Du khách đang lên kế hoạch du lịch Trung Quốc và khám phá Bắc Kinh thì hãy nhớ ghé thăm Di Hòa Viên một nơi từng là cung điện mùa hè của Vương triều nhà Thanh nổi tiếng một thời. Với những nét kiến trúc cổ kính nhưng vẫn toát lên nét nguy nga, diễm lệ, Di Hoà Viên vẫn còn được bảo tồn và gìn giữ trọn vẹn vẻ đẹp của nó qua thời gian và là điểm tham quan đặc biệt lưu lại ấn tượng sâu đậm đến du khách nước ngoài.
Đối với những ai đã có dịp thực hiện một chuyến du lịch Trung Quốc, đến với thành phố Bắc Kinh xinh đẹp và quyến rũ, chắc chắn đã nghe nói đến nét đẹp thanh bình tại Di Hoà Viên. Đây là một nơi đáng để ghé đến tham quan với phong cảnh tuyệt đẹp đến làm du khách phải say mê, bởi vậy nó luôn là một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc và được du khách rất yêu thích.
Di Hòa Viên vốn có tên là Thanh Y Viên, nằm cách trung tâm thủ đô Bắc Kinh 15 km về hướng Tây Bắc. Đây là khu vườn Hoàng gia lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất tại đất nước Trung Quốc. Di Hòa Viên trải dài trên diện tích 292 hecta, bên núi Vạn Thọ và hồ Côn Minh xanh biếc. Tổng số kiến trúc các loại trong khu vực này bao gồm hơn 3000 gian, phân thành ba khu chức năng chính: khu hành chính, khu cư trú – sinh hoạt và khu thưởng ngoạn.
Vào thời nhà Thanh, năm 1750, Vua Càn Long đã cho xây Thanh Y Viên để mừng sinh nhật mẹ. Năm 1860, trong Chiến tranh Nha Phiến, liên quân Anh – Pháp bắn phá khiến Thanh Y Viên bị hư hại nặng. 28 năm sau, Từ Hi Thái Hậu trùng tu hoa viên trong vòng 10 năm và đặt tên là Di Hòa Viên. “Di Hòa Viên” nghĩa là “vườn nuôi dưỡng sự ôn hòa”, là nơi mà hoàng thân quốc thích đến để vui chơi, giải trí.
Đến với Di Hoà Viên, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến tạo hoa viên truyền thống của người Trung Hoa, đặc biệt tao nhã, phóng khoáng; nhưng lại rất mềm mại, mang lại khung cảnh hữu tình, yên bình. Đặc biệt tham quan Di Hoà Viên vào mùa đông, du khách sẽ được nhìn ngắm phong cảnh huyền bí với những mặt hồ đóng băng vô cùng độc đáo. Trong khi đó, vào mùa hè, không khí thoáng đãng nơi đây sẽ mang lại cảm giác dễ chịu, thoải mái cho du khách.
Tổng thể Di Hòa viên là một kiến trúc vườn với những nét nghệ thuật vô cùng độc đáo, chiếm vị trí đặc biệt trong lịch sử kiến trúc vườn ở Trung Quốc cũng như trên thế giới. Khu cảnh quan có quy mô đặc biệt hoành tráng với các kiến trúc và cảnh quan nổi bật như:
Khu Đông Cung Môn nằm ở phía Đông của Di Hòa viên, là địa điểm gắn liền với hoạt động chính trị và sinh hoạt đầu tiên của các vị hoàng đế triều Thanh, gồm điện Nhân Thọ – nơi tiếp kiến các vị đại thần và phòng “Nam Bắc triều” – nơi tiếp khách bốn phương, tẩm cung (khu nghỉ dưỡng), rạp hát, khu thưởng ngoạn. Hiện tại, cửa Đông Cung là cửa chính của Di Hòa viên, nằm ở phía Đông, các cấu kiện kiến trúc đều được vẽ hoa văn sặc sỡ, sáu cánh cửa được sơn màu đỏ, với các mũ đinh đều được dát vàng, gian chính giữa treo bức hoành lớn, sơn son thếp vàng, trên đề ba chữ “Di Hòa viên” – bút tích của Hoàng đế Quang Tự. Thành bậc phía trước (hướng ra Ngự đạo – đường dành cho hoàng đế) là đôi rồng vờn ngọc trong mây, bằng đá, niên đại Càn Long. Đôi rồng này vốn thuộc di tích vườn Viên Minh (cung An Hựu), sau được di chuyển tới đây và là biểu tượng tôn nghiêm của hoàng đế. Khi xưa, cửa này chỉ dành riêng cho hoàng đế và hoàng hậu triều Thanh.
Khu Thưởng ngoạn trong tranh (Họa trung du) là điểm kiến trúc cảnh quan đặc sắc nhất, nằm ở phía Tây của Di Hòa viên. Các kiến trúc ở khu vực này đều được thiết kế dựa lưng vào núi, với trung tâm là một gác hai tầng, hai bên đều là tòa nhà một tầng và được mệnh danh là “Yêu núi”, “Mượn thu”. Sau gác dựng một bức tường đá, tiếp sau là gác “Đón ánh mặt trời”. Xen giữa các kiến trúc lại có lan can dẫn lên núi. Do chịu ảnh hưởng bởi địa hình núi non, nên kiến trúc lầu, gác ở đây cũng rất đa dạng về phong cách, dàn trải theo tầng bậc cao, thấp khác nhau, với đủ các loại ngói, như đỏ, vàng, xanh,… tạo thành một bức tranh sơn thủy độc nhất vô nhị của Trung Quốc.
Khu Trí Tuệ hải (Biển Trí Tuệ) là kiến trúc tôn giáo cao nhất trên đỉnh núi Vạn Thọ. Mặt mái lợp ngói lưu ly màu vàng và màu xanh lục, nóc mái lợp ngói lưu ly màu đỏ và màu xanh lam, khiến cho tổng thể kiến trúc mang một dáng vẻ tươi sáng, diễm lệ. “Trí tuệ hải” là thuật ngữ Phật giáo, với ý nghĩa: tán dương trí tuệ của Phật rộng lớn như biển, Phật pháp vô biên. Nhìn bề ngoài, kiến trúc này như có vẻ được làm từ kết cấu gỗ, nhưng thực chất lại được xây dựng hoàn toàn bằng gạch, không có xà, rường chịu lực, do đó mà được mệnh danh là “điện Không rường”. Mặt khác, vì điện này được xây dựng để phụng thờ Phật Vô Lượng Thọ, nên còn được gọi là “điện Vô Lượng”.
Lạc Thọ đường là kiến trúc chính gắn với chức năng phục vụ sinh hoạt và cư trú trong Di Hòa viên, khởi dựng năm 1750 (niên hiệu Càn Long năm thứ 15), bị hủy hoại vào năm 1860 (niên hiệu Hàm Phong năm thứ 10) và được dựng lại vào năm 1887 (niên hiệu Quang Tự năm thứ 13). Lạc Thọ đường hướng ra hồ Côn Minh, dựa lưng vào núi Vạn Thọ, phía Đông giáp điện Nhân Thọ, phía Tây giáp Trường lang. Đây là nơi ở và thưởng ngoạn lý tưởng nhất trong khuôn viên vườn (Di Hòa viên).
Trong Lạc Thọ đường bài trí ngai báu, án ngự, quạt và bình phong bằng pha lê. Hai bên ngai báu là hai chiếc đĩa lớn, dùng để đựng hoa quả, với hoa văn rồng xanh, 4 chiếc lư hương lớn, bằng đồng. Gian phía Tây là “Ngự thất”, dành riêng cho hoàng đế, gian phía Đông là nơi thay trang phục. Trong phòng còn có một chiếc tủ lớn đựng trang phục, bằng gỗ “tử đàn”, là di vật từ thời Càn Long.
Trong sân của Lạc Thọ đường còn bài trí tượng hươu bằng đồng, hạc đồng, bình hoa bằng đồng, với hàm ý cầu mong sự trường tồn và bình an. Ngoài ra, trong khuôn viên này còn có nhiều loài hoa, như ngọc lan, hải đường, mẫu đơn…, với hàm ý cầu mong sự giàu sang, phú quý. Ngọc lan của Lạc Thọ đường rất nổi tiếng, hiện tại, trước cửa Yêu Nguyệt vẫn còn một cây do đích thân Càn Long mang từ phương Nam về trồng.
Phật Hương Các là kiến trúc hình bát giác, cao 3 tầng, dựng trên một nền vuông, đắp cao 21 mét, ở lưng chừng núi, chiếm vị trí trung tâm của núi Vạn Thọ. Phật Hương Các cao 41 mét, có 8 cột lớn (bằng gỗ “thiết lê”), với kết cấu kiến trúc phức tạp, là sản phẩm tiêu biểu của kiến trúc cổ. Năm 1860, gác bị liên quân Anh – Pháp thiêu hủy. Năm 1891 (tức năm Quang Tự thứ 17 – triều Thanh), gác được đầu tư xây dựng lại, với kinh phí lên tới 78 vạn lượng bạc. Năm 1894, việc xây dựng hoàn thành. Đây là kiến trúc có quy mô lớn nhất trong Di Hòa viên, với chức năng thờ Phật (Di Đà), phục vụ cho việc lễ bái của hoàng gia.
Thính Li Quán là nơi mà Vua Càn Long xây dựng làm quà tặng cho Mẫu hậu của mình. “Li” nghĩa là chim vàng ành, đại diện cho giọng hót hay tuyệt mỹ. “Thính Li Quán” nghĩa là “nơi nghe chim vàng anh hót”. Từ Hy Thái hậu rất yêu thích đến đây nghe hát, thiết đãi yến tiệc. Hiện nay nó trở thành nhà hàng chuyên về các món ăn cung đình, từng tiếp đón không ít các vị nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo các nước sang thăm.
Đình Đồng (gác Bảo Vân) là một trong những sản phẩm thủ công tinh xảo nhất của Trung Quốc còn tồn tại đến ngày nay và là vật đúc có kích thước lớn nhất. Đình là một kiến trúc có mặt bằng vuông, nằm ở phía Tây của Phật Hương Các, được khởi dựng vào thời Càn Long, trên một nền cao 4m, bằng đá trắng, lấy từ vùng Vũ Hán. Đình cao 7,5 mét, nặng 207 tấn, bốn mặt có cửa chạm hoa văn. Tuy được đúc bằng đồng nhưng kiến trúc này lại được chế tác hoàn toàn phỏng theo dạng thức kết cấu trong kiến trúc gỗ. Ba mặt Đông, Nam, Tây đều có cửa 4 cánh; phía Bắc có cửa 8 cánh. Các cửa sổ, ô thoáng, cánh cửa đều được chạm hoa văn cân xứng, rất tinh xảo, gồm hai lớp lồng khít vào nhau.
Điện Bài Vân là kiến trúc trung tâm khu vực phía trước núi Vạn Thọ. Ban đầu, kiến trúc này chính là chùa Đại Báo Ân Diên Thọ, do Càn Long xây dựng để mừng thọ mẹ ở tuổi 60. Sau đó, Thái hậu Từ Hy đã cho tu sửa, cải tạo công trình này thành điện Bài Vân. Đây là nơi Từ Hy Thái hậu ở và thiết triều trong thời gian bà ở Di Hòa viên. Hai chữ “Bài Vân” được lấy từ tứ thơ của Quách Phác (“Núi Bài Vân thần kỳ/Lầu ngọc cao sừng sững”), với ngụ ý ví điện này như một gác ngọc, ẩn hiện trong khói mây, có thần tiên ngự trị. Nhìn từ xa, kiến trúc điện Bài Vân, cổng Bài Vân, cửa Bài Vân, cầu Kim Thủy, cửa Nhị Cung tạo thành một chuỗi liên kết theo tầng bậc, vươn cao dần. Điện Bài Vân là một quần thể kiến trúc hoành tráng vào bậc nhất trong Di Hòa viên.
Khu tiền cảnh núi Vạn Thọ: Các kiến trúc trong khu vực này được dàn trải theo hai trục chính. Trục Đông – Tây là Trường lang (hành lang dài), trục Nam – Bắc được bắt đầu từ khoảng giữa của Trường lang, theo thứ tự gồm cửa Bài Vân, cửa Nhị Cung, điện Bài Vân, điện Đức Huy, gác Phật Hương và Trí Tuệ hải ở trên núi Vạn Thọ. Nguyên ủy, núi Vạn Thọ có tên là núi Vàng (Kim sơn), núi hình vò/hũ (Ủng sơn), cao 109 mét, ở phía Nam giáp hồ Côn Minh, lấy gác Phật Hương làm trung tâm để tổ chức thành một quần thể kiến trúc hùng vĩ, nguy nga. Phía Đông có “Chuyển Luân tạng” (tháp Chuyển Luân) và bia “Núi Vạn Thọ và hồ Côn Minh”, phía Tây có 5 gác vuông (phương đình) và gác Bảo Vân. Từ đỉnh núi có thể ngắm được toàn cảnh hồ Côn Minh.
Khu Hậu Sơn, Hậu Hồ nằm ở phía Bắc của Di Hòa viên, rất ít kiến trúc, cây cối xanh tươi, đường dạo khúc khuỷu, phong cảnh tĩnh mịch, hòa cùng vẻ tráng lệ của khu tiền cảnh để tạo nên một phong cảnh tuyệt trần. Điểm nổi bật của khu vực này là những kiến trúc theo phong cách Tây Tạng và phố/đường thủy Tô Châu (nét văn hóa đặc trưng của quê hương sông nước Giang Nam), với bố cục chặt chẽ và tinh tế.
Tứ đại Bộ châu ở khoảng giữa Hậu Sơn và núi Vạn Thọ, là quần thể kiến trúc mang phong cách Hán – Tạng, được bố trí dựa theo thế núi, xây dựng trên khu đất rộng khoảng 20.000 m2. Trước đây, trong khu vực này có mô hình núi Tu Di (nay chỉ còn mặt nền), hai bên có tràng kinh cao 3 mét, phía sau có quần thể chùa, miếu của phái Hương Nham (Hương Nham tông). Bốn phía tượng trưng cho 4 miền thế giới của Phật giáo (Đông Thắng Thần châu, Tây Ngưu Hoá châu, Nam Thiệm Bộ châu, Bắc Câu Lâu châu) cùng nhiều dạng thức tháp khác hợp thành “Bát tiểu Bộ châu”. Các góc Nam, Tây – Nam, Đông – Bắc, Tây – Bắc còn có bốn toà tháp Lạt Ma (lợp ngói màu đỏ, trắng, đen, xanh) tượng trưng cho bốn trí tuệ siêu việt của Phật pháp. Chóp tháp hình con tiện, được thu nhỏ dần, gồm 13 tầng “tướng luân”, tượng trưng cho 13 tầng trời trong kinh Phật. Kiến trúc tháp đẹp, dáng vẻ trang nghiêm. Khoảng giữa Tứ Đại Bộ châu và Bát Tiểu Bộ châu là hai kiến trúc có hình dáng khác nhau, tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, với hàm nghĩa, mặt trời và mặt trăng luôn quay quanh, chiếu rọi thân Phật.
Con đường mua bán Tô Châu là khu thương mại đường thủy, phỏng theo đặc trưng sông nước Giang Nam, ở hai bờ Hậu Hồ. Từ khi có vườn Thanh Y, ven hai bờ này đã có những cửa hàng bày bán đồ cổ (ngọc), vải, đồ ăn, thức uống, đồ trang sức… Những nhân viên bán hàng trong khu vực này đều là thái giám và cung nữ. Đây là khu phố đầu tiên mang tính chất doanh nghiệp phục vụ du lịch của hoàng đế. Trên thực tế, 10 khu buôn bán ven Hậu Hồ được xây dựng từ năm 1860 đã bị hủy hoại. Cảnh quan của phố hiện nay là sản phẩm của đợt trùng tu vào năm 1986.
Hồ Côn Minh là hồ chính của Di Hoa Viên, rộng 220 ha, chiếm tới 3/4 diện tích khuôn viên. Phía Nam nước xanh muôn dặm, khói sóng mịt mờ; phía Tây nước lặng; phía Bắc từng lớp lầu, gác soi bóng xuống mặt hồ. Thông với hồ là dòng kênh dẫn nước ở phía Tây. Hai bên dòng kênh là những rặng liễu, rặng đào. Trên mặt hồ có một chiếc cầu lớn, với 17 vòm cuốn; giữa hồ nổi lên ba hòn đảo, với những kiến trúc cổ điển, rất đa dạng về phong cách.
Nhìn từ trên cao xuống, hồ Côn Minh có hình dáng là một quả đào lớn, mà cuống của nó là con sông dẫn nước vào hồ qua cửa Tây Môn nằm ở góc phía bắc của Di Hòa Viên. Con đê hẹp mà dài ở phía chếch mặt hồ tạo ra vết rãnh trên quả đào rất hoàn chỉnh, tượng trưng cho “Lộc”, theo thuật phong thủy truyền thống.
Cầu Thập Thất khổng nằm trên hồ Côn Minh, nối từ bờ kè phía Đông tới đảo nổi phía Nam. Đây là cây cầu đá lớn nhất trong Di Hòa viên, rộng 8 mét, dài 150 mét, với 17 vòm cuốn. Trên hai lan can cầu được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc, với nhiều đề tài, đặc biệt là có trên 500 tượng sư tử bằng đá, mang phong thái rất sinh động.
Kim ngưu nằm phía Đông Hồ Côn Minh và phía Đông Bắc cầu Thập Thất Khổng. Tượng này được đúc vào năm 1755, với tên gọi “Kim ngưu”, là một vị thần trấn/trị thuỷ.
Trường Lang nằm về phía Nam của núi Vạn Thọ, hướng ra hồ Côn Minh, phía Bắc giáp núi Vạn Thọ, phía Đông giáp cửa Yêu Nguyệt (cửa đón trăng), phía Tây giáp đình Thạch Trượng, với tổng chiều dài là 728 mét, gồm 273 gian. Đây là hành lang du ngoạn dài nhất trong kiến trúc vườn của Trung Quốc. Năm 1992, Trường lang được công nhận là Hành lang dài nhất thế giới và được đưa vào “Sách kỷ lục Guinness”. Các con rường trên Trường lang đều được sơn, vẽ, tổng số trên 4000 bức tranh, bao gồm nhiều chủ đề, như “phong cảnh núi, sông”, “hoa, điểu, ngư, trùng”, “điển cố về nhân vật”. Các nhân vật được thể hiện trong các bức họa đều là những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử cổ đại của Trung Quốc.
Thuyền đá tọa lạc bên hồ, giáp với phía Tây của Trường lang, có tên là “Thanh yến phảng”/ “Thuyền Bình yên”, với ý nghĩa cầu mong cho “biển yên, sông lặng”. Đây là kiến trúc mang phong cách phương Tây duy nhất trong Di Hòa viên. Dưới triều Minh, Thuyền đá chính là đài phóng sinh của chùa Viên Tĩnh. Khi Càn Long cho tu sửa vườn Thanh Y, ông đã cho cải tạo công trình này thành “Thuyền đá”. Thuyền dài 36 mét, được xây dựng từ đá lấy từ vùng Đại Lý, với nhiều chi tiết điêu khắc rất kỳ công.
Trên thuyền lại có kiến trúc dạng “lâu thuyền”, gồm hai tầng, với sàn lát gạch hoa, cửa sổ bằng pha lê, mái lợp ngói có trang trí. Đường thoát nước của hệ mái thuyền được thiết kế rất tinh xảo – khi mưa xuống nóc thuyền, nước được gom về 4 trụ rỗng trên thân thuyền, rồi dồn về 4 miệng ống thoát nước là 4 đầu rồng và chảy xuống hồ.
Ngọc Lan đường được dựng ở phía Tây – Nam của điện Nhân Thọ, hướng ra mặt hồ, theo dạng thức kiến trúc “tam hợp viện”. Điện chính là Ngọc Lan đường, quay hướng Nam, phía Đông có điện “Hạ Phân thất”, phía Tây có điện “Ngẫu Hương tạ”. Từ điện phía Đông có thể sang điện Nhân Thọ, từ điện phía Tây có thể tới bến tàu của hồ Côn Minh, cửa hậu của chính điện đối diện với quán Nghi Vân. Năm 1898, sau khi Thái hậu Từ Hy phát động cuộc cải cách chính sự trong cung, bà từng có chủ trương lấy địa điểm này làm nơi giam giữ Hoàng đế Quang Tự.
Rạp hát nằm trong khuôn viên của vườn Đức Hòa, cùng với gác Thanh Âm trong “Sơn trang tránh nắng Thừa Đức” và gác Xướng Âm trong Tử Cấm Thành là 3 rạp hát lớn nhất Trung Quốc dưới triều Thanh. Rạp hát trong vườn Đức Hòa do Thái hậu Từ Hy tu sửa nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 của bà. Rạp này chỉ để phục vụ cho việc xem hát kịch của Từ Hy. Rạp cao 21 mét, là kiến trúc cao thứ hai trong Di Hòa Viên (chỉ sau gác Phật Hương). Kiến trúc chính của rạp gồm, lầu biểu diễn/sân khấu (3 tầng) và lầu hóa trang ở phía sau, gồm 2 tầng. Trên trần rạp có 7 giếng trời (thiên tỉnh), dưới sàn rạp có 7 giếng đất (địa tỉnh). Dưới sàn sân khấu lại có một giếng nước và 5 hồ hình vuông. Khi diễn những vở kịch về quỷ thần, có thể cho nhân vật từ trên trời giáng xuống, hoặc từ dưới đất chui lên và cũng có thể phun nước lên sân khấu.
Hài Thú viên nằm ở phía Đông của núi Vạn Thọ, là một khu hoàn toàn độc lập, có đầy đủ đặc trưng của kiến trúc vườn phương Nam. Khi còn vườn Thanh Y, khu vực này có tên gọi là vườn Huệ Sơn, được xây dựng phỏng theo kiến trúc của vườn Ký Xướng ở Huệ Sơn, thuộc vùng Vô Tích. Sau đợt trùng tu năm 1811, vườn này được đổi tên thành “Hài Thú viên” (vườn Vui thú) – phỏng theo theo nghĩa của câu: “Lòng tĩnh vì cảnh vật/Vui thú với ruộng vườn” và tứ thơ của Hoàng đế Càn Long (Một đình, một lối nhỏ cũng đủ để vui thú). Trong vườn có tất cả 13 kiến trúc thành phần, gồm đình, đài, nhà và nhà sàn, liên kết với nhau bởi trăm gian lan can và cầu 5 gian. Góc Đông – Nam của vườn có một chiếc cầu đá. Đầu cầu có biển đề ba chữ “Tri Ngư kiều” của Vua Càn Long, phỏng theo tích nói về chuyện tranh luận giữa Trang Tử và Huệ Tử bên khe nước mùa thu.
Ở Bắc Kinh nói riêng và ở Trung Quốc nói chung không chỉ có Di Hòa Viên mà còn rất nhiều địa danh có thắng cảnh cùng lịch sử lâu đời đang chờ du khách đến chiêm ngưỡng và khám phá đấy. Hãy liên hệ với Viet Viet Tourism và đặt ngay cho mình tour du lịch Trung Quốc để có được những giây phút thư giãn và cảm nhận nghệ thuật lâm viên đặc sắc tại đây nhé!