5 MÓN ĂN TRUYỀN THỐNG CỦA NHẬT BẢN TRONG DỊP TẾT CỔ TRUYỀN

Sự phát triển kinh tế cùng quá trình hội nhập cùng với ảnh hưởng của phương Tây, đến năm 1873, Nhật Bản đã chuyển sang ăn Tết theo lịch dương. Tuy vậy các phong tục, nghi thức và đặc biệt là các món ăn ngày Tết của Nhật Bản vẫn giữ nguyên được bản sắc vốn có ban đầu của nó. 

1. OZONI

Ozoni là tên gọi của món canh mà người Nhật thường ăn vào ngày đầu năm mới. Nguyên liệu để nấu món canh này khác nhau tùy theo từng vùng. Ngay cả trong cùng một vùng thì cách nấu của mỗi gia đình nhiều khi cũng khác nhau. Dù vậy, những nguyên liệu có thể nói là không thể thiếu trong món canh này là: Omochi, đậu hủ, khoai, thịt gà, rau xanh, và các loại rau củ màu sắc khác. Trong đó Omochi là một loại được làm từ bột nếp, màu trắng, dẻo, dai, giống như bánh dày của Việt Nam vậy. Người Nhật cực kỳ yêu thích Omochi nên ở Nhật người ta nghĩ ra rất nhiều món có Omochi trong đó. Loại Omochi thường được dùng trong món canh này là Kirimochi, tức là Omochi được cắt sẵn thành từng miếng mỏng, chỉ cần nướng qua rồi bỏ vào chén canh Ozoni mà thôi. Các nguyên liệu khác như đậu hủ, khoai, rau củ thì có thể dùng bất kỳ loại nào, tùy theo sở thích của mỗi gia đình.

Người ta cho thấy rằng nguồn gốc của món Ozoni xuất hiện từ thời đại Samurai. Nó được cho là món ăn được nấu và dùng trong suốt các trận chiến, luộc với mochi, rau và các loại thực phẩm khô và một số thành phần khác. Món ăn nguyên gốc này lúc đầu được cho là chỉ dành cho Samurai, nhưng trở về sau trở thành món ăn chủ yếu dành cho người dân thường. Các thói quen ăn Ozoni vào ngày đầu năm mới kéo dài đến cuối thời Muromachi (1336-1573). Các món ăn được dâng lên các vị thần trong một buổi lễ vào đêm giao thừa năm mới.

2. TOSHIKOSHI SOBA

Vào đầu năm mới, người dân Nhật Bản không thể bỏ qua món Toshikoshi Soba (mì trường thọ). Toshikoshi Soba có nguồn gốc từ thời Edo.

Người ta tin rằng khi thưởng thức món mì này, con người sẽ sống lâu, trường thọ như những sợi mì dai. Mặt khác, Toshikoshi Soba có sợi mì dễ đứt hơn so với các món mì cùng loại nên mang ý nghĩa cắt đứt vận hạn xấu của năm cũ.

Thông thường, người ta sẽ thưởng thức mì với Tempura tôm, cá trích hoặc tàu hủ chiên tùy theo khẩu vị và phong tục của từng vùng.

3. NANAKUSAGAYU

Nanakusagayu chính xác là món cháo thất thái – một món ăn đậm chất văn hóa Nhật Bản truyền thống với 7 loại rau khác nhau, chúng được mệnh danh là thảo dược mùa xuân với Seri (cần ta), Nazuna (câu rau tế), Gogyo và Hotokezona (cải cúc Nhật), Hakobera (cây tinh thảo), Suzuna (củ cải tròn). Tất cả chúng mang biểu tượng của mùa xuân và rất dễ thưởng thức. Người Nhật Bản đã phổ nhạc chúng thành một bài hát để dễ nhớ.

4. BÁNH KAGAMI MOCHI

Trong bữa ăn đầu tiên chào năm mới, người Nhật không thể thiếu chiếc bánh Kagami Mochi. Trong tín ngưỡng và văn hóa của người Nhật, Kagami Mochi được coi là vật liên kết giữa con người với các thần linh. Người Nhật tin rằng, chỉ cần mọi người cùng nhau chia sẻ và ăn Kagami Mochi, các thần linh sẽ ban phước cho họ một năm mưa thuận gió hòa và ngập tràn may mắn. Do đó, Kagami Mochi là những chiếc bánh dày rất quý, là vật dâng cúng thần linh.

Kagami Mochi có hình dáng của những chiếc bánh dày xếp chồng lên nhau. Hình dạng tròn của chiếc bánh giống với hình dạng của chiếc gương đồng thời xưa, nên mới có tên là Kagami Mochi. Mà người Nhật xưa thì cho rằng: Gương là nơi trú ngụ của các vị thần. Ngoài ra, hình dạng tròn của bánh Kagami Mochi tượng trưng cho cuộc sống gia đình sung túc, viên mãn. Và hình ảnh xếp chồng lên nhau thể hiện niềm vui, may mắn “chồng chất” – “ niềm vui nối tiếp niềm vui”.

Trong ngày lễ đón năm mới của người Nhật Bản, du khách sẽ thấy có rất nhiều bánh Kagami Mochi. Người dân trang trí Kagami Mochi thật đẹp thể hiện lòng biết ơn với các đấng thần linh vì đã ban cho họ một năm bình an. Đây là nét đẹp phong tục đã ăn sâu trong tiềm thức người dân Nhật Bản. Và ngày 11/1 được coi là ngày “Kagamihaki”- ngày khai bánh, ăn bánh Kagami Mochi. Trong ngày khai bánh, người ta chia nhỏ Kagami Mochi, và ăn cùng món soup ấm hoặc các món ninh, kho. Thói quen này xuất phát từ giới võ gia tại Nhật, nhưng nhanh chóng lan rộng ra giới thương nhân – những người mong muốn việc kinh doanh gặp nhiều may mắn, và sau đó phổ biến ra khắp các tầng lớp người Nhật. Mọi người trong gia đình Nhật đều thích ăn Kagami Mochi, không chỉ để cầu chúc cho một năm sức khỏe và tràn đầy may mắn mà những người ăn bánh còn được thần linh ban cho sức khỏe.

5. OSECHI RYORI

Osechi Ryori là những món ăn tết truyền thống đặc biệt hầu như chỉ được nấu vào ngày tết Nguyên Đán Nhật Bản, truyền thống này đã có từ thời kỳ Heian (794-1185). Những món ăn có đầy đủ màu sắc khác nhau, chỉ nhìn thôi đã thấy đẹp mắt, sau khi nấu xong Osechi đẽ được đựng trong các hộp đặc biệt gọi là “Jubako”, giống như hộp bento. Mỗi món ăn đều mang những ý nghĩa, thông điệp khác nhau để chào đón năm mới tới.


Còn có một ý nghĩa sâu xa hơn cho hộp những món ăn tết Osechi Ryori, đó là những món ăn này thường có thể bảo quản và sử dụng dần trong vòng 3 ngày năm mới, giúp cho những người nội trợ trong gia đình đỡ mệt hơn khi liên tục phải chuẩn bị những món ăn cầu kì và số lượng món khá nhiều, không bị phụ thuộc vào những cửa tiệm, nhà hàng trên khắp nước Nhật Bản đã đóng cửa nghỉ tết. Các thực phẩm, nguyên liệu để làm hộp đồ tết Osechi có thể được chuẩn bị sẵn trước đêm giao thừa, có nghĩa là trước thời khắc chuyển giao năm mới, sau đó để ở nơi thoáng mát trong vòng vài ngày không bị hư hỏng. Một phần truyền thống nấu Osechi trước với số lượng nhiều đủ dùng trong 3 ngày tết bắt nguồn từ quan niệm rằng, các vị Thần linh dịp tết đến cũng sẽ ghé thăm gian bếp của mỗi gia đình, vì vậy có phong tục kiêng không nấu nướng trong vòng 3 ngày từ mùng 1 đến 3/1 đầu tiên của năm mới.

Một số món có trong Osechi Ryori: Kobumaki (Rong biển cuộn), Ebinosaka Mushi (Tôm hấp rượu sake), Kazunoko (Cá trích), Nimono, Namasu, Tazukuri, Kinpira Gobo, Kuromame (Đậu đen bung), Kurikinton, Datemaki, Tai-no Shioyaki (Cá biển nướng), Kamaboko trắng hồng.

Trên đây là một số món ăn truyền thống của người Nhật vào dịp năm mới. Các món ăn này có ý nghĩa tốt cho sức khỏe và mang lại may mắn trong những ngày đầu năm nên dù đã trải qua một khoảng thời gian dài nhưng vẫn được người Nhật lưu giữ và nâng niu cho đến tận ngày hôm nay. Du khách hãy đồng hành cùng chúng tôi trong tour du lịch Nhật Bản để được một lần đón tết ở đây và cùng người dân thưởng thức những món ăn truyền thống nhé!