Văn hóa võ thuật Nhật Bản rất phong phú với nhiều bộ môn khác nhau và được hình thành qua nhiều thập kỷ và truyền lại cho các thế hệ cùng với các bộ môn võ thuật hiện đại phát triển theo hơi thở của thời đại.
Các môn võ thuật của Nhật Bản ngày nay đang phát triển và được biết đến như các loại hình thể thao. Tuy nhiên các môn võ này thực chất được hình thành từ các kỹ thuật võ truyền thống của Nhật Bản. Trong lịch sử các kỹ thuật này còn được dùng trong các trận chiến. Sau chiến tranh, các môn võ thuật này đang dần dần chuyển thành các bộ môn thể thao không chỉ để rèn luyện cơ bắp mà còn là một cách tu dưỡng tinh thần của con người xứ Phù Tang.
Tên gọi chung của các loại hình võ thuật này là budo và trong đó được chia thành 9 bộ môn khác nhau. Tại kỳ này, hãy cùng Locobee tìm hiểu về 6 loại hình được biết đến nhiều nhất nhé.
1. Judo

Đây là bộ môn võ thuật được học bởi nhiều người nước ngoài nhất. Tại thời chiến khi chưa có vũ khí, đây là các đường võ nhằm vô hiệu hoá sức mạnh của đối phương. Trọng tâm của mình không được di chuyển, lợi dụng sức mạnh của đối phương để áp đảo đối phương. Bằng cách làm thay đổi trọng tâm của đối thủ một cách khéo léo, dù cho có sự chênh lệch về thân hình đi chăng nữa thì việc một võ sinh có thân hình bé hơn cũng hoàn toàn có thể thành người chiến thắng trong bộ môn võ này.
2. Karatedo

Karate là một trong những môn võ thuật tiêu biểu của Nhật Bản. Được thành lập bởi những người nhà Đường đầu tiên đặt chân lên Okinawa nên Karate có sự kết hợp tinh túy của võ thuật cổ truyền Okinawa và võ thuật Trung Hoa. Khi Okinawa trở thành một tỉnh của Nhật Bản, Karate cũng dần được “Nhật Bản” hóa.
Nhưng người có công rất lớn trong việc phổ biến Karate tại Nhật Bản là Funakoshi Gichin (1868 – 1957). Ông đã sáng lập ra môn phái Shotokan – phái karate hùng mạnh và nổi tiếng nhất trên thế giới. Ngoài ra, cái tên “karate” ngày xưa được viết là唐手(“Đường Thủ” nghĩa là các môn võ thuật có nguồn gốc từ Trung Hoa). Nhưng được Funakoshi thay thế thành một từ khác có cùng cách phát âm là空手 (“Không Thủ” nghĩa là tay không). Vì ông muốn nhấn mạnh đến môn võ chú trọng sức mạnh nội tại của con người hơn là sử dụng vũ khí.
Karate có các đòn đặc trưng như đá, đấm, cú đánh cùi chỏ, đầu gối, cú đấm móc, đấm đá liên hoàn, sử dụng các kỹ thuật đánh bằng bàn tay mở, các đòn khóa, né, chặn, quật ngã và các kỹ thuật đánh vào chỗ hiểm. Tuy nhiên ông tổ của karate hiện đại thì cho rằng mục đích tối thượng của karate không nằm ở thắng thua mà là sự hoàn thiện nhân cách của những người luyện tập.
3. Sumo

Trong các môn võ được thi đấu quốc gia thì Sumo là bộ môn có từ rất lâu đời. Trên một sân đấu có hình tròn gọi là “dohyo” sẽ có hai lực sĩ cùng thi đấu để phân chia thắng bại. Luật của nó khá là đơn giản, đó chính là nếu như một võ sĩ bị ngã hoặc bị đi ra ngoài khỏi vòng tròn của đấu trường thì võ sĩ đó sẽ thua. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi rất nhiều các kỹ năng và hết sức cẩn trọng. Chính vì thế xem đấu sumo là một trong những sở thích của không ít người Nhật.
4. Kendo

Kiếm đạo (tiếng Nhật là Kendo) – một môn võ thuật rèn luyện cốt cách của người dùng kiếm. Nó kế thừa các kỹ thuật truyền thống của kiếm sĩ Nhật Bản và phát triển thành môn võ đánh kiếm hiện đại.
Một đặc trưng của Kiếm đạo so với các môn võ khác là ngoài kỹ thuật, nó còn sử dụng tiếng thét để áp đảo tinh thần đối phương, nâng cao chí khí bản thân. Đồng thời khi di chuyển, kiếm sĩ cũng sử dụng các bước dậm chân để tăng sức mạnh của đòn đánh. Đây cũng là môn võ nguy hiểm khi các đòn đánh của Kiếm đạo chỉ nhắm đến chỗ hiểm trên cơ thể là đỉnh đầu, cổ tay, cổ họng, hông giữa xương sườn và xương chậu. Vì vậy đòn của Kiếm đạo thường là “nhất chiêu tất sát” – trúng một chiêu, hồn về cực lạc.
Do đó võ phục của Kiếm đạo có bộ giáp bảo vệ cơ thể: mũ trùm đầu bằng kim loại, có lưới sắt che mặt và cổ; bao tay dài, độn dày để bảo vệ bàn tay và khuỷu tay; y phục bằng vải đệm có lót bông; áo che ngực đan bằng tre có phủ lớp da bên ngoài.
Nhưng mục đích rèn luyện của Kiếm đạo hiện nay chủ yếu là để tu dưỡng tinh thần, rèn luyện trí óc, đề cao sự tôn trọng giữa người với người.
5. Aikido

Đây là bộ môn không đánh bại đối thủ bằng đao hay bằng các đòn kỹ thuật mà sử dụng Khí (気) để chiến đấu. Chính vì vậy đặc trưng của nó là không phải ra đòn mà là ở tư thế tiếp đòn. Đây là bộ môn mà ngay cả người không có nhiều sức hoàn toàn cũng có thế cướp được sự tự do của người có nhiều sức. Chính vì vậy đây không chỉ là phương pháp để rèn luyện thân thể mà còn là kỹ thuật để tự vệ. Đây cũng chính là lý do mà bộ môn này được rất nhiều nữ giới theo học. Trong các bộ môn võ thuật truyền thống thì có thể nói đây là môn mà hầu hết các độ tuổi và giới tính đều có thể luyện tập.
6. Kyudo

Cung đạo (tiếng Nhật là Kyudo) – tinh hoa trong võ thuật Nhật Bản. Đây là môn võ sử dụng cung tên làm vũ khí với mục đích bắn trúng mục tiêu phía trước. Cung đạo là kỹ năng được các samurai chú trọng trong chiến tranh thời phong kiến khi có thể tấn công địch từ xa. Nó bị thoái trào khi súng cầm tay xuất hiện và bây giờ đã được khôi phục, trở thành môn thể thao chính thức có hệ thống và quy củ.
Cung đạo Nhật Bản không chỉ rèn thể lực mà còn luyện tinh thần của người tập. Với người mới bắt đầu, họ không tập kỹ thuật ngay mà sẽ có khoảng thời gian ngắn để học các lễ nghi cơ bản trong Cung đạo như cách đi, đứng, ngồi, chào… Sau đó, người tập mới đến giai đoạn học kỹ thuật bắn mang tên Hassetsu (Bắn cung tám bước). Cung, tên đều là vũ khí có mức sát thương cao nên luôn có người hướng dẫn bên cạnh người mới tập đế tránh xảy ra thương tích.
Để có thể bắn “bách phát bách trúng” thì người tập cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa thể lực và tinh thần. Một lần bắn thành công không chỉ là mũi tên cắm chính xác mục tiêu mà tư thế, động tác cũng phải chính xác. Bước đi nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, chậm rãi mà duyên dáng, kết hợp với Cung đạo tạo nên một hình thể đẹp đến mức người xem không thể rời mắt. Như vậy, mục tiêu cao nhất của Cung đạo chính là hướng đến “Chân – Thiện – Mỹ”.
Trên đây là 6 trong số những bộ môn võ thuật truyền thống của Nhật Bản. Nếu có cơ hội hãy lựa chọn cho mình một bộ môn phù hợp để theo học hoặc đơn giản chỉ là tìm hiểu sâu hơn về nó nếu như bạn thực sự yêu thích.