Nhật Bản được biết đến với nền văn hóa ẩm thực đa dạng, các món ăn được chế biến đơn giản nhưng lại mang hương vị riêng biệt. Nếu có cơ hội ghé thăm Nhật Bản bạn không thể bỏ qua 7 loại mì đặc sản của quốc gia này nhé.!
Mì Nhật Bản là cả một thế giới ẩm thực phong phú và đa dạng khiến nhiều người thích thú tìm hiểu. Với mỗi phong cách chế biến, mì sẽ mang những tên gọi khác nhau. Điều này đôi khi khiến cho thực khách không khỏi bối rối khi lựa chọn loại mì để thưởng thức. Hãy cùng tìm hiểu 7 loại mì Nhật phổ biến ở đất nước mặt trời mọc và cách “nhận diện” ẩm thực Nhật Bản chuẩn xác qua bài viết này nhé!
1. Ramen
Loại mì được giới thiệu đầu tiên trong danh sách này phải nhắc đến là mì ramen. Ramen là món mì nổi tiếng của đất nước mặt trời mọc được thực khách trên toàn thế giới yêu thích và quan tâm tìm hiểu. Mì ramen bắt đầu phổ biến kể từ năm 1910 khi nhà hàng Rairaten bắt đầu bán món này cho tầng lớp lao động. Kể từ đó, có nhiều phiên bản ramen khác nhau được tạo ra ở những vùng khác nhau tùy vào khẩu vị địa phương. Ramen được làm từ lúa mì, trông khá giống với mì Ramyeon ở Hàn Quốc. Bạn có thể nhận biết Ramen thông qua một số đặc điểm nhận dạng như sợi mì khá mảnh, có độ xoăn nhẹ, màu vàng, hơi dai. Người Nhật thường dùng món mì Ramen này kèm với súp hoặc nước lèo nóng.

Mì Ramen Nhật Bản
2. Udon
Theo nhiều tài liệu, loại mì này có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Hoa và được du nhập vào xứ sở hoa anh đào từ những năm thế kỷ VIII. Đây là loại mì được làm từ bột lúa mì, sợi khá dày, dày nhất trong số các loại mì phổ biến ở Nhật Bản. Sợi mì Udon thông thường có màu trắng, đường kính khoảng 1cm, được dùng kèm với các loại nước dùng nấu từ các loại thịt. Mọi người thường ăn mì udon với nước dùng là nước tương có màu đậm trong khi phía đông Nhật Bản ưa chuộng màu nước tương nhạt hơn. Những topping thường được ăn kèm cả hai vùng thường có như kamaboko (chả cá Nhật Bản), tempura (rau củ hoặc hải sản chiên giòn) và hành lá.

Mì Udon Nhật Bản
Giống như ramen, udon cũng có nhiều phiên bản khác nhau nhưng bạn không nên bỏ qua nơi thưởng thức udon ngon nhất ở Kagawa, vốn được mệnh danh là “tỉnh Udon”. Sanuki udon là tên gọi ở đây với sự tăng độ dày và dai.
3. Soba
Mì kiều mạch có hương vị thơm ngon hấp dẫn. Chúng có chứa Vitamin B và ít chất béo, rất phù hợp cho chế độ ăn uống lành mạnh.
Vẻ ngoài của mì khá giống với miến hay mì làm từ gạo lứt, có màu xám hoặc nâu đậm, sợi mảnh và dai là những đặc điểm giúp bạn nhận dạng được Soba. Đây cũng là món ăn truyền thống được ưa chuộng ở Nhật Bản, mọi người hay ăn toshikoshi soba như một phong tục truyền thống.Sợi mì soba hơi giòn nên khi bạn cắn vào sẽ rất dễ đứt. Điều này tượng trưng cho việc cắt đứt những điều không may năm cũ trước khi bước qua một năm mới.

Mì Soba Nhật Bản
Soba cũng có nhiều vị khác nhau như “cha soba” (vị trà xanh), “hegi soba” (vị rong biển), “jinenjo soba” (vị khoai mỡ).
Bạn có thể thưởng thức soba cả khi nóng và lạnh. Với soba lạnh, một trong những món soba nổi tiếng nhất là “wanko soba” đến từ Iwate. Bạn sẽ được đưa một khay với nhiều chén mì soba lạnh nhỏ và thử thách là bạn phải hoàn thành càng nhiều càng tốt. Thông thường, phụ nữ sẽ có thể ăn 40 chén, trong khi đàn ông có thể lên tới 70 chén.
4. Hiyashi Chuka

Hiyashi Chuka
Nhật Bản vào mùa hè cực kỳ nóng ẩm. Nếu bạn sẽ tìm đến những biện pháp tránh nóng, bạn có thể thử “hiyashi chuka”, một loại mì lạnh Trung Hoa được ăn cùng với sốt miso mè mặn. Một số người cho rằng món mì này xuất phát từ một nhà hàng ở Trung Quốc được du nhập vào Nhật Bản bởi hương vị mới lạ, màu sắc bắt mắt đã thu hút dân bản địa và du khách ghé đến ưa chuộng.
5. Somen

Somen
Bên cạnh mì hiyashi chuka, một loại mì khác thơm ngon không kém đó chính là “somen”. Món mì này chỉ dành cho những người giàu có vào những dịp đặc biệt trong thời kỳ Kamakura (1185 – 1333). Những ngôi chùa Phật giáo bắt đầu phục vụ món này như một bữa ăn nhẹ suốt thời kỳ Muromachi (1336 – 1573). Điều này đã giúp cho tầng lớp lao động được tiếp xúc với món ăn này và trở thành món mì mùa hè của Nhật Bản ngày nay.
Mì somen thường được đựng trong tô với nước lạnh và những viên đá để duy trì kết cấu mịn và mượt của chúng. Chúng cũng được phủ một lớp dầu mỏng. Khi ăn, bạn nhúng mì vào nước tương và húp.
Để tăng thêm yếu tố vui nhộn, người Nhật đã tạo ra “nagashi somen”. Mì somen được đặt vào một ống tre và chạy dọc theo nước lạnh. Bạn phải dùng đũa để bắt lấy những sợi mì ngay khi bạn vừa thấy chúng.
Okinawa sẽ hơi khác với phần còn lại của Nhật Bản với việc thưởng thức somen ấm. Nếu có bạn dịp đến đây, bạn có thể thử “somen champuru”, phần mì somen xào với đậu phụ và rau củ được cắt vừa miệng.
6. Shirataki

Shirataki
Shirataki là các loại mì Nhật Bản được sử dụng phổ biến, được làm từ bột Konjac (củ khoai nưa). Củ khoai nưa trong suốt, khi ăn hơi dai giống thạch rau câu vì vậy sử dụng bột khoai nưa làm nên sợi mì Shirataki cũng trong suốt đẹp mắt, cuốn hút người ăn. Người Nhật thường dùng loại mì này dùng ăn kèm với các món lẩu nổi tiếng như Sukiyaki, Oden,…
7. Yakisoba
Ít ai biết được rằng Yakisoba được chế biến bằng sợi mì Ramen chiên kèm với thịt lợn, các loại rau (thường là bắp cải, hành tây, cà rốt), xốt Yakisoba, gia vị (muối, tiêu xay). Ngoài ra, chế biến mì Yakisoba, người Nhật còn sử dụng thêm một số loại nguyên liệu khác như bột rong biển, gừng ngâm, vảy cá, mayonnaise.

Yakisoba
Trên đây là một số đặc điểm nhận dạng 7 loại mì Nhật Bản phổ biến. Hi vọng, thông qua những thông tin trên, bạn có thể hiểu biết thêm về mì, văn hóa ăn mì nói riêng và ẩm thực Nhật Bản nói chung. Mì là một trong những món ăn được yêu thích nhất ở Nhật Bản và có đa dạng các loại khác nhau, cách ăn khác nhau tùy từng vùng miền và mùa. Nếu có dịp đến Nhật Bản, việc tìm hiểu đất nước xinh đẹp này có thể là từ các món mì trứ danh của đất nước mặt trời mọc.