Nhật Bản không chỉ được biết đến là một quốc gia có nền kinh tế mạnh mà còn là nước có văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú. Để giữ gìn những nét đẹp văn hóa đó thì Nhật Bản hàng năm tổ chức rất nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc.

1. Lễ hội Shogatsu

Giống nhiều quốc gia trên thế giới, vào mỗi dịp năm mới ở đất nước Nhật Bản sẽ diễn ra lễ mừng năm mới đón một năm mới với nhiều điều may mắn và tốt lành. Trước kia, Nhật Bản đón năm mới theo âm lịch giống Việt Nam và Trung Quốc, nhưng từ nhiều năm trở lại đây, người Nhật đón năm mới theo tết Dương lịch.

Trong đêm giao thừa, người Nhật Bản ăn món mì trường thọ (Toshicoshi Soba), vào ngày mùng 1 tháng Giêng, các gia đình sum họp, uống sake, thứ rượu được coi là trường thọ, món ăn Osechi cổ truyền và không thể thiếu món bánh dầy ăn cùng với món súp đặc biệt của ngày tết là Ozoni (súp). Những ngày trước và sau tết người ta thường gửi thiệp chúc tết đến bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Người ta cũng hay đi hái lộc ở các đền chùa để cầu an. Người Nhật cũng có phong tục chọn phương hướng tốt để xuất hành đầu năm (Hatsu Moode), phong tục khai bút (Kakizome) và phong tục mừng tuổi tiền (O Toshi Dama) cho trẻ con. Trong những ngày tết, họ trang trí cổng hoặc cửa ra vào bằn tre và cành thông và cái cổng chào này được gọi là Kadomatsu.

2. Lễ xua đuổi tà ma Setsubun

Lễ hội xua đuổi tà ma thường được tổ chức vào ngày lập Xuân để đánh dấu thời khắc chấm dứt một mùa đông buốt giá và hân hoan chào mừng một mùa xuân tươi vui đang đến.

Hoạt động phổ biến vào ngày lễ hội này là ném những hạt đậu tương trước hiên nhà, vừa ném vừa khấn trừ ma quỷ và đón phước lộc vào nhà. Nếu du khách tham quan đền Senso-ji hay Zojoji vào ngày diễn ra lễ hội thì sẽ thấy người dân vừa kết hợp ném đậu tương với những điệu nhảy dân gian uyển chuyển rất đẹp mắt.

3. Lễ hội ngắm hoa anh đào Hanami

Hanami là một lễ hội truyền thống ở Nhật Bản, được diễn ra từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Đây là dịp để mọi người vui chơi, tổ chức những bữa tiệc, cùng uống rượu, ca hát và chụp ảnh dưới những tán hoa anh đào đẹp tuyệt vời.

Hanami là từ được ghép bởi hai từ “Hana” có nghĩa là “hoa” và “Mi” có nghĩa là “ngắm nhìn”. “Hanami” có nghĩa là “thưởng lãm hoa” và đây cũng là tên gọi của lễ hội nổi tiếng bậc nhất nước Nhật – “Lễ hội ngắm hoa anh đào”. Lễ hội này đã có một lịch sử lâu đời từ hàng ngàn năm nay, và được coi là quốc lễ của Nhật Bản và là một nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản.

Vào các dịp lễ hội, người dân và khách du lịch thường tập trung dưới những tán cây hoa anh đào nở rộ, tổ chức những bữa tiệc ngoài trời, ăn uống, trò chuyện và cùng nhau ca hát cả ngày lẫn đêm. Những người dân Nhật thường chuẩn bị những món ăn truyền thống của đất nước mình như Sushi, cơm hộp bento và một loại rượu thường uống trong lúc ngắm hoa được gọi là Hanamizake.

4. Lễ hội Gion

Đây là một trong những lễ hội lớn nhất Nhật Bản, được tổ chức ở đền Yasaka vào tháng 7 hàng năm. Với ý nghĩa cầu sức khỏe và xua tan bệnh dịch, người dân đã tổ chức những buổi lễ tế để giữ cho tinh thần vượt qua sầu muộn, sự sợ hãi và luôn được thoải mái, thanh tịnh.

Một trong những hoạt động độc đáo nhất của lễ hội chính là lễ diễu hành Yamaboko Yunko vào ngày 17/07 qua các đường phố náo nhiệt của Tokyo. Ngoài lễ diễu hành, Gion cũng có nhiều hoạt động chuẩn bị, vui chơi, hội họp rất phong phú như nghi thức thanh tẩy Mikoshi, lễ dựng kiệu Hoko và Kama. Lễ hội Gion kéo dài xuyên suốt trong tháng 7.

5. Lễ hội Hakata Gion Yamakasa

Đây là lễ hội lớn hàng năm diễn ra tại Đền Kushida ở thành phố Hakata, đã được đăng ký di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Người ta nói rằng cách đây 800 năm trước bệnh dịch hoành hành ở Hakata, một nhà sư đã ngồi lên chiếc xe kéo bằng gỗ được vác bởi người dân thành phố, họ vừa đi vừa vẩy nước khắp thành phố để xua tan bệnh dịch, đó chính là nguồn gốc ra đời của lễ hội này.

Lễ hội này diễn ra trong 8 ngày. Nam giới sẽ kéo xe Yamakasa và thi về tốc độ, chính vì vậy lễ hội trở thành một trong những lễ hội náo nhiệt nhất. Yamakasa rất nặng, ngay cả những nam giới khỏe mạnh cũng chỉ có thể kéo được vài phút. Vì vậy, những người kéo xe sẽ thay phiên nhau liên tục.

Lễ hội sẽ đi vòng quanh các con phố của Hakata vì vậy có nhiều công ty sẽ cho nhân viên nghỉ để tham gia lễ hội. Các du khách có muốn tham gia lễ hội và đi theo xe kéo Yamakasa chuyển động rất nhanh này không?

6. Lễ hội Kanda

Lễ hội diễn ra vào cuối tuần của tuần gần với ngày 15/5 tại đền Kanda Myojin, cùng với Lễ hội Gion ở Kyoto, Lễ hội Tenjin ở Osaka, đây là 1 trong 3 lễ hội lớn nhất tại Nhật Bản.

Lễ hội Kanda có nội dung khác nhau theo từng năm, có 2 loại là Honmatsuri được tổ chức vào các năm lẻ và Kagemasturi được tổ chức vào các năm chẵn.

Điểm tham quan tại Honmatsuri là cuộc diễu hành qua các con phố của hơn 500 người trong trang phục thời kỳ Heian (794-1185). Đoàn diễu hành sẽ xuất phát từ đền Kanda Myojin. Quang cảnh được tạo nên rất ấn tượng xen lẫn giữa hiện tại và quá khứ, đoàn diễu hành sẽ tiến đến khu phố điện tử Akihabara.

Vào ngày tiếp theo, có khoảng 100 kiệu rước sẽ hướng đến ngôi đền Kanda Myojin. Trong số những người vác kiệu nam giới cũng có nhiều người mặc Fundoshi, một loại trang phục cổ xưa ở Nhật Bản.

7. Lễ hội cá chép Koinobori

“Koinobori” trong tiếng Nhật có nghĩa là “cờ cá chép”, với người Nhật, cá chép tượng trưng cho lòng dũng cảm và tính ngoan cường khi dám vượt vũ môn để hóa rồng và làm nên những chuyện đại sự, cũng giống như tính cách của các bé trai nên Koinobori cũng có nghĩa là “Lễ hội của các bé trai”.

Có một điều trùng hợp là Lễ hội cá chép diễn ra vào đúng ngày 5 tháng 5 âm lịch, tức trùng với Tết Đoan Ngọ của Việt Nam, tuy nhiên, cờ cá chép đã được treo khắp các cung đường của Nhật từ trước 2 tháng. Vào dịp lễ này, ngoài việc trước các cửa nhà được trang trí bằng những dải cờ cá chép đủ màu sắc, người ta thường hay làm món Obento truyền thống và những món ăn mô phỏng hình cá chép với mong muốn cầu cho con cái được khỏe mạnh và phát triển tốt.

8. Lễ hội búp bê Hina

Lễ hội búp bê cũng là một lễ hội truyền thống quan trọng của người dân “xứ sở Phù Tang”, diễn ra thường niên vào ngày 3 tháng 3. Từ thời xưa, búp bê đóng vai trò như là vật báu của gia đình và được trưng bày trang trọng ở căn phòng tiện nghi nhất. Những con búp bê sẽ mặc những bộ quần áo Kimono với những kiểu dáng khác nhau trông rất ấn tượng.

Đây cũng là thời điểm hoa anh đào bắt đầu hé nở, tượng trưng cho sự dịu dàng, đoan trang của phụ nữ Nhật Bản. Một số món ăn chính vào ngày lễ hội búp bê là cơm đậu đỏ, rượu Sake, bánh gạo Hishi Mochi.

9. Lễ hội Tanabata

Đây là lễ hội kỷ niệm, một ngày cầu chúc phước lành cho người dân Nhật Bản. Mỗi khi vào ngày này, đi đến bất cứ đường phố nào đều có thể thấy những cây tre với những chiếc bùa cầu chúc treo trên cây tre và người người trong trang phục truyền thống. Còn có nhiều hoạt động âm nhạc truyền thống, biểu diễn pháo hoa… Những hoạt động lễ hội Tanabata trên khắp Nhật Bản đều không giống nhau, đều có những nét riêng.

Lễ hội Tanabata ở Sendai, tỉnh Miyagi là lễ hội Tanabata nổi tiếng nhất của Nhật Bản, với 400 năm lịch sử, không chỉ là một trong ba là lễ hội Tanabata lớn nhất Nhật Bản, mà còn là một trong ba lễ hội lớn ở vùng Đông Bắc. Lễ hội Tanabata ở Sendai tổ chức vào ngày 6 đến ngày 8 tháng 8 hàng năm, là lễ hội có quy mô lớn nhất thu hút nhiều du khách đến tham dự.

Lễ hội này được chia thành hai phần: Lễ hội pháo hoa Sendai và lễ hội Tanabata Sendai. Lễ hội pháo hoa Sendai là một lễ hội pháo hoa với màn trình diễn khoảng 16 ngàn viên pháo hoa khiến cho bầu trời đêm hè Sendai rực sáng.

10. Lễ hội Vu lan Ubon

Trước đây ngày lễ này được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, nhưng hiện nay nó được tổ chức vào ngày 17/7 hoặc tháng 8 dương lịch, tùy theo từng địa phương. Ngày lễ này gần giống với ngày xá tội vong nhân ở Việt nam, là ngày mà theo người Nhật là rước linh hồn tổ tiên về cúng giỗ. Nhiều nơi tổ chức vũ hội, múa các điệu múa cổ truyền (Bonodori). Vào thời gian lễ hội người ta treo cao những chiếc đèn lồng với mục đích là để hướng dẫn linh hồn người đã khuất trở về. Tại nhiều vùng, các đèn lồng được thả trôi trên sông. Vào dịp này, nhiều người Nhật làm việc ở xa quê hương về thăm quê hương, đi thăm mộ người thân.

Awa Odori (Shikoku) những đoàn người mặc trang phục cổ truyền múa điệu múa đặc trưng đi diễu hành khắp các phố, họ là những người dân được chọn để biểu diễn bài múa, bài múa thường là những động tác nhanh và dứt khoát nhìn rất đẹp mắt vì những người múa rất đều nhau, họ đã phải tập luyện rất nhiều để có thể múa đẹp như thế.

11. Lễ hội nông nghiệp Mibu no Hana Taue

Với người dân Nhật Bản từ xa xưa các lễ hội nông nghiệp thường được tổ chức ở các vùng, với mục đích là cầu khấn cho một vụ mùa bội thu, hoặc để cảm ơn thần linh đã cho một mùa màng thắng lợi và đồng thời cầu khấn một vụ mùa mới tốt tươi hơn, bội thu trong năm tới.

Lễ hội độc đáo này được tổ chức vào mùa thu. Vào dịp lễ hội người ta dâng lên cúng thần thành quả đầu tiên của đồng ruộng. Khi có lễ hội, cả làng tham gia và ở nhiều nơi người ta tổ chức các xe diễu hành mang hình tượng của các vị thần đi qua các phố xá. Tại cung điện của Thiên Hoàng, đích thân nhà vua đóng vai người dâng những nông sản mới thu hoạch cho thần linh.

12. Lễ hội tuyết Yuky

Lễ hội đặc sắc này được tổ chức vào tháng 2 hàng năm. Thời gian tổ chức khoảng 1 tuần. Trong thời gian diễn ra lễ hội, có rất nhiều người từ khắp cả nước đã đến thành phố Sapporo.

Điểm tham quan tại Lễ hội tuyết Yuky là các bức tượng điêu khắc khổng lồ được chạm từ băng và tuyết. Các du khách có thể ngắm nhìn các bức tượng băng khác nhau như các công trình mô phỏng các địa điểm nổi tiếng trên thế giới, hay các tác phẩm lấy chủ đề từ các bộ phim, truyện tranh,… Ở đây cũng có các bức tượng băng rất đặc thù ví dụ như mì cốc ramen cup hay bia được làm từ tuyết và băng.

Từ 22:00, các du khách còn được xem các bức tượng băng được thắp điện sáng, tạo nên không gian cực kỳ lộng lẫy.

13. Lễ hội khỏa thân Hadaka

Hàng năm, cứ vào ngày thứ 7 thứ ba của tháng 2, tại ngôi đền Saidaiji thuộc tỉnh Okayama đều tổ chức lễ hội Hadaka. Lễ hội này còn được biết tới với cái tên dân dã hơn là “Lễ hội khỏa thân”. Đây là một trong những buổi lễ hội cầu may lớn vào dịp đầu năm ở “xứ xở hoa anh đào” có tuổi đời lên đến hơn 500 năm và là một trong những dịp lễ kỳ lạ nhất của người Nhật.

Dù mang tên khá nhạy cảm – lễ hội khỏa thân – nhưng người tham dự không phải hoàn toàn rút bỏ trang phục. Những người đàn ông chỉ mặc Fundoshi – một loại khố có màu vải trắng và đi bít tất. Trong trang phục mỏng manh, những người đàn ông tập trung trước cửa đền và đua nhau bắt tấm bùa bằng giấy do một vị đạo sỹ ném ra. Nghi lễ này đã xuất hiện từ hơn 500 năm trước. Người Nhật tin rằng, nếu ai bắt được lá bùa này sẽ may mắn cả năm. Tuy nhiên do chất liệu giấy dễ rách nên sau này, lá bùa được thay bằng gậy gỗ dài chừng 20 cm và đường kính 40 cm với tên gọi là Shingi. Theo truyền thống Nhật Bản, người nào có cơ hội bắt được cây gậy thần, bỏ vào chiếc hộp gỗ (gọi là Masu) chứa đầy gạo thì anh ta sẽ được may mắn và hạnh phúc trong 12 tháng tới.

Trước đó, họ phải nhảy vào bể nước lạnh và uống rượu Sake để làm nóng cơ thể cũng như tinh thần của mình. Người đàn ông khỏa thân hoàn toàn duy nhất trong lễ hội là người mang đi những đen đủi xấu xa và sẽ trở thành người hùng của lễ hội, được gọi là Shinto.

14. Lễ hội Kanamara

Tên lễ hội này có nghĩa là “Lễ hội dương vật thép” và được tổ chức hàng năm vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 4 ở thành phố Kawasaki. Tương truyền, con quỷ nấp trong âm hộ của một phụ nữ đã cắn đứt dương vật của người chồng vào đêm tân hôn. Cô đã tìm đến một thợ rèn nhờ đúc dương vật thép để làm gãy răng con quỷ. Dương vật thép được thờ trong trong ngôi đền mà sau này nhiều gái bán hoa tìm đến để cầu nguyện cho bản thân tránh khỏi bệnh tật. Ngoài ra, lễ hội này còn để cầu có con cũng như sinh nở mẹ tròn con vuông.

Tại lễ hội, du khách sẽ thấy hình ảnh dương vật trên đủ mọi loại hàng hóa, từ tranh ảnh, trang sức tới kẹo, đồ ăn… Tâm điểm của lễ hội là rước ba tượng dương vật, một tượng làm từ gỗ, một tượng làm từ sắt và một tượng điêu khắc màu hồng được khênh bởi những người đàn ông ăn mặc như phụ nữ.

Lễ hội Kanamara là lễ hội có ý nghĩa đối với rất nhiều người. Lễ hội này nhằm cầu mong con cái, buôn bán phát đạt, vợ chồng thuận hòa, và ước nguyện cho toàn thế giới không có sự phân biệt về các giới tính.

15. Lễ hội Sanja

Sanja là lễ hội diễn ra tại đền Asakusa ở Asakusa. Theo các tài liệu cổ ghi chép được thì lễ hội này được bắt đầu từ năm 1312, có lịch sử đến 700 năm. Thời gian tổ chức từ thứ 6 đến chủ nhật của tuần thứ 3 của tháng 5 hàng năm. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày. Đây là lễ hội có quy mô đặc biệt lớn ở Tokyo, thu hút khoảng 150.000 người đến đây.

Với những ai thích ngắm kiệu thì Lễ hội Sanja rất phù hợp. Ngoài 3 kiệu của đền Asakusa có thể nói là đóng vai trò chủ đạo của lễ hội thì còn có đến 100 kiệu rước từ các khu phố xung quanh. Có cả kiệu được làm nhỏ và gọn nhẹ được vác bởi trẻ em hoặc nữ giới. Tại các lễ hội ở Nhật thì thông thường cũng vẫn có nữ giới trong số những người vác kiệu nhưng kiệu chỉ được vác bởi nữ giới thì khá hiếm thấy.

Lễ hội Sanja rất thích hợp cho những ai yêu thích các lễ hội có lịch sử lâu đời và kiệu rước. Đây cũng là lễ hội mà các du khách nên đến để xem vì lễ hội được tổ chức ở khu vực Asakusa, một địa điểm tham quan tiêu biểu ở Tokyo.

16. Lễ hội Aoi

Aoi Matsuri – Lễ hội hoa thục quỳ – cùng với Gion Matsuri và Jidai Matsuri tạo nên Kyoto Tam đại hội, tức “3 lễ hội lớn nhất ở Kyoto”. Lễ hội này được tổ chức vào ngày 15/5 hàng năm tại 2 ngôi đền nổi tiếng ở Kyoto là Shimogamo và Kamogamo.

Aoi Matsuri là một trong những số ít các Lễ hội vương triều truyền thống của Nhật Bản còn sót lại cho đến ngày nay, đồng thời cũng là lễ hội lâu đời nhất của đất nước này.

Hoạt động hấp dẫn nhất và thu hút nhiều người dân đến xem tại Aoi Matsuri chính là lễ rước với đoàn diễu hành hơn 500 người trong trang phục thời Heian vô cùng uy nghiêm. Vào lúc 10:30 ngày 15/5, đoàn sẽ bắt đầu cuộc diễu hành từ Hoàng cung Kyoto (Kyoto Gosho), đi đến đền Shimogamo và cuối cùng hướng về phía đền Kamogamo.

17. Lễ hội Tenjin

Lễ hội Tenjin ở Osaka được tổ chức vào 2 ngày 24, 25/7 hàng năm. Đây là 1 trong “3 lễ hội lớn nhất tại Nhật”, lễ hội này chúc mừng vị thần học vấn được thờ tại Osaka Tenmangu, cầu mong buôn bán phát đạt, xua tan bệnh tật.

Lễ hội đặc biệt nổi tiếng với cuộc diễu hành của đoàn người trong trang phục thời xưa, cùng với chiếc thuyền được trang trí bằng các bóng đèn xuôi theo dòng sông Okawa.

Lễ hội Tenjin diễn ra trong 2 ngày nhưng cuộc diễu hành với sự tham gia của rất nhiều người trong trang phục thời xưa và chiếc thuyền xuôi theo dòng sông chỉ có vào ngày 25/7. Nếu các du khách lưu lại ở Osaka trong thời gian ngắn và muốn tham gia vào 1 ngày nào đó thì nên đến vào ngày 25.

Vào ngày cuối của lễ hội còn có pháo hoa, các du khách có thể trải nghiệm cùng lúc lễ hội và pháo hoa. Các du khách đừng bỏ lỡ lễ hội chỉ có thể chiêm ngưỡng tại đây nhé!

18. Lễ hội Nebuta

Lễ hội Nebuta ở Aomori được diễn ra vào đêm ngày 7/7 (thất tịch), người ta sẽ thả đèn lồng xuống biển, cầu mong xua tan mọi bệnh tật của bản thân và gia đình, lễ hội này được cho là nguồn gốc của các lễ hội truyền thống để xua tan bệnh tật.

Lễ hội Nebuta được định hình như ngày nay là vào khoảng năm 1716, vào thời gian đó người ta sẽ cầm lồng đèn, nhảy múa quanh các con phố. Sau đó một thời gian thì lễ hội được biến đổi thành lễ hội có sự xuất hiện của xe kéo có tên gọi Nebuta với chủ đề Kabuki như ngày nay.

Đèn lồng Nebuta được thắp sáng vào ban đêm nhìn rất sống động. Lễ hội thắp sáng cả bầu trời đêm như thế này ngoài “Lễ hội Aomori Nebuta” thì không có lễ hội nào khác. Điểm nhấn của lễ hội là cuộc diễu hành trên biển với đèn lồng, trong không gian lung linh của pháo hoa được bắn lên, đèn lồng sẽ được mang lên thuyền và đi vòng quanh cảng Aomori.

19. Lễ hội Ura-Bandai Hi no Yama

Đây là lễ hội lớn nhất tại Ura-bandai, nơi được mệnh danh là vùng đất của sông hồ và núi lửa. Lễ hội này được tổ chức tại khu phố Kitashiobara vào ngày 21/7 hàng năm. Những vũ công sẽ khoác trên người bộ áo Yukata (áo kimono bằng cotton) và trình diễn vũ điệu “bon-odori” nổi tiếng. Những chiếc đèn lồng nhỏ với những ngọn nến lung linh sẽ được thả trôi lênh đênh theo dòng nước, mang theo ước vọng của mọi người về một cuộc sống an bình, hạnh phúc.

20. Lễ hội Ashinokami Ayu

Lễ hội này được tổ chức vào ngày 01 đến ngày 5 tháng 8 hàng năm tại tỉnh Wakamatsu. Ayu là 1 địa danh nằm gần con sông Okawa thơ mộng. Nơi này là một trong những thắng cảnh du lịch nổi tiếng vào mùa xuân. Tại lễ hội này, mọi người sẽ có dịp thưởng thúc Kawara-yaki (món thịt nướng chả), và được ngắm các vũ công xinh đẹp trong điệu vũ bon-odori, tất nhiên là không thể thiếu được màn bắn pháo hoa hàng đêm.

21. Lễ hội Bandai

 

Đây là một lễ hội vô cùng sống động được tổ chức tại Inawashiro vào 2 ngày 25 đến 26 tháng 8 hàng năm. Lễ hội được bắt đầu bằng một buổi cầu nguyện cho linh hồn những nạn nhân của thảm họa núi lửa từng xảy ra vào năm 1888. Ngoài ra, sẽ có một cuộc diễu hành bao gồm nghi thức sau: những ngọn đuốc nhỏ sẽ được chuyền tay từ người này sang người khác để cùng nhau thắp sáng ngọn đuốc trung tâm trong tiếng trống và tiếng sáo trúc dặt dìu.

22. Lễ hội Kaze no bon

Diễn ra từ 20/8 đến 03/9. Bài hát Owara là bài dân ca nổi tiếng nhất của vùng Toyama. Nhịp điệu bài hát rất hay, tinh xảo và mọi người nhảy múa với những động tác khéo léo như đồng loạt vẫy tay tạo thành con sóng nhỏ. Người dân địa phương mặc những bộ áo Kimono bằng cotton và nhảy múa khắp thị trấn.

23. Lễ hội Sawara no Taisai

Sawara no Taisai là lễ hội diễn ra trong 3 ngày vào tuần thứ 2 của tháng 10 tại thành phố Katori thuộc tỉnh Chiba. Xe kéo xuất hiện trong lễ hội được chuẩn bị bởi người dân địa phương trong suốt 1 năm. Xe kéo tại lễ hội Sawara no Taisai là một trong những loại xe kéo lớn nhất tại Nhật Bản.

Ở đây có 25 khu thì mỗi khu đều có xe kéo riêng, trong số đó có 14 xe kéo sẽ dạo quanh thành phố tại lễ hội. Ở giữa mỗi xe kéo đều có hình nhân cỡ lớn nổi bật. Hình nhân này tái hiện lại một cách trung thực các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, nhân vật xuất hiện trong truyện thần thoại. Khi tham gia lễ hội, các du khách không chỉ có thể chiêm ngưỡng xe kéo, điệu múa mà còn có thể tìm hiểu về lịch sử.

24. Lễ hội Nagasaki Kunchi

Nagasaki Kunchi là lễ hội diễn ra hàng năm tại đền Suwa ở Nagasaki. Lễ hội diễn ra từ ngày 7 – 9 tháng 10 hàng năm và đã được chỉ định là di sản văn hoá dân tộc vô hình quan trọng quốc gia.

Lễ hội này có lịch sử 400 năm là điệu múa bởi 2 nữ giới tại ngôi đền Suwa. Nagasaki lúc bấy giờ là hải cảng được phép giao thương với nước ngoài duy nhất tại Nhật Bản. Chịu sự ảnh hưởng từ các nước có mối quan hệ giao thương với Nhật Bản lúc bấy giờ là Trung Quốc, Hà Lan, Bồ Đào Nha, lễ hội đã dần dần phát triển thành lễ hội náo nhiệt như ngày nay.

Điệu múa được biểu diễn tại lễ hội “Nagasaki Kunchi” sẽ do các khu phố thay nhau đảm nhận, nếu các bạn muốn xem lại cùng một điệu múa đó thì phải chờ đến 7 năm sau. Việc có thể xem những điệu múa khác nhau thay đổi theo từng năm cũng là một đặc trưng tại lễ hội Nagasaki Kunchi.

25. Lễ hội Nada Fighting

Diễn ra vào ngày 14 tháng 10 tại Hyogo. Lễ hội này diễn ra như sau: 1 chiếc kiệu hoa Danjiri xuất hiện cùng với một cái trống to. Người ta vừa đánh trống vừa tổ chức khiêng 3 bàn thờ nhỏ đến thánh đường. Những người đàn ông khênh 3 bàn thờ nhỏ này sẽ phải chạy và tông thẳng vào nhau. Người ta nghĩ rằng càng tông vào nhau nhiều thì thần linh sẽ càng vui và sẽ mang đến sự thịnh vượng cho thị trấn.

26. Lễ hội Shichi-go-san

Nếu đến thăm Nhật Bản vào giữa tháng 11, du khách sẽ có dịp ngắm nhìn những cô cậu bé dễ thương xúng xính trong bộ Kimono hay Hakama truyền thống.

Vào những ngày này, ông bà, bố mẹ, anh chị sẽ đưa những bé đến 3, 5, 7 tuổi mặc những bộ Kimono sặc sỡ tới các đền để cám ơn thần linh đã phù hộ cho chúng được khỏe mạnh và xin được chúc phúc. Khi tới thăm các ngôi đền, các bố các mẹ sẽ mua cho con mình kẹo 1000 năm (chitose-ame).

Kẹo có hình dáng như chiếc que với rất nhiều màu sắc phổ biến là trắng, hồng hoặc đỏ và được đựng trong một chiếc túi mang hình ảnh tượng trưng của loài sếu và rùa – hai loài động vật truyền thống, tượng trưng cho sức khỏe và cuộc sống lâu bền ở Nhật Bản. Kẹo và chiếc túi thể hiện niềm hi vọng của cha mẹ rằng con cái họ sẽ sống lâu và giàu có.

Shichi-go-san ngày nay có ý nghĩa đơn giản hơn, nhưng với các bậc cha mẹ Nhật Bản, đó luôn là một dịp lễ xúc động và hạnh phúc, khi được chứng kiến thêm một nghi thức nữa chứng tỏ đứa con yêu dấu của mình đã lớn khôn.

27. Lễ hội đêm Chichibu

Lễ hội đêm Chichibu tại thành phố Chichibu thuộc Tỉnh Saitama, diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 12. Đặc trưng của lễ hội là diễn ra vào mùa đông, sau thời gian diễn ra các lễ hội mùa hè náo nhiệt.

Đây là lễ hội có lịch sử 300 năm, đã được đăng ký di sản văn hoá vô hình của thế giới UNESCO và di sản văn hoá dân tộc vô hình quan trọng của quốc gia.

Tại Lễ hội đêm Chichibu có 2 loại xe kéo là Yatai và Kasaboko. 2 loại xe kéo này đều được trang trí bởi vô số đèn lồng được làm từ giấy, có thể ngồi được khoảng 10 người và có thể nhảy múa.

Mặc dù có tên là “Lễ hội đêm Chichibu” nhưng các du khách vẫn có thể xem lễ hội vào cả ban ngày. Tuy nhiên vào ban đêm thì người ta sẽ thắp sáng đèn lồng được treo trên xe kéo, không gian trở nên lộng lẫy hơn. Vào cuối lễ hội, xe kéo Yatai lấp lánh sẽ tập trung trên phố, pháo hoa được bắn lên bầu trời đêm.

28. Lễ hội Kasuga Wakamiya On

Kasuga Wakamiya On là lễ hội được tổ chức vào ngày 15 – 18/12, diễn ra tại Đền Kasuga, Nara. Lễ hội Kasuga Wakamiya On đã trở thành sự kiện quan trọng nhất tại Nara hàng năm với sự tham gia của hàng nghìn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới để tham dự các buổi lễ âm nhạc dân gian dành cho các vị thần. Với mục đích cầu mong cho mùa màng bội thu, không có dịch bệnh.

Điểm nhấn của lễ hội là vào ngày 17/12, còn được gọi là Hon-Matsuri, người ta biểu diễn âm nhạc và các điệu múa truyền thống, kết hợp với việc tái tạo cuộc sống ở đất nước Nhật Bản từ thời Heian đến thời Edo. Lễ hội được xem như một loại hình Di sản văn hóa dân ca của Chính phủ Nhật.

29. Lễ hội Ako Gishi-sai

Vào ngày 14/12 hàng năm, trên toàn đất nước Nhật Bản diễn ra lễ hội Ako Gishi-sai. Lễ hội được khởi xướng dựa trên một câu chuyện vô cùng nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản: “Có một nhóm gồm 47 Ronin (samurai thủ lĩnh) đã tự sát tập thể để thể hiện lòng trung thành với vị chủ tướng của mình”. Đây là một trong những câu chuyện mà người Nhật Bản yêu thích nhất và thường xuyên trở thành chủ đề cho các vở kịch, phim ảnh và các ca khúc. Đến tham dự lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào dòng người tham gia diễu hành: nam trong trang phục samurai và nữ trong trang phục Kimono truyền thống. Lễ hội Ako Gishi-sai thể hiện rõ nét nhất nền văn hóa Nhật Bản, là dịp du khách có thể tìm hiểu về văn hóa xứ mặt trời mọc.

30. Lễ hội Namahage

Lễ hội Namahage là lễ hội được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm tại bán đảo Peninsula, Akita. Người ta tin rằng, vị thần Namahage sẽ đến vào dịp lễ hội và mang lại sự may mắn cho mọi người. Người ta sẽ hóa trang thành vị thần này. Sau đó, họ sẽ tới gõ cửa từng nhà. Khi nghe tiếng gọi, gia chủ sẽ mở cửa, đón tiếp họ bằng bánh và rượu sake. Sau khi được mời, họ sẽ chúc cho gia chủ một năm mới an lành, một vụ mùa bội thu, một mẻ lưới đầy ắp và hứa sẽ ghé thăm lần nữa vào năm mới. Lễ hội này tạo nên một không gian văn hóa sinh động, góp phần bảo tồn những nét đẹp truyền thống của Nhật Bản.

Phong tục tương tự cũng được tổ chức ở các vùng lạnh hơn như tỉnh Aomori, tỉnh Iwate, tỉnh Niigata, tỉnh Ishikawa,… nhưng nổi tiếng nhất là “Namahage” ở tỉnh Akita.

31. Lễ hội Nakizumou

Lễ hội độc đáo này được tổ chức tại các ngôi đền trên khắp Nhật Bản. Những em bé sẽ được các võ sĩ sumo bế và dọa để khóc thét lên. Người Nhật tin rằng đứa trẻ khóc càng to càng gặp nhiều may mắn.

32. Lễ hội Onbashira

Cứ 7 năm một lần, người dân Suwa, tỉnh Nagano lại vào khu rừng gần đó và chọn 16 cây to để làm cột cho ngôi đền địa phương. Sau khi đốn hạ, họ thả cho các thân cây xuống một sườn núi dốc và những người đàn ông mặc lễ phục sẽ nhảy lên những thân cây đang trượt xuống. Thương tích là chuyện thường và đã từng có người thiệt mạng, nhưng truyền thống này vẫn tiếp diễn.

Các lễ hội truyền thống kể trên là một phần rất nhỏ trong những lễ hội văn hóa đặc sắc được diễn ra hàng năm tại “xứ sở Phù Tang”. Hi vọng với những thông tin chia sẻ trên, du khách có thể sắp xếp và lên cho mình một kế hoạch du lịch Nhật Bản hoàn hảo nhất. Chúc du khách có một chuyến đi vui vẻ và thú vị!