Uống rượu là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Nhật. Cũng xuất phát từ sở thích trên mà người Nhật đã sáng tạo ra những công thức nấu rượu phải nói là ai thử một lần cũng nhớ mãi mãi.
1. Rượu Sake
Sake là loại rượu mang thương hiệu quốc gia của nước này. Mỗi một vùng miền ở Nhật Bản lại cho ra một vị rượu Sake khác nhau. Hương vị của rượu Sake phụ thuộc chủ yếu vào công đoạn sơ chế nguyên liệu và việc sử dụng chất phụ gia.
Đặc điểm chung của các loại rượu Sake là thời gian lưu giữ không quá 1 năm. Đây cũng là điểm khác biệt rõ nét nhất của loại rượu này so với hầu hết các loại rượu khác (càng để lâu càng ngon).
Rượu Sake chỉ có nồng độ khoảng 16%, là dòng rượu nhẹ nên nhiều đối tượng có thể thưởng thức được, kể cả phái nữ. Có hai cách uống rượu Sake phổ biến là uống ở dạng ấm và uống ở dạng lạnh.
Rượu Sake được làm từ gạo thông qua quá trình lên men và gạn lọc. Người ta thường dùng một loại nấm gạo tên là Koji để lên men. Sake vốn được sản xuất chủ yếu theo kiểu thủ công và được chỉ đạo bởi một người nấu chính rất giàu kinh nghiệm.
Ở “xứ Phù tang” có nhiều loại rượu Sake nhưng 4 loại có thể làm những người mê rượu mê mẩn nhất đó là:
Sake Nihonshu được làm từ gạo, mạch nha cùng với sự tác động của một loại khuẩn có tên Koji và men rượu Sake. Từ đó, rượu Sake Nihonshu có cho mình một hương vị độc đáo.
Sake Nigorizake: Loại rượu Sake này chỉ xuất hiện ở mùa đông của Nhật Bản. Rượu Sake Nigorizake được lọc qua vải vì giữ nguyên bác gạo sau khi lên men cộng thêm đường. Khi rót rượu ra thì lẫn với bã có màu trắng đục, nhìn bồng bềnh trông rất thích mắt. Rượu Sake Nigorizake khá giống với rượu Makgeolli của Hàn Quốc.
Sake Takara Shozu là dòng rượu Sake cao cấp thượng hạng của Nhật Bản mang đậm hình ảnh tượng trưng cho sự may mắn, an lành và hạnh phúc.
Chai Sake có màu trong suốt, trên thân chai có 2 màu chủ đạo là vàng và trắng, đây là điểm đặc biệt khác Sake truyền thống. Nhãn rượu có 2 mặt, có rừng tre, mận, đào như một bức tranh quen thuộc của ngày Tết. Ngoài ra không thể thiếu hình ảnh mặt trời đỏ, một biểu tượng của đất nước Nhật Bản.
Được sản xuất từ những hạt gạo đã được mài ít nhất 60% để giữ mùi vị lâu hơn kết hợp với nước khoáng vùng Fushimi- Kyoto ,nấm Koji và men Sake vì thế nó luôn mang lại cảm giác êm dịu khi thưởng thức.
Cùng với sự tinh tế và khả năng sáng tạo của mình, người dân Nhật Bản đã dùng vàng 18 kara nghiền thành bột, dát ra thành các vảy vàng trong suốt và đưa vào trong rượu Sake. Khi rót ra ly, những vảy vàng óng ánh toát lên vẻ sang trọng, quyền quý và mang đến nhiều tài lộc, may mắn cho người sử dụng.
Sake Tokubetsujummai Tokyo Wajo được thiết kế bao bì dựa trên ý tưởng lấy hình ảnh biểu tượng cho thủ đô Nhật Bản là hoa anh đào và đường phố Tokyo. Nó mang phong cách truyền thống, thanh lịch đặc trưng của đất nước và con người nơi đây. Ngoài ra, Tokyo Wajo có vị ngọt dịu, thanh mát rất phù hợp thưởng thức kèm với các món ăn, được người bản địa và thực khách rất ưa thích.
Với hương vị tươi mát của trái cây và hương thơm nồng nàn, tinh tế của men sake đã mang lại cảm giác sảng khoái khi thưởng thức, nó sẽ khiến du khách khó quên chỉ ngay lần đầu sử dụng. Du khách có thể dùng chung với các loại nước trái cây để làm tăng thêm sự mới mẻ và thú vị.
2. Rượu Shochu
Sochu cũng nằm trong danh sách những loại rượu nổi tiếng nhất ở Nhật Bản, được rất nhiều người ưa chuộng. Loại rượu đặc biệt này được lên men từ 5 loại hạt. Thường là được chưng cất từ lúa mạch, khoai lang và gạo. Một số vùng lại sử dụng loại đường vàng, kiều mạch hay Maron để làm rượu Shochu.
Vị của rượu Shochu rất dịu, dễ uống. Có nhiều cách pha chế dòng rượu này để hợp khẩu vị và sở thích với từng người thưởng thức. Có thể thêm đá, thêm nước lạnh, thêm nước nóng, nước ép hoa quả hoặc pha soda, trà ô long theo tỉ lệ 1:3 để tăng thêm sự độc đáo trong hương vị. Thường Sochu được người Nhật dùng để pha các loại cocktail nhiều hơn.
Rượu Shochu có độ cồn khoảng 25%, nhẹ hơn độ cồn chuẩn của rượu Vodka nhưng mạnh hơn các loại rượu vang hoặc rượu Sake. Loại rượu này có nguồn gốc từ vùng phía nam đảo Kyushu nhưng hiện nay đã được sản xuất tại mọi nơi ở Nhật Bản và rất được giới trẻ ưa chuộng.
Rượu Shochu có hai loại là Kohrui Shochu và Honkaku Shochu. Trong đó rượu Kohrui Shochu còn được biết đến với tên gọi khác là Vodka Nhật Bản. Dòng rượu Shochu này được chưng cất liên tục từ các nguyên liệu có chứa polysacharidic, rượu có nồng độ dưới 36%. Còn rượu Honkaku Shochu lại chỉ được chưng cất 1 lần nên giữ hương vị nguyên vẹn của nguyên liệu thô ban đầu, vị rượu êm dịu và có thể thưởng thức luôn mà không cần ủ thêm.
Bốn yếu tố cơ bản để quyết định hương vị của rượu Shochu là nguyên liệu thô, Kojikin, phương thức chưng cất rượu và phương pháp ủ rượu.
3. Rượu Whisky Nhật Bản
Rượu Whisky cũng là một loại rượu nổi tiếng của “xứ mặt trời mọc” khiến giới sành rượu cả thế giới phải ngưỡng mộ. Mặc dù hiện nay ở Nhật Bản chỉ có 7 nhà máy chưng cất loại rượu này thôi, thế nhưng phong cách làm rượu lại đa dạng đến kinh ngạc. Cũng giống như Whisky Soctland, rượu Whisky Nhật Bản được ủ bằng mạch nha, thứ nguyên liệu tốt nhất mà cũng là rẻ nhất.
Điểm độc đáo khiến Whisky Nhật cạnh tranh so với rượu Scotland chính là vị ngon đặc biệt, tính đồng điệu, chính xác trong từng khâu chưng ủ, mang phảng phất chất thiền hơn là nét cứng cáp đặc trưng của Whisky Scotland. Whisky Nhật Bản đun bằng than thường thơm hơn, có cấu trục mềm và êm dịu hơn Whisky Soctland. Tại nhiều nhà máy chưng cất rượu Whisky Nhật, các bình nấu rượu cổ điển vẫn được đun bằng than đá để bốc hơi. Đó chính là yếu tố giúp hương vị nồng đậm hơn của Whisky Nhật. Hơn thế nữa, các cơ sở sản xuất rượu Whisky Nhật Bản sử dụng các thùng gỗ sồi Nhật để ủ rượu. Điều này giúp bổ sung mùi như mùi hương trầm pha đàn hương, tạo nên những chai Whisky cao cấp, thượng hạng.
Hiện nay, các sản phẩm Whisky Nhật đang tiêu thụ rất mạnh ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thậm chí ở nhiều nước phát triển như Mỹ còn có cả những quán bar, câu lạc bộ phục vụ 100% rượu nổi tiếng Nhật Bản, trong đó chủ yếu là Whisky. Điều đó minh chứng cho việc không tự nhiên mà rượu Whisky Nhật liên tục đạt được nhiều danh hiệu lớn trong các cuộc đua rượu ngon thế giới.
4. Rượu mơ Umeshu
Ngoài sử dụng mơ để làm nguyên liệu chế biến món ăn như món cháo mơ muối, thì người Nhật còn sáng tạo ra một loại rượu làm từ mơ. Rượu mơ Umeshu thường được làm ngay tại nhà và có thể tìm thấy bất kì đâu tại Nhật Bản.
Rượu mơ Umeshu được ngâm trực tiếp từ mận, đường rượu Shochu hoặc Sake. Mùi vị ngọt của mơ và mùi giống nước trái cây có cồn khá thấp nên cho cảm giác uống rất lạ. Ngoài sử dụng mơ mận thì người Nhật còn nhiều loại trái cây khác để ngâm rượu như quả Hạnh để tạo ra rượu Anzushu, quả thanh rượu Yuzushu, quýt thành rượu Mikanshu ngoài ra còn rất nhiều loại quả khác tùy theo sở thích của người uống.
5. Rượu gạo Amazake
Loại rượu này được chế biến từ gạo trắng nấu thành cơm rồi lên men. Rượu này có độ cồn thấp, thậm chí không còn vị ngọt mát và ai cũng uống được cả.
Quá trình nấu rượu gạo Amazake cũng khá tỉ mỉ, bằng cách lọc lấy bã của sake sau khi lên men rồi trộn với nước và cơm. Rượu Amazake có thể dùng dưới dạng uống theo kiểu rượu nếp đục Việt nam hoặc có thể ăn cả cái lẫn nước như cơm rượu vậy.
Loại rượu này không thể thiếu trong đêm giao thừa và những ngày đầu năm mới tại Nhật Bản. Rượu thường được bán tại các khu lễ hội ăn uống tại các ngôi đền trong dịp năm mới.
Ngoài ra, ở Nhật vẫn còn rất nhiều loại rượu khác ngon như: rượu Nikka, Hibiki, Suntory,… Loại nào cũng ngon và cho bạn ấn tượng tốt khi uống.
6. Rượu Awamori
Awamori là loại rượu truyền thống của Nhật Bản ở vùng Okinawa. Nó có độ cồn rất mạnh nên thường được dùng để pha chế nhiều loại cocktail hấp dẫn. Nếu du khách là một người thích uống Vodka thì cũng sẽ thích hương vị của rượu Awamori.
Hi vọng với bài viết này, du khách sẽ có thêm nhiều thông tin về các loại rượu ngon nổi tiếng của Nhật Bản. Hãy đừng bỏ lỡ cơ hội du lịch Nhật Bản và thử thưởng thức một trong những loại rượu nêu trên để hiểu rõ hơn về văn hóa ẩm thực đa dạng của đất nước xinh đẹp này nhé!