Châu Âu luôn ẩn chứa nhiều điều bí mật mà ai cũng muốn tự khám phá và trải nghiệm. Để du lịch Châu Âu có rất nhiều việc cần chuẩn bị trước như đổi tiền chung Châu Âu vì một số các quốc gia sẽ sử dụng đồng tiền chung Châu Âu.
1. ĐỒNG TIỀN CHUNG CHÂU ÂU
Euro (ký hiệu: €; mã ISO: EUR, còn gọi là Âu kim hay Đồng tiền chung Châu Âu) là đơn vị tiền tệ của Liên minh Tiền tệ Châu Âu, là tiền tệ chính thức trong 18 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu (Áo, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Ireland, Luxembourg, Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha, Ý, Slovenia, Malta, Cộng hòa Síp, Estonia, Latvia, Litva) và trong 6 nước và lãnh thổ không thuộc Liên minh Châu Âu.
Đồng Euro xuất hiện trong thanh toán điện tử từ năm 1999. Tiền giấy và tiền xu được lưu hành 3 năm sau đó. Đây là một trong những đồng tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới do Hệ thống Châu Âu của Ngân hàng Trung ương (ESCB) thuộc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) quản lý. Việc phát hành đồng Euro rộng rãi đến người tiêu dùng bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2002.
Đồng Euro có hai loại: tiền giấy và tiền xu:
– Tiền giấy Euro giống nhau hoàn toàn trong tất cả các quốc gia. Tiền giấy Euro có mệnh giá 5 Euro, 10 Euro, 50 Euro, 100 Euro, 200 Euro và 500 Euro. Mặt trước có hình của một cửa sổ hay phần trước của một cánh cửa, mặt sau là một chiếc cầu. Tháng 7 năm 2017, được sự chấp thuận của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Đức chính thức phát hành đồng hiện kim bằng giấy với mệnh giá là 0 euro (giá bán là 2,5 euro) đáp ứng nhu cầu của những người có sở thích sưu tập tiền tệ. Một mặt in chân dung nhà thần học Martin Luther ở bên phải, cùng căn phòng làm việc của ông tại Lâu đài Wartburg; mặt còn lại gồm tổ hợp hình ảnh quy tụ các kiến trúc tiêu biểu thuộc Liên minh châu Âu, bên góc phải là bức tranh nàng Mona Lisa.
– Các đồng tiền kim loại Euro cùng một mệnh giá giống nhau ở mặt trước, nhưng có trang trí khác nhau ở mặt sau, đặc trưng cho từng quốc gia phát hành. Tiền xu Euro gồm có 8 mệnh giá: 1, 2, 5, 10, 20, 50 cent, 1 Euro và 2 Euro. Các đồng mệnh giá cent lưu hành từ 2002. Các đồng còn lại được phát hành vào năm 2007.
Euro có thể được phát âm như iu-rô hoặc ơ-rô, oi-rô, u-rô tùy từng nơi ở Châu Âu và thế giới.
2. ĐỊA ĐIỂM ĐỔI TIỀN TẠI VIỆT NAM
Đổi tiền Euro ở các ngân hàng
Đổi ngoại tệ ở hệ thống ngân hàng được xem là hợp pháp nhất giúp DU KHÁCH yên tâm đổi. Nhưng trở ngại lớn nhất là tỷ giá đồng Euro tại ngân hàng lại chênh lệch khá cao. Du khách có thể so sánh trên bảng giá niêm yết tại ngân hàng hoặc trên website của ngân hàng để chọn lựa được ngân hàng thu đổi ngoại tệ có lợi cho du khách nhất.
Hơn nữa, thủ tục đổi ngoại tệ ở các ngân hàng cũng rất phức tạp, thời gian giải quyết dài. Nhưng với tính hợp pháp, khi đổi không lo nhận phải tiền giả hay bị xử phạt hành chính và thuận tiện cho việc đi lại nên nhiều người vẫn tiến hành đổi tiền ở các ngân hàng lớn như Vietcombank, VP bank, Agribank hay Techcombank.
Đổi tiền Euro ở các tiệm vàng.
Theo pháp luật đã quy định thì các tiệm vàng buôn bán vàng được phép thu đổi ngoại tệ khi có giấy phép thu đổi ngoại tệ, nếu như không có thì đều bị coi là không hợp pháp. Trường hợp thu đổi ngoại tệ không hợp pháp chứa tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại tài chính thì sẽ xử phạt người mua và bán.
Nhờ hướng dẫn viên đổi tiền
Nếu du khách đi du lịch Châu Âu theo đoàn và có hướng dẫn viên thì đây cũng là một cầu nối mà du khách có thể đổi tiền. Hướng dẫn viên sẽ vui vẻ giúp đỡ du khách. Họ là người có nhiều kinh nghiệm trong việc đổi tiền và biết cần đổi bao nhiêu là hợp lý.
3. MỘT SỐ LƯU Ý KHI ĐỔI TIỀN VÀ THANH TOÁN TRONG CHUYẾN DU LỊCH CHÂU ÂU
Thời điểm đổi ngoại tệ lời nhất
Nếu du khách chỉ muốn đổi vừa đủ để du lịch ngắn ngày, cứ gần ngày bay rồi đổi tiền cũng chẳng thiệt bao nhiêu. Nhưng nếu du khách có dự định đổi tiền đi du lịch Châu Âu cho nhóm lớn như du lịch đoàn gia đình hay du lịch đoàn công ty, từ 10-15 khách trở lên, du khách nên tính toán sớm và cần đặc biệt lưu tâm thời điểm mua ngoại tệ để đảm bảo giá mình mua là tốt nhất có thể. Cũng không nhất thiết phải đổi quá sớm, như mua đồ nhưng không xài ngay sẽ bị thất thoát khấu hao vậy đó. Tốt nhất du khách nên gọi điện trực tiếp cho ngân hàng hoặc check trên biểu đồ biến động tỉ giá của ngân hàng để lựa chọn thời điểm cho thích hợp.
Tìm hiểu những khoản phí ngân hàng đối với giao dịch quốc tế
Việc tìm hiểu khoản phí giữa rút tiền và giao dịch bằng thẻ tín dụng của ngân hàng bạn đăng ký sẽ giúp du khách nắm được nên sử dụng loại giao dịch nào để ít mất phí nhất.
Nắm được mức chuyển đổi ngoại tệ
Thao tác kiểm tra tỷ giá ngoại tệ trên mạng trước khi mang tiền đi đổi tại quốc gia du khách đến không tốn quá nhiều thời gian, còn giúp du khách nắm được các con số chi tiết cho việc chuyển đổi, không bị nhân viên dịch vụ qua mặt.
Lập kế hoạch cho những khoản chi
Du khách chỉ nên mang đủ số mình cần. Điều này một phần hạn chế tình trạng cướp giật, hai là giúp bạn không phải chịu mức đổi tiền cao. Để làm được điều này, du khách nên lên kế hoạch chi tiêu trước cho chuyến đi.
Đổi tiền ở thành phố lớn
Việc đổi tiền ở ngân hàng hay các phòng giao dịch tại các thành phố lớn giúp du khách có tỷ giá tốt hơn ở những thị trấn nhỏ. Không chỉ vậy, một số thị trấn nhỏ còn không có quầy để du khách đổi tiền.
Đừng đổi tiền ở chợ đêm
Bên cạnh sẽ trả mức phí cao cho việc đổi tiền, du khách còn đối diện với nguy cơ cướp giật, móc túi hay nhận phải tiền giả.
Hạn chế đổi tiền ở sân bay hay trạm điện thoại
Lý do đơn giản của lời khuyên này là giúp du khách tránh phải chịu mức phí cao. Trong nhiều trường hợp, du khách thường được khuyên đổi tiền ở ngân hàng, các bốt của ngân hàng hay bưu điện lớn.
Luôn sử dụng máy tính
Nếu những con số luôn khiến du khách nhức đầu thì máy tính sẽ giúp du khách thoát khỏi những vấn đề liên quan. Hiện nay, mọi chiếc smart phone đều trang bị chức năng này.
Sử dụng thẻ tín dụng
Khi sử dụng thẻ tín dụng khi đi du lịch Châu Âu, du khách nên xem xét kỹ chi phí quy đổi thẻ tín dụng. Nếu du khách là người thường xuyên đi du lịch nước ngoài, bạn có thể mở một tài khoản tín dụng mới không tính phí ngoại hối và tích điểm khi thực hiện giao dịch bằng ngoại tệ.
Du khách có thể sử dụng các loại thẻ quốc tế như visa, mastercard, american express, jcb,… hoặc séc du lịch để giảm thiểu lượng tiền mặt mình mang theo.
Tuy nhiên, du khách tìm hiểu kỹ về thẻ tín dụng mà du khách sẽ sử dụng tại quốc gia nào đó. Một số loại thẻ có phí giao dịch quốc tế cắt cổ, trong khi một số thẻ loại cũ không thể sử dụng được ở máy ATM ở các quốc gia khác. Để đảm bảo chắc chắn, hãy hỏi ngân hàng xem loại chip họ sử dụng trên thẻ tín dụng có hoạt động ở Châu Âu hay không.
Mang tiền mặt
Tiền mặt vẫn được sử dụng phổ biến ở Châu Âu, tại hầu hết các quán cafe, nhà hàng, quán bar, cửa hiệu, các bảo tàng nhỏ, taxi và các phương tiện giao thông công cộng. Du khách nên rút một khoản tiền cần thiết cho chuyến đi. Các máy ATM cho phép du khách chọn tiền với các mệnh giá khác nhau.
Luật pháp Việt Nam quy định như thế nào về việc mang ngoại tệ ra nước ngoài?
Theo quy định của luật pháp Việt Nam cá nhân khi xuất cảnh mang vượt 5.000 USD hoặc 15.000.000 VND hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương thì phải khai báo với hải quan. Nếu mang theo số tiền dưới mức nói trên thì không phải khai báo.
Trên đây là một vài thông tin cần thiết để du khách có thể tham khảo khi đồi tiền để du lịch Châu Âu. Tùy theo khả năng tài chính và tính toán của mình mà du khách chọn cách thức đổi tiền phù hợp nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi vui vẻ và thú vị!