Hòa mình trong không gian văn hóa cổ xưa của Lễ hội Dano ở Hàn Quốc

Trong văn hóa Hàn Quốc, lễ hội là một trong những hoạt động vô cùng quan trọng. Có rất nhiều lễ hội khác nhau của người dân xứ Hàn diễn ra quanh năm, một trong số đó là lễ hội Dano hay Suritnal (Tết Đoan Ngọ). Đây là một trong ba lễ hội truyền thống lớn nhất ở Hàn Quốc, cùng với Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu Chuseok.

Lễ hội Dano diễn ra vào thời điểm bắt đầu của mùa hè và là ngày cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu. Đây sẽ là thời gian tuyệt vời đưa du khách tìm về không gian văn hóa cổ xưa của Hàn Quốc, từ đây du khách sẽ hiểu thêm vô vàn điều thú vị về đất nước và con người “xứ kim chi”.

Đây là lễ hội truyền thống có lịch sử hơn 1.000 năm của thành phố Gangneung, tỉnh Gangwon. Với nét độc đáo về văn hóa cũng như những đặc trưng khác biệt về nghệ thuật, Tết Đoan ngọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể quan trọng số 13 và đã được công bố là một Kiệt tác Di sản Truyền miệng và Phi vật thể của Nhân loại vào ngày 25 tháng 11 năm 2005.

Dano được diễn ra trong thời gian khoảng một tháng, bắt đầu từ ngày 5/5 âm lịch. Với người Hàn Quốc, con số 5 là biểu tượng của sức mạnh, sự cường tráng. Theo truyền thống âm lịch, các ngày và tháng tương ứng như ngày 1 tháng 1, ngày 2 tháng 2 và ngày 3 tháng 3 là những ngày quan trọng. Ngày 5 tháng 5 đặc biệt tốt đẹp khi người Hàn Quốc tin rằng đây là ngày vũ trụ hội tụ và tất cả năng lượng của tự nhiên trở thành một. Với rất nhiều năng lượng hạnh phúc nảy xung quanh, nó cũng cho biết rằng đây là một ngày đầu để yêu.

Các hoạt động trong ngày lễ rất phong phú bao gồm những nghi thức: tế thần núi, nấu rượu “thần”, tế pháp sư và các loại hình biểu diễn truyền thống khác… Nổi bật nhất trong lễ hội Dano chính là màn múa mặt nạ Gwanno, đây là loại hình kịch câm truyền thống Hàn Quốc mang đậm tính trào phúng và hài hước sâu sắc. Các màn biểu diễn sẽ được thể hiện trực tiếp trên sân khấu tại các khu chợ đông người. Trong các khu chợ, người ta mua và bán các đặc sản trong vùng, các đồ thủ công mỹ nghệ và đạo cụ truyền thống với tên gọi là “ssireum”, kết hợp với biểu diễn múa và xiếc bên cạnh các ban nhạc “nông dân”.

Lễ hội Dano để mọi người cùng cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa và mùa màng bội thu. Bên cạnh đó, trong dịp này, mọi người chia sẻ với nhau những món ăn, sản vật truyền thống để giữ gìn sức khỏe và vóc dáng khỏe mạnh cho mùa hè. Vào ngày lễ Dano người Hàn Quốc sẽ có hai loại bánh truyền thống làm từ bột gạo là SuritteokYaktteok cũng giống như ở Việt Nam thường ăn bánh trôi, bánh chay vào dịp Tết đoan ngọ vậy.

Để làm món bánh Suritteok, người ta đem loại gạo không dính đi nấu chín cùng với lá ngải cứu để tạo ra loại bánh dẻo dẻo có màu xanh. Sau đó, những bàn tay khéo léo của người Hàn Quốc sẽ dùng nguyên liệu đó làm nên nhưng chiếc bánh Suritteok có hình bánh xe xinh xắn.

Nếu như bánh Suritteok chỉ đơn giản là chiếc bánh ngải cứu hình bánh xe thì những chiếc bánh Yaktteok đa dạng hơn khá nhiều. Cũng được làm từ gạo không dính nấu chín nhưng không phải với lá ngải cứu mà với các loại hạt khác nhau và tạo thành những hình dáng đa dạng thường là hình trăng, biểu tượng của sự tròn đầy, có nhiều màu sắc. Đây là một đặc sản của vùng phía Nam tỉnh Jeolla.

Một nét văn hóa Hàn Quốc thú vị khác trong ngày tết  Dano này đó là tục lệ gội đầu bằng lá cây diên vĩ của các cô gái xứ Hàn. Theo quan niệm của người Hàn Quốc, nước câu diên vĩ đun sôi dùng để gội đầu sẽ giúp các cô gái có mái tóc óng ả, suôn mượt. Không chỉ vậy, những chiếc cặp tóc của các cô gái cũng được nhuộm đỏ bằng rễ cây diên vĩ còn những người đàn ông sẽ quấn rễ cây này xung quanh thắt lưng. Người ta cho rằng khi làm vậy thì những tà ma hay các linh hồn xấu sẽ không thể làm hại bạn.

Trong ngày lễ này ngoài việc thưởng thức các món ăn Hàn Quốc truyền thống còn có rất nhiều hoạt động và trò chơi dân gian diễn ra như đu quay và ssireum (đấu vật Hàn Quốc), làm quạt, tặng quạt, trang trí mặt nạ, biểu diễn nhạc kịch mặt nạ,…

Những người phụ nữ thường thích chơi đu quay, một trò chơi nhẹ nhàng, vui vẻ nhưng cũng cần tới sự khéo léo. Cũng như nhiều nước Châu Á khác, ở Hàn Quốc đu quay là trò chơi dân gian đã tồn tại từ rất lâu đời. Và đây cũng là trò chơi được ưa thích trong dịp Tết Dano.

Đối với nam giới, họ thích khẳng định sức mạnh của mình với trò đấu vật (Ssireum) – một môn thể thao lâu đời nhất của Hàn Quốc, là biểu tượng cho nhuệ khí, tinh thần của người dân xứ Hàn. Đây là trò chơi thể hiện kỹ thuật và sức mạnh cơ bắp. Ssrieum cũng phân ra làm 3 hạng cân: Han La – hạng nhẹ, Baek Du – hạng nặng và Chun Ha – hang mở rộng. Khu vực thi đấu là một vòng tròn viền cát dày. Hai đối thủ quỳ trên cát, nắm chặt satba (một loại thắt lưng của người Hàn Quốc) của đối phương. Hai đấu vật sẽ phải đứng dậy trong khi vẫn nắm chặt satba của đối phương. Người thắng cuộc sẽ là người hạ đo ván đối thủ dưới đất, với điều kiện không một bộ phận nào của cơ thể đối thủ được cao hơn gối của người thắng. Phần thưởng cho nhà vô địch trong cuộc thi này là một con bò to khỏe.

Tặng quạt: Người Hàn Quốc có câu “Dano tặng quạt, đông chí tặng lịch”. Bởi lễ Dano được tổ chức trùng với những ngày đầu mùa hè, nên quạt được coi là món quà truyền thống mà người Hàn vẫn tặng nhau trong dịp này. Phong tục này đã đươc hình thành và duy trì từ thời kì vua Joseon. Thậm chí, chính nhà vua cũng tặng quạt cho các cận thần theo chức vụ từ cao tới thấp.

Tuy vẫn được cho rằng có nguồn gốc từ ngày lễ Dragon Boat của Trung Quốc và giống với Tết Đoan Ngọ của Việt Nam, nhưng Dano của “xứ sở Kim Chi” vẫn mang trong mình những ấn tượng riêng khác biệt. Qua lễ hội Dano, người dân Hàn Quốc thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, đồng thời gửi gắm những quan điểm và triết lý truyền thống từ ngàn đời. Nếu có dịp du lịch Hàn Quốc vào thời điểm diễn ra lễ hội đặc sắc này, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội cùng hòa mình với người dân nơi đây nhé! Chắc chắn đây sẽ là một trải nghiệm thú vị mà du khách khó lòng quên được!