Hòa mình cùng người dân Nga trong Lễ tiễn mùa đông Maslenitsa

Lễ hội Maslenitsa truyền thống của người dân “xứ sở bạch dương” nhằm tiễn biệt mùa đông lạnh lẽo và đón chào mùa xuân tươi đẹp với những sức sống mãnh liệt quay trở về. Khoảng thời gian bắt đầu lễ hội thường là vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, được tổ chức trong một tuần, bắt đầu từ thứ hai và kết thúc vào ngày chủ nhật.

Được biết, lễ hội Maslenitsa ở nước Nga bắt nguồn từ nền nông nghiệp, từ công việc đồng áng của những người nông dân Nga. Thường vào mùa đông nước Nga tuyết rơi phủ kín mặt đất, ruộng đồng, khiến cho cây cối không nảy mầm được, nếu kéo dài mãi dễ sinh nạn đói. Bởi vậy, người nông dân mong mùa đông mau qua, mong mùa xuân mau đến. Nó cũng nhanh chóng đi vào tiềm thức và trở thành tục lễ thường năm diễn ra tại Nga.

Lễ hội truyền thống này được tổ chức trên khắp đất nước Nga và tưng bừng nhất chính là ở thủ đô Moscow, thành phố Saint Petersburg, Yakutsk,… Với nhiều hình thức và quy mô tổ chức khác nhau. Tại Moscow, lễ hội này được tổ chức ở 13 quảng trường khắp trung tâm thành phố.

Tuần lễ Maslenitsa được chia thành hai phần. Nửa đầu là tiểu lễ Maslenitsa kéo dài từ thứ hai đến thứ tư. Nửa sau là đại lễ Maslenitsa kéo dài từ thứ năm cho tới chủ nhật. Mỗi ngày lễ trong tuần lễ Maslenitsa này đều có tên gọi gắn với ‎ý nghĩa riêng. Tên gọi Maslenitsa (có gốc nghĩa là “bơ”) bắt nguồn từ việc vào tuần lễ cuối cùng trước khi kỳ lễ ăn chay của người Cơ Đốc giáo bắt đầu, mọi người được phép ăn các món từ sữa, cá, cũng như sử dụng bơ và các loại dầu ăn…

Ngày thứ Hai trong tuần được gọi là “Găp gỡ”. Các cô gái các chàng trai bện hình nộm bằng rơm dưới dạng một người phụ nữ – Thần mùa đông Maslenitsa và rước đi quanh làng. Dân chúng đón lễ Maslenitsa bắt đầu bằng chuyến thăm người thân. Cũng trong ngày đầu tiên của Maslenitsa người ta đắp những quả đồi công cộng, dựng cây đu, bày bàn với những món ăn ngọt.

Ngày thứ Ba: “Vui chơi”. Từ sáng sớm, các cô gái đã được mời đi trượt tuyết từ trên đồi xuống bằng xe trượt sanki, ăn bánh xèo, xếp hàng lên đu quay, cưỡi ngựa dạo chơi trên đồng tuyết, cánh trai tráng xắn tuyết rắn đắp thành lũy.

Ngày thứ tư: “Ăn uống”. Trong ngày này, chàng rể sẽ đến nhà mẹ vợ ăn bánh blin cùng bạn bè bên nhà vợ. Và có phần nào tương đồng với tập quán “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ” ở Việt Nam, vào thứ sáu với tên gọi “Buổi tối của mẹ”, mẹ vợ sẽ đến thăm lại nhà con rể và ăn bánh blin do con gái tự tay làm.

Ngày thứ năm: “Chơi bời” là ngày bắt đầu đại lễ Maslenitsa. Nếu trong ba ngày tiểu lễ, những công việc thường nhật vẫn có thể được làm thì kể từ ngày này đều được tạm dừng. Chỉ còn vui chơi và lễ hội. Mọi người tham gia tất cả trò chơi có thể: từ cưỡi ngựa, đấu vật… cho đến ném tu‎yết, công thành tuyết… Những trò chơi này mang ý nghĩa rũ bỏ mọi phần u ám trong năm trước, cũng như gỡ bỏ mọi mâu thuẫn giữa mọi người.

Ngày thứ sáu: “Buổi chiều vui của mẹ vợ”. Trong ngày này đến phiên các chàng rể mời mẹ vợ tới nhà nếm bánh xèo. Theo tục lệ cổ, con rể nhất thiết phải thân chinh mời mẹ vợ từ chiều hôm trước, và sau đó phái các bạn bè ăn mặc diện đến rước nhạc mẫu tận nhà. Còn các cô gái thanh tân vào lúc giữa trưa sẽ đội liễn bánh trên đầu và đi lên đồi. Chàng trai được cô gái thầm yêu hối hả chén bánh xèo và cố đoán xem nàng có thành bà chủ tốt cho gia đình nhỏ của chàng ta hay chăng.

Ngày thứ bảy: “Ngày tụ họp của chị em chồng”. Trong ngày này nàng dâu trẻ mời gia đình mình đến nhà và cùng với mọi người mang quà tặng cho các chị em bên chồng. Buổi tối ngày hôm đó người ta đốt hình nộm Maslenitsa, tượng trưng cho lời chào chia tay mùa đông.

Tâm điểm của tuần lễ vẫn là chủ nhật – ngày “Tiễn mùa đông”. Trong ngày này, mọi người vui chơi, gặp gỡ, chúc mừng nhau ngày lễ và mong tha thứ cho những điều chưa được trong năm. Mọi người sẽ cùng tập trung và nổi lửa đốt cháy hình nộm lớn Maslenitsa, nhằm xua đi cái lạnh của mùa đông. Đón mùa xuân ấm áp quay về.

Ngày kết thúc kỳ lễ Maslenitsa được tổ chức ở Nga rất tưng bừng. Tại các đô thị hay làng quê mọi người đều tụ tập từ sáng ở những quảng trường trung tâm. Lời ca tiếng hát và cuộc khiêu vũ tiếp tục cho đến tối muộn. Đám trai trẻ mời các cô gái rong chơi bằng xe trượt tuyết. Tha hồ ăn bánh xèo, uống trà và những thức uống nóng cùng với mật ong, và bánh sơn ca.

Trong tuần lễ Maslenitsa, các bà nội trợ Nga đều chuẩn bị món bánh Blin truyền thống, tuy nhiên mỗi người lại có công thức nấu ăn đặc biệt riêng và trong một số gia đình các công thức nấu ăn được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tại các bữa tiệc trong tuần lễ Maslenitsa, bánh Blin thường là món chủ đạo và được chuẩn bị rất nhiều, ngon và với các vị khác nhau. Bánh Blin có thể được ăn cùng nhân thịt, trứng cá, hoặc ăn kèm với mứt, váng sữa và mật ong.

Du khách đến bất kỳ nơi nào vào thời điểm này cũng sẽ bị kéo vào cuộc chơi nhiệt tình không thể cưỡng nổi. Tiếng nhạc accordeon đặc trưng Nga quyến rũ đến lạ kỳ. Du khách sẽ ngạc nhiên khi thấy mình nóng người lên nhanh chóng sau vài bước giậm chân hòa mình theo những bước nhảy khéo léo của các chàng mugisch xung quanh.

Lễ hội không phân biệt ai với ai, hễ muốn chung vui và mong muốn hạnh phúc đều sẽ được chào đón một cách nhiệt tình và trang trọng. Vì vậy, những du khách đến nước Nga du lịch đều vô cùng hứng thú với những lễ hội của đất nước này. Nếu du khách cũng muốn trải nghiệm một lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa Nga này thì chần chừ gì nữa, hãy thực hiện một chuyến lịch Nga nhé!