Du khách có biết những biểu tượng đặc trưng của Thái Lan?

Mỗi quốc gia có những biểu tượng riêng và đối với Thái Lan cũng vậy. Ở bài viết này hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những biểu trưng của Thái Lan mà có thể du khách chưa biết nhé!

THONG TRAIRONG – QUỐC KỲ THÁI LAN

Lá cờ đầu tiên được dùng cho Xiêm (*) là một lá cờ màu đỏ, ban đầu được sử dụng dưới thời vua Narai (1656-1688). Cờ hải quân sau này đã sử dụng biểu tượng khác trên nền đỏ; một chakra trắng (vũ khí của thần Vishnu được sử dụng làm biểu tượng của nhà Chakri), hay một con voi trắng bên trong chakra.

Về mặt chính thức, lá cờ đầu tiên được tạo ra năm 1855 bởi vua Mongkut (Rama IV), với một con voi trắng (biểu tượng hoàng gia) trên một nền đỏ.

Năm 1916, quốc kỳ được đổi thành như thiết kế ngày nay vẫn sử dụng nhưng màu sắc ở giữa cũng đỏ như dải bên ngoài. Lá cờ hiện tại trông giống quốc kỳ Costa Rica, được chọn dùng 11 năm trước khi Thái Lan chọn quốc kỳ. Khác biệt chính nằm ở chỗ màu xanh da trời và màu đỏ được đảo ngược.

(*) Xiêm (tiếng Thái Lan: สยาม; chuyển tự: Siam, IPA: saˈjaːm) là quốc hiệu chính thức của Thái Lan từ thời triều đại Chakri được thành lập năm 1782 cho đến ngày 23 tháng 6 năm 1939. Sau đó, tên gọi Xiêm cũng được sử dụng lại một cách chính thức trong thời kỳ từ năm 1945 đến ngày 11 tháng 5 năm 1949. Tên gọi “Xiêm” bắt nguồn từ tiếng Anh Siam (người Tây phương dùng tên này gọi tên nước Thái Lan từ thời vua thứ IV triều đại Ma-hả Chắc-kri lúc bấy giờ). Tên gọi “Vương Quốc Của Người Thái” (ราชอาณาจักรไทย – Ratcha Anachak Thai) đã thay thế cho tên gọi Xiêm trong thời kỳ 1939-1945 và thời kỳ 1949 đến nay.

Quốc kỳ vương quốc Thái Thái Lan hiện nay đang sử dụng được lựa chọn theo sắc lệnh hoàng gia về cờ tổ quốc Thái Lan từ ngày 28 tháng 9 năm 1917 với tên gọi là “Thong Trairong”, có nghĩa là cờ tam sắc.

Lá cờ này gồm 5 sọc ngang đỏ, trắng, xanh da trời, trắng và đỏ, sọc chính giữa rộng gấp đôi các sọc khác. 5 hình chữ nhật nằm ngang song song màu đỏ, trắng và lam hợp thành. Hai hình chữ nhật trên cùng và dưới cùng có màu đỏ.

Ở giữa là hình chữ nhật màu lam và trên dưới là 2 hình chữ nhật màu trắng. Chiều rộng của hình chữ nhật màu lam bằng chiều rộng của hai hình chữ nhật màu đỏ hoặc chiều rộng của hai hình chữ nhật màu trắng.

Theo ý nghĩa tâm linh học thì ba màu đỏ – trắng – lam đại diện cho dân tộc – tôn giáo – nhà vua, một khẩu hiệu không chính thức của Thái Lan. Màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết của tôn giáo đó là Phật giáo.

Màu lam là đại diện cho nhà Vua, nằm giữa lá cờ, tượng trưng vương thất ở trong nhân dân các dân tộc và tôn giáo thuần khiết. Màu lam ở trung tâm đại diện cho sự uy quyền của hoàng tộc khi mà đứng lên trị vì cai quản đất nước phải là ở trung tâm để tất cả mọi thần dân bên dưới đều có thể thấy được sự uy quyền của dòng dõi hoàng gia.

Thái Lan có hơn 30 dân tộc, trong đó có dân tộc Thái, dân tộc Lào. Màu đỏ tượng trưng cho sức mạnh và tinh thần xả thân của các dân tộc. Sự hy sinh và tinh thần đấu tranh anh dũng kiên cường của những người dân Thái Lan đã cứu sống và đưa Thái Lan phát triển cho đến ngày nay. Để tưởng nhớ công ơn và tinh thần anh dũng kiên cường của các tộc người này mà chính quyền hoàng gia Thái Lan đã lựa chọn màu đỏ cho những tộc người này để đưa vào quốc kỳ Thái Lan.

GARUDA – QUỐC HUY THÁI LAN

Quốc huy Thái Lan được gọi là Phra Khrut Pha. Trong đó, Garuda – một con thú trong thần thoại của Hindu và Phật giáo truyền thống được sử dụng chính thức làm quốc huy bởi vua Vajiravudh (Rama VI) từ năm 1911. Ngày nay, Garuda được mô tả trên con dấu, được sử dụng bởi nhà vua Thái Lan và Chính phủ Thái Lan để xác thực các tài liệu chính thức và biểu tượng cá nhân.

Thái Lan nằm ở vùng Đông Nam Á, do vị trí địa lý, văn hóa Thái Lan luôn chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ và Trung Quốc cũng như từ những nước láng giềng Đông Nam Á khác. Theo sử sách Thái Lan, người Thái xuất xứ từ vùng núi Altai, đông bắc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc từ 4500 năm trước, sau đó di cư dần xuống vùng đất hiện nay là Thái Lan. Vào năm 1238, người Thái thành lập một vương quốc Phật giáo tên Sukhothai (ở miền Bắc Thái Lan), dần thay thế vai trò của Đế chế Khmer đang tàn lụi. Năm 1431, quân Xiêm cướp phá Angkor. Nhiều bảo vật và trang phục của văn hóa Hindu đã được họ đem về kinh đô Ayutthaya, lễ nghi và cách ăn mặc của người Khmer được dung nhập vào thượng tầng văn hóa Xiêm. Năm 1782, vua Rama I lên ngôi, mở ra vương triều Chakri và chọn Bangkok (hay “Thành phố của các thiên thần”) làm kinh đô.

Đồ án hình tượng chim thần Garuda (Phra Khrut Pha trong tiếng Thái) dang rộng đôi cánh với hành trình vạn dặm bảo vệ nhân dân, tiêu diệt yêu quái được chọn làm quốc huy chính thức của vương quốc Thái Lan bởi Vua Rama VI kể từ năm 1911. Học thuyết về vương quyền Thái Lan cổ đại đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những người Ấn Độ, cùng với sự du nhập của Phật giáo Tiểu thừa. Theo đó, mối quan hệ giữa Garuda và thần Vishnu là đặc biệt quan trọng: Nhà vua không khác gì ngoài một “avatar” hay hóa thân của thần, cũng giống như vua Rama của sử thi Ramayana là hiện thân của thần Vishnu (Phra Narai trong tiếng Thái). Do đó, các vị vua Rama tin rằng vương quyền của mình là thần thánh, và tự coi mình là hóa thân của thần Vishnu. Garuda tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng và quyền lực vô hạn của nhà vua trên khắp vương quốc Thái Lan.

PHLENG CHAT THAI – QUỐC CA THÁI LAN

Phleng Chat Thai do Luang Saranupraphan viết lời và nhà soạn nhạc người Nga Peter Feit phổ nhạc. Bài hát được sáng tác trong vài ngày sau cuộc Đảo chính 1932 lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế của Nhà vua Siam. Bài hát ban đầu do Khun Vichitmatra viết lời, và được xướng theo giai điệu gần giống quốc ca Ba Lan. Cùng với sự ra đời của nền dân chủ Thái Lan, bài ca này cũng thay thế bài Hoàng ca Phleng Sansoen Phra Barami làm quốc ca Thái.

Năm 1934, chính phủ Thái Lan tổ chức tuyển chọn sáng tác nhạc và lời cho quốc ca chính thức. Về phần nhạc, có hai bài dự thi được chú ý, bao gồm bản nhạc mang âm hưởng dân tộc của Jangwang Tua Patayakosol và bản nhạc tiết tấu hiện đại của Phra Chenduriyang. Cuối cùng, bản nhạc của Phra Chenduriyang được chọn. Sau khi chọn được nhạc quốc ca, ban giám khảo bắt đầu thi tuyển phần lời. Theo kết quả tuyển chọn, phần lời ban đầu của Khun Vichitmatra đạt giải nhất và được chọn. Phần dự thi của Chan Khamvilai đạt giải nhì, được chọn làm lời hai.

Năm 1939, tên nước được đổi từ Siam sang Thái Lan. Nhà nước lại tổ chức tuyển chọn sáng tác lời mới cho quốc ca. Lần này, phần dự thi của Luang Saranupraphan được chọn. Thủ tướng Phibunsongkhram ban hành đạo luật bắt buộc cử hành quốc ca và hát quốc ca hai lần một ngày trên toàn quốc, lúc 8 giờ và 18 giờ. Ngày nay, các trường học, xí nghiệp, công sở nhà nước cũng tổ chức thượng cờ và hạ cờ hai lần/ngày theo khung thời gian này. Các đài phát thanh, đài truyền hình phát quốc ca theo khung giờ tương tự.

RATCHAPHRUEK – QUỐC HOA THÁI LAN

Ratchaphruek hay được gọi là hoa Muồng Hoàng Yến. Loài hoa có màu vàng thưởng nở vào những dịp tháng 4 và tháng 11, hoa Muồng Hoàng Yến được dùng làm quốc hoa của Thái Lan.

Muồng Hoàng Yến được trồng nhiều các quốc gia Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, và cũng trồng thành công tại Việt Nam. Nhưng được trồng nhiều nhất tại các đường phố Thái Lan, các khu vườn trong gia đình, riêng ở Thái Lan hoa rất ưa đất hoa nở gần như quanh năm, hoa có màu vàng sặc sỡ, nở theo từng chùm loài hoa được chọn làm quốc hoa của Thái Lan.

Vào những dịp tháng 5 đến tháng 8 hoa được nở nhiều nhất vàng rực cả góc phố, hoa nở từ miền Bắc tới miền Nam của Thái Lan, hoa đường dùng vào những dịp cúng lễ long trọng, làm vòng đeo đón tiếp khách quý từ phương xa tới.

Sở dĩ hoa Muồng Hoàng Yến được làm quốc hoa của Thái Lan vì theo quan niệm của người Thái, hoa Muồng Hoàng Yến có màu vàng biểu tượng màu sắc của Phật giáo, màu sắc của Hoàng gia; và hoa Muồng Hoàng Yến tượng trưng cho sự vinh quang và tình đoàn kết.

VOI – LOÀI VẬT BIỂU TƯỢNG QUỐC GIA CỦA THÁI LAN

Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, hình ảnh voi trắng xuất hiện trên quốc kỳ Thái Lan. Tại mọi thời điểm, những chú voi luôn được tôn kính ở quốc gia này. Du khách khi đến Thái Lan thường mua những món đồ lưu niệm có hình ảnh voi làm quà. Vậy lý do gì để voi trở thành loài vật biểu tượng quốc gia của Thái Lan?

Có rất nhiều lý do để người Thái chọn voi làm biểu tượng quốc gia. Lý do đầu tiên có lẽ là vì sức mạnh, sức bền bỉ và tuổi thọ dai dẳng của loài voi. Điều này hẳn còn tượng trưng cho sự mạnh mẽ, trường tồn. Voi Thái có tuổi thọ trung bình 70 – 80 năm tuổi. Lý do thứ hai, voi trắng là một biểu tượng của Hoàng gia Thái Lan. Theo Phật Giáo, trước khi Đức Phật ra đời, mẹ ông đã mơ thấy được một con voi trắng tặng hoa sen. Cũng vì vậy mà voi trắng rất được tôn kính và còn được xuất hiện trên lá cờ của người Thái cho tới đầu những năm 1900. Và do voi trắng rất hiếm nên chúng chỉ được dùng cho các nhiệm vụ Hoàng gia.

Một chuyện thú vị là trước kia các vị vua Thái Lan thường lấy voi trắng làm quà tặng cho đối thủ của họ – người phương Tây. Voi trắng là động vật thiêng liêng, nên voi không thể làm việc, thế là tốt nhất voi trở thành một món quà. Trong khi đó, người nhận món quà này phải chăm sóc nó. Đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Voi trắng khi biến thành quà tặng thực ra sẽ trở thành gánh nặng cho người nhận. Bởi vậy đây còn được ví như một “game of mind”.

Một nguyên nhân khác, các vị vua ở khu vực miền Trung Thái Lan (các tiểu quốc) – đã phải chấp nhận sự cai trị của vương quốc, do đó nơi đây đành áp dụng các phong tục, nghi lễ của Ấn Độ giáo và Bà La Môn giáo. Trong khi đó Voi – từ xa xưa đã là một con vật linh thiêng trong 2 tôn giáo này.

Voi bắt đầu được coi trọng ở Thái Lan từ đầu những năm 1500. Thời điểm này người Thái tận dụng sức mạnh to lớn của loài voi để chống lại người Miến Điện, Mã Lai và người Khmer để bảo vệ Vương quốc. Voi trong quân đội được đội cả mũ bảo hiểm để bảo vệ mắt, mũi.

Ngoài việc tham gia vào các trận đánh của người Thái, voi còn được đưa đi làm việc trên khắp đất nước. Voi được sử dụng thay cho máy móc. Chúng được tận dụng để kéo gỗ tếch hay khai thác rừng ở những cánh rừng nhiệt đới phía bắc. Mỗi chú voi được đào tạo cho đến 10 tuổi trước khi được đưa vào làm việc. Từ đó, chúng làm việc mải miết cho tới khoảng 60 tuổi mới nghỉ hưu.

Đáng buồn là từ đầu thế kỷ 20, số lượng voi ở Thái Lan đã giảm từ khoảng 100.000 xuống dưới 5.000 con. Hiện nay, voi không còn được sử dụng để khai thác gỗ (bị cấm vào năm 1989) mà được đưa vào phát triển du lịch.

Vì là biểu tượng quốc gia của Thái Lan, coi trở thành điểm thu hút chính ở nhiều lễ hội và sự kiện. Mỗi năm, vào cuối tuần thứ 3 của tháng 11, hàng ngàn người Thái sẽ đến Surin Elephant Round – up vào để xem hàng trăm con voi hội tụ về và tham gia các buổi lễ. Các tay vợt Polo đến từ khắp nơi trên thế giới cũng có thể cưỡi voi tại Giải vô địch Bóng rổ Voi, tổ chức tại Bangkok.

Ngày nay, voi được tìm thấy trong nhiều rừng rậm khắp Thái Lan. Tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Thungyai Naresuan, các tỉnh Uthai Thani, Tak, và Kanchanaburi gần đây có số lượng với tăng lên khá đông ở các khu rừng phía tây. Phía đông rừng Dong Phayayen-Khao Yai cũng có sự gia tăng dân số với. Hầu hết với tìm về trú ẩn trong các vườn quốc gia khi chúng mất dần môi trường sống tự nhiên do việc khai thác gỗ hay bị săn bắt.

Hơn một nửa trong số hơn 3.000 voi nuôi của Thái Lan được sử dụng cho du lịch hoặc được đưa vào làm việc. Điều kiện sống của chúng không phải lúc nào cũng tốt. Chi phí nuôi một con voi rất cao. Nhưng có nhiều chủ voi cũng không quan tâm đến nhu cầu cơ bản của voi.

Ngày nay, nhiều du khách đổ xô đến Thái Lan để xem và trải nghiệm cưỡi voi. Tuy nhiên người ta không biết rằng có nhiều con voi không được chăm sóc, nuôi dưỡng và đối xử đúng cách. Tuy vậy cũng có một số nơi mà voi được chăm sóc và bảo vệ như ở Công viên quốc gia tại Chiang Mai.

TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CỦA THÁI LAN

Mỗi đất nước đều có những trang phục truyền thống riêng thể hiện bản sắc văn hóa của quốc gia mình. Ở Thái Lan cũng vậy, người dân nơi đây rất tự hào về văn hóa và trang phục của họ. Không chỉ là nét đẹp văn hóa, trang phục truyền thống của Thái Lan còn góp phần tôn lên hương sắc riêng của con người và đất nước Thái Lan xinh đẹp.

Trang phục truyền thống của người Thái Lan có 2 loại đó là trang phục bình dân và trang phục cung đình. Trang phục truyền thống của Thái Lan thường may theo kiểu dáng thoải mái giống như trang phục của nhà Phật để thể hiện sự tôn thờ và đi theo đạo Phật. Chúng được may từ các mảnh vải lụa hay vải bông hẹp được nối, gấp, cuộn thành nhiều loại áo quần đa dạng. Những trang phục này không phải chỉ thiết kế chỉ để cho nữ giới mặc mà đó còn dành cho nam giới.

Trang phục truyền thống dành cho người phụ nữ Thái Lan

Đặc điểm cơ bản của trang phục truyền thống của người Thái là không may vừa sát người. Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản để tạo ra trang phục dành cho phụ nữ Thái vừa sang trọng, vừa quyến rũ đó là sự kết hợp màu sắc tinh tế và đường cắt may khéo léo.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Thái Lan có 8 nhóm: Thai Chakkri, Thai Boromphiman, Thai Siwalai, Thai Chakkraphat, Thai Chitlada, Thai Ruean Ton, Thai Amarin và Thai Dusit. Trong đó ba nhóm đầu được phụ nữ Thái Lan ưa thích và sử dụng thường xuyên hơn cả.

Thai Chakkri

Phong cách Thai Chakkri bao gồm một chiếc váy dài quấn quanh người gọi là Phasin cùng một chiếc khăn dệt vắt qua vai. Thai Chakkri rực rỡ về màu sắc, tinh tế về đường nét mang tới vẻ đẹp vừa thanh lịch vừa lộng lẫy cho những người phụ nữ Thái Lan. Đây là một bộ trang phục chính thức và thanh lịch cho phụ nữ Thái trong những dịp quan trọng.

Thai Borompiman

Phụ nữ Thái Lan thường mặc Borompiman trong những bữa tiệc tối. Trang phục này gồm một chiếc áo dài tay với nút cài phía trước hoặc sau cổ. Chân váy chấm mắt cá chân được làm từ vải và trang trí bằng các họa tiết thêu bắt mắt.

Thai Siwalai

Thái Siwalai khá giống với Thai Borophiman ngoại trừ một khăn choàng trên vai. Cả hai loại mang lại vẻ sang trọng cho phụ nữ Thái trong các sự kiện chính thức hay nghi lễ hoàng gia. Trang phục truyền thống của phụ nữ Thái Lan vừa mang lại vẻ quyến rũ và duyên dáng kiểu truyền thống, vừa tôn lên những đường cong quyến rũ của phụ nữ Thái Lan.

Trang phục truyền thống dành cho nam giới Thái Lan

Không đa dạng như quần áo của phụ nữ, trang phục của nam giới đơn giản hơn nhiều. Điểm đặc biệt trong trang phục của nam giới đó là Phá khảo. Trang phục này thực chất là mặt một mảnh vải, khổ 70cm, dài cỡ 1m60, được ghép bởi những mảnh vải vuông có màu sắc khác nhau đan xen rất đẹp mắt.

Mảnh vải này rất tiện lợi nó có thể được cuốn vào người như đóng khố dùng khi tắm, như một chiếc quần đùi khi sinh hoạt tại nhà, đánh cá, làm ruộng hoặc cũng có khi người ta dùng nó để cuốn trên đầu thành cái khăn xếp rằn. Trong những trường hợp cấp thiết nó được dùng như một sợi dây thừng.

Điều đặc biệt trong trang phục truyền thống của Thái Lan đó là cả trang phục nam và trang phục nữ đều mang cái túi bằng vải (Phasin) đeo trên vai để đựng đồ dùng cá nhân. Phasin có thể để trơn, không thêu thùa gì, nhưng cũng có thể được thêu thùa màu sắc theo từng nét văn hóa của từng vùng miền hay mỗi sắc tộc.

Thật sự, những bộ trang phục của người Thái Lan rất sáng tạo, có tính ứng dụng cao và luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh và hoạt động thường ngày của người dân.

MUAY THAI – MÔN THỂ THAO CHIẾN ĐẤU ĐẶC SẮC CỦA THÁI LAN

Muay Thai được xem là môn thể thao quốc gia chính thức của dân tộc vốn rất hiền hòa Thái Lan, và được biết đến với tên “Quyền tự do Thái”, môn võ được xem là vô cùng thực dụng trong lối đánh tự do rất dữ dội, khốc liệt và rất mạnh mẽ hơn mọi môn võ thuần cương nhất của Á Châu. Muay Thai xuất xứ từ môn “Krabi Krabong”, một môn võ thuật của đất Xiêm (SIAM, Tên cũ của Thái Lan) thời xa xưa với môn võ chiến đấu của quân lính hoàng gia với kiếm ở tay phải, qua thời gian biến đổi với kỹ thuật chiến đấu bằng súng đạn tinh vi của Tây phương du nhập vào đất Thái. Nghệ thuật chiến đấu bằng kiếm không còn nhu cầu cần thiết tập luyện trong quân đội nữa, môn võ thuật dần dần biến đổi và trở thành môn võ quen thuộc trong dân chúng, được giữ thành một bộ môn thể thao chiến đấu, và trở thành một niềm tự hào của người dân Thái.

Trong quá khứ môn quyền thuật Muay Thai từng được dùng làm môn giải trí yêu chuộng của biết bao triều đại Hoàng gia Thái Lan, để sôi động hơn nữa các võ sĩ đã dùng những loại bao tay cuốn bằng da ngựa được buộc bằng dây gai, trộn chung với mãnh vụn thủy tinh cho trận đấu máu me hấp dẫn hơn, kết quả càng thảm khốc bao nhiêu thì kẻ chiến thắng càng được tôn vinh bấy nhiêu. Vào đầu thế kỷ 20, môn thể thao Muay Thái được dân chúng công nhận là một hình thức nghệ thuật và thường được công diễn phục vụ trò tiêu khiển tại các lễ hội, nơi đền đài tráng lệ. Và cho đến ngày nay, Muay Thái đã thật sự phát triển thành môn thể thao có tổ chức quy củ, luật lệ được hường dẫn khái quát vào năm 1930, đúng tiêu chuẩn của nó, được dựa trên luật quốc tế về môn Quyền Anh.

Muay Thai là môn thể thao có tính cách tâm linh và theo đúng nghi thức tôn giáo cao cả. Võ sĩ được các vị sư dạy dỗ tài nghệ, ban cho một danh xưng riêng, được sát nhập vào các danh sách các đệ tử thọ giáo nơi võ đường. Trước giờ giao đấu, các võ sĩ tranh tài cúi mình cung kính quay về hướng nơi mình chào đời (nghi thức này được gọi là Ram Muay), sau đó quay theo bốn hướng, để tỏ lòng tôn kính các bậc thầy cố sức huấn luyện và thần linh võ đài (nghi thức này được gọi là Wai Kru). Để bổ sung cho tiếng kèn ô-boa của người Thái, có nhạc khí như đánh trống, khiến các võ sĩ nhảy múa một cách chậm rãi quanh võ đài, bằng cách điều chỉnh những động tác tỏ lòng biết ơn và cũng được phục vụ việc khởi động để chuẩn bị trận đấu. Mỗi một võ sĩ có động tác riêng về vũ điệu của mình, được nhập vào những cử động biểu lộ nghi thức tôn giáo từ những hoạt động nơi vũ môn mình được huấn luyện.

Mặc dù hiện thời không thấy rõ, nhưng võ sĩ Thái mỗi lần lên đài đều quấn một sợi dây thừng nhỏ quanh đầu của mình đúng như truyền thống. Theo niềm tin xa xưa, sợi dây thừng quấn quanh đầu võ sĩ có thể cất đi trong sàn đấu do các vị hướng dẫn hay các vị sư dạy võ đảm trách, các vị này là người ban phúc lành cho võ sĩ trước khi trận đấu bắt đầu. Sức nặng của võ sĩ giới hạn đúng ấn định và một cuộc thi tài chia làm 10 trận đấu, kéo dài từ 5 đến 3 phút, và hai phút cho những võ sĩ tranh tài giữa mỗi hiệp đấu. Võ sĩ yêu cầu được mặc quần soọc màu xanh hay đỏ và mang găng tay. Có vài truyền thống được giữ lại: ngay cả ngày nay, mặc dù võ sĩ không mang giày, nhưng họ yêu cầu đôi chân của họ được bao bọc kỹ càng.

Muay Thái với lối kỹ thuật chiến đấu vô cùng mạnh bạo, còn được gọi là “Nghệ thuật bát chi”, tức là chiến đấu bằng tay, chân, cùi chỏ, đầu gối, với nguyên tắc dứt điểm đòn nhanh, áp đảo đối phương không có cơ hội chống trả, khi vào trận chiến, người võ sĩ Muay Thái không từ nan bất cứ mục tiêu nào cố gắng đánh gục đối thủ ngoại trừ 2 nơi mà theo luật định thượng đài của Muay Thái cấm đó là đánh vào đầu hoặc hạ bộ. Phương thức tập luyện của các võ sĩ rất đơn giản bằng cách tập đá vào thân cây chuối, bao cát, chạy cự ly dài, bơi lội, nhảy dây, tập với các mục tiêu di động bằng cách buộc trái banh trên các sợi đay rồi đá liên tiếp để luyện sự chính xác và nhanh. Muay Thai được ca ngợi là môn võ thuật hoàn hảo, có khả năng tấn công hiệu quả bậc nhất trên thế giới hiện nay, đem lại lợi ích trong việc tự vệ bản thân trước nguy hiểm. Mặc dù có có hiệu quả cao như thế, nhưng Muay Thai lại rất dễ học chứ không phức tạp như các môn võ khác. Nó giúp con người ta được rèn luyện cả về sức khỏe, tinh thần, giải phóng toàn bộ tiềm năng của con người trong mọi mặt của đời sống.

Rất nhiều người có cách nhìn sai lầm về Muay Thai khi cho rằng đây là môn thể thao mang tính chất bạo lực. Nhưng thực chất, hoàn toàn ngược lại. Muay Thai đem lại cho người tập luyện, theo đuổi nó tính kỷ luật, sự khiêm tốn, cũng như những tính cách tốt đẹp khác của con người cần có là lòng dũng cảm như một chiến binh. Chính những đức tính được rèn luyện này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho con người trong cuộc sống. Cứ tháng 3 hàng năm, nghi lễ bái sư Wai Kru đều được tổ chức long trọng bởi Hiệp hội quyền anh nhà nghề Thái Lan kết hợp với Tổng cục du lịch Thái Lan để quảng bá, giới thiệu rộng khắp trên thế giới về một môn võ thuật mang tính dân tộc này. Những ngày diễn ra trước sự kiện, các võ sĩ đều phải tham gia nghi lễ cúng bái Nai Khanom Tom – người được xem là ông tổ khai sinh ra môn võ này. Kèm theo nghi lễ bái sư ấy là những trận đấu võ rất đẹp mắt, gay cấn của các võ sĩ chuyên nghiệp. Đây chính là dịp tuyệt vời để du khách tìm hiểu về Muay Thai, có những kỷ niệm, trải nghiệm thực tế tuyệt vời về môn võ thuật truyền thống Thái Lan này.

Sau phần nghi lễ, du khách được mãn nhãn với các buổi trình diễn nghệ thuật, văn hóa Thái Lan; được xem rèn kiếm và chứng kiến những cuộc đấu võ chuyên nghiệp, đẹp mắt. Ngoài ra, cũng không thể thiếu lễ vinh danh những võ sĩ có nhiều thành tích trong năm qua như một sự động viên, khích lệ tới toàn thế giới võ sĩ Muay Thai hãy luôn cố gắng luyện tập, cống hiến vì môn võ đã làm nên tên tuổi, thương hiệu Thái Lan. Có thể thấy được Muay Thai không chỉ là một môn võ thuật, một môn thể thao mà Muay Thai còn là một loại hình nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia, một phần tài sản trong kho tàng văn hóa Thái Lan.

NGHỆ THUẬT MÚA TRUYỀN THỐNG CỦA THÁI LAN

Múa truyền thống Thái Lan đã và đang được giữ gìn từ đời này qua đời khác, có nguồn gốc từ triều đại Siam, được dùng để phục vụ Vua chúa, hoàng tộc và trong các cung đình. Mãi đến sau này nó mới được phổ biến rộng rãi với người dân, với các động tác uyển chuyển các vũ công chính là người truyền tải nét độc đáo của điệu múa dân tộc đến với du khách.

Múa cổ truyền Thái Lan có 3 loại là: múa Khon, múa Lakhon, múa Fawn Thai. Trong đó, Fawn Thai là điệu múa đòi hỏi các vũ công phải có kỹ năng điêu luyện nhất, nó cũng là điệu múa được yêu thích nhất.

Múa Khon

Múa Khon là một thể loại kịch múa được trình diễn trong hoàng cung, khi trình diễn các vũ công thường đeo mặt nạ, mặc trang phục piphat truyền thống. Múa Khon thường là những bước nhảy, lộn, quay, động tác dưới khoát, sử dụng sức mạnh của cơ bắp nhiều, vì thế mà đa phần là các vũ công nam. Phần lớn các điệu múa Khon mô tả các trích đoạn từ trường ca Ramakien của Thái Lan (được phiên bản từ Ramayana của Ấn Độ), vai Tướng Khỉ Hanuman là ai diễn mơ ước của tất cả nam nghệ sĩ múa Khon. Ngày nay nhạc múa cổ truyền của người thái lan vẫn được lưu truyền và phát triển rộng rãi, thu hút sự hiếu kì của nhiều du khách khi du lịch đến đây.

Múa Lakhon

Múa Lakon là một trong những điệu múa truyền thống Thái được lưu truyền đến ngày nay. Múa Lakhon tương tự như múa Khon nhưng có phần đa dạng về câu chuyện gồm truyện dân gian và cổ tích. Nghệ thuật múa Thái Lan – Lakhon uyển chuyển, nhẹ nhàng, duyên dáng, múa theo nhóm nên đa phần diễn viên thường là nữ.

Múa Fawn Thai

Điệu múa Thái Lan được du khách yêu thích nhất là Fawn Thai, thường được trình diễn trong các dịp lễ lớn của quốc gia, với hàng trăm vũ công tham gia. Múa Fawn Thai gồm 5 điệu chính: Fawn Leb – Múa Móng tay, Fawn Marn Gumm Ber – Múa Bướm, Fawn MarnMong Kol – Múa mừng Hạnh phúc, Fawn Tian – Múa Nến, FawnNgiew – Múa Khăn. Mỗi điệu múa Fawn Thai sẽ có một dàn nhạc đi kèm khoảng 5 đến 7 loại nhạc cụ dân tộc.

Múa truyền thống Thái là sự kết hợp của các trang phục màu vàng kiêu sa chủ đạo, là trang phục truyền thống đặc sắc, trang sức vàng lấp lánh sang trọng cùng vũ công xinh đẹp, dẻo dai, hấp dẫn tạo nên các bài lôi cuốn. Trang phục, trang sức cũng là một phần không thể thiếu của múa truyền thống Thái Lan.

CÁC BIỂU TƯỢNG ĐẶC SẮC KHÁC

Phật giáo

Với 90% dân số theo đạo Phật, Thái Lan là nước có số dân theo đạo Phật đông nhất thế giới tính theo dân số đầu người, khắp các nơi trên đất nước Thái Lan từ thành thị đến nông thôn đâu đâu cũng có những đến chùa. Nổi tiếng với các ngôi chùa vàng được xây dựng từ xa xưa và cho đến tận bây giờ vẫn được người dân Thái Lan gìn giữ.

Có thể kể đến các ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất Thái Lan như: chùa Phật vàng, chùa Phật Ngọc, chùa Thuyền, chùa Bình minh, chùa cẩm thạch, chùa Wat Pho,… hầu hết các ngôi chùa đều có các pho tượng Phật to lớn và được làm bằng vàng thật. Vì là quốc gia lấy đạo Phật làm quốc đạo nên các nhà sư vô cùng được kính trọng, nếu đến các đền chùa du khách nên ăn mặc lịch sự và bỏ dép bên ngoài và phụ nữ nhớ không được ngồi cạnh nhà sư.

Hoàng gia Thái Lan

Đất nước Thái Lan vô cùng tôn trọng Hoàng gia, bạn có thể thấy được hình của đức vua được in trên các đồng baht Thái, ngày sinh nhật của Hoàng hậu và nhà vua được tổ chức long trọng như những ngày lễ lớn của dân tộc được cả nước hưởng ứng, mọi điều nhà vua nói đều được dân chúng tin tưởng và làm theo.

Vì sự kính yêu vô vàn mà người dân Thái dành cho Hoàng gia nên khi nói chuyện du khách nên tránh nói đến vấn đề nhạy cảm này, tốt nhất không nên nói xấu Hoàng gia Thái vì du khách có thể bị ngồi tù đó. Không nên giẫm lên đồng baht Thái vì như thế là du khách đang sỉ nhục đất nước Thái và Hoàng gia du khách sẽ phải chịu sự nổi giận của nhân dân Thái Lan.

Wai – cách chào hỏi truyền thống của Thái Lan

Trong tiếng Thái, cách chào hỏi đã tồn tại từ rất lâu đời, được gọi là “Wai”. Theo đó, người chào chắp hai tay trước ngực, đầu hơi cúi xuống. Theo truyền thống, khi đến thăm nhà của người Thái Lan, vị khách sẽ thực hiện hành động này và khi kết thúc cuộc viếng thăm nên xin phép ra về và lặp lại thao tác chào hỏi như một phép lịch sự. Wai còn được thực hiện khi thể hiện sự tôn trọng, sự biết ơn hoặc để xin lỗi. Có nhiều cách thức “Wai” khác nhau tùy theo giai cấp xã hội, giới tính và lứa tuổi.

– Chào người nhỏ hơn hoặc với những người ngang hàng với nhau: Hai tay chắp trước ngực, hơi cúi xuống để mũi chạm vào các đầu ngón tay.

– Chào người lớn tuổi hơn, hoặc người có cấp bậc cao hơn (ví dụ khi chào ông bà, cha mẹ, thầy cô,…): Hai tay chắp trước ngực, hơi cúi xuống để các đầu ngón tay chạm trán. Trong các buổi lễ trang trọng, người chào sẽ ngồi và chắp tay để ngay ngắn trên mặt đất, cúi gập người để trán chạm vào tay.

– Chào nhà sư hoặc đối với các biểu tượng Phật giáo: dù đứng hay ngồi, để thể hiện sự tôn kính, người chào phải cúi gập nửa người, đầu ngón tay cái chạm trán. Với các nghi lễ trang trọng, người chào chắp tay ngay ngắn trên mặt đất, cúi gập người để trán chạm vào tay.

Cùng với động tác “ Wai” nam giới sẽ nói “ Sawatdi khrap” và nữ giới là “sawatdi kha”. Người Thái xem đây là cách chào hỏi lịch sự và thân thiện nhất.

Xe tuk tuk

Chiếc xe ba bánh này vô cùng thân quen với người dân Thái Lan và cũng không còn xa lạ gì với du khách quốc tế. Khi đi du lịch Thái Lan, du khách nên lựa chọn cho mình chiếc xe tuk tuk để di chuyển quanh thành phố. Loại phương tiện này phổ biến do dễ di chuyển, thoáng mát và giá thành lại rẻ phù hợp cho các đối tượng khách hàng, đặc biệt là những khách hàng bình dân.

Ngồi trên xe tuk tuk du khách có thể dễ dàng ngắm cảnh quan và hóng mát, tuy nhiên trước khi đi du khách nên thỏa thuận giá cả với lái xe, nếu thấy tắc đường du khách cũng nên xuống xe đi bộ vì sẽ phải đợi không biết khi nào mới có thể đi được. Các lái xe thường chạy rất nhanh nên du khách phải bám thật chắc chắn để không bị dọa đến xanh mắt nhé!

Tắc đường

Thái Lan là nước hiện đại có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong khu vực, vì vậy không khó hiểu khi phương tiện di chuyển chủ yếu của người Thái là xe hơi hoặc taxi. Nếu như du khách đến Thái Lan rồi sẽ bắt gặp cảnh tượng những chiếc xe ô tô xếp thành hàng dài trên các con đường vào các giờ cao điểm.

Dù đường xá Thái Lan rộng và các công trình đường cao tốc và cầu cầu vượt được mở ra rất nhiều, song không thể đáp ứng nổi và tình trạng kẹt xe vẫn xảy ra như những bữa cơm không thể thiếu, vì nơi đây sử dụng quá nhiều phương tiện lớn cho tham gia giao thông. Nếu đến Thái Lan du lịch mà du khách đang đi taxi, gặp tình trạng kẹt xe du khách nên xuống đi bộ để đỡ mất phí và thời gian của mình.

Các thông tin tổng hợp trong bài viết này phần nào giúp du khách biết được biểu tượng của Thái Lan. Còn chần chừ gì mà không thực hiện ngay một chuyến du lịch Thái Lan để khám phá, tìm hiểu nhiều hơn về các biểu tượng tiêu biểu, đặc trưng của “xứ sở Chùa Vàng” tươi đẹp này. Đừng quên chia sẻ với chúng tôi về chuyến du lịch của mình nhé, nếu có điều gì thắc mắc thì vui lòng để lại dưới phần bình luận bên dưới.