Kinh nghiệm mua sắm trong chuyến du lịch Thái Lan

Thái Lan nổi tiếng là “thiên đường mua sắm” ở Châu Á. Hàng hóa ở đây rất đa dạng mẫu mã, chủng loại, chất lượng và có giá khá rẻ nên khi du lịch Thái Lan cũng là dịp để du khách được trải nghiệm mua sắm. Tuy nhiên để mua sắm được những món hàng chất lượng, giá cả phải chăng và tiết kiệm chi phí bằng cách mua sắm hoàn thuế, du khách nên tham khảo bài viết này.

I. NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI MUA SẮM TẠI THÁI LAN

Có thể nói mua sắm ở Thái Lan là một hoạt động vô cùng thú vị khi đến du lịch ở đất nước này. Điểm chung của shopping ở đây là có vô số mặt hàng đẹp, chất lượng và giá cả vô cùng rẻ. Hầu hết các điểm mua sắm và chợ đều cung cấp cho du khách đầy đủ dịch vụ cho một ngày mua sắm vui vẻ trọn vẹn. Các quầy đồ ăn, đồ uống luôn sôi nổi và phong phú.

Khi đi mua sắm ở Thái Lan, du khách cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

Nên có một kế hoạch nhất định cho việc shopping của mình, ghi chép những món đồ cần mua và đọc lời khuyên khi đi mua sắm để tìm được nhanh và đúng mục đích, bởi vì nếu không có kế hoạch cụ thể du khách sẽ lan man và cuối cùng sẽ là không mua được gì cả.

Tại Thái Lan có những khu chợ dành riêng cho những mặt hàng khác nhau, chính vì thế hãy tiết kiệm thời gian bằng cách tìm hiểu xem mình muốn mua mặt hàng gì và chúng được bày bán tại khu chợ nào là chính. Nếu du khách muốn mua quần áo vừa túi tiền thì du khách nên đến mua ở chợ Pratunam, tại đây giá cả các mặt hàng khá rẻ so với ở Việt Nam, nếu du khách mua càng nhiều thì giá càng rẻ. Mua những mặt hàng thời trang đồ hiệu, du khách có thể mua Siam Paragon hoặc Central, tại đây hàng hóa vô cùng đa dạng để du khách tha hồ chọn lựa. Nếu du khách muốn mua những mặt hàng phụ kiện, du khách có thể ghé qua những shop handmade, hoặc Chinatown ở Bangkok, tại đây có nhiều mặt hàng cá tính với giá cả phải chăng. Ngoài ra, còn một số điểm đến khác như các trung tâm thương mại như: Siam Square, Central World, Gaysorn, MBK (MahBoon Krong), Central Department Stores, The Emporium, Platinum Fashion Mall tại đây đa dạng hàng các mặt hàng từ quần áo, trang sức, mỹ phẩm cho đến đồ gỗ. Hoặc nếu du khách muốn mua những mặt hàng có giá bình dân với chất lượng tốt, thì du khách có thể ghé thăm những khu chợ ở Bangkok như Chợ trời, Chợ cuối tuần Chatuchak,…

Đừng nghĩ rằng, các trung tâm thương mại toàn những mặt hàng cao cấp và sang trọng khiến du khách không dám 

Khi đi mua sắm không nên mang theo nhiều đồ để được rảnh tay chọn hàng hóa; nên đi giày, dép thấp cho thoải mái đôi chân của mình; mặc đồ tiện dụng nhất để không vướng víu khi vào các khu chợ đông và chật chội.

Tất cả các cửa hàng, siêu thị chỉ mở cửa từ khoảng 10:00 hoặc 10:30 (số ít mở từ 09:30), chợ thì mở cửa sớm hơn. Do đó, theo lời khuyên khi đi mua sắm ở Thái Lan là đừng đi quá sớm vì phải đứng ngoài chờ mất thời gian.

Một lời khuyên nữa cho du khách là nếu có ý định đi sắm đồ tại Thái Lan thì nên đi buổi tối, vì các chợ đêm bắt đầu hợp, các mặt hàng cũng sẽ đa dạng và đẹp hơn lúc du khách đi ban ngày. Điều này cũng rất giống với những chợ đêm ở Việt Nam.

Cuối tuần là thời gian shopping vô cùng lý tưởng bởi ở Bangkok có những khu chợ bán quần áo, phụ kiện chỉ mở vào cuối tuần.

– Đừng quá đắn đo về giá cả khi đã chọn được món đồ ưng ý, tất cả sản phẩm du khách mua tại Thái Lan đều sẽ rẻ hơn khi du khách mua tại Việt Nam bởi lý do các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam đều sang Bangkok nhập hàng về để bán và đều bán với giá tăng khoảng 20% – 30%.

Hầu hết ở các cửa hàng và siêu thị đều niêm yết giá sản phẩm, nhưng du khách nên trả giá. Du khách có thể đạt được mức giá để mua thấp hơn từ 10 – 40% so với giá chào ban đầu. Người Thái đánh giá cao tác phong lịch sự và khiếu hài hước. Với sự kiên nhẫn và một nụ cười cởi mở, du khách có thể mua được hàng giá rẻ.

Người bán hàng ở Thái Lan đều nói tiếng Anh khá tốt. Không khí mua bán ở đây cởi mở, không có tình trạng nài ép, lôi kéo, tranh giành khách. Du khách cứ thoải mái trả giá và chọn lựa cho đến khi ưng ý.

Không nên chọn Taxi để đi mua sắm ở Bangkok, vì cảnh tượng kẹt xe diễn ra khiến du khách mất rất nhiều thời gian đấy. Hãy lựa chọn những phương tiện giao thông công cộng vừa nhanh, vừa tiện lại rẻ nữa. Taxi hãy để dành cho thời gian về, khi mà du khách đã có cả một ngày lê la mệt nhoài ở những khu chợ rồi. Nếu có ý định ở lâu hơn để sắm đồ và tham quan giải trí thì du khách nên mua vé tuần để tiết kiệm hơn nhé! Còn nếu du khách ở khu KhaoSan thì nên đi Tuk Tuk.

Tại “xứ sở Chùa Vàng” có 2 mùa Sale lớn nhất trong năm diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8 và cuối dịp Noel chào đón năm mới. Đặc biệt trong những năm gần đây Thái Lan có nhiều chính sách kích cầu thương mại nên có nhiều chương trình giảm giá rất đậm, thậm chí lên tới 80% trên cả 7 thành phố lớn như: Bangkok, Chiang Mai, Hua Hin và Ko Samui, Phuket, Hat Yai, Pattaya…

Nếu mua sắm trên 3.000 Baht, du khách sẽ được các cửa hàng làm cho thẻ mua hàng VIP, được giảm trên 5% trên mỗi hóa đơn mua hàng trong thời gian 2 năm. Du khách là người nước ngoài có thể được hoàn thuế giá trị gia tăng tại các sân bay quốc tế tại Bangkok, Chiangmai, Hat Yai và Phuket khi mua hàng trị giá tối thiểu 5000 baht trong một ngày (tổng số tiền có thể̉ gộp nhiều hóa đơn trong ngày), khách du lịch Thái Lan nên yêu cầu xuất mẫu hóa đơn hoàn thuế VAT khi mua hàng. Nếu ở cửa hàng tổng hợp, khách cần đến quầy xuất hóa đơn VAT để hoàn thuế. Biên nhận phải được tính giảm thuế trong ngày mua hàng. Khi rời Thái Lan du khách cần phải đóng mộc mẫu hoàn thuế tại điểm kiểm tra VAT của hải quan trước khi lên máy bay. Hàng hóa đã kê khai hoàn thuế VAT nhân viên hải quan sẽ xem trước khi nhận mẫu hoàn thuế. Khi đi qua điểm kiểm tra hộ chiếu, du khách sẽ được các viên chức hải quan Thái Lan xử lý mẫu và trả lại tiền hoàn thuế VAT.

II. KINH NGHIỆM MẶC CẢ KHI MUA SẮM Ở THÁI LAN

Hiện nay, tâm lý tại một số điểm du lịch ở Thái Lan nói riêng và ở các quốc gia khác nói chung là cứ thấy khách du lịch thì nâng giá, thậm chí “chặt chém”. Vậy làm thế nào để mua được sản phẩm, dịch vụ có chất lượng? Một số mẹo mặc cả dưới đây sẽ giúp du khách tránh lãng phí khi mua sắm trên hành trình du lịch Thái Lan:

1. Quyết định những thứ đáng để mua.

Bỏ qua chuyện giá cả, quyết định đầu tiên khi mua một món hàng là nó có đáng để bỏ tiền ra mua hay không. Du khách có thực sự muốn mang nó theo trong suốt cuộc hành trình của mình hay không? Nó có đáng để trả thêm phí vận chuyển về nhà hay không? Ví dụ một tác phẩm nghệ thuật có thể là một món hời, nhưng hãy cân nhắc xem du khách phải mất thêm bao nhiêu tiền nữa để đóng khung nó sau khi mua về.

2. Không tỏ ra quá thích.

Việc để lộ ý thích quá sớm hoặc quá mức có thể khiến người bán hàng đẩy giá thành món đồ bạn muốn mua lên cao và không đồng ý giá mà du khách mặc cả. Do vậy, khi bắt gặp món đồ yêu thích hãy kiềm chế việc biểu lộ cảm xúc, nếu có thể hãy vờ như không mấy quan tâm để chủ hàng đưa ra mức giá thấp hơn và việc mặc cả của du khách cũng dễ dàng hơn.

3. Tham khảo giá.

Món đồ muốn mua nếu không phải là duy nhất và tại các khu du lịch chúng thường sẽ được bán ở các cửa hàng khác nhau. Thay vì mua ngay lần đầu tiên nhìn thấy, hãy dành thời gian đi một vòng các cửa hàng bên cạnh và hỏi giá. Điều này không những giúp có thể biết gần chính xác nhất giá tiền thực của món hàng đó để mặc cả và có thể tìm được thứ ưng ý hơn.

Với thời đại công nghệ như hiện nay, có thể nên tra cứu giá trên mạng để biết được giá phù hợp nhất, nhất là tại một số diễn đàn du lịch. Nếu mua ở chợ “trời”, chợ “dân sinh” có thể kiểm tra, so sánh giá với giá siêu thị. Tuy nhiên cần kiểm tra kỹ về chất lượng trước khi mua.

4. Quan sát dân địa phương trả giá.

Với cùng một loại hàng hóa và dịch vụ, khách du lịch hầu như luôn trả giá cao hơn so với dân địa phương. Người bán hàng sẽ nhận ra du khách là một người từ nơi khác đến bởi sự giàu có của mình so với dân địa phương. Nó có thể đúng hoặc sai nhưng dù sao đi nữa thì du khách cũng sẽ học được cách mặc cả bằng việc quan sát xem người dân địa phương họ trả giá bao nhiêu. Mặc dù du khách có thể sẽ không mặc cả được mức giá như của họ nhưng đó cũng là sự khởi đầu tót cho những lần tiếp theo.

5 – Mua sắm cùng người địa phương

Nếu có người quen, thân hoặc bạn bè tại nơi du lịch, hãy nhờ họ đi mua cùng du khách. Với sự am hiểu của mình, họ sẽ giúp du khách mua đồ đúng nơi và không bị chặt chém. Nếu không thể có ai đi cùng, hãy bỏ túi những câu nói thông dụng khi mua sắm bằng tiếng địa phương, để người bán thấy du khách có kinh nghiệm mua hàng mà không đội giá quá cao.

6. Luôn tỉnh táo.

Điều này không chỉ được vận dụng khi kiểm tra chất lượng của món hàng định mua, mà còn giúp du khách cảnh giác với những chiêu trò của người bán. Họ có thể sắp đặt rất nhiều người mua cùng lúc du khách đến để thể hiện cửa hàng rất uy tín và đắt khách, tuy nhiên du khách hãy nhìn thẳng vào thực tế chất lượng hàng hóa và giá cả ở đây.

Thậm chí, những người bán hàng, đặc biệt là những người bán rong ở khu du lịch thường đem hoàn cảnh thương tâm của bản thân, gia đình ra kể lể. Đừng để họ đánh lừa du khách. Đây là chiêu trò phổ biến họ tung ra để du khách dễ dàng mua hàng với giá cao.

7. Đưa ra mức giá phù hợp.

Mặc cả bao nhiêu phụ thuộc phần lớn vào sự nhạy cảm về món đồ mà du khách định mua cũng như văn hóa bán hàng tại nơi du khách đến. Tuy nhiên, việc tìm hiểu mức trả giá từ kinh nghiệm của những người đi trước hoặc trên các diễn đàn du lịch sẽ giúp du khách nắm bắt được điều này. Thông thường, giá du khách mua sẽ thấp hơn giá người bán nói 10% – 30%, tuy nhiên ở một số nơi, mức trả giá có thể lên đến 50%. Do đó hãy đưa ra mức giá phù hợp cho mỗi món đồ tại mỗi điểm đến.

8. Đừng bao giờ khoe tiền mệnh giá lớn.

Không có ai đi mặc cả chi li từng ngàn hay thậm chí vài trăm ngàn với lý do túi tiền chỉ cho phép chi tiêu đến thế mà lại cho người khác thấy điều ngược lại cả. Khi du khách (dù vô tình) để người khác thấy sự giàu có hay điều kiện tài chính tốt của mình thì rõ ràng việc du khách cứ kì kèo mặc cả sẽ bị cho là keo kiệt, bùn xỉn và rất có thể vụ mặc cả của du khách sẽ thất bại.

9. Hãy mỉm cười.

Dù khách hàng là thượng đế nhưng với bộ mặt cau có, đăm chiêu du khách sẽ khó mặc cả thành công. Nói năng từ tốn, lịch thiệp kèm theo nụ cười luôn thường trực trên môi sẽ giúp du khách gây được thiện cảm với người bán, và khiến cho mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn. Thậm chí nếu việc mặc cả thất bại, du khách cũng sẽ không cảm thấy bực tức mà thoải mái chọn mua ở hàng khác.

10. Đừng sợ hãi và lúng túng.

Nếu du khách có chút kinh nghiệm mặc cả, đừng để mình rơi vào sự ngai ngùng, sợ hãi vì du khách là thượng đế cơ mà. Du khách không phải một kẻ nghèo mạt và người bán không hề căm ghét du khách. Đừng bị bối rối khi có những khoảng im lặng và đừng sợ hãi khi dừng lại suy nghĩ. Sự thật là sự im lặng có thể là một công cụ để mặc cả đắc lực.

11. Tận dụng lợi thế đám đông.

Hãy đi ít nhất 2 người trở lên và cùng nhau trả giá, mỗi người “xuống giá” hộ một câu đảm bảo sẽ có hiệu quả. Nếu đi một mình, du khách sẽ không nói lại được người bán hàng. Đây là chiêu áp đảo tâm lý người bán.

12. Chọn thời điểm mặc cả.

Trả giá ngay khi họ mở hàng hay lúc mới sờ vào đồ đôi khi chỉ làm du khách nhận được những cái lắc đầu lạnh nhạt. Bởi họ nghĩ du khách chỉ đang khảo giá mà không thiện chí mua đồ, khiến “dông” cả buổi. Do đó, hãy lựa chọn thật kỹ trước khi đưa ra một mức giá nào đó để người bán thấy du khách đã cân nhắc và thiện chí lấy hàng.

Ngoài ra tại thời điểm chuẩn bị đóng cửa hàng, thời kỳ mặt hàng đó “không được lòng khách du lịch”, khi kết thúc mùa du lịch hoặc thị trường ế ẩm cũng là lúc rất thích hợp để du khách mặc cả để được giá tốt hơn.

13. Biệt ngữ cho mặc cả.

Khi mua hàng du khách nên sử dụng những câu nói sau để đàm phán thành công: “Tôi có thể được ưu đãi gì không nếu thanh toán bằng tiền mặt?”, “Bạn có thể đưa ra được mức giá tốt hơn không?”, “Tôi tìm thấy vết ghi dấu trên sản phẩm định mua, bạn có thể giảm đi ít tiền không?”, “Tôi thấy sản phẩm này trên mạng có giá bán thấp hơn, bạn có thể bán bằng với giá đó được không?”. Khi vẫn bị từ chối bán, du khách nên dùng cách nói này: “Được rồi, tôi nghĩ rằng mình chưa mua được ngay, hãy gọi lại cho tôi nếu có đợt giảm giá”.

14. Hỏi thêm về những ưu đãi đi kèm.

Nếu du khách đang bế tắc trong việc mặc cả thì hãy hỏi thêm về những mặt hàng, khuyến mại đi kèm sản phẩm. Nếu du khách đang để mắt đến một vài mặt hàng, hãy đề nghị người bán hàng rằng nếu du khách mua nhiều thì nên được giảm giá.

15 – Giả vờ bỏ đi

Đừng bao giờ để người bán hàng thấy là du khách quá cần hay quá thích mua sản phẩm của họ với việc cứ đứng xem hàng mãi và trả giá nhanh mà khi cần thiết nên bỏ đi sau khi đưa ra một mức giá dạm mua thấp mà người bán chưa sẵn sàng chấp nhận. Lúc này có thể người bán sẽ cân nhắc đến lợi nhuận ít hay nhiều mà đồng ý với giá đó và gọi du khách quay lại. Trong nhiều trường hợp, người bán sẽ thỏa thuận lợi với du khách và đồng ý bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ với mức giá hợp lý hơn so với trước đó. Bằng không, du khách vẫn có thể tùy ý lựa chọn ở nhiều cửa hàng khác. Thậm chí, sau khi đi một vòng nếu vẫn ưng món hàng và giá ở đó, du khách có thể quay lại.

Lưu ý: Nhiều cửa hàng hiện nay để bảng miễn trả giá, có thể là họ bán hàng tốt, hàng độc, hoặc họ bán đúng giá hoặc không gì cả. Với các cửa hàng này, du khách không thể áp dụng bí kíp trả giá nào, vậy nên hãy ghi chú vài cửa hàng có uy tín tốt để ghé mua.

III. KINH NGHIỆM MUA SẮM HOÀN THUẾ Ở THÁI LAN

Thái Lan được biết đến là thiên đường mua sắm giá rẻ với hàng hóa đa dạng và chất lượng. Trong chuyến du lịch Thái Lan, nếu quyết định đi mua sắm ở các trung tâm mua sắm lớn, cửa hàng thời trang có danh hoặc thậm chí siêu thị Watsons hay Guardian,… du khách có thể tiết kiệm được một số tiền không hề nhỏ bằng cách đăng ký hoàn thuế.

Để khuyến khích du khách mua sắm, “đất nước Chùa Vàng” đã có chính sách hoàn thuế khi mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Tuy nhiên, thủ tục hoàn thuế khi mua sắm ở Thái Lan không đơn giản như Singapore. Nếu chưa biết, du khách tham khảo những nội dung dưới đây:

1. Biểu tượng VAT Refund for Tourists và mức hoàn thuế VAT.

Hàng hoá ở Thái Lan đã có bao gồm phí VAT. Tuy nhiên, khách du lịch được quyền lợi hoàn thuế VAT 7% khi mua sắm những mặt hàng từ những cửa hàng có chấp nhận “VAT Refund for Tourists” (Hoàn thuế VAT cho khách du lịch). Khi du khách thấy biểu tượng “VAT Refund for Tourists” đặt trước cửa hàng, du khách có thể nhận lại 7% tiền thuế VAT khi mua hàng ở các cửa hàng này. Nhưng để nhận được khoản tiền này, du khách phải đáp ứng được một số điều kiện, và chỉ nhận khi du khách chính thức rời Thái Lan tới một sân bay quốc tế khác.

Mua sắm ở các cửa hàng trong các trung tâm mua sắm lớn như Siam Paragon, Central World… và cả các hệ thống siêu thị Big C, du khách sẽ được hoàn thuế khi nằm trong các điều kiện theo quy định của Thái Lan.

2. Điều kiện để được hoàn thuế

– Là khách du lịch nước ngoài (không phải người Thái) và thời gian lưu trú ở Thái Lan dưới 180 ngày.

– Là du khách đang rời khỏi đất nước Thái Lan.

– Phải có hộ chiếu khi mua hàng.

– Không phải là người đang phục vụ trên phi hành đoàn của những hãng hàng không Thái Lan.

– Tổng hóa hơn mua hàng tối thiểu 5.000 Baht (du khách có thể cộng dồn hóa đơn).

3. Quy trình được hoàn thuế

Cách hoàn thuế khi mua sắm ở Thái Lan rất dễ thực hiện, du khách chỉ cần theo dõi 4 bước hướng dẫn dưới đây:

Bước 1: Mua sắm tại cửa hàng cho phép hoàn thuế VAT.

Bước 2: Điền vào mẫu đơn xin hoàn thuế.

Sau khi mua sắm xong, du khách hỏi nhân viên bán hàng để lấy tờ khai hoàn thuế VAT.

Thông tin du khách phải tự điền vào tờ khai: Tên, passport, địa chỉ tại Việt Nam, ngày đến Thái Lan, ngày sẽ rời đi, mã số chuyến bay (ví dụ: VietJet VJ87, Vietnam Airline VN605), phương thức hoàn tiền (tiền mặt, thẻ tín dụng hay séc ngân hàng).

Thông tin cửa hàng phải điền vào: Ngày ra hóa đơn, chi tiết hàng hóa đã bán, tổng giá trị hàng hóa, số tiền cần hoàn thuế.

Bước 3: Xét duyệt đơn xin hoàn thuế tại sân bay.

Ngày rời khỏi Thái Lan, du khách nên đến sân bay sớm 1-2 tiếng đồng hồ để xếp hàng xin hoàn thuế du lịch. Du khách sẽ phải đến quầy kiểm tra “VAT Refund Application for Tourists” trước khi check-in. Đến đây nhân viên hải quan sẽ yêu cầu du khách mở hành lý để kiểm tra sản phẩm.

Tại quầy xin hoàn thuế VAT, du khách phải nộp: Tờ khai xin hoàn thuế, hóa đơn; Passport; Thông tin chuyến bay của du khách.

Nếu mẫu đơn của du khách hợp lệ, nhân viên hải quan sẽ đóng mộc xác nhận hoàn tiền lên mẫu đơn cho du khách. Sau đó, du khách cầm tờ đơn này để nhận tiền mặt sau khi check-in và qua cửa khẩu. Lúc này, du khách đi check-in như bình thường, gửi hành lý và nhận thẻ boarding pass lên máy bay.

Lưu ý: Du khách có thể phải xách tay một số hàng quan trọng như trang sức, sản phẩm hàng hiệu, kính, bút máy… để kiểm tra một lần nữa trước khi hoàn tiền, nên bạn không nên cất những món này vào hành lý ký gửi.

Bước 4: Hoàn tất thủ tục hoàn thuế.

Sau khi nhận boarding pass, du khách phải đi vào khu vực cách ly, rời cửa khẩu Thái trước khi đến được quầy hoàn thuế. Đi theo bảng hướng dẫn để tìm đến quầy “VAT Refund Office”.

Du khách xếp hàng, trình mẫu đơn hoàn thuế đã được đóng mộc để được nhận tiền:

– Nếu nhận tiền mặt, du khách sẽ phải trả phí 100 Baht;

– Nếu nhận séc ngân hàng, ngoài mức phí 100 Baht, du khách sẽ phải trả thêm phí bưu điện;

– Nhận hoàn tiền qua thẻ tín dụng hay thẻ ngân hàng, du khách sẽ phải trả phí chuyển khoản tương xứng.

4. Địa điểm làm thủ tục hoàn thuế ở sân bay

Gồm 9 sân bay quốc tế:

– Sân bay Don Mueang

– Sân bay Suvarnabhumi (quầy hoàn thuế nằm ở tầng 4, cổng số 10).

– Sân bay Chiang Mai (quầy hoàn thuế nằm ở tầng 3, cửa số 2).

– Sân bay Don Mueang (quầy hoàn thuế nằm ở tầng 3, cửa số 1).

– Sân bay Hat Yai

– Sân bay Phuket

– Sân bay U-tapao

– Sân bay Krabi

– Sân bay Sa Mui.

5. Một vài lưu ý khác

– Khi mua hàng ở chợ thì thường không có hoàn thuế, chỉ khi mua sắm ở các trung tâm mua sắm như Big C, Siam Paragon, MBK,… sẽ được hoàn thuế.

– Hoàn thuế mua sắm ở Thái Lan không áp dụng đối với các hàng hóa dùng ngay, thực phẩm, chi phí đi lại, phí khách sạn, hóa đơn nhà hàng…

– Nếu số tiền mua hàng dưới 30.000 Baht, du khách sẽ được nhận tiền mặt trực tiếp tại sân bay. Nếu số tiền mua hàng trên 30.000 Baht, du khách được nhận tiền thông qua thẻ tín dụng của mình. Tiền hoàn thuế khi mua sắm ở Thái Lan là tiền Baht.

– Thời gian để giải quyết việc hoàn thuế VAT là không quá 60 ngày kể từ ngày mua hàng.

– Mỗi hóa đơn hoàn thuế sẽ phải chịu phí 100 Baht.

Hi vọng, với những chia sẻ về kinh nghiệm mua sắm ở Thái Lan trên đây có thể giúp du khách mua sắm được những mặt hàng chất lượng tốt, giá rẻ và tiết kiệm. Hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Thái Lan để được tận hưởng trọn vẹn và ý nghĩa của chuyến đi đầy lý thú này nhé!