Hàng năm, đất nước Thái Lan lại tưng bừng với những lễ hội văn hóa đặc sắc

Thái Lan có nền văn hóa phát triển từ rất sớm và chịu sự ảnh hưởng của các dân tộc láng giềng do đó tạo nên một “xứ sở Chùa Vàng” với những bản sắc văn hóa rất đa dạng. Đất nước Thái Lan – quê hương của những nụ cười luôn thân thiện và vui vẻ, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp tất cả các vị khách quốc tế khi đặt chân tới đây. Đặc biệt, du lịch Thái Lan còn thú vị hơn bao giờ hết nếu du khách đến đúng vào dịp những lễ hội văn hóa độc đáo.

Lễ hội ở Thái Lan diễn ra suốt các thời điểm trong năm, vì thế dù du khách đi du lịch vào bất cứ thời điểm nào cũng đều được trải nghiệm những lễ hội náo nhiệt, đầy màu sắc nhưng cũng ẩn chứa nét văn hóa của mảnh đất này. Chính vì vậy, Thái Lan đang ngày càng thu hút các du khách thập phương, đặc biệt là các bạn trẻ đến khám phá.

1 – LỄ HỘI SONGKRAN

Người Thái Lan gọi ngày Tết cổ truyền mừng năm mới là Songkran, được diễn ra từ ngày 13 – 15/4. Từ “Songkran” xuất phát từ tiếng Phạn, với nghĩa “lúc thời gian chuyển dịch, mặt trời đi từ khu vực Hoàng Đạo sang khu vực Kim Ngưu trong vũ trụ”, mọi người đón mừng Đản sinh Đức Phật bằng việc phun nước vào người nhau để gột rửa hết buồn phiền đón mừng năm mới.

Sáng sớm buổi lễ, theo truyền thống người Thái mang hoa tươi và đồ lễ thực phẩm lên chùa nghe giảng kinh, xếp hàng theo thứ tự chờ nhà sư cầm cành cây vẩy nước làm phép với ý nghĩa chúc phúc, may mắn cho mọi người. Sau đó họ sẽ đắp nhiều bảo tháp bằng cát trong chùa, cắm cờ lễ và hoa tươi lên đó chào mừng sự kiện này. Thế rồi tất cả đổ ra đường phố chính, dùng tất cả: máy bơm nước, xô, chậu, đặc biệt là súng nước để múc, té, phun nước vào nhau.

Theo người Thái quan niệm thì ai được té nhiều nước vào người thì đen đủi sẽ qua, phát tài cả năm, vì thế ai cũng ra sức với màn té vui nhộn. Cho dù có khác màu da, không hiểu giọng nói nhưng qua đây mọi người dường như gắn kết với nhau hơn, thể hiện tình bằng hữu, thân ái nồng nhiệt. Truyền thuyết kể lại, Lễ hội té nước là mối nhân duyên tốt lành nhất của khá nhiều người nên cho dù ở xa đến mấy thì những người con xa xứ đều tìm về dự hội.

Ngoài việc té nước, trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều cuộc diễu hành, thi sắc đẹp được tổ chức. Ngoài ra, người ta còn nấu các món ăn truyền thống và mặc các trang phục nhiều màu sắc. Lễ hội Songkran là điển hình cho mô hình lễ hội truyền thống Thái Lan, giúp đất nước này trở thành thánh địa nghỉ dưỡng và du lịch.

2 – LỄ HỘI LOY KRATHONG

Loy Krathong (lễ hội hoa đăng) được coi là lễ hội truyền thống lãng mạn nhất thế giới với ánh sáng lung linh, huyền ảo của hàng vạn cây nến thơm và đèn trời.

Nếu tới Thái Lan đúng dịp lễ hội Songkran tháng Tư hàng năm, du khách có thể thấy người Thái đổ ra đường té nước lấy may thì vào tháng 11, dễ dàng bắt gặp hình ảnh lãng mạn của các cặp tình nhân trong lễ hội hoa đăng Loy Krathong. Lễ hội hoa đăng là ngày lễ có nhiều ý nghĩa và chứa đựng nhiều yếu tố thần thoại nhất của người Thái, được tổ chức vào đêm 15 tháng 12 theo lịch Thái.

Từ “Loy” trong tiếng Thái của nghĩa là thả nổi, “Krathong” là có nghĩa là cây nến nhỏ hoặc cây đèn nhỏ được gắn trên những chiếc bè làm bằng lá. “Loy Krathong” là lễ hội truyền thống đã có lịch sử hơn 700 năm với ý nghĩa để tỏ lòng tôn kính với thần Nước và cầu xin thần tha thứ cho những hành động của con người trong cuộc sống khi làm ô nhiễm nguồn nước của người.

Khi màn đêm vừa buông xuống cũng là thời điểm đẹp nhất để lễ hội Loy Krathong bắt đầu. Những đôi nam thanh nữ tú và các cặp vợ chồng dắt tay con cái tay cầm những chiếc Krathong đi chơi hội.

Ở giữa mỗi chiếc Krathong là một cây nến thơm, hoa tươi và vải đủ màu sắc. Sau khi thắp đèn xong, ai nấy đều nhắm mắt lại, miệng cầu khấn cho gia đình, người thân được bình an, hạnh phúc. Ngoài ra, cũng có nhiều đôi nam nữ rủ nhau đi thả đèn để cầu cho tình yêu bền chặt, sớm nên duyên vợ chồng.

Một số nơi như ở Chiang Mai, ngày lễ này còn có cả màn thả những chiếc đèn trời khổng lồ.

3 – LỄ HỘI KHAO PHANSA

Với hơn 90% dân số theo đạo Phật, Phật giáo chiếm vai trò rất quan trọng trong đời sống và tín ngưỡng của người dân Thái. Lễ Khao Phansa là một lễ hội Phật giáo lớn được tổ chức vào tháng 7 để tuyên bố bắt đầu mùa An cư của Phật tử, bắt đầu 3 tháng tịnh tu, không được rời khỏi chùa của các tăng sĩ ở Thái. Trong dịp này nhiều thanh thiếu niên Thái cũng xuống tóc tu hành để báo hiếu và tích phước cho bố mẹ, đây là truyền thống khá phổ biến với dân Thái. Những nam giới ở Thái từ bình dân bá tánh đến công hầu khanh tước đều trải qua một giai đoạn tu hành. Đây là lúc dân chúng dâng tặng áo cà sa mới cho các nhà sư.

4 – LỄ HỘI ĂN CHAY

Đây là một lễ hội độc nhất của người Thái được bắt đầu vào ngày mồng 1 tháng 9 âm lịch hàng năm. Trong 10 ngày diễn ra lễ hội, việc ăn thịt, trứng hay các thứ hành hẹ đều bị cấm.

Ở Bangkok, Lễ hội Ăn Chay được nhìn thấy rõ nhất là ở Yaowarat hay Chinatown – khu phố đặc trưng của người Hoa. Các biểu ngữ lớn và vô số cờ trang trí màu vàng rực có chữ 齋màu đỏ (mang ý nghĩa là chay tịnh) thật lớn ở giữa dễ gây sự chú ý được treo dọc đường nơi có các hàng quán bán thức ăn hay ngay trước các nhà hàng. Những người bán thức ăn dọc những con đường có treo cờ đều chỉ bán thức ăn chay và các nhà hàng cũng phải điều chỉnh cách thức để chế biến các món ăn không có thịt. 

Đặc biệt, ở Phuket, lễ hội này lại độc đáo và “rùng rợn” hơn với những màn hành xác để cầu mong sự may mắn, sức khỏe cho gia đình và bản thân. Vào những ngày tháng 10 tai Phuket, Thái Lan khách du lịch bỗng đổ tới đông vui, nhộn nhịp hơn bất cứ thời điểm nào khác trong năm. Họ tới để thỏa mãn trí tò mò với lễ hội ăn chay kỳ lạ của người Thái Lan. Những trai tráng khỏe mạnh sẽ nhịn ăn và sử dụng mọi vật dụng sắc nhọn từ dao, móc, khuyên đến búa, rìu, kiếm để xuyên qua miệng, mặt và những bộ phận khác trên cơ thể.

Hành xác hay chịu đựng sự đau đớn theo những tín đồ Phật giáo Thái Lan sẽ mang lại sự may mắn, thành công trong sự nghiệp, sức khỏe và bình an cho gia đình, bản thân. Trong suốt những ngày từ 10/10 đến 19/10 họ tuyệt đối không ăn mặn, uống rượu hay gần gũi phụ nữ để giữ thân thanh tịnh trước khi thực hiện nghi lễ hành xác.

Lễ hội bắt nguồn từ đầu thế kỷ 19, khi đó một đoàn nghệ thuật Trung Quốc đã mắc phải căn bệnh nan y khó chữa thời đó. Họ đã ăn chay và cầu nguyện những vị thần trong niềm tin của mọi người và căn bệnh từ từ thuyên giảm. Tập tục ăn chay để tưởng nhớ đến sự cứu giúp của những đấng linh thiêng mang đến sức khỏe, an lành còn hành xác sẽ giúp có cơ thể và tâm hồn thanh cao, trong sạch hơn. Họ tin rằng hành động tự nguyện hiến thân để chứng tỏ lòng thành và trở thành lễ vật dâng lên các vị thần.

5 – LỄ HỘI PEE TA KHON

Pee Ta Khon hay gòn gọi là lễ hội ma xó được tổ chức tại vùng Dan Sai thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan. Pee Ta Khon được tổ chức để xua đuổi tà ma, người ta sẽ mặc những trang phục như những con ma xó. Người Thái tin rằng điều này sẽ đem cho họ những bình an. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm.

6 – LỄ HỘI NẾN

Đây là sự kiện được tổ chức công phu và hoành tráng hàng năm vào tháng 7, nổi bật là các hoạt động sôi nổi và buổi diễu hành độc đáo của người dân tại thành phố Ubon. 

Lễ hội Nến có nguồn gốc từ những lễ nghi truyền thống xung quanh mùa an cư của các Phật tử. Theo truyền thuyết, mùa mưa tới (bắt đầu từ tháng 7, kéo dài 3 tháng) là thời điểm người nông dân trồng lúa. Đức Phật đã ban hành sắc lệnh quy định các nhà sư phải ngừng hành hương và chỉ được ở trong một ngôi chùa thắp nến tụng kinh, niệm Phật. Đức Phật sợ rằng nếu các vị sư ra ngoài sẽ vô tình dẫm vào những bông lúa non khiến mùa màng thất thu.

7 – LÊ HỘI TRĂNG TRÒN

Lễ hội trăng tròn – Full Moon Party là lễ hội mà người dân Thái Lan tổ chức để bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến thần mặt trăng vì đã mang lại ánh sáng cho họ thoát khỏi bóng đêm tăm tối, cho họ một cuộc sống hạnh phúc, ấm no.

Mọi người sẽ được vui chơi thoải mái bên những người bạn bè suốt đêm cùng với những trò chơi khá thú vị bởi lễ hội được tổ chức với rất nhiều hoạt động kéo dài từ sáng tới tận đêm khuya như: ca hát, khiêu vũ, tiệc ăn uống, thả đèn trời, đốt lửa trại, …

Dưới ánh trăng huyền ảo lung linh, diệu kỳ mọi người sẽ được hòa mình vào những điệu nhảy sôi động, hát vang những bài ca mình yêu thích hoặc thưởng thức những món ăn ngon đậm chất Thái cùng những ly rượu nồng và chia sẻ, trò chuyện bên nhau. Một góc bãi biển sẽ sáng rực đèn trời tạo nên một không gian tuyệt vời xóa tan đi những muộn phiền trong cuộc sống.

8 – KING CHULALONGKORN DAY

Đây là lễ tưởng nhớ vị vua già của dân tộc, đức vua Chulalongkorn, diễn ra vào ngày 23 tháng 10, ngày băng hà của ngài. Lễ tưởng niệm vinh danh những công lao của nhà vua. Vào ngày này, các tín đồ tập trung đông đúc để làm công đức với những bó hương và vòng hoa.

9 – QUEEN’S BIRTHDAY

Diễn ra vào ngày 12 tháng 8 hàng năm, Sinh nhật của Nữ hoàng chính là ngày của Mẹ ở đất nước này. Ở Bangkok, lễ hội được diễn ra ở đường Th Ratchadamnoen và Cung điện Hoàng gia.

10 – NGÀY CỦA CHA (SINH NHẬT ĐỨC VUA)

Người dân địa phương kỷ niệm ngày sinh nhật Quốc Vương bằng các cuộc diễu hành và bắn pháo hoa. Lễ hội được diễn ra và ngày 5 tháng 12. Đây cũng là ngày của Cha ở Thái Lan.

11 – LỄ TỊCH ĐIỀN

Lễ Tịch điền là một nghi lễ có từ khoảng thế kỷ XV, có nguồn từ đạo Bà-la-môn do đức Vua chỉ định tổ chức để bắt đầu một mùa cày cấy và chỉ có lễ Tịch đền (Hạ điền). Nhưng sau này, vào thời Vua Rama IV của triều đại Chakri thì có thêm 1 lễ nghi Phật giáo nữa gọi là พืชมงคล (Lễ cầu kinh chúc phúc cho các loại hạt giống trong nông nghiệp như thóc, ngô, khoai, mè, đậu..). Lễ này thường tổ chức một ngày trước lễ Tịch điền và do các vị Chư tăng chủ trì lễ cầu nguyện, cũng như là đức Vua hoặc các thành viên hoàng gia cúng dường làm phước; còn lễ Tịch điền là do các Thầy Bà-la-môn tổ chức. Nhưng sau này có thêm các cán bộ cấp cao của Bộ nông nghiệp (thường là Bộ trưởng) cùng tham gia.

Lễ này không có ngày cố định mà thường được chọn bằng cách xem ngày lành nhất trong tháng 5 (tính theo lịch Thái cổ là tháng 6, tháng bắt đầu mùa mưa ở Thái) để chính thức tuyên bố khai mùa cho một năm nông nghiệp mới.

Bò dùng để cày trong buổi lễ này cũng là bò được lựa chọn và nuôi riêng với chế độ chăm sóc đặc biệt và không được gọi trống không là Bò mà phải gọi là พระโค (Đức/ Ngài). Ngài Bò này là giống bò trắng suốt từ đuôi đến đầu, rất được tôn trọng. Trong buổi lễ, trong khi đi chín đường cày vòng quanh ruộng (Quảng trường phía trước Hoàng Cung – Sanam Luang) thì Bộ trưởng Bộ nông nghiệp sẽ gieo mạ bằng cách rãi thóc giống ra xung quanh. Sau khi đi hết chín vòng, Bò sẽ được mời một mâm gồm Thóc, Ngô, Đậu, Mè, Cỏ, Nước và Rượu. Nếu Bò chọn ăn gì sẽ là điềm dự báo cho thời tiết, mùa màng của năm đó như mưa nhiều hay hạn hán, bội thu hay không… Năm nay, Bò chọn ăn Cỏ, uống Nước và Rượu. Theo tiên đoán của các vị Bà-la-môn thì việc uống rượu ý nghĩa là thuận lợi trong việc giao thương xuất khẩu. Còn chọn ăn cỏ và nước thì nghĩa là nguồn nước được dồi dào, lương thực phát triển…Và điều đặc biệt của lễ Hạ điền năm nay, hai vị Bò có tên được ghép lại là (Biết – Đủ).

Buổi lễ thu hút rất đông người dân đến dự và được truyền hình trực tiếp hàng năm. Sau khi thực hiện xong nghi lễ Hạ điền, người dân vội vàng tranh nhau kiếm những hạt thóc được rải trong sân cát, như là phước lộc để mong một vụ mùa thuận lợi, mưa thuận gió hòa… Người Thái tập trung đến Quảng trường cũng rất đông để chứng kiến và để nhận những hạt giống được rãi ra hôm đó để mang về làm may mắn.

12 – LỄ HỘI BEER THAI

Trong những lễ hội truyền thống của đất nước Thái Lan phải kể đến một lễ hội thoải mái và vui vẻ đó là Lễ hội Beer Thái kéo dài suốt từ tháng 10 đến tháng 12. Du khách sẽ có dịp thưởng thức tất cả các loại bia, đặc biệt loại bia địa phương mát lạnh thơm ngon. Ngoài ra còn phải kể đến những món ăn hảo hạng được phục vụ nhân dịp này bên cạnh những buổi biểu diễn âm nhạc. Vườn beer lớn nhất trong thành phố nằm trong The World Trade Centre là một địa điểm lý tưởng để du khách thưởng thức bia và không khí lễ hội.

13 – LỄ HỘI THẢ DIỀU QUỐC TẾ

Lễ hội diều quốc tế – Kite Fastival ở Thái Lan diễn ra vào tháng 3 hàng năm. Ý tưởng về lễ hội diều xuất phát từ việc cứ vào tháng 3 ở Thái Lan lại xuất hiện một đợt gió nóng thổi. Festival này được tổ chức nhằm bảo tồn truyền thống thả diều lâu đời của người dân nơi đây.

14 – LỄ HỘI BUFFET CHO KHỈ

Vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 11 tại tỉnh Lopburi sẽ diễn ra một đại tiệc dành cho các chú khỉ. Tại đây, hàng trăm chú khỉđược thoải mái lựa chọn hoa quả và đồ uống yêu thích. Lễ hội buffet cho khỉ thể hiện lòng yêu quý của người dân tỉnh Lopburi với loài khỉ.

Theo quan niệm của người Thái Lan, khỉ được xem là những người lính bảo vệ cho thần Narai của đạo Hindu, không ai được phép làm hại chúng. Chính vì vậy mà họ tổ chức hẳn một hội tiệc buffet cho loài vật này vừa để thể hiện sự sùng bái vừa thu hút du lịch.

Vào dịp này, những bàn buffet thịnh soạn sẽ được chuẩn bị để đón những chú khỉ từ khắp nơi về dự tiệc. Ước tính có khoảng 4 tấn hoa quả các lọai được sử dụng trong bữa tiệc này, gồm có chuối, táo, nho, na… cùng nhiều loại đồ uống khác nhau như nước hoa quả, Coca, sữa, nước khoáng…

Bữa tiệc được bắt đầu từ 10 giờ sáng. Sau màn khai mạc rực rỡ và sống động, các loại hoa quả, các món tráng miệng, đồ uống và nước giải khát sẽ được bày trên những chiếc bàn xung quanh ngôi đền, cảnh tượng ấy sẽ thu hút hàng ngàn chú khỉ cùng nhau kéo đến đánh chén một cách ngon lành.

Đến với lễ hội, du khách được trực tiếp cho đàn khỉ ăn, một số người còn trêu đùa và chụp hình với chúng. Những chú khỉ ở đây cũng khá bạo dạn, chúng chơi đùa một cách thoải mái, nhất là bắt chước du khách, nghịch túi sách của khách du lịch, thậm chí trèo cả lên người giật tóc họ. Và những trò nhào lộn bắt mắt mà chúng biểu diễn chắc chắn sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó quên.

15 – LỄ HỘI VOI SURIN

Đây là một lễ hội lớn ở phía bắc tỉnh Surin vào tháng 11. Tất cả các chú voi được đăng ký trong tỉnh sẽ được đưa trở về nhà để tham dự lễ hội. Các chú voi sẽ diễu hành vòng quanh thị trấn. Theo sau các chú voi là các nhóm nhảy, ban nhạc, và các vũ công khác trong đoàn diễu hành. Sự pha trộn giữa nhạc diễu hành, nhạc cụ truyền thống Thái Lan, các vũ công và đội cờ tạo nên một cảnh tượng hoành tráng.

Có rất nhiều hoạt động tuy nhiên các chú voi vẫn là nhân vật chính trong lễ hội này. Cuối buổi diễu hành, các chú voi sẽ được thưởng thức một bữa tiệc thịnh soạn. Có rất nhiều buổi trình diễn của các chú voi để bày tỏ lòng biết ơn đối với loài vật khổng lồ này. Voi đã đóng góp một phần quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước của người Thái Lan. Chương trình tái diễn cảnh chiến tranh khá hấp dẫn, tuy nhiên những người yêu động vật có thể thấy hơi đau lòng đấy. Mình thích phần trình diễn buổi sáng hơn là buổi diễn vào ban tối.

16 – LỄ HỘI ĐUA TRÂU

Đến du lịch Thái Lan tháng 10, du khách sẽ có dịp tham gia lễ hội đua trâu được diễn ra ở Chonburi. Đây là một cuộc diễu hành cũng là một cuộc thi đua của những chú trâu gắn bó với người nông dân.

17 – LỄ HỘI TÊN LỬA YASOTHON’S BUNG FAI

Hội tên lửa được tổ chức tại một số tỉnh thành phía đông bắc Thái Lan, nhưng ở Yasothon là lớn và nổi tiếng nhất. Lễ hội này còn phổ biến tại một số khu vực lân cận ở Lào. Trong lễ hội này, người dân phóng những tên lửa, pháo cỡ lớn lên bầu trời để xoa dịu thần linh và cầu mưa. Được tổ chức ngay trước đầu mùa mưa, lễ hội bao gồm những hoạt động nhảy múa, âm nhạc và biểu diễn truyền thống. Rất nhiều cuộc thi làm và phóng tên lửa được tổ chức, bầu trời đầy ắp tiếng nổ của tên lửa được phóng lên.

18 – HỘI ĐUA THUYỀN DÀI

Được tổ chức tại nhiều vùng khác nhau trong nước, gồm Phechaburi, Singburi, Phichit, và Ayutthaya, cuộc đua thuyền dài mang lại không khí và sức sống cho các dòng sông ở Thái Lan và tháng 10 và 11. Hãy cùng xem các đội đua tranh tài một cách đầy kỹ thuật và đầy năng lượng trên những chiếc thuyền dài. Các đội mặc những bộ đồ màu sắc sặc sỡ lướt qua dòng nước, trên bờ là những cổ động viên cỗ vũ nồng nhiệt. Không chỉ đua thuyền, lễ hội còn bao gồm nhiều hoạt động khác như ẩm thực, thi thố, mua bán và các trò chơi dọc theo dòng sông.

19 – LỄ HỘI ÁNH SÁNG BANGKOK

Lấy cảm hứng từ lễ hội mùa đông tuyệt vời của Nhật Bản, lễ hội ánh sáng Bangkok lần đầu được tổ chức năm 2017. Những ánh đèn đủ sắc màu thắp sáng một vùng trời đường Ratchadapisek. Có đủ các đường hầm, hình thú, khối hình, dải đèn và nhiều loại đèn trang trí khác nhau. Nó nằm trong top các lễ hội đặc biệt tại Thái Lan.

20 – LỄ HỘI LÂU ĐÀI SÁP

Như thông lệ, cứ vào tháng 10, người dân và du khách đua nhau đổ về trung tâm tỉnh Sakon Nakhon để tham dự lễ hội lâu đài sáp, đánh dấu thời điểm kết thúc thời gian ăn chay trong mùa Phật giáo. Khách du lịch khi đến Thái vào dịp lễ hội này sẽ thấy “mãn nhãn” khi chứng kiến các xe chở lâu đài sáp được trang trí bằng đèn và hoa tuyệt đẹp do chính đôi bàn tay khéo léo của người dân địa phương làm nên.

21 – LỄ HỘI NAGA FIREBALL

Nếu như có dịp đến Thái Lan vào những ngày tháng 9 âm lịch, du khách nhất định không thể bỏ lỡ lễ hội này tại dòng sông Mekong để chứng kiến hiện tượng kì bí đến khó tin ở đây. Trên mặt sông lúc này sẽ xuất hiện những quả cầu màu đỏ bùng lên mặt nước và biến mất, người dân ở đây tin rằng đó là những quả cầu của Naga, một vị thần nửa người nửa rắn.

22 – HỘI CHỢ Ô

Hội chợ ô được tổ chức vào cuối tuần thứ 3 của tháng 1 hàng năm. Đây là lễ hội của những chiếc ô giấy với đủ loại màu sắc sặc sỡ, cùng với hàng trăm thứ đồ thủ công mỹ nghệ được trưng bày tai khu chợ Bo Sang, Chiang Mai, phía bắc Thái Lan.

Hội chợ ô rất nhiều hoạt động, cuộc thi được tổ chức gây được sự chú ý lớn như cuộc thi tài năng, triển lãm, bày bán các loại ô và những hàng hóa thủ công mỹ nghệ trong các gian hàng nhỏ xinh, và đặc biệt là cuộc thi tìm ra Người Đẹp Bo Sang. 

23 – LỄ HỘI HOA

Hàng năm, vào tháng 2, khi các loài hoa đua nhau khoe sắc khắp nơi cũng là lúc Chiang Mai diễn ra “Lễ hội hoa”. Lễ hội thường diễn ra vào ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật đầu tiên của tháng 2. Lúc này, khí hậu ở Chiang Mai vô cùng dễ chịu, không khí mùa xuân mát mẻ, là thời điểm để hoa nở rộ và tươi lâu. Lễ hội hoa là dịp bạn sẽ được chứng kiến những cuộc diễu hành hoa trên đường phố, muôn hoa được khoe sắc. Đặc biệt là những chiếc thuyền hoa được trang trí hàng trăm loài hoa thành cây hoa khổng lồ di chuyển trên đường phố tạo nên một bức tranh lễ hội đầy màu sắc.

Chiang Mai có rất nhiều loài hoa đẹp như: như: Hoa lan đỏ tía, hoa cúc vàng long trọng, cúc trắng kiêu sa, hoa hồng tươi tao nhã bên cạnh những bông cẩm chướng, tuy líp rực rỡ sắc màu… nhưng đẹp nhất là hoa lan, một loài hoa như biểu tượng của Chiang Mai với đa dạng sắc màu và chủng loại.

Bên cạnh hoạt động rước hoa, ngay trước lễ hội diễn ra cuộc thi hoa hậu, nơi có hàng trăm cô gái Thái xinh đẹp đăng ký. Sau những vòng tuyển chọn tài năng, nhan sắc người được vinh danh sẽ được vinh dự ngồi trên chiếc thuyền hoa và diễu hành khắp các đường phố Chiang Mai. Cùng với đó là các hoạt động múa hát, ca nhạc truyền thống, hiện đại, sôi động trên các con đường rực rỡ hương sắc. Đây cũng là dịp bạn có thể tìm hiểu về các sản phẩn thủ công mỹ nghệ và sản vật địa phương được triển lãm và bày bán tại lễ hội. Lễ hội hoa Chiang Mai là dịp du khách yêu hoa khó lòng bỏ qua, là dịp tìm hiểu về văn hóa, con người của người dân Chiang Mai thu hút hàng triệu du khách.

24 – TẾT ÂM LỊCH (TẾT TRUNG HOA)

Diễn ra vào tháng một của lịch Trung Hoa (lịch theo chu kỳ mặt trăng). Vào dịp này, người dân Thái tổ chức một tuần lễ đón mừng năm mới. Các hoạt động diễn ra trong những ngày này là dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, múa lân, múa sư tử và tổ chức bắn pháo hoa. Hầu hết các hoạt động lễ hội đều được tổ chức xoay quanh khu phố Tàu Chinatown. Mỗi năm, tết âm lịch lại rơi vào một ngày khác nhau.

25 – LỄ NOEL

Mặc dù đa phần người dân Thái Lan theo đạo Phật nhưng ngày lễ Noel ở đây vẫn diễn ra các hoạt động. Ngày lễ Noel diên ra vào ngày 25/12 hàng năm cũng trúng vào dịp cuối năm. Nên dịp này ở Thái Lan có rất nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá, du khách có thể vừa tham gia lễ Noel vừa mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.

Những lễ hội đặc sắc mang đậm văn hóa Thái sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về văn hóa, con người của “xứ sở Chùa Vàng” này. Ngoài ra, đây còn là dịp để du khách trải qua những giây phút yên bình, vui vẻ bên gia đình và người ấy. Hãy cùng tận hưởng và khám phá những điều tuyệt vời này nhé!