Khám phá Con dấu Inkan của người Nhật

Khác với Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới – chỉ có công ty (pháp nhân) mới sử dụng con dấu, ở Nhật mỗi người (cá nhân) đều sử dụng con dấu (hay còn được gọi phổ biến là Inkan) thay cho chữ ký. Đây cũng là một nét văn hóa làm ngạc nhiên nhiều người nước ngoài khi đến du lịch Nhật Bản.

Nhật là một trong những quốc gia của châu Á còn giữ hệ thống hán tự trong chữ viết của mình. Tên họ người Nhật và các địa danh ở Nhật hầu hết đều được viết bằng chữ hán (Kanji), và được đọc theo âm Nhật (Kunyomi). Cho đến bây giờ, người Nhật vẫn dùng hệ thống con dấu Inkan thay cho chữ ký trong các văn bản hành chính và kể cả các giao dịch giấy tờ thông thường. 

Mỗi một người ở Nhật hoặc bất kỳ người ngoại quốc nào nếu sinh sống ở Nhật trong một thời gian dài điều buộc phải trang bị riêng cho mình ít nhất 1 con dấu tròn 9mm màu đỏ hoặc 2 con dấu tròn 9mm và 6mm màu đỏ.

Inkan 2

1 – Lịch sử con dấu ở Nhật Bản

Con dấu được sử dụng cho mục đích chính trị lần đầu tiên ở Nhật Bản là vào thời Nara, thế kỷ thứ 8. Khi đó, hệ thống chính quyền ở Nhật được xây dựng dựa theo mô hình vương triều của Trung Quốc. Lúc bấy giờ, do con dấu là biểu tượng cho quyền lực của người đứng đầu đất nước nên chỉ có Nhật hoàng sử dụng nó. Con dấu được dùng để xác nhận chỉ dụ do Nhật hoàng ban ra. Đến giữa thế kỷ thứ 8, giới quý tộc ở Nhật Bản mới được phép dùng con dấu của riêng họ.

Đến thời Chiến quốc Sengoku, thế kỷ 15, lịch sử con dấu ở Nhật Bản bước sang giai đoạn mới khi các lãnh chúa phát động chiến tranh giành quyền lực, qua đó, người chiến thắng được quyền tạo ra cho mình con dấu đẹp nhất, mang tính biểu tượng nhất.

Các hình ảnh tượng trưng phổ biến trên các con dấu vào thời kỳ này là rồng, sư tử, hổ… những con vật thể hiện uy lực và sự dũng mãnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chỉ cần nhìn vào con dấu người ta biết được thế lực của người sở hữu nó.

Đến thời Edo, thế kỷ 17, con dấu bắt đầu được dùng trong dân chúng. Điển hình là trong giao dịch mua bán, các thương nhân sử dụng con dấu để xác nhận đơn hàng, hóa đơn thanh toán tiền. Mỗi doanh nghiệp có con dấu riêng, thế là hàng loạt con dấu với đủ kiểu dáng khác nhau ra đời.

Thời kỳ Mạc phủ với chính sách bế quan tỏa cảng kéo dài từ đầu thế kỷ 17 chính thức kết thúc vào năm 1867, thay vào đó là thời Minh Trị tập trung phát triển đất nước theo chủ trương học tập văn minh phương Tây.

Tuy nhiên, chính quyền Minh Trị không từ bỏ việc sử dụng con dấu, trái lại còn phổ biến rộng rãi ra toàn dân. Nếu trước đây chỉ có giới quý tộc, võ sĩ hay thương nhân được dùng con dấu thì đến giai đoạn này mọi người dân đều có con dấu của riêng mình.

2 – Các loại con dấu Inkan

Trong thời đại công nghệ hiện nay, nhu cầu về con dấu ở Nhật Bản có sự đòi hỏi cao. Nhằm đáp ứng điều đó, các nhà sản xuất đã ứng dụng kỹ thuật số để tạo ra con dấu hoàn toàn mới với những tính năng đặc biệt. Ở Nhật Bản, người ta sử dụng nhiều loại con dấu cho những công việc khác nhau, trong đó có 3 loại cơ bản:

Inkan 3

* Jitsuin là con dấu phải được đăng ký chính thức với chính quyền địa phương. Người Nhật dùng nó trong các loại giấy tờ quan trọng như giấy kết hôn, giấy khai sinh, chứng tử, mua bán xe hơi… Đây là con dấu quan trọng nhất và có tính bảo mật cao nhất. Người Nhật có thói quen đựng con dấu Jitsuin của mình trong một chiếc hộp trang trí hoa văn rất đẹp. Vì tính bảo mật cao nên con dấu Jitsuin phải được cất giữ cẩn thận, nhiều người gửi nó trong tủ bảo hiểm ở ngân hàng.

* Ginkoin là cách gọi đối với Inkan có hiệu lực trong lĩnh vực ngân hàng. Người Nhật dùng con dấu Ginkoin đã đăng ký để mở tài khoản ngân hàng hoặc thực hiện các giao dịch có liên quan. Khi cần rút tiền tiết kiệm, khách hàng dùng Ginkoin để đóng dấu thay cho chữ ký mẫu.

* Mitomein được sử dụng trong các công việc trao đổi hàng ngày như giao hàng, xác nhận thư từ, bưu phẩm… Con dấu Mitomein có tính bảo mật thấp, chúng được làm bằng gỗ thường và được bán rộng rãi tại các cửa hàng.

3 – Khắc Tên hay Họ lên con dấu?

Ở Nhật, Inkan cho cá nhân thường được làm bằng gỗ, đá hoặc nhựa. Nếu là người nước ngoài, du khách có thể khắc Họ hoặc Tên lên Inkan của mình (với điều kiện Tên/Họ có ghi trong Giấy đăng ký người nước ngoài). Do văn hoá sử dụng Họ trong giao tiếp nên người Nhật chỉ khắc Họ của mình được viết bằng chữ Kanji lên Inkan cá nhân.

4 – Sử dụng Inkan khi nào?

Inkan được sử dụng trong nhiều việc, từ những việc hàng ngày như xác nhận đã nhận thư, bưu phẩm đến những giao dịch, ký kết hợp đồng, mở tài khoản ngân hàng… Tuy nhiên, không phải Inkan nào cũng sử dụng được cho những giao dịch quan trọng (chẳng hạn như ký kết hợp đồng mua bán, mở tài khoản ngân hàng…). Đối với những giao dịch như vậy, người Nhật phải sử dụng Inkan đã được đăng ký (với chính quyền địa phương).

5 – Tại sao người Nhật Bản lại dùng thêm con dấu tròn 6mm màu đỏ khi đã có con dấu 9mm màu đỏ?

Đối với đất nước Nhật Bản, họ tự hào là công viên của thế giới, có nghĩa mọi thứ rất sạch sẽ và ý thức bảo vệ môi trường rất tốt. Trong đó, khi họ in ấn trên giấy thì luôn sử dụng 2 mặt giấy chứ không in 1 mặt bỏ 1 mặt như chúng ta. Mỗi lần in sai 1 vài điều gì đó thì họ lại dùng con dấu nhỏ 6mm màu đỏ đóng vào điểm sai đó với ngụ ý là tôi đã xem xét điểm sai đó rồi, còn nếu mà là mình thì xé tờ giấy đó và in lại từ lâu rồi.

6 – Địa điểm mua, làm con dấu

inkan 4

Đối với con dấu dành cho những việc không quan trọng như nhận bưu kiện hằng ngày, người Nhật có thể mua dễ dàng tại các cửa hàng 100 yên hoặc đến các cửa hàng làm con dấu (Hankoyasan) để làm riêng cho mình một cái.

Giá tiền của con dấu rất đa dạng tùy theo chất liệu, kích cỡ và cách khắc, dao động từ 1000 yên đến hơn 10000 yên. Con dấu làm bằng nhựa thì sẽ rẻ hơn con dấu làm bằng đá. Tương tự, con dấu được khắc bằng tay thì đắt hơn khắc bằng máy, vì khó làm giả hơn. Con dấu càng lớn thì giá càng đắt. Để biết thêm về giá cả con dấu, bạn nên đến các cửa hàng con dấu để được hướng dẫn kĩ hơn.

7 – Điều kiện được sử dụng Inkan dành cho người nước ngoài sống ở Nhật

Nếu là người nước ngoài sống ở Nhật, du khách được đăng ký Inkan với điều kiện:

– Có Giấy chứng nhận đăng ký người nước ngoài

– Trên 16 tuổi

Trên đây là một nét văn hóa đã làm ngạc nhiên biết bao nhiêu người nước ngoài khi đến Nhật Bản. Nếu du khách đến du lịch Nhật Bản, có hứng thú với con dấu Inkan thì hãy tìm đến những cửa hàng để làm riêng cho mình một cái kỷ niệm cho chuyến đi du lịch đầy thú vị này nhé!