỉ cách nhau bởi một con sông là “Da cam”. Thế nên, đôi khi người ta cũng phải giảm bớt ánh sáng để chuyển vàng thành đỏ, điều này cũng tương đồng với việc thà giảm bớt một chút tiền tài để níu chân, nâng niu hạnh phúc cũng là điều hiển nhiên. Đặc biệt, cứ mỗi lần chuyển mùa, sắc đỏ lá vàng đan xen nhau trên từng dãy phố còn khiến cho bối cảnh đậm chất phong thủy nhiều hơn.

Màu xanh

Màu xanh là màu của sự giàu có, khả năng sinh sản, sức mạnh tái tạo hay niềm hy vọng, mối quan hệ hài hòa đôi khi nó còn thể hiện cho sự tăng trưởng, tinh khiết, mạnh mẽ.

Có lẽ đây chính là những lý do tại sao các ngôi nhà chọc trời thường được lắp kính trong suốt, đặc biệt là nếu ta đứng ở phía dưới thì vẫn có thể thấy được màu xanh, đơn giản bởi vì nó phản chiếu hình ảnh của một bầu trời trong xanh.

Bên cạnh đó, còn có những loại thực phẩm nổi tiếng với việc sử dụng bên ngoài bao bì là màu xanh chủ đạo như sữa chua, sữa tươi, là nhằm để chỉ cho khách hàng biết rằng “Chúng là những thực phẩm tươi sạch không bị ô nhiễm”.

Màu đen

Với những quốc gia khác trên thế giới thì đây là một màu đen đủi và đầy bí hiểm, nhưng với Trung Quốc thì nó đại diện cho “Thủy – Nước”, nó là một màu trung tính, màu thiên đường, màu của sự vĩnh hằng, quyền lực, sự ổn định, thậm chí là cả về kiến thức.

Màu trắng

Nếu như trên thế giới, màu trắng được gọi là màu của sự tinh khôi, sang trọng, quý phái thì có lẽ đây là màu kém may mắn nhất ở Trung Quốc, bởi vì theo quan niệm của người xưa thì màu trắng còn là màu của kim loại, thường thấy trong các sự kiện đám lễ đặc biệt, người ta luôn mặc áo trắng và đeo khăn trắng là vì thế.

QUAN NIỆM VỀ CON SỐ TRONG VĂN HÓA TRUNG QUỐC

Con số may mắn nhất

Trong văn hóa Trung Quốc, số 8 được đọc gần giống chữ “phát” nên đây được coi là số may mắn. Những con số mang ý nghĩa may mắn rất quan trọng trong quan niệm của người Trung Quốc. Mọi người thường chọn số may mắn trong số điện thoại, số nhà, địa chỉ làm ăn, ngày đính hôn, lễ kỉ niệm. Số 8 đại diện cho tài lộc, giàu sang và thành công.

Một ví dụ điển hình nhất cho quan niệm này của người Trung Quốc là Olympic Bắc Kinh 2008. Thế vận hội mùa hè được tổ chức vào ngày 8/8/2008 lúc 8 giờ 8 phút.

Số chẵn tốt hơn số lẻ

Người Trung Quốc thích sự hài hòa và cân bằng. Do đó, số chẵn thường được ưa chuộng hơn là số lẻ. Số 2 đại diện cho hài hòa, số 6 đại diện cho thành công. Phát âm số 9 là “cửu”, đại diện cho sự trường tồn, vĩnh cửu.

Số may mắn trong kinh doanh

Số may mắn đặc biệt quan trọng ở Hồng Kông. Ở thành phố thương mại và công nghiệp này, cạnh tranh giữa các doanh nhân, tiểu thương là rất khốc liệt. Do đó, họ thường chọn những ngày “đẹp” để khai trương cửa hàng hoặc kí hợp đồng. Nếu một ngày có số 8, đây được coi là dấu hiệu của sự may mắn. Nếu ngày có số 9, công việc làm ăn sẽ thuận lợi, dài lâu. Nếu ngày có số 6, công việc sẽ thuận lợi, phát lộc.

Những con số kiêng kỵ

Số 1: Người Trung Quốc kiêng tặng đồ số lẻ vì quan niệm “có đôi có cặp” mới là tốt.

Số 2: Khi tặng quà cho tang gia hoặc người ốm, người Trung Quốc kiêng tặng theo số lượng 2.

Số 3: Số ba hài âm với chữ “tán” trong từ “li tán” nên người Trung Quốc kiêng số 3.

Số 4: trong tiếng Trung đọc gần giống “tử” nên người Trung Quốc rất kiêng số này. Nhiều ngôi nhà ở Trung Quốc khi đánh số bỏ qua tầng 4 mà thay bằng 3A.

Số 5: Người Trung Quốc kị sinh con vào ngày 5.5 âm lịch. Lý do là bởi họ quan niệm số 5 là “nửa đời”, sinh ra vào ngày này thì con cái sẽ lận đận, vất vả, khó đạt được mục tiêu.

Số 7: Người Trung Quốc có câu rằng “mùng bảy không đi, mùng tám không về”, ở đây có nghĩa là phụ nữ không được lựa ngày mùng bảy và ngày mùng tám để đi ra ngoài và trở về nhà.

Số 18: Người Trung Quốc quan niệm con gái kết hôn lúc 18 tuổi sẽ phải gánh đủ “18 kiếp nạn”.

Số 20: Vua Ngô Vương có con gái tên Nhĩ Thích từng chết vì hóc xương cá. Do đó, nhiều người Trung Quốc kiêng số 20 vì âm đọc giống từ “Nhĩ Thích” xưa kia.

Số 36: Chu Du thời Đông Ngô chết năm 36 tuổi nên nhiều vùng ở Trung Quốc rất kiêng số này. Ngoài ra, 36 được coi là giờ khắc nguy hiểm.

Số 73: Khổng Tử chết năm 73 tuổi nên 73 được coi là một cửa tử mà con người phải vượt qua. Vượt được tuổi này thì sẽ sống đến 84 tuổi.

Số 81: Nếu ai qua đời lúc 81 tuổi thì kiếp sau sẽ cực kì khổ sở, vì 9 lần 9 là 81. Khi đó, khí số đã tận, người đời sau sẽ lâm vào cảnh khốn cùng.

NHỮNG ĐIỀU KIÊNG KỴ TRONG NGÀY TẾT

Theo truyền thống, người Trung Quốc có nhiều điều kiêng kỵ trong ngày Tết. Mặc dù hiện nay, nhiều người trẻ Trung Quốc không làm theo những điều kiêng kỵ này, các gia đình truyền thống vẫn tin rằng “có kiêng có lành”. Dưới đây là một số điều người Trung Quốc nghĩ là nên tránh trong ngày đầu tiên của năm mới:

Tiếng khóc trẻ con

Cãi vã, khóc than và nguyền rủa nhau hoàn toàn là điều cấm kỵ trong ngày tết người Trung Quốc. Chính vì vậy, những ngày đầu năm mới, họ cố gắng để trẻ con không được khóc, vì theo quan niệm của họ, tiếng khóc báo hiệu điềm gở trong gia đình.

Không đi hớt tóc trong tháng giêng âm lịch

Tại nhiều khu vực “mê tín” ở Trung Quốc, người ta tin rằng nếu một người đi hớt tóc trong tháng giêng âm lịch thì cậu của người này sẽ chết.

Hậu quả là một số tiệm hớt tóc ở Trung Quốc phải mở cửa làm việc suốt 18 tiếng trong vòng hai tuần trước thềm năm mới vì trong tháng giêng họ sẽ chẳng có lấy một khách hàng.

Phụ nữ phải cắt tóc tươm tất để ăn tết, còn đàn ông thì phải cắt tóc thật ngắn, vì họ phải đợi đến ngày mồng hai trong tháng hai âm lịch mới có thể cắt tóc lại.

Truyền thống không hớt tóc này có nguồn gốc từ một câu truyện cổ Trung Quốc, theo đó một người hớt tóc không có tiền để mua quà tết cho người cậu, nên anh ta đành chọn cách hớt tóc miễn phí cho ông cậu. Sau khi người cậu qua đời, cứ mỗi dịp xuân về, người thợ hớt tóc cũng khóc thương và “nhớ người cậu” cả tháng trời. Và cách phát âm “nhớ người cậu” trong tiếng Trung Quốc dễ bị nhầm sang “cái chết của người cậu”, nên từ đó sản sinh ra truyền thống không hớt tóc trong tháng giêng âm lịch.

Tránh uống thuốc

Người Trung Quốc tin rằng không nên uống thuốc vào ngày đầu tiên của năm mới. Nếu làm vậy, họ sẽ bị bệnh trong cả năm.

Ở một số nơi ở Trung Quốc, sau thời khắc giao thừa, những người bị bệnh sẽ đập vỡ bình đựng thuốc của mình, tin rằng điều này sẽ đẩy lùi bệnh tật trong năm mới.

Không quét rác, vứt rác

Hành động quét rác ngày đầu năm mới được tin là “quét của cải” đi. Vứt rác thì được cho là quét may mắn ra khỏi nhà.

Đừng ăn cháo và thịt vào bữa sáng

Không nên ăn cháo vào bữa sáng ngày mùng 1 vì người Trung Quốc cho rằng chỉ những người nghèo mới ăn cháo vào bữa sáng. Và không ai không muốn bắt đầu năm mới bằng cách “nghèo” như vậy vì đây là điềm xấu. Bên cạnh đó, người Trung Quốc cũng nói không nên ăn thịt vào bữa sáng mùng 1 như một hành động tôn trọng Phật giáo.

Không giặt quần áo và gội đầu

Mọi người không nên giặt quần áo vào ngày mùng 1 và mùng 2 vì đây là hai ngày kỷ niệm ngày sinh của Thần Nước, theo quan niệm Trung Quốc.

Người Trung Quốc cũng được khuyên không nên gội đầu vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch. Trong ngôn ngữ Trung Quốc, tóc có phát âm giống “fa” trong “facai” (nghĩa là “trở nên giàu có”. Do đó, việc gội đầu được cho là sẽ rửa trôi may mắn đi.

Không nên khâu vá

Việc sử dụng dao, kéo là không nên. Tai nạn liên quan đến việc sử dụng dao kéo được tin là sẽ dẫn đến những điều không may và giảm tiền bạc trong năm mới.

Mua sách

Theo quan niệm Tết người Trung Quốc không nên đi mua sách, việc này được xem là không nên, không may mắn. Trong tiếng Trung, cuốn sách “shū” được phát âm khá giống với từ “mất”. Ngoài ra, những ngày đầu năm mới, bạn cũng không nên tặng sách cho người khác, bởi vì nếu làm vậy thì bạn đã đem đến cho họ những điều không may mắn rồi.

Không ngủ trưa ngày Tết

Nhiều người Trung Quốc hiện nay vẫn còn giữ gìn phong tục không ngủ trưa ngày tết. Theo quan niệm Tết người Trung Quốc vì tin rằng nếu ngủ trưa họ sẽ lười biếng, không chịu làm việc trong cả năm mới.

Không được sát sinh

Một điều được xem là cấm kỵ trong Tết người Trung Quốc, đó chính là sát sinh. Sát sinh trong năm mới cần phải tránh để năm mới không dính vào máu me hoặc thảm họa.

Vỡ đồ đạc

Với văn hóa, quan niệm ở Trung Quốc, việc vỡ đồ đạc vào những ngày đầu năm đồng nghĩa với tán gia bại sản. Những người buôn bán, thương gia phải hết sức cẩn thận trong việc sử dụng đồ đạc, tránh làm rơi, làm vỡ.

Đến bệnh viện

Đi khám bệnh vào những ngày đầu năm mới, được xem là điều tối kỵ, hạn chế chỉ trừ trường hợp cấp cứu, điều này khiến “giông tố” bệnh tật kéo đến cả năm, sức khỏe không được tốt, ảnh hưởng nhiều khía cạnh.

Tránh nợ nần

Trong dịp năm mới, không nên cho bất cứ ai vay tiền. Mọi khoản nợ yêu cầu phải được trả trước đêm giao thừa. Người nào không làm những điều này thì xem như năm mới gặp điều điềm gở về tiền bạc.

Không được mặc áo quần màu đen, trắng

Màu đen, trắng được xem là điều không hay, mang tới những điềm xấu, vì đây là màu tang tóc.

LIVESTREAMING

Trung Quốc không cho phép phát trực tiếp (Livestreaming) bởi nó không thể kiểm duyệt được các nội dung trực tuyến. Tuy nhiên, đây không phải là lý do chính phủ đưa ra mà họ nói, việc cấm là cần thiết để làm sạch Internet Trung Quốc. Lệnh cấm đã được ban hành vào tháng 6 năm 2017 và nhắm vào Sina Weibo, tương đương với Twitter của Trung Quốc, và Ifeng và AcFun, hai trang web chia sẻ video tương tự như YouTube.

Phát trực tiếp đã trở nên phổ biến tại thời điểm cấm và liên quan đến các công nghệ mới mà chính phủ không thể sử dụng để kiểm duyệt được. Ví dụ, trong năm 2016, Ifeng đã đưa tin sống động cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, một cái gì đó mà ở Trung Quốc không được phép. Vì vậy, Trung Quốc vừa ban hành lệnh cấm lại vừa kiểm duyệt.

Theo định nghĩa của Bách khoa thư mở Wikipedia, Live streaming hay streaming trực tiếp là một thuật ngữ nói về phần nội dung được truyền tải trực tiếp qua Internet, đòi hỏi phải có một thiết bị truyền thông xác định (ví dụ như máy quay video, hệ thống trao đổi âm thanh, phần mềm chụp màn hình), một bộ mã hóa để số hóa nội dung, một nhà xuất bản truyền thông và một mạng lưới phân phối nội dung để phân phối và cung cấp nội dung.

Trên đây là một số điều cấm kỵ khi du lịch tại Trung Quốc. Đất nước và con người Trung Quốc rất thân thiện, dễ mến, họ luôn luôn chào đón các du khách đến đất nước của mình. Nếu là người văn minh, lịch sự, du khách sẽ nhận được tình cảm yêu mến nồng nhiệt từ họ.